Chuẩn CAR của ngân hàng Việt đã tiếp cận Basel II?


https://nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn/ngan-hang/chuan-car-cua-ngan-hang-viet-da-tiep-can-basel-ii-2242927.html


Chuẩn CAR của ngân hàng Việt đã tiếp cận Basel II?


BizLIVE - Theo Ngân hàng thanh toán Quốc tế, CAR tăng từ 7% lên 8% thì xác suất trung bình xảy ra khủng hoảng ngân hàng giảm đi khoảng 25-30%.
Chuẩn CAR của ngân hàng Việt đã tiếp cận Basel II?
Ảnh minh họa
Basel là gì?
Hiệp ước vốn Basel I, II là những quy định về hệ thống đo lường vốn được Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng (Basel Committee on Banking Supervision - BCBS) gồm 10 nước phát triển (G10) ban hành.
BCBS ra đời năm 1974 nhằm ngăn chặn sự đổ vỡ của các ngân hàng vào thập kỷ 80. Hội đồng thư ký của Ủy ban Basel được đề xuất bởi Ngân hàng Thanh toán Quốc tế ở Basel (Thụy Sỹ), gồm 15 thành viên là những nhà giám sát hoạt động ngân hàng chuyên nghiệp được biệt phái tạm thời từ các tổ chức tín dụng tài chính thành viên.
Đến năm 1988, Basel I ra đời (hiệu lực 1992) cung cấp khung đo lường rủi ro tín dụng với tiêu chuẩn vốn tối thiểu là 8%.
Theo Basel I, công thức tính tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) = Vốn bắt buộc/Tài sản tính theo độ rủi ro gia quyền (RWA).
Trong đó, vốn cấp 1 > vốn cấp 2 + vốn cấp 3.
Vốn cấp 1 là lượng vốn dự trữ sẵn có và các nguồn dự phòng được công bố, như là khoản dự phòng cho các khoản vay, bao gồm: Vốn chủ sở hữu vĩnh viễn; Dự trữ công bố (Lợi nhuận giữ lại); Lợi ích thiểu số (minority interest) tại các công ty con, có hợp nhất báo cáo tài chính; Lợi thế kinh doanh (goodwill).
Vốn cấp 2 (Vốn bổ sung) gồm: Lợi nhuận giữ lại không công bố; Dự phòng đánh giá lại tài sản; Dự phòng chung/dự phòng thất thu nợ chung; Công cụ vốn hỗn hợp; Vay với thời hạn ưu đãi; Đầu tư vào các công ty con tài chính và các tổ chức tài chính khác.
Vốn Cấp 3 (Dành cho rủi ro thị trường) = Vay ngắn hạn.
Vốn tính theo rủi ro gia quyền: RWA = Tổng (Tài sản x Mức rủi ro phân định cho từng tài sản trong bảng cân đối kế toán) + Tổng (Nợ tương đương x Mức rủi ro ngoại bảng).
Basel I đưa ra trọng số rủi ro gồm 4 mức: quốc gia 0%; ngân hàng 20%; doanh nghiệp 100%... Trọng số rủi ro không phản ánh độ nhạy cảm rủi ro trong mỗi loại này.
Theo đó, ngân hàng có mức vốn tốt là ngân hàng có CAR > 10%, có mức vốn thích hợp khi CAR > 8%, thiếu vốn khi CAR < 8%, thiếu vốn rõ rệt khi CAR < 6% và thiếu vốn trầm trọng khi CAR < 2%.
Ngày 26/6/2004, Basel II ra đời nhằm lành mạnh hơn kỷ luật thị trường tài chính (hiệu lực 2007), với 3 trụ cột chính: Yêu cầu vốn tối thiểu dựa trên Basel I; Xem xét giám sát quá trình đánh giá nội bộ và sự đủ vốn của các tổ chức tài chính; Sử dụng hiệu quả công bố thông tin nhằm lành mạnh kỷ luật thị trường.
Trụ cột thứ I: Liên quan đến tỷ lệ vốn bắt buộc tối thiểu (CAR) vẫn là 8% của tổng tài sản có rủi ro như Basel I, nhưng rủi ro được tính toán theo ba yếu tố chính mà ngân hàng phải đối mặt: rủi ro tín dụng, rủi ro vận hành (hay rủi ro hoạt động) và rủi ro thị trường. Trọng số rủi ro của Basel II bao gồm nhiều mức (từ 0%-150% hoặc hơn) và rất nhạy cảm với xếp hạng.
Trụ cột thứ II: Liên quan tới việc hoạch định chính sách ngân hàng. Trụ cột này cung cấp một khung giải pháp cho các rủi ro mà ngân hàng đối mặt, như rủi ro hệ thống, rủi ro chiến lược, rủi ro danh tiếng, rủi ro thanh khoản và rủi ro pháp lý, mà hiệp ước tổng hợp lại dưới cái tên rủi ro còn lại (residual risk).
Trụ cột thứ III: Các ngân hàng cần phải công khai thông tin một cách thích đáng theo nguyên tắc thị trường. Basel II đưa ra một danh sách các yêu cầu buộc các ngân hàng phải công khai thông tin, từ những thông tin về cơ cấu vốn, mức độ đầy đủ vốn đến những thông tin liên quan đến mức độ nhạy cảm của ngân hàng với rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường, rủi ro vận hành và quy trình đánh giá của ngân hàng đối với từng loại rủi ro này.
CAR tăng, ngân hàng “khát vốn”
Tại Việt Nam, năm 1999, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định 297 quy định CAR là 8% nhưng chưa theo tinh thần của Basel I và đến năm 2005 ban hành quy định 457 về CAR bám sát Basel I.
Đến năm 2010, khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 13, nâng CAR lên 9% nhưng phải đến Thông tư 36 ban hành tháng 11/2014 thì phương pháp tính CAR mới tiếp cận dần đến chuẩn Basel II, tạo lập chuẩn mực mới về quản trị; giới hạn góp vốn mua cổ phần; tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi; tỷ lệ khả năng chi trả…
Mới đây, Thông tư 06 tiếp tục ra đời và có hiệu lực từ 01/7/2016 nhằm chỉnh sửa, bổ sung Thông tư 36 khiến cho hệ số CAR của các ngân hàng thương mại Việt Nam tiến gần tới chuẩn mực thế giới hơn.
Theo công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), cách tính tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của Basel II yêu cầu cao hơn. Ở Việt Nam, cách tính CAR hiện nay là Vốn tự có/Tài sản rủi ro. Nhưng với Basel II, CAR là Vốn tự có/Tài sản rủi ro +12,5 *(COP + CMR).
Trong đó, tài sản rủi ro là tài sản có rủi ro tín dụng * Hệ số rủi ro. COP là yêu cầu vốn đối với rủi ro hoạt động. CMR là yêu cầu vốn đối với rủi ro thị trường.
Một áp lực trong việc áp dụng Basel II, đó là tăng vốn đối với các ngân hàng để cải thiện hệ số CAR, đáp ứng yêu cầu vốn đối với rủi ro hoạt động và rủi ro thị trường. Do đó, câu chuyện hiển nhiên và nóng bỏng hiện nay của các ngân hàng Việt là “khát vốn”, đặc biệt là các ngân hàng thương mại cổ phần có vốn Nhà nước chi phối khi CAR về mức 9,4% (theo báo cáo phân tích của Trung tâm nghiên cứu BIDV tháng 6/2016). Mức CAR này cũng thấp hơn bình quân của ASEAN là 10,3%.
Theo biểu đồ, CAR của 10 ngân hàng tính đến cuối năm 2015 chỉ có 5/10 ngân hàng cao hơn mức CAR bình quân ngành là 12,06%. Các ngân hàng còn phải mướt mồ hôi tăng vốn để nâng CAR.
Điều này cũng dễ hiểu khi các ngân hàng này đang cuống cuồng gọi vốn khi đề xuất nới room cho nhà đầu tư nước ngoài lên mức 35% và 40% của Vietcombank và Vietinbank từ năm 2015 để tăng năng lực vốn.
LINH LAN















Comments

Popular posts from this blog

Học việc, thử việc tại ngân hàng: Cuộc sống muôn màu

Xin hỏi định nghĩa về thoái thu và thoái chi??