Tổng quan pháp luật về quyền xử lý tài sản bảo đảm của TCTD

thoibaonganhang.vn

Tín dụng ngân hàng luôn là một kênh cung cấp nguồn vốn tín dụng quan trọng cho DN và nền kinh tế. Do đó, việc đảm bảo các giải pháp tăng cường hiệu quả của các nguồn vốn tín dụng ngân hàng là rất cần thiết. 

Đối với hoạt động tín dụng ngân hàng, việc bảo đảm nghĩa vụ trả nợ bằng tài sản bảo đảm (TSBĐ) là một biện pháp quan trọng để giảm thiểu rủi ro cho ngân hàng, đảm bảo cho ngân hàng có thể thu hồi một phần hoặc toàn bộ gốc và lãi khi khách hàng không trả được nợ, hạn chế thấp nhất nợ xấu, đảm bảo vốn tiếp tục quay vòng trong nền kinh tế.

Để sử dụng biện pháp bảo đảm bằng tài sản hiệu quả, quyền xử lý TSBĐ của TCTD với vai trò là bên nhận thế chấp đồng thời là bên cho vay là một trong những quyền năng cần được pháp luật ghi nhận và quy định một cách rõ ràng, đầy đủ, và phải đảm bảo quyền này có thể thực hiện trên thực tế.

Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin được trình bày tổng quan về quyền xử lý TSBĐ của TCTD dưới khía cạnh pháp lý, trong đó tập trung vào thực trạng pháp luật về quyền xử lý TSBĐ của TCTD, đưa ra một số đánh giá và kiến nghị xử lý các bất cập để góp phần hỗ trợ TCTD thực thi quyền xử lý TSBĐ một cách hiệu quả.

1. Thực trạng pháp luật về quyền xử lý TSBĐ của TCTD qua các thời kỳ

1.1. Các mốc thời gian có sự thay đổi lớn về quyền xử lý TSBĐ của TCTD

1.1.1. Từ năm 1999 đến trước khi Nghị định 163/2006/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm được ban hành (trước ngày 29/12/2006), pháp luật về giao dịch bảo đảm được chia làm hai nhóm:

(i) Quy định về giao dịch bảo đảm áp dụng cho các tổ chức, cá nhân không phải là các TCTD (Nghị định 165/1999/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm ngày 19/11/1999);

(ii) Quy định về bảo đảm tiền vay của TCTD (Nghị định 178/1999/NĐ-CP, Nghị định 85/2002/NĐ-CP). Đồng thời, việc xử lý TSBĐ để thu hồi nợ vay của TCTD được hướng dẫn cụ thể tại Thông tư liên tịch 03/2001/TTLT/NHNN-BTP-BCA-BTC-TCĐC ngày 28/4/2001 giữa Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Tài chính và Tổng cục địa chính và Thông tư liên tịch 02/2002/TTLT-NHNN-BTP ngày 05/02/2002 giữa Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện Quyết định số 149/2001/QĐ-TTg ngày 05/10/2001 của Thủ tướng Chính phủ về thủ tục bán tài sản bảo đảm, công chứng, chứng thực văn bản bán tài sản và giao tài sản cho các ngân hàng thương mại theo bản án, quyết định của tòa án.

Như vậy, ở giai đoạn này, do tính chất đặc thù của hoạt động cho vay của các TCTD, pháp luật có các quy định riêng để TCTD có thể thực thi quyền năng của bên nhận bảo đảm một cách hiệu quả.

1.1.2. Ngày 29/12/2006, Nghị định 163/2006/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm được ban hành đã thay thế 165/1999/NĐ-CP và Nghị định 178/1999/NĐ-CP, Nghị định 85/2002/NĐ-CP.

Như vậy, giai đoạn này, hệ thống pháp luật đã thống nhất điều chỉnh chung quan hệ giao dịch bảo đảm của mọi chủ thể. Vì vậy, quyền xử lý TSBĐ, sự hỗ trợ của cơ quan công quyền trong hoạt động xử lý TSBĐ của TCTD và các chủ thể nhận thế chấp khác là giống nhau.

1.1.3. Quá trình triển khai thực hiện Nghị định 163 cho thấy một số bất cập nảy sinh ảnh hưởng đến quyền xử lý tài sản bảo đảm của TCTD, vì vậy, ngày 22/02/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định 11/2012/NĐ-CP trong đó, sửa đổi, bổ sung nhiều quy định về xử lý TSBĐ. Tiếp đó để hướng dẫn chi tiết việc xử lý tài sản bảo của bên nhận thế chấp, ngày 06/06/2014, Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp ban hành Thông tư liên tịch số 16/2014/TTLT/BTP-BTNMT-NHNN.

Đây là giai đoạn các quy định pháp luật về giao dịch bảo đảm được ban hành khá đầy đủ, gồm cả các hướng dẫn chi tiết về xử lý tài sản bảo đảm.

1.1.4. Bộ luật Dân sự 2015 sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2017. Theo đó, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định mới về giao dịch bảo đảm thay thế Nghị định 163, Nghị định 11, Thông tư liên tịch số 16.

1.2. Về cơ chế xử lý TSBĐ theo pháp luật hiện hành

Thứ nhất, về quyền xử lý tài sản bảo đảm, Nghị định 163 (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 11/2012/NĐ-CP) quy định rõ người xử lý tài sản bảo đảm là bên nhận bảo đảm hoặc người được bên nhận bảo đảm ủy quyền, trừ trường hợp các bên tham gia giao dịch bảo đảm có thỏa thuận khác. Đồng thời, căn cứ nội dung đã được thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm, người xử lý tài sản bảo đảm có quyền tiến hành xử lý tài sản bảo đảm mà không cần phải có văn bản ủy quyền xử lý tài sản của bên bảo đảm.

Thứ hai, về phương thức xử lý TSBĐ, Nghị định 163 quy định các bên có quyền thỏa thuận phương thức xử lý TSBĐ theo các phương thức sau: Bán tài sản bảo đảm; Bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm; Bên nhận bảo đảm nhận các khoản tiền hoặc tài sản khác từ người thứ ba trong trường hợp thế chấp quyền đòi nợ và phương thức “quét” - Phương thức khác do các bên thoả thuận.

Đối với phương thức bán TSBĐ: Các bên có thể thỏa thuận thực hiện bán đấu giá hoặc bán không qua đấu giá. Việc bán TSBĐ qua đấu giá thì thực hiện theo pháp luật về bán đấu giá tài sản. Tuy nhiên, đối với việc bán tài sản không qua đấu giá thì trên thực tế khi thực hiện quy định tại Nghị định 163 phát sinh vướng mắc như sau: Trường hợp các bên không thỏa thuận về giá bán TSBĐ tại hợp đồng bảo đảm thì khi bán TSBĐ sẽ xác định giá bán TSBĐ như thế nào.

Chính vì vậy, TTLT 16 (Điều 10) đã quy định về cách thức xác định giá bán TSBĐ trong trường hợp này. Theo đó, ưu tiên ghi nhận thỏa thuận của các bên, trường hợp các bên không thỏa thuận được giá bán TSBĐ thì ưu tiên bên bảo đảm có quyền chỉ định cơ quan, tổ chức có chức năng thẩm định giá để xác định giá bán tài sản. Nếu bên bảo đảm không chỉ định cơ quan, tổ chức có chức năng thẩm định giá thì bên nhận bảo đảm có quyền chỉ định cơ quan, tổ chức có chức năng thẩm định giá để xác định giá bán tài sản.

Trong trường hợp không bán được TSBĐ theo giá theo định giá của cơ quan, tổ chức có chức năng thẩm định giá thì bên nhận bảo đảm được quyền hạ giá bán tài sản. Việc hạ giá bán tài sản thực hiện liên tục ba (03) lần nhưng mỗi lần hạ giá bán tài sản không được quá mười phần trăm (10%) giá đã định và phải cách nhau ít nhất là ba mươi ngày (30) ngày đối với bất động sản và mười lăm (15) ngày đối với động sản.

Sau ba (03) lần liên tục hạ giá mà vẫn không bán được tài sản bảo đảm thì bên nhận bảo đảm được nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ. Giá trị tài sản bảo đảm trong trường hợp này là mức giá của lần hạ giá cuối cùng, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. 

Đối với phương thức nhận chính TSBĐ để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm: Để hướng dẫn cụ thể hơn về việc xử lý tài sản bảo đảm theo phương thức nhận chính tài sản bảo đảm thay cho việc thực hiện nghĩa vụ, Nghị định 11/2012/NĐ-CP đã bổ sung quy định khi các bên thỏa thuận về việc nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm thì việc xử lý tài sản bảo đảm theo phương thức này được thực hiện như sau: (i) Các bên có quyền tự thỏa thuận hoặc thông qua tổ chức có chức năng thẩm định giá tài sản để có cơ sở xác định giá trị của tài sản bảo đảm; (ii) Trong trường hợp giá trị của tài sản bảo đảm lớn hơn giá trị của nghĩa vụ được bảo đảm thì bên nhận bảo đảm phải thanh toán số tiền chênh lệch đó cho bên bảo đảm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác; (iii) Bên nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ phải xuất trình văn bản chứng minh quyền được xử lý tài sản bảo đảm và kết quả xử lý tài sản bảo đảm cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản bảo đảm từ bên bảo đảm sang bên nhận bảo đảm.

Nghị định 11 không quy định các bên phải ký kết hợp đồng mua bán, chuyển nhượng trong trường hợp nhận chính TSBĐ để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm và về bản chất việc nhận chính TSBĐ để thay thế việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm là biện pháp cấn trừ nợ, khác với việc mua bán, chuyển nhượng tài sản, tuy nhiên, trên thực tế có nhiều cơ quan công chứng, đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản yêu cầu TCTD phải xuất trình hợp đồng mua bán tài sản với chủ sở hữu tài sản thì mới làm thủ tục công chứng, sang tên cho TCTD.

Xuất phát từ vướng mắc thực tế này, TTLT 16 đã quy định rõ thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng (đối với tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng). Theo đó, hợp đồng bảo đảm hoặc văn bản thỏa thuận khác về việc nhận chính TSBĐ để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm được sử dụng thay thế cho hợp đồng, giấy tờ, tài liệu chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản bảo đảm.

Thứ ba, về quyền thu giữ TSBĐ, Điều 63 Nghị định 163 quy định: Trong quá trình tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm, nếu bên giữ tài sản bảo đảm có dấu hiệu chống đối, cản trở, gây mất an ninh, trật tự nơi công cộng hoặc có hành vi vi phạm pháp luật khác thì người xử lý tài sản bảo đảm có quyền yêu cầu Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và cơ quan Công an nơi tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình áp dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật để giữ gìn an ninh, trật tự, bảo đảm cho người xử lý tài sản thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm. Tuy nhiên, quy định này chưa thể hiện rõ cơ chế, cách thức để cơ quan công an, UBND cấp xã tham gia giữ gìn an ninh, trật tự.

Vì vậy, TTLT 16 (Điều 9) đã quy định hướng dẫn cơ chế để thực thi quy định này như sau: (1) Trước thời điểm thu giữ tài sản bảo đảm ít nhất bảy (07) ngày làm việc, người xử lý tài sản bảo đảm có quyền gửi văn bản thông báo về việc thu giữ tài sản bảo đảm đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm. Văn bản phải nêu rõ lý do xử lý, thời gian, địa điểm xử lý, kế hoạch thu giữ tài sản và tài sản dự định thu giữ. (2) Sau khi nhận được văn bản của người xử lý tài sản bảo đảm, Ủy ban nhân dân cấp xã phải kịp thời thực hiện các biện pháp quy định tại khoản 5 Điều 63 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP và Điều 30 Nghị định số 53/2013/NĐ-CP ngày 18 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam.

Thứ tư, về xử lý tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, nhà ở:

Bên cạnh quy định tại Nghị định 163 về phương thức xử lý tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất trong trường hợp các bên không có thỏa thuận về phương thức xử lý và trường hợp xử lý tài sản bảo đảm khi chỉ thế chấp tài sản gắn liền với đất, mà không thế chấp quyền sử dụng đất, Nghị định 11/2012/NĐ-CP đã bổ sung thêm quy định về xử lý tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất trong trường hợp chỉ thế chấp quyền sử dụng đất, mà không thế chấp tài sản gắn liền với đất như sau:

(i) Trong trường hợp chỉ thế chấp quyền sử dụng đất mà không thế chấp tài sản gắn liền với đất và người sử dụng đất đồng thời là chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thì tài sản gắn liền với đất được xử lý đồng thời với quyền sử dụng đất, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Các bên có quyền tự thỏa thuận hoặc thông qua tổ chức có chức năng thẩm định giá tài sản để có cơ sở xác định giá trị quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất. Số tiền thu được từ việc xử lý tài sản bảo đảm được thanh toán trước cho chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

(ii) Trong trường hợp chỉ thế chấp quyền sử dụng đất mà không thế chấp tài sản gắn liền với đất và người sử dụng đất không đồng thời là chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thì khi xử lý quyền sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được tiếp tục sử dụng đất theo như thỏa thuận giữa người sử dụng đất và chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Quyền và nghĩa vụ giữa bên thế chấp và chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được chuyển giao cho người mua, người nhận chính quyền sử dụng đất.

Đồng thời, đối với việc xử lý tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, nhà ở, Nghị định 11/2012/NĐ-CP cũng bổ sung yêu cầu là tổ chức, cá nhân mua tài sản bảo đảm hoặc nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm phải thuộc đối tượng được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; trường hợp tổ chức, cá nhân không thuộc đối tượng được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì chỉ được hưởng giá trị quyền sử dụng đất, giá trị nhà ở.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc thực hiện thủ tục sang tên cho người mua TSBĐ là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất gặp nhiều khó khăn do bên thế chấp không chịu ký tên vào văn bản sang tên, chuyển nhượng cho người mua/nhận chuyển nhượng TSBĐ. Để tháo gỡ nút thắt này, TTLT 16 quy định: Trong trường hợp bên bảo đảm không tự nguyện ký hợp đồng, giấy tờ, tài liệu chứng minh việc chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản thì bên nhận bảo đảm được quyền ký hợp đồng, giấy tờ, tài liệu đó nhưng trong hồ sơ đề nghị chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản phải bổ sung một (01) bản chính hợp đồng bảo đảm đã được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật hoặc một (01) bản sao hợp đồng bảo đảm được Ủy ban nhân dân cấp xã chứng thực, tổ chức hành nghề công chứng cấp từ bản chính hoặc văn bản khác chứng minh có thỏa thuận về việc bên nhận bảo đảm được quyền ký hợp đồng, giấy tờ, tài liệu chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản bảo đảm”.

Bên cạnh đó, TTLT 16 cũng quy định việc chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản được thực hiện đồng thời với việc xóa đăng ký giao dịch bảo đảm. Theo đó, không buộc TCTD xóa đăng ký thế chấp trước khi thực hiện thủ tục sang tên trước bạ, giảm thiểu rủi ro cho TCTD trước nguy cơ giao dịch có bảo đảm trở thành không có bảo đảm nếu xóa đăng ký trước khi chuyển nhượng cho người mua nhưng vì lý do nào đó lại chưa thể sang tên cho người mua.

Bên cạnh đó, TTLT 16 cũng quy định việc chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản được thực hiện đồng thời với việc xóa đăng ký giao dịch bảo đảm. Theo đó, không buộc TCTD xóa đăng ký thế chấp trước khi thực hiện thủ tục sang tên trước bạ, giảm thiểu rủi ro cho TCTD trước nguy cơ giao dịch có bảo đảm trở thành không có bảo đảm nếu xóa đăng ký trước khi chuyển nhượng cho người mua nhưng vì lý do nào đó lại chưa thể sang tên cho người mua.
Bên cạnh đó, TTLT 16 cũng hướng dẫn việc xử lý TSBĐ đối với một số loại tài sản đặc thù như: Xử lý đối với tài sản thế chấp là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất kinh doanh do bên thế chấp bán, thay thế tài sản thế chấp không có sự đồng ý của bên nhận thế chấp trong khi hợp đồng thế chấp đã được đăng ký giao dịch bảo đảm và giữa bên thế chấp với bên nhận thế chấp có thỏa thuận khi bán, thay thế tài sản thế chấp phải được sự đồng ý của bên nhận thế chấp;Xử lý tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất trong trường hợp hợp đồng thế chấp đã được đăng ký trước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi theo quy định của pháp luật; Xử lý tài sản thế chấp là quyền đòi nợ Yêu cầu hoàn trả tài sản bảo đảm đang bị cầm giữ trong hợp đồng song vụ để xử lý.
2. Đánh giá pháp luật về quyền xử lý TSBĐ
Thứ nhất, qua các giai đoạn, có thể thấy, quyền xử lý TSBD của TCTD đang dần bị thu hẹp, cụ thể:
a) Quy định tại Nghị định 178 và TTLT 03:
Quyền xử lý TSBĐ của TCTD được quy định rõ ràng được bảo đảm bằng quyền lực nhà nước, vì vậy, giai đoạn nàyviệc xử lý TSBĐ của TCTD để thuhồi nợ hiệu quả hơn. Một trong những quy định phải kể đến đó là:
Quy định về quyền thu giữ TSBĐ đó là: Trong trường hợp bên giữ tài sản không giao tài sản theo yêu cầu của TCTD, TCTD có quyền tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm cùng với sự hỗ trợ của Uỷ ban nhân dân và cơ quan Công an (Mục XI.2.3 Phần B TTLT 03);
Quyền xử lý TSBĐ trong trường hợp bên bảo đảm chết hoặc vắng mặt tại nơi cư trú vào thời điểm xử lý TSBĐ: TCTD được tiến hành xử lý tài sản bảo đảm trong trường hợp đến hạn trả nợ hoặc phải trả nợ trước hạn mà bên bảo đảm chết hoặc cố ý vắng mặt tại nơi cư trú vào thời điểm xử lý tài sản đã được TCTD thông báo trước. Người giữ tài sản bảo đảm (nếu có) hoặc người thừa kế tài sản của của bên bảo đảm (trong trường hợp bên bảo đảm chết) có nghĩa vụ giao tài sản cho TCTD để xử lý theo thông báo của TCTD.
Trong trường hợp người giữ tài sản bảo đảm, người thừa kế tài sản của bên bảo đảm không chịu giao tài sản cho TCTD để xử lý, TCTD có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng các biện pháp buộc bên giữ tài sản bảo đảm phải giao tài sản bảo đảm cho TCTD để xử lý theo quy định tại mục XI phần B.
b) Quy định tại Nghị định 163/2006/NĐ-CP:
Khi Nghị định 163 có hiệu lực, quyền thu giữ TSBĐ của bên nhận thế chấp đã bị thu hẹp đáng kể. Theo đó, khoản 5 Điều 63 Nghị định 163 chỉ quy định: Trong quá trình tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm, nếu bên giữ tài sản bảo đảm có dấu hiệu chống đối, cản trở, gây mất an ninh, trật tự nơi công cộng hoặc có hành vi vi phạm pháp luật khác thì người xử lý tài sản bảo đảm có quyền yêu cầu UBND cấp xã và cơ quan Công an nơi tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình áp dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật để giữ gìn an ninh, trật tự, bảo đảm cho người xử lý tài sản thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm.
Như vậy, cơ quan công an, UBND cấp xã chỉ tham gia để giữ gìn an ninh, trật tự, bảo đảm cho người xử lý tài sản thực hiện quyền thu giữ TSBĐ mà không tham gia thu hồi TSBĐ cùng TCTD như quy định tại Nghị định 178 và TTLT 03.
Do đó, những trường hợp bên bảo đảm cố thủ trong nhà, không làm mất an ninh trật tự thì cơ quan công an, UBND cấp xã cũng không thể tham gia giữ gìn an ninh, trật tự thì TCTD không thể thu giữ được TSBĐ. Thậm chí nhiều trường hợp TSBĐ đã được bán đấu giá, bên trúng đấu giá đã thanh toán xong nhưng không thể bàn giao được TSBĐ vì vậy, ảnh hưởng đến công tác thu hồi nợ, các chủ thể ngại mua, nhận chuyển nhượng những TSBĐ được xử lý để thu hồi nợ.
Đối với những trường hợp bên bảo đảm vắng mặt, cố tình trốn tránh không giao tài sản thì Nghị định 163, TTLT 16/2014/TTLT-BTP-BTNMT-NHNN hướng dẫn một số vấn đề về xử lý TSBĐ không còn quy định về cơ chế thu giữ TSBĐ như quy định tại Nghị định 178 và TTLT 03. Những trường hợp này xảy ra khá phổ biến và TCTD buộc phải khởi kiện ra Tòa án để xử lý TSBĐ.
c) Quy định tại BLDS 2015
BLDS 2015 (có hiệu lực từ 01/01/2017) đã bỏ quyền thu giữ TSBĐ - một trong những quyền năng cơ bản của bên nhận bảo đảm. Theo đó, Điều 301 chỉ quy định trường hợp người đang giữ tài sản không giao tài sản thì bên nhận bảo đảm có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác. Đây là một bước“lùi” về quyền của TCTD trong pháp luật về giao dịch bảo đảm.
Thứ hai, pháp luật của Việt Nam về quyền xử lý TSBĐ còn “dung túng” con nợ, chưa trao quyền năng tối đa cho TCTD trong việc xử lý TSBD
Pháp luật hiện hành của Việt Nam lại không có cơ chế để thực thi một cách hiệu quả quyền xử lý TSBĐ của TCTD, khi thu giữ TSBĐ, nếu chủ tài sản không bàn giao tài sản thì TCTD chỉ có cách khởi kiện ra Tòa án, vai trò của cơ quan công quyền trong việc hỗ trợ TCTD thu giữ TSBĐ rất mờ nhạt: việc tham gia của cơ quan công an chỉ dừng lại ở việc giữ gìn an ninh trật tự.
Do đó, trường hợp chủ nợ muốn thu giữ được TSBĐ trên thực tế để phục vụ cho công tác xử lý (cưỡng chế) thì phải có bản án, có quyết định của Tòa án. Tòa án xử xong phải chờ bản án có hiệu lực (không bị kháng cáo, kháng nghị), chờ cơ quan thi hành án.
Vì vậy, thường thì vài năm, thậm chí lâu hơn TCTD mới có thể xử lý được TSBĐ. Với quyền năng hạn chế trong việc thu giữ TSBĐ, nhiều trường hợp TSBĐ đã có người mua, đã công chứng, chứng thực hợp đồng mua bán nhưng vì không thể bàn giao tài sản trên thực tế dẫn đến không thể xử lý được TSBĐ.
Việc BLDS 2015 không trao quyền thu giữ TSBĐ cho TCTD sẽ ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của TCTD do chịu rủi ro thì việc biến động TSBĐ, chịu chi phí từ việc khởi kiện, vốn bị tồn đọng… chưa kể đến áp lực lên hệ thống cơ quan tài phán dẫn đến chậm trễ trong quá trình xét xử, còn con nợ thì có thêm cơ hội để chây ì.
Thứ ba, quyền xử lý TSBĐ của TCTD bị cản trở vì cách hiểu và áp dụng pháp luật chưa đúng
Về vấn đề này, có thể kể một số trường hợp phổ biến và điển hình như sau:
(i) Thời gian vừa qua, một số Tòa án đã tước quyền xử lý tài sản thế chấp là QSDĐ, tài sản gắn liền với đất để bảo đảm nghĩa vụ người khác, cụ thể: Tòa án ra quyết định Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất của bên thứ ba giữa bên thế chấp và bên nhận thế chấp vô hiệu là không phù hợp với các quy định của pháp luật về thế chấp bằng QSDĐ của Bên thứ ba vì cho rằng hợp đồng thế chấp QSDĐ của Bên thứ ba không phải là biện pháp thế chấp mà chỉ là biện pháp bảo lãnh vay vốn ngân hàng.
Các phán quyết của Tòa án đã làm cho các khoản cho vay của TCTD từ có bảo đảm trở thành khoản cho vay không có bảo đảm, tạo điều kiện để Bên thế chấp lợi dụng để yêu cầu Tòa án tuyên Hợp đồng thế chấp bằng QSDĐ của Bên thứ ba vô hiệu nhằm trốn tránh nghĩa vụ của mình đối với TCTD.
(ii) Thực tiễn xét xử của Tòa án trong thời gian vừa qua, trường hợp khách hàng không có nơi cư trú ổn định, cố tình trốn tránh, không hợp tác, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vắng mặt tại phiên tòa thì Tòa án quyết định trả lại đơn khởi kiện, đình chỉ vụ án với lý do “chưa đủ điều kiện khởi kiện”.
Trong khi đó, quyền và nghĩa vụ của các bên đã được xác định rõ ràng theo các hợp đồng đã ký kết, TSBĐ đang tồn tại. Việc Tòa án trả lại đơn khởi kiện, đình chỉ vụ án vì các lý do nêu trên xảy ra nhiều trong thời gian qua đã khiến TCTD không thể thực thi quyền khởi kiện để xử lý TSBĐ của mình.
(iii) Các Tòa án không chấp nhận việc TCTD ủy quyền cho công ty con (công ty quản lý nợ trực thuộc TCTD) xử lý nợ khởi kiện xử lý TSBĐ thu hồi nợ
Theo quy định tại Điều 581 BLDS 2005, hợp đồng ủy quyền là một loại hợp đồng dân sự, chủ thể ký kết hợp đồng dân sự có thể là thể nhân hoặc pháp nhân. BLDS cũng không có quy định nào giới hạn bên được ủy quyền phải là cá nhân hoặc cấm ủy quyền cho pháp nhân.
Tại nhiều văn bản pháp luật khác cũng quy định việc ủy quyền giữa pháp nhân và pháp nhân: Khoản 3 Điều 2 Nghị định 78/2010/NĐ-CP về cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ, Khoản 1 Điều 141 Luật thương mại 2006, Khoản 2 Điều 45 Luật Kinh doanh bất động sản 2015...
Từ các quy định đã dẫn nêu trên, việc TCTD ủy quyền cho công ty quản lý nợ (pháp nhân) thu hồi nợ (bao gồm cả việc khởi kiện tại Tòa án) là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, một số Tòa án địa phương không chấp thuận việc TCTD ủy quyền cho các công ty này đã cản trở việc TCTD thực thi quyền năng trong việc khởi kiện để xử lý TSBĐvì các công ty quản lý nợ trực thuộc TCTD là chủ thể nắm rõ thông tin về khoản nợ, TSBĐ, nếu TCTD không ủy quyền được cho các công ty con này thì việc thu hồi nợ, xử lý TSBĐ sẽ khó khăn hơn rất nhiều.
3. Một số kiến nghị, giải pháp
Thứ nhất: Khi xây dựng pháp luật, các nhà làm luậtphải coi quyền xử lý TSBĐ là quyền đương nhiên của TCTD - bên nhận thế chấp, phải đứng trên lập trường của bên cho vay – TCTD, hiểu được những khó khăn của bên cho vay trong quá trình thu hồi nợ vì trong quan hệ cho vay, chủ nợ mới là bên yếu thế.
Thứ hai: Quyền thu giữ TSBĐ là quyền không thể thiếu của TCTD – bên nhận thế chấp. Nếu không có quyền này sẽ dẫn đến nguy cơ tất cả các tranh chấp tín dụng được bảo đảm bằng tài sản của TCTD phải khởi kiện ra Tòa án. Do đó, Điều 301 BLDS 2015 cần phải sửa đổi theo hướng trao quyền thu giữ TSBĐ cho các TCTD-bên nhận thế chấp. Đồng thời, quyền thu giữ TSBĐ của TCTD phải được bảo đảm thực hiện bằng quyền lực của nhà nước hoặc sự hỗ trợ từ phía cơ quan công quyền. Có như vậy, ý thức tự giác trả nợ của con nợ mới được nâng cao, nợ xấu mới được xử lý triệt để.
Thứ ba: Cần tập huấn thường xuyên, đầy đủ cho các cá nhân, người có thẩm quyền trong việc áp dụng pháp luật, tránh tình trạng hiểu không đúng, không thống nhất các quy định pháp luật làm cản trở quyền xử lý TSBĐ của TCTD.






Comments

Popular posts from this blog

Xin hỏi định nghĩa về thoái thu và thoái chi??

Dề Thi Vietinbank - 10 dề (cập nhật 2020)

Học việc, thử việc tại ngân hàng: Cuộc sống muôn màu