Pháp luật về xử lý tài sản bảo đảm tiền vay của các tổ chức tín dụng ở Việt Nam

luatminhkhue.vn

Nền kinh tế Việt Nam trong những năm gần đây luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao so với khu vực. Với mức độ tăng trưởng như hiện nay, nhu cầu vốn cho nền kinh tế là hết sức lớn. Thị trường chứng khoán Việt Nam mới được hình thành và chưa thật sự trở thành kênh cung cấp vốn hiệu quả cho nền kinh tế. Thực tế cho thấy phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam năng lực tài chính còn yếu kém, hoạt động chủ yếu dựa trên nguồn vốn vay ngân hàng.

Từ đó khẳng định tín dụng ngân hàng trong giai đoạn hiện nay sẽ còn tiếp tục là một kênh cung cấp vốn quan trọng của nền kinh tế. Trong nghiệp vụ tín dụng ngân hàng, khung pháp lý được đánh giá là “sự cứu cánh pháp lý” hoặc cũng có thể là “một trong những yếu tố có khả năng gây rủi ro cho hoạt động ngân hàng xuất phát từ các quyền đối với tài sản và luật pháp về hợp đồng không rõ ràng, không có khả năng cưõng chế trên thực tế, không đảm bảo được khả năng thực thi các cam kết và nắm giữ tài sản trên thực tế”(1). Do đó, việc xây dựng khung pháp luật hoàn chỉnh, đồng bộ, rõ ràng và đảm bảo khả năng “cưỡng chế” thu hồi nợ cho các tổ chức tín dụng rất cần thiết.
Hiện nay, với những quan điểm khác nhau về tính chất, đặc điểm của việc xử lý tài sản bảo đảm tiền vay, cũng tồn tại những quan điểm khác nhau về sự cần thiết cũng như mức độ điều chỉnh của pháp luật xử lý tài sản bảo đảm tiền vay.
Có quan điểm cho rằng không cần thiết phải có một trình tự, thủ tục quy định riêng cho việc xử lý tài sản bảo đảm trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng. Việc xử lý tài sản bảo đảm tiền vay cần được quy định và áp dụng thống nhất chung với các quy định về xử lý tài sản bảo đảm thực hiện nghĩa vụ nói chung tại Bộ luật dân sự và không thể tách rời quy định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự (2). Thực tế ở nhiều quốc gia như Pháp, Nhật Bản, Đức, Ba Lan…cũng không có hệ thống pháp luật điều chỉnh việc xử lý tài sản bảo đảm tại các tổ chức tín dụng, mảng quan hệ này chịu sự điều chỉnh chung của luật dân sự.
Có quan điểm cho rằng để đạt được yêu cầu kinh tế, yêu cầu đảm bảo tính an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng thì việc xử lý tài sản bảo đảm tiền vay cần có những quy định riêng, trao những đặc quyền nhất định cho tổ chức tín dụng trong việc xử lý tài sản bảo đảm. Quan điểm này đang được thể hiện trong hệ thống các văn bản pháp luật điều chỉnh việc xử lý tài sản bảo đảm tiền vay hiện nay.
Tôi cho rằng, trong điều kiện pháp luật Việt Nam hiện nay thì cả hai quan điểm trên là không phù hợp, bởi lẽ:
- Quan điểm thứ nhất đạt được yêu cầu về tính thống nhất của hệ thống pháp luật, song không phù hợp với yêu cầu thực tiễn của hoạt động tín dụng ngân hàng. Việc pháp luật chỉ trao quyền cho bên nhận bảo đảm được yêu cầu tổ chức đấu giá tài sản bảo đảm nếu không xử lý được theo thoả thuận theo quy định tại Điều 336 và Điều 355 Bộ luật Dân sự sẽ hạn chế các phương thức xử lý tài sản linh hoạt khác mà tổ chức tín dụng có thể được phép thực hiện, trong khi các phương thức này không làm ảnh huởng đến quyền lợi của bên bảo đảm. Ví dụ như việc tổ chức tín dụng, công ty mua bán nợ bán đấu giá công khai tài sản bảo đảm trên thị truờng. Ngoài ra, một số đặc thù của việc xử lý tài sản bảo đảm tiền vay không áp dụng cho việc xử lý các tài sản bảo đảm trong giao dịch dân sự khác như về thời điểm xử lý tài sản và việc đa dạng các loại hình chủ thể xử lý tài sản, cơ chế hỗ trợ xử lý tài sản…
- Quan điểm thứ hai cũng không hợp lý. Việc xử lý tài sản bảo đảm tiền vay mặc dù có những đặc thù nhất định, song bản chất của việc xử lý tài sản bảo đảm tiền vay cũng không nằm ngoài những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự như: tôn trọng thoả thuận của các bên, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia giao dịch…Do đó, những người theo quan điểm thứ hai sẽ dẫn đến việc pháp luật trao quá nhiều đặc quyền cho tổ chức tín dụng mà chưa coi trọng quyền lợi của bên bảo đảm, đồng thời làm cho hệ thống pháp luật không thống nhất và chồng chéo như thực trạng pháp luật xử lý tài sản bảo đảm tiền vay hiện nay, cụ thể là:
+ Về phương diện luật pháp: Thông tư liên tịch số 03/2001/TTLT/NHNN-BTP-BCA-BTC-TCĐC ngày 23/4/2001 hướng dẫn việc xử lý tài sản bảo đảm tiền vay để thu hồi nợ cho các tổ chức tín dụng – hết hiệu lực do căn cứ ban hành là Nghị định 178/1999/NĐ-CP đã bị bãi bỏ. Đây là giai đoạn quá độ giữa văn bản mới (Nghị định 163/2006/NĐ-CP) với các văn bản đã hết hiệu lực (Nghị định 178, Nghị định 185) và các văn bản hướng dẫn các nghị định này. Do vậy, cán bộ tín dụng không khỏi lúng túng trong quá trình ký kết, hoàn thiện hợp đồng bảo đảm cũng như xử lý tài sản bảo đảm.
+ Về thực tiễn áp dụng: Trong thực tế, việc xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ của các TCTD cũng gặp nhiều vướng mắc. Về xử lý tài sản bảo đảm theo thỏa thuận giữa TCTD và bên bảo đảm, Nghị định 163/2006/NĐ-CP đã quy định nguyên tắc xử lý tài sản bảo đảm thực hiện theo thỏa thuận của các bên, nếu không có thỏa thuận thì tài sản được bán đấu giá. Tuy nhiên, trong thực tế, việc TCTD tự xử lý tài sản bảo đảm theo thỏa thuận gặp nhiều khó khăn do các trình tự, thủ tục xử lý còn phụ thuộc vào thái độ hợp tác của bên bảo đảm, bên giữ tài sản, TCTD chưa được toàn quyền xử lý tài sản bảo đảm trong khuôn khổ pháp luật.

Việc xử lý tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất và nhà ở đặc biệt gây khó khăn cho TCTD. Trước hết, bản thân các quy định tại Luật Đất đai và Bộ luật Dân sự không thống nhất về phương thức xử lý tài sản bảo đảm trong trường hợp các bên không có thỏa thuận. Luật Đất đai 2003 quy định quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất trong trường hợp không có thoả thuận về phương thức xử lý được bán đấu giá (Điều 68). Trong khi đó, Bộ luật Dân sự 2005 quy định nếu không thỏa thuận về phương thức xử lý tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, bên nhận thế chấp có quyền khởi kiện tại Tòa án (Điều 721). Mặt khác, thủ tục xử lý tài sản thông qua khởi kiện ra Tòa án còn chậm, đặc biệt là thủ tục thi hành án thông thường phải kéo dài ít nhất 2 năm. Thực trạng này ảnh hưởng xấu đến hiệu quả thu hồi vốn vay cũng như kết quả kinh doanh của TCTD.
Thực trạng trên đây đang là vấn đề nổi cộm trong hệ thống pháp luật về kinh doanh-thương mại, dân sự, cần phải có những điều chỉnh, sửa đổi mang tính toàn diện trong hệ thống pháp luật Việt Nam.
Cần thiết có văn bản hướng dẫn Nghị định số 163.
Một vướng mắc của các văn bản pháp luật quy định về giao dịch bảo đảm hiện nay là rất chồng chéo về hiệu lực và việc áp dụng các văn bản này trong thực tế. Nghị định số 178/1999/NĐ-CP ngày 29/12/1999 của Chính phủ về bảo đảm tiền vay đã hết hiệu lực kể từ khi có Nghị định số 163/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm. Điều này dẫn đến Thông tư liên tịch số 03/2001/TTLT/NHNN-BTP-BCA-BTC-TCĐC ngày 23/4/2001 của Ngân hàng Nhà nuớc Việt Nam, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Tổng cục địa chính hướng dẫn Nghị định số 178 đã hết hiệu lực do văn bản pháp luật phát sinh là Nghị định số 178 đã hết hiệu lực. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, khi chưa có văn bản nào hướng dẫn Nghị định số 163 thì hầu như tất cả các ngân hàng, tổ chức tín dụng cũng như các cơ quan pháp luật vẫn áp dụng và làm theo Thông tư số 03.
Bên cạnh đó, Nghị định số 163 là văn bản pháp luật về giao dịch bảo đảm nói chung chứ không phải riêng về bảo đảm tiền vay trong lĩnh vực tín dụng. Do đó, kiến nghị lớn nhất mà tôi muốn đề xuất là cần kịp thời có văn bản hướng dẫn cụ thể về tài sản bảo đảm tiền vay và xử lý tài sản bảo đảm tiền vay trong lĩnh vực ngân hàng (văn bản pháp luật hướng dẫn Nghị định số 163/NĐ-CP) để giúp cho các ngân hàng, các tổ chức tín dụng, các cơ quan Nhà nước có cơ sở pháp lý và chủ động hơn trong việc áp dụng pháp luật có liên quan đến tài sản bảo đảm tiền vay và xử lý tài sản bảo đảm tiền vay.
Cần thiết thành lập Công ty quản lý nợ
Có thể thấy toàn bộ nợ tồn đọng của các NHTM đều có tài sản thế chấp, cầm cố, bảo lãnh. Và chiếm đa số trong tài sản thế chấp hiện nay là nhà cửa, đất đai. Tuy nhiên, khối lượng tài sản gán nợ đó hình như đã trở nên quá sức đối với các NHTM cả về mặt điều hành và pháp lý.
Điều 73, Luật các Tổ chức tín dụng, quy định: “Các Tổ chức tín dụng không được trực tiếp kinh doanh bất động sản”. Giữa thực tế phải bảo toàn vốn và pháp luật như vậy, nên  các NHTM từ chỗ chọn biện pháp an toàn cho món vay, giờ rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan. Nợ cho vay không thu hồi được, lại phải quản lý tài sản thay cho người đi vay. Dẫn đầu các NHTM về tình trạng này là Ngân hàng công thương khi vụ án Minh Phụng – Epco xảy ra.
Xuất phát từ tình hình thực tế đó, qua tham khảo cách giải quyết nợ tồn đọng  và mô hình công ty quản lý nợ của các nước trên thế giới, tháng 1.2000 Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có đề nghị xin thành lập công ty quản lý nợ và khai thác tài sản (QLN & KTTS) thế chấp trực thuộc các NHTM trình Chính phủ và đã được Chính phủ đồng ý tại văn bản 122/CP-KTTH ngày 03.02.2000. Do đó, ngày 30.6.2000, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ký công văn số 580/CV-NHNN5 chấp thuận cho Ngân hàng công thương Việt Nam được thành lập Công ty quản lý và khai thác tài sản. Đến tháng 9/2000 Công ty quản lý và khai thác tài sản của Ngân hàng công thương Việt Nam đi vào hoạt động. Đó là loại hình công ty mới lạ lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam. Ngân hàng công thương Việt Nam trở thành Ngân hàng đi tiên phong trong lĩnh vực quản lý nợ và khai thác tài sản. Cuối năm 2001, Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam cũng ra mắt Cty QLN & KTTS của mình có trụ sở đặt tại Hà Nội. Tiếp đến, Sài Gòn công thương ngân hàng – một ngân hàng thương mại cổ phần - cũng có Cty QLN & KTTS đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ngân hàng ngoại thương, Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng lần lượt thành lập Cty QLN & KTTS trực thuộc. Đến nay, đã có thêm 4 NHTM cổ phần cũng thành lập  công ty QLN & KTTS, đưa số công ty QLN & KTTS của các NHTM lên đến gần một chục công ty(3).
Pháp điển hóa các quy định về đăng ký giao dịch bảo đảm. Dự thảo Luật đăng ký giao dịch bảo đảm cần được xây dựng trong tương quan với Nghị định 163 và các quy định về công chứng giao dịch bảo đảm. Dự thảo luật (hoặc nghị định hướng dẫn) có các quy định cụ thể, rõ ràng và các chế tài phù hợp để hạn chế tối đa tình trạng diễn giải luật không thống nhất cũng như kéo dài thủ tục đăng ký.
Xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu chung trong cả nước về giao dịch bảo đảm giúp truy cập, đăng ký nhanh và cung cấp thông tin kịp thời về tài sản bảo đảm.
Pháp luật tố tụng cần quy định thủ tục rút gọn trong giải quyết các vụ kiện yêu cầu xử lý    tài sản bảo đảm.
Như vậy, với những vấn đề đặt ra về thực trạng pháp luật xử lý tài sản bảo đảm tiền vay cho thấy nhu cầu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật xử lý tài sản bảo đảm tiền vay là khách quan và bức xúc đối với hoạt động tín dụng ngân hàng nói riêng và đối với việc hoàn thiện các quy định của pháp luật nói chung. Tôi mong muốn rằng với các ý kiến đưa ra sẽ là nguồn tư liệu tham khảo hữu ích đối với việc xây dựng và hoàn thiện các quy định của pháp luật hiện hành.
Trân trọng! 
Bộ phận tư vấn pháp luật thuế - Công ty luật Minh Khuê 
-------------------
(1) Từ điển Thuật ngữ tài chính tín dụng của Viện Khoa học tài chính, Bộ tài chính, Nhà xuất bản tài chính, 1996 (tr. 62, 283).
(2) Nguyễn Như Minh, Những giải pháp bảo đảm tiền vay của Ngân hàng thương mại, Luận án tiến sỹ kinh tế, Trường Đại học Tài chính- kế toán, 1996.
(3) Tài liệu tham khảo “Cơ chế xử lý nợ và tài sản tồn đọng trong hệ thống ngân hàng thương mại”, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tháng 8/2000.
(Notes: Một số văn bản được trích dẫn đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi bổ sung chỉ có giá trị tham khảo thêm trong thời điểm hiện tại)






Comments

Popular posts from this blog

Xin hỏi định nghĩa về thoái thu và thoái chi??

Dề Thi Vietinbank - 10 dề (cập nhật 2020)

Học việc, thử việc tại ngân hàng: Cuộc sống muôn màu