Tác dộng và lộ trình của việc áp dụng chuẩn mực Basel II tại Việt Nam
http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/tac-dong-va-lo-trinh-cua-viec-ap-dung-chuan-muc-basel-ii-tai-viet-nam-115479.html
Tác động và lộ trình của việc áp dụng chuẩn mực Basel II tại Việt Nam
Việc các ngân hàng thương mại Việt Nam áp dụng tiêu chuẩn Basel II là một xu thế tất yếu và bắt buộc khi Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Thực tế đã chứng minh, chuẩn mực Basel II là giải pháp tối ưu để các ngân hàng thương mại trụ vững trước những biến động khó lường của thị trường tài chính. Với Basel II, mọi rủi ro đều phải được lượng hóa bằng con số cụ thể và con số này sẽ chỉ ra rằng ngân hàng cần bao nhiêu vốn để có thể bù đắp rủi ro.
Tổng quát về Basel II
Năm 1988, Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng đã giới thiệu khung rủi ro tín dụng (Basel I) xác định các tiêu chuẩn về vốn để hạn chế rủi ro kinh doanh của các ngân hàng và tăng cường hệ thống tài chính. Để đáp ứng các yêu cầu của phát triển liên tục trong ngành Ngân hàng, các quy định này đã được sửa đổi và vào tháng 6/2004, một hiệp ước về vốn mới (Basel II) được ban hành.
Mục tiêu hướng đến của Basel II là nâng cao chất lượng và sự ổn định của hệ thống ngân hàng quốc tế; Tạo lập và duy trì một sân chơi bình đẳng cho các ngân hàng hoạt động trên bình diện quốc tế; Đẩy mạnh việc chấp nhận các thông lệ nghiêm ngặt hơn trong lĩnh vực quản lý rủi ro… Nhằm đạt được các mục tiêu này, Uỷ ban Basel đã đề xuất khung đo lường với các trụ cột chính cho phiên bản Basel II:
Trụ cột thứ I: Liên quan tới việc duy trì vốn bắt buộc. Tỷ lệ vốn bắt buộc tối thiểu (CAR) vẫn là 8% của tổng tài sản có rủi ro như Basel I. Tuy nhiên, rủi ro được tính toán theo 3 yếu tố chính mà ngân hàng phải đối mặt như: Rủi ro tín dụng, rủi ro vận hành (hay rủi ro hoạt động) và rủi ro thị trường.
Trụ cột thứ II: Liên quan tới việc hoạch định chính sách ngân hàng, Basel II cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách những “công cụ” tốt hơn so với Basel I. Trụ cột này cũng cung cấp một khung giải pháp cho các rủi ro mà ngân hàng đối mặt như: Rủi ro hệ thống, rủi ro chiến lược, rủi ro danh tiếng, rủi ro thanh khoản và rủi ro pháp lý, mà hiệp ước tổng hợp lại dưới cái tên rủi ro còn lại. Tóm lại, Basel II nhấn mạnh các nguyên tắc rà soát, giám sát sau:
(i) Các ngân hàng cần phải có một quy trình đánh giá được mức độ đầy đủ vốn nội bộ theo danh mục rủi ro và phải có được một chiến lược đúng đắn nhằm duy trì mức vốn đó.
(ii) Các giám sát viên nên rà soát và đánh giá việc xác định mức độ vốn nội bộ và chiến lược của ngân hàng, cũng như khả năng giám sát và đảm bảo tuân thủ tỷ lệ vốn tối thiểu; Giám sát viên nên thực hiện một số hành động giám sát phù hợp nếu họ không hài lòng với kết quả của quy trình này.
(iii) Giám sát viên khuyến nghị các ngân hàng duy trì mức vốn cao hơn mức tối thiểu theo quy định.
(iv) Giám sát viên nên can thiệp ở giai đoạn đầu để đảm bảo mức vốn của ngân hàng không giảm dưới mức tối thiểu theo quy định và có thể yêu cầu sửa đổi ngay lập tức nếu mức vốn không được duy trì trên mức tối thiểu. Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS), khi tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu tăng từ 7% lên 8% thì xác suất xảy ra khủng hoảng ngân hàng giảm đi khoảng 25-30%.
Trụ cột thứ III: Các ngân hàng cần phải công khai thông tin một cách thích đáng theo nguyên tắc thị trường.
Tác động và lộ trình áp dụng Basel II đối với ngân hàng thương mại Việt Nam
Khảo sát một số quốc gia và châu lục cho thấy, trong khi các ngân hàng Việt Nam mới áp dụng Basel I thì các ngân hàng trong khu vực đã áp dụng Basel II hoặc Basel III. Việc áp dụng tiêu chuẩn Basel II vì vậy là một xu thế tất yếu và bắt buộc khi Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với khu vực và trên thế giới.
Áp dụng thành công Basel II giúp các ngân hàng Việt Nam không chỉ dễ dàng thu hút thêm nhà đầu tư nước ngoài mà sẽ tự mình mở rộng vươn xa ra thị trường các nước phát triển.
Tuy nhiên, khi triển khai Basel II rộng rãi tại các ngân hàng, yêu cầu về vốn và thanh khoản cao lên sẽ tác động đến chênh lệch lãi suất cho vay, hay nói cách khác làm cho chi phí vốn tăng cao, kết quả là lợi nhuận ròng của ngân hàng sẽ giảm.
Theo nghiên cứu của Ủy ban Basel, khi tỷ lệ an toàn vốn tăng lên 1% thì chênh lệch lãi suất cho vay và chi phí đi huy động vốn tăng lên 1,3%. Tuy nhiên, ngân hàng có thể bù đắp phần lợi nhuận ròng mất đi bằng một số biện pháp như: tăng lợi nhuận ngoài lãi (phí, hoa hồng…) tăng hiệu quả quản trị để giảm chi phí hoạt động.
Hơn nữa, việc triển khai Basel II tại Việt Nam không dễ dàng do vướng phải nhiều thách thức. Kết quả “Khảo sát về ngành Ngân hàng Việt Nam 2013” của KPMG (Công ty cung cấp các dịch vụ kiểm toán, thuế và tư vấn) cho thấy, 80% ngân hàng đã nắm bắt được việc NHNN lập kế hoạch thực hiện khung giám sát theo Hiệp ước Basel II nhưng chưa sẵn sàng để cam kết thực hiện lộ trình triển khai hay đưa ra một quyết định quan trọng gây tốn kém. 57% đối tượng tham gia khảo sát cho rằng, vấn đề quản trị rủi ro hoạt động là đáng quan ngại nhất.
Nhiều ngân hàng đang triển khai quản trị rủi ro hoạt động ở những công việc ban đầu như: nghiên cứu thiết lập quy trình, xây dựng các văn bản về quản trị rủi rohoạt động, theo dõi các rủi ro và cảnh báo… Về cơ sở tính toán vốn cho rủi ro hoạt động thì 64% các ngân hàng sẽ sử dụng phương pháp tiêu chuẩn để tính vốn, trong khi 14% ngân hàng lại sử dụng phương pháp chỉ số cơ bản và 21% vẫn chưa quyết định.
Tất cả các ngân hàng đều chỉ ra rằng còn rất nhiều khó khăn khi triển khai áp dụng Hiệp ước Basel II. Hai khó khăn chung được nhắc đến nhiều nhất chính là chi phí triển khai Hiệp ước Basel II (85%) và thiếu dữ liệu lịch sử (78%).
Hiện nay, mặc dù chưa có ngân hàng nào công bố thông tin về chi phí cần cho việc triển khai Basel II, nhưng dựa trên kinh nghiệm của một số tổ chức tín dụng đã triển khai dự án Basel II tại khu vực châu Á thì tổng chi phí sẽ dao động từ 15 đến 40 triệu USD, tùy theo quy mô, mức độ và yêu cầu cụ thể của cơ quan quản lý nhà nước.
Không có mức chi phí chuẩn để thực hiện Basel II, chi phí này phụ thuộc vào quy mô, phạm vi hoạt động, nền tảng sẵn có của từng ngân hàng… Chính vì vậy, mỗi ngân hàng phải có sự tính toán cho chi phí của từng giai đoạn thực hiện trong lộ trình áp dụng, để không gây phát sinh quá lớn. Trước tình hình đó, NHNN cũng đã vạch ra một lộ trình áp dụng Basel II đối với hệ thống NHTM một cách cẩn trọng. Cụ thể:
Giai đoạn 1: Thí điểm áp dụng Basel II tại 10 ngân hàng (Vietcombank, VietinBank, BIDV, MB, Sacombank, Techcombank, ACB, VPBank, VIB và Maritime Bank). Chương trình thí điểm bắt đầu từ tháng 2/2016, mục tiêu là đến cuối năm 2018 các ngân hàng này phải cơ bản đáp ứng các yêu cầu của Basel II.
Giai đoạn 2: Đến năm 2020 cơ bản các NHTM có mức vốn tự có theo chuẩn mực của Basel II, trong đó có ít nhất 12-15 NHTM áp dụng thành công Basel II (theo nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 ngày 8/11/2016).
Đánh giá về tính khả thi khi yêu cầu các NHTM tuân thủ theo chuẩn Basel II, Công ty Kiểm toán EY Việt Nam cho rằng, mục tiêu hướng tới chuẩn Basel II vào năm 2018 không phải quá xa vời. Việc ban hành các quy tắc tính toán vốn theo phương pháp tiêu chuẩn của Basel II không phức tạp mà cái khó là ở các hệ số rủi ro cần được thiết lập ở Việt Nam ở mức nào là phù hợp.
Hơn nữa, các NHTM đều đã thực hiện phân tích hiện trạng và đưa ra lộ trình triển khai Basel II. Vì vậy, thách thức lớn nhất hiện nay là việc NHNN có kịp ban hành các văn bản theo đúng thời hạn để các NHTM áp dụng hay không; NHNN sẽ thiết lập các tỷ lệ an toàn ở mức độ như thế nào để phù hợp với mặt bằng các NHTM trong nước và đánh giá đúng mức độ ảnh hưởng đến hệ thống khi áp dụng các tiêu chuẩn trên.
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Ngọc Linh, Thách thức đối với Ngân hàng Việt Nam khi/trong quá trình triển khai, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt;
2. ThS. Nguyễn Đức trung, An toàn vốn của các NHTM – Thực trạng Việt Nam và giải pháp cho việc áp dụng Hiệp ước tiêu chuẩn vốn Basel II và III, Học viện Ngân hàng;
3. Các website: sbv.gov.vn, tapchitaichinh.vn, lienvietpostbank, vietinbank…
Comments
Post a Comment