APEC CEO Summit 2017



Ngày đầu tiên Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC (CEO Summit) 2017 ghi dấu ấn với hàng loạt phát ngôn ấn tượng của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và các diễn giả tham dự.


Để APEC tiếp tục là diễn đàn liên kết kinh tế hàng đầu khu vực, Chủ tịch nước Trần Đại Quang mong muốn cộng đồng doanh nghiệp châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc cùng chính phủ giải quyết 3 vấn đề cấp bách và một trong số đó là: “APEC cần đẩy mạnh nỗ lực bảo đảm tính bao trùm của phát triển. Chúng ta cần biến ‘câu chuyện thần kỳ kinh tế’ thành ‘câu chuyện thần kỳ về phát triển bao trùm’ của khu vực, đi đầu thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc”.


Việt Nam lại có vinh dự là chủ nhà của APEC 2017 với hơn 2.000 CEO hàng đầu và các nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC hội tụ để bàn thảo về tương lai của toàn cầu hóa, các biện pháp thúc đẩy tự do thương mại và hội nhập khu vực. Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch CEO Summit 2017, nhấn mạnh: “Đây là Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp lớn nhất trong lịch sử APEC, diễn ra ở thời điểm hệ trọng của khu vực này”.


Phiên thảo luận đầu tiên của CEO Summit 2017 mang chủ đề: “Tương lai toàn cầu hóa” với sự tham dự của bà Victoria Kwakwa, Phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới, ông Philipp Rösler, Giám đốc điều hành của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, ông Robert E. Moritz, Chủ tịch toàn cầu của công ty kiểm toán PwC và ông Ian Bremmer, Chủ tịch Tập đoàn Eurasia. Phiên thảo luận được điều phối bởi Andrew Stevens, Biên tập viên chuyên trách châu Á – Thái Bình Dương của CNN. Mở đầu phiên thảo luận, Stevens nhấn mạnh: “Toàn cầu hóa không phải vấn đề của riêng ai. Tất cả chúng ta đều phải chịu tác động từ câu hỏi đâu là ‘Tương lai toàn cầu hóa’”.


“Toàn cầu hóa sẽ tiếp tục, nhưng nó đang bị tách rời khỏi mong muốn của người dân bình thường. Người châu Âu không còn thỏa mãn với EU. Mỹ thì đang bất mãn với các hiệp định thương mại tự do đa phương”, ông Bremmer của Tập đoàn Eurasia nhấn mạnh.

“Chúng ta phải thích nghi với sự đổi thay của thế giới nhưng các CEO sẽ nhìn thấy rõ hơn trách nhiệm xã hội của mình với sự phát triển bao trùm”, ông Robert Moritz, Chủ tịch toàn cầu PwC nhận định.


“Chúng ta cần đảm bảo toàn cầu hóa phải mang tính bao trùm hơn nữa nhằm mang tới cho mọi người lao động cơ hội được đào tạo và nâng cao năng lực. Rút lui không phải là lựa chọn”, bà Victoria Kwakwa, Phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới, nói.


“Chúng ta phải chống lại những người chống lại thương mại tự do, chúng ta phối hợp những bên khác liên quan thay thế những người muốn rút ra", Philipp Rösler, Giám đốc điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), khẳng định.


Phiên làm việc thứ 2 của CEO Summit 2017 đề cập tới “Tương lai việc làm” trong Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4. Hội nghị thảo luận về vai trò của chính phủ và công ty tư nhân trong việc đảm bảo người lao động sẽ không bị tổn thương trước sự nổi lên của Trí tuệ nhân tạo và công nghệ robot. Ông Masamichi Kono, Tổng Thư ký thường trực OECD, nhấn mạnh: “Sự tiến bộ vượt bậc của các phát minh công nghệ và tự động hóa sẽ mang tới những thách thức to lớn cho người lao động, khiến một số việc làm mất đi đặc biệt là trong lĩnh vực ít kỹ năng”.


Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Tập đoàn TBS, thừa nhận những khó khăn với ngành công nghiệp sản xuất các sản phẩm thời trang của ông. Theo các đại biểu tham gia thảo luận, chìa khóa để giải quyết vấn đề này nằm ở quá trình đào tạo nguồn nhân lực, cải cách hệ thống an sinh xã hội và doanh nghiệp phải cải cách để bảo vệ người lao động.




Trí thức trẻ




Comments

Popular posts from this blog

Học việc, thử việc tại ngân hàng: Cuộc sống muôn màu

Xin hỏi định nghĩa về thoái thu và thoái chi??