Nghiệp vụ thị trường mở là công cụ chính sách tiền tệ hiệu quả và linh hoạt trong thời đại công nghệ 4.0

Credit:
sbv.gov.vn
Ngày 20/6/2018, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tổ chức Hội nghị nghiệp vụ thị trường mở do Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, Trưởng ban điều hành nghiệp vụ thị trường mở, chủ trì. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo các Vụ Chính sách tiền tệ, Vụ Dự báo Thống kê tiền tệ, Vụ Quản lý ngoại hối, Sở Giao dịch, Cục Công nghệ thông tin, các thành viên Ban điều hành nghiệp vụ thị trường mở, đại diện của 70 TCTD là thành viên nghiệp vụ thị trường mở và các Vụ cục có liên quan của NHNN.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, Hội nghị nhằm hoàn thiện hơn nữa công tác điều hành nghiệp vụ thị trường mở, tổng kết quá trình hoạt động nhằm đánh giá đóng góp của nghiệp vụ thị trường mở vào thực tiễn điều hành CSTT của NHNN và hoạt động của các TCTD, đồng thời tiếp thu ý kiến đóng góp từ các thành viên thị trường, đề xuất các phương hướng hoàn thiện và phát triển công cụ này trong thời gian tới, đặc biệt là giai đoạn cuộc CMCN 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ.
Báo cáo tại Hội nghị, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN, cho biết: Trải qua gần 20 năm hoạt động, dưới sự chỉ đạo của Ban lãnh đạo NHNN, sự sát sao của Ban Điều hành Nghiệp vụ thị trường mở, sự nỗ lực của các Vụ, Cục NHNN và đóng góp tích cực của các TCTD là thành viên, nghiệp vụ thị trường mở đã không ngừng được hoàn thiện về mặt thể chế, phương thức vận hành, cơ chế điều hành và trở thành công cụ điều tiết tiền tệ thường xuyên và linh hoạt của NHNN, đồng thời đã hỗ trợ tích cực trong việc đảm bảo khả năng thanh khoản và an toàn hệ thống TCTD, góp phần tích cực trong việc đạt được các mục tiêu kinh tế - xã hội đã đặt ra của Quốc hội và Chính phủ.
image
Toàn cảnh hội nghị.
Nghiệp vụ thị trường mở được NHNN chính thức thực hiện từ ngày 12/7/2000, đến nay đã phát triển cả về quy mô, tổ chức và chất lượng hoạt động, trở thành công cụ điều tiết tiền tệ chủ yếu của NHNN, góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu chính sách tiền tệ.
Với việc thực hiện giao dịch theo cả 2 chiều mua bán giấy tờ có giá, nghiệp vụ thị trường mở đã phát huy tác dụng trong việc điều tiết vốn khả dụng của các TCTD theo mục tiêu chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ. Khối lượng giao dịch nghiệp vụ thị trường mở tăng mạnh qua các năm, định kỳ giao dịch cũng ngày càng tăng cường. Kỳ hạn giao dịch được từng bước đa dạng hoá phù hợp với nhu cầu tình hình vốn khả dụng của các TCTD và nhu cầu điều tiết tiền tệ của NHNN. NHNN đã kết hợp sử dụng đồng bộ nghiệp vụ thị trường mở với các công cụ chính sách tiền tệ để phát tín hiệu điều hành chính sách tiền tệ và thực hiện mục tiêu CSTT. Qua phân tích các kết quả hoạt động nghiệp vụ thị trường mở, NHNN có thêm thông tin cần thiết phục vụ cho việc điều hành CSTT.
Nghiệp vụ thị trường mở đã đồng hành cùng các TCTD trải qua các diễn biến thăng trầm của thị trường và nền kinh tế, hỗ trợ kịp thời vốn khả dụng VND cho các TCTD khi gặp khó khăn và điều hòa vốn khả dụng khi dư thừa, thông tin thường xuyên và kịp thời tới thị trường về định hướng điều hành chính sách tiền tệ của NHNN, qua đó tăng hiệu quả điều hành CSTT và góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ, góp phần ổn định giá trị đồng tiền và kiểm soát lạm phát, ổn định và phát triển thị trường tài chính - tiền tệ, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Đến nay, lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng kinh tế năm 2017 đạt 6,81%, cao nhất trong 10 năm qua; mặt bằng lãi suất, tỷ giá, thị trường ngoại tệ, thị trường vàng ổn định; dự trữ ngoại hối nhà nước tăng cao kỷ lục, lòng tin vào đồng Việt Nam được củng cố. Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao sự ổn định của nền kinh tế Việt Nam và hệ thống ngân hàng Việt Nam, và mới đây, tháng 4/2018, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch đã nâng triển vọng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam từ “BB- (Triển vọng tích cực)” lên “BB (Triển vọng ổn định)”.
Thành công của nghiệp vụ thị trường mở thời gian qua chủ yếu là do các yếu tố:
Thứ nhất, NHNN đã sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động và phát triển của nghiệp vụ thị trường mở như việc ban hành Thông tư số 42/2015/TT-NHNN ngày 31/12/2015 quy định về hoạt động nghiệp vụ thị trường mở, Quy trình nghiệp vụ thị trường mở số 01/QT-NHNN ngày 27/4/2016, Quyết định số 11/QĐ-NHNN ngày 06/1/2010 về danh mục giấy tờ có giá được sử dụng trong các giao dịch của NHNN và một số văn bản sửa đổi, bổ sung khác... Với việc không ngừng nghiên cứu, kịp thời bổ sung, sửa đổi các cơ chế, quy chế và quy trình kỹ thuật, nghiệp vụ thị trường mở đã từng bước trở thành công cụ điều tiết tiền tệ linh hoạt, hiệu quả và an toàn đối với các TCTD. Việc cải tiến thủ tục đấu thầu, triển khai đấu thầu qua mạng, thực hiện thanh toán ngay trong ngày đấu thầu, các TCTD có thể được hỗ trợ kịp thời về vốn khả dụng nhằm đảm bảo khả năng thanh toán, đặc biệt trong các dịp giáp Tết, NHNN đã thực hiện nghiệp vụ thị trường mở hàng ngày với khối lượng giao dịch lớn, góp phần tích cực trong việc duy trì ổn định tiền tệ và an toàn hệ thống.
image
Lãnh đạo các Vụ, Cục chức năng NHNN trình bày báo cáo về nghiệp vụ thị trường mở.
Thứ hai, sự tham gia của các thành viên là yếu tố cơ bản cho sự thành công của nghiệp vụ thị trường mở. Khi bắt đầu hoạt động vào tháng 7/2000, có 20 TCTD được công nhận là thành viên tham gia OMOs và đến nay số lượng này đã tăng lên 70 thành viên, bao gồm tất cả các loại hình các TCTD. Xuất phát từ thực tiễn hoạt động nghiệp vụ thị trường mở, NHNN đã ban hành các văn bản pháp luật, tạo hành lang pháp lý thuận lợi và thông thoáng theo quy định của pháp luật trong các giao dịch nghiệp vụ thị trường mở, cho phép cả các GTCG dài hạn như các loại trái phiếu Chính phủ sử dụng trong giao dịch nghiệp vụ thị trường mở, thực hiện trực tuyến các giao dịch giữa NHNN với các thành viên thị trường..., theo đó, số lượt thành viên tham gia các phiên nghiệp vụ TTM tham gia tăng mạnh qua từng năm. Điều này giúp làm tăng tính lan tỏa của điều hành nghiệp vụ thị trường mở đối với thị trường tiền tệ. Đồng thời, thông qua các giao dịch nghiệp vụ thị trường mở với các thành viên thị trường, NHNN nắm bắt tốt hơn thông tin và diễn biến thị trường, qua đó tăng tính hiệu quả trong điều hành chính sách tiền tệ.
Thứ ba, để hoạt động nghiệp vụ thị trường mở đạt được những kết quả đáng kể nêu trên không thể thiếu sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Ban lãnh đạo NHNN, Ban Điều hành nghiệp vụ thị trường mở. Các Vụ, Cục chức năng đã có nhiều nỗ lực trong việc nghiên cứu kịp thời xử lý vướng mắc, đảm bảo thực hiện nghiệp vụ thông suốt, an toàn và chính xác, không ngừng hoàn thiện công cụ này. Đồng thời, NHNN đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước, Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam trong việc cung cấp thông tin, tổ chức lưu ký giấy tờ có giá ... phục vụ cho hoạt động nghiệp vụ thị trường mở.
Cũng tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Hương, Phó Giám đốc Sở giao dịch NHNN báo cáo các vấn đề lưu ký và giao dịch giấy tờ có giá qua NHNN. Ông Lê Mạnh Hùng nêu các giải pháp về công nghệ để đảm bảo hoạt động thông suốt về nghiệp vụ thị trường mở.
Hội nghị cũng nhận được rất nhiều đề xuất, kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng nghiệp vụ thị trường mở từ đại diện lãnh đạo các ngân hàng thương mại như Agribank, MB, Vietcombank, VIB, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, TPBank, HSBC, Standard Chartered Bank...
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng tổng kết trên 30 đề xuất từ phía các ngân hàng thương mại thành 6 nhóm vấn đề để giải đáp thắc mắc, hướng dẫn và giao nhiệm vụ triển khai tới các đơn vị, các thành viên của Ban điều hành. Phó Thống đốc cũng biểu dương các đơn vị, tập thể cá nhân đã có đóng góp tích cực vào hoạt động nghiệp vụ thị trường mở. Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng kỳ vọng trong thời gian tới, nghiệp vụ thị trường mở được tiếp tục hoàn thiện nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển của nền kinh tế, phù hợp tiến trình hội nhập quốc tế của lĩnh vực ngân hàng.
Thoa Lê
Ảnh: Đức Khanh

Comments

Popular posts from this blog

Học việc, thử việc tại ngân hàng: Cuộc sống muôn màu

Xin hỏi định nghĩa về thoái thu và thoái chi??