Những kỷ vật thiêng liêng, xúc động của đoàn B68


29/06/2018

Năm 2011, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã phát động một đợt hiến tặng các kỷ vật của ngành ngân hàng trên toàn quốc để xây dựng phòng truyền thống của ngành. Trong số đó, những kỷ vật chiến tranh đã được các cán bộ Ngân hàng đi B giai đoạn 1968 lưu giữ cẩn thận và trao lại cho NHNN một cách đầy trân trọng. Mỗi kỷ vật đều chứa đựng những câu chuyện xúc động với biết bao tình cảm và sự hy sinh thầm lặng của các chiến sĩ kinh tài trong giai đoạn chiến tranh đầy khốc liệt ấy.
Phòng truyền thống của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Những dòng chữ lay động tâm can
Không ít người đã rơi nước mắt khi đọc lên những dòng tâm tình trong lá thư gửi vợ lần cuối cùng của Liệt sỹ Nguyễn Anh Vũ, sinh năm 1939, nguyên cán bộ NHNN chi nhánh tỉnh Thái Bình, đi B công tác tại Ban Kinh tài Trung ương Cục miền Nam. Lá thư viết: “Ngoan em! Thấm thoắt đã 4 năm rồi đấy nhỉ! Thời gian và không gian trôi đi quá nhanh…4 năm xa mái nhà tranh thân yêu, 4 năm xa quê hương để đi đánh Mỹ. 4 năm qua, nếu tính đường đi thì có lẽ đã vòng quanh trái đất. Thật thế đấy, 4 năm trên đất miền Nam yêu quý này, anh đã từng đi từ rừng núi tới đồng bằng (Phước Long, Bình Long, Kiến Phong, Kiến Tường, Đồng Tháp Mười rồi qua con song lớn – Cửu Long giang, Hậu giang rồi qua đất bạn Căm-pu-chia, Kông bông, Soài Riêng, Cần Đan, Ja keo, Căm pốt… Bước chân đi không hề mỏi, còn Mỹ, anh còn phải đi, nhưng trên quãng đường ấy, những ngày tháng cách quê hương không một phút nào nguôi nhớ đến người mẹ anh hằng kính trọng, chú bác anh em anh hằng yêu mến, nơi có em và con hàng ngày trông ngóng về phương Nam, nhắc tới anh”.
Lá thư gửi vợ lần cuối cùng của Liệt sỹ Nguyễn Anh Vũ.
Dành nhiệt huyết cho quốc gia, dân tộc, nhưng người con của đất Thái Bình vẫn hướng trái tim đau đáu về gia đình ở hậu phương. Thế nhưng, chủ nhân của những dòng chữ chất chứa yêu thương ấy, liệt sĩ Nguyễn Anh Vũ đã mãi mãi không trở về. Ông đã ngã xuống vùng đất Phum Đôn Tây, tỉnh Konpong Cham, Cam-pu-chia. Bức thư được viết lần cuối cùng năm 1972 được gia đình nâng niu, trân trọng, lưu giữ như một phần máu thịt của mình tại xã Đông Đô, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Con trai ông, anh Nguyễn Anh Tuấn cũng là một cán bộ ngân hàng, đã quyết định trao tặng kỷ vật quý giá này cho phòng truyền thống của ngành Ngân hàng để thế hệ sau có thể phần nào hiểu được cuộc sống và tâm hồn của những chiến sĩ kinh tài đi B năm 1968.
Đặc biệt, một cuốn sổ tay nhỏ, giấy đã ngả ố vàng với những dòng chữ chứa đựng tâm tình của liệt sỹ Nguyễn Hữu Nhàn, nguyên cán bộ Ngân hàng chi nhánh huyện Bát Xát – Lào Cai viết trong thời gian đi B, 1967 cũng đang được lưu giữ trang trọng giữa phòng truyền thống.
Cuốn sổ sờn bạc ấy hẳn là người bạn tâm tình của chiến sĩ Nhàn năm xưa, bởi trong đó, ông lưu giữ rất nhiều ghi chép kiến thức được trang bị về cách lái xe, tự sửa chữa ô tô khi cần, những buổi sinh hoạt chính trị, phân tích tình thế giữa ta và địch, nhưng nhiều nhất vẫn là những dòng ghi chép về cuộc sống quân ngũ, sự khó khăn, thiếu thốn, sự ác liệt của chiến tranh, vượt lên đó vẫn là ý chí chiến đấu và tình cảm đối với gia đình.
Cuốn nhật ký đã ngả màu thời gian của ông Nguyễn Hữu Nhàn.
“Bát cơm ăn tống táng, uống ngụm nước lã, nằm xuống hầm ngủ như chết. Ngày 4/9, đội cơm chúng tôi bắt tay vào việc ngay, người đào hố giấu đạn pháo, đào thêm hầm ngủ. Trời sáng rõ, lại có tiếng rình rình, rồi nhanh như chớp, từng loạt bom B52 lại lao xuống chúng tôi. Thú thực, tôi khiếp quá, tôi kinh cả những tiếng nổ liên hồi tưởng đến vỡ óc, chứ chưa nói đến nó đã vào đầu nữa. Run rủi thế nào lại gặp nó mỗi lần nghe bom lao xuống, chúng tôi lại nín thở chờ đợi. Thoát được một đợt, hai đợt rồi lại mong thoát đợt nữa… cả khu vực lại tối mù mịt trong bụi đất, khói bom. Cũng may, hôm nay nó ném trượt nên không ai việc gì, chỉ được một phen bổ vía. Thật, cái chết lúc nào cũng đuổi riết sau lưng, cái sống chết lúc này hú họa quá, chiến trường càng ngày càng ác liệt, càng nguy hiểm. Đổi lấy độc lập, tự do phải trả giá đắt bao nhiêu. Suốt ngày L19 lại dòm ngó khu vực này và oanh tạc xung quanh. Trời tối hẳn, vừa ra tới hố bom toan rửa ráy, B52 lại đến. Cùng với bom trút liên tục của nó, tôi nhào nép vào hố bom. Nó thả nhiều xuống quanh cồn Thiên rồi bị bộ binh ta bao vây riết. Cả một góc trời ngập trong lửa đạn nghe buốt ruột quá. Không biết anh em ta có ai việc gì không? Đêm ngủ cứ chập chờn, cứ như B52 lại sắp đến…”
Có những trang viết được ghi vội sau trận càn của Mỹ: Pháo chúng bắn như mưa dìm đầu chúng tôi xuống, chúng bắn trả điên cuồng, thả bom vung vãi, con đường ngổn ngang những cây đổ, cành cụt, đất đá… Trong giây phút hiểm nghèo ấy, chúng tôi chỉ biết phó mặc cho may rủi… Chúng tôi nằm phơi mình trần nghe từng loạt đạn nổ chói tai cùng tiếng rú ghê rợn của nó. Mảnh văng vèo vèo. Phải rút và phải tìm đường sống! Chúng tôi chạy tạt góc phương vị trong rừng, mặc đạn bắn đằng trước, đạn đuổi sau lưng, vượt qua làn pháo, lại vượt qua bom, tọa độ và nhào xuống công sự ven đường, mặc cho chúng bắn – lúc xa, lúc gần, lúc trùm lên chúng tôi, nhưng không trúng hầm nào. Mãi đến 9 giờ đêm, trời trở lại yên tĩnh, nhưng chúng tôi vẫn không ai ngủ cả. Mờ sáng hôm sau, chúng tôi tiếp tục rút ra…về K9. Một đêm nghỉ ngơi yên tĩnh bên dòng suối rì rầm, từ đây ra Bến Hải còn hơn hai ngày đường nữa…”.
Phòng truyền thống của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Có những khi Liệt sĩ Nhàn mượn dòng nhật ký để thổ lộ tâm tư với vợ, những câu chữ chất chứa tâm trạng dằn vặt, ray rứt khi tự thấy mình chưa hoàn thành nhiệm vụ như kỳ vọng: “Anh không có gì đáng giận, mà chỉ đáng thương thôi. Anh em vẫn giữ được phẩm chất đạo hạnh như xưa. Anh vẫn luôn mong rằng mình sẽ giữ trọn niềm tự hào cho em, nhưng anh bất lực quá. Anh chỉ trách mình như vậy, anh đã cố gắng hết sức nhưng chỉ được có thế. Em đừng giận anh nhé, người mà bấy lâu nay em mong đợi và hy vọng tôn sung như một người thầy, thực tế chỉ là pho tượng đất, có dáng không hình…anh tự thấy không xứng đáng với tấm long trông đợi của em, phụ ơn em đã tất cả vì anh mà đảm đang, vất vả. Xin em nhé…”. Có đọc những dòng nhật ký ấy, người ta mới hiểu được sự quyết tâm và ý chí chiến đấu vì quê hương, đất nước, gia đình của ông.
Gia tài đơn sơ của người lính B68
Hành trang của chiến sĩ năm xưa chẳng có gì ngoài những mảnh tăng, chiếc võng, cặp lồng… Rời cuộc chiến, trở về công cuộc xây dựng đất nước thời bình, những đồ đạc ấy trở thành một phần về hoài niệm của họ, trong đó có bom rơi, đạn nổ, có những cuộc hành quân băng rừng lội suối hàng tháng trời, có mồ hôi, nước mắt và cả máu. Mỗi đồ vật dường như đều chứa đựng cả linh hồn và ký ức của bao năm tháng mưa nắng dãi dầu, cái thuở họ đã nguyện hy sinh tuổi trẻ, sức lực, trí tuệ và cả tính mạng của mình cho sự nghiệp thống nhất đất nước.
Trong gia tài của ông Trần Công Cường, nguyên cán bộ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đà Nẵng cũng không thể thiếu những thứ thuộc về ký ức của chiến trường xưa. Đó là bi đông, cặp lồng đã nhiều vết trầy xước, móp méo qua thời gian mà ông từng sử dụng trong suốt thời gian đi B, đó là tấm tăng đã bạc màu dùng để che mưa che nắng, luôn cùng ông trong những chặng đường hành quân xuyên rừng cùng với đồng chí, đồng đội. Chiếc hộp đựng kính do ông Lê Hữu Đát – Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ tự làm từ vỏ chiếc máy bay thứ 200 của Mỹ bị dân quân tự vệ Nghệ Tĩnh bắn rơi tại Bến Thủy năm 1967 được cất kỹ, nay ông trân trọng trao lại cho ngành Ngân hàng và đang được trưng bày trong phòng truyền thống cùng chiếc phù hiệu băng tay áo K3 được cán bộ Ủy ban quân quản sử dụng khi tiếp quản hệ thống ngân hàng của chế độ Sài Gòn 1975.
Bà Nguyễn Thị Điểu, nguyên Giám đốc NHNN huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi lưu giữ, bảo quản được một số đồ dùng trong chiến tranh, trong đó bà hiến tặng một tấm vải dù ngụy trang của Đoàn cán bộ ngân hàng B68 sử dụng trong chiến trường miền Nam, một chiếc võng của cán bộ Đoàn Ngân hàng B68 sử dụng trong những năm đấu tranh chống Mỹ ác liệt.
Các chiến sĩ ngân hàng trong ngày lên đường ra trận.
Khách đến tham quan phòng truyền thống hẳn không thể quên những bức hình rất đẹp của đoàn cán bộ B68 ngày nhập ngũ 50 năm về trước và hình ảnh một góc của trường đào tạo cán bộ kinh tài miền Nam. Đó là những tân binh mang gương mặt thanh xuân, nụ cười rạng rỡ, lạc quan, đôi mắt ánh lên ý chí quyết tâm, sẵn sàng đương đầu mọi gian lao, thử thách. Bà Lưu Thị Ái Liên (thứ ba từ trái sang) kể lại, bức ảnh được chụp vào ngày 18/5/1968 trước khi bà và các đồng nghiệp vào chiến trường B với nhiệm vụ chuẩn bị phát hành đồng tiền mặt trận Giải phóng khi tổng tiến công nổi dậy mùa xuân năm 1968 thành công.
Thời gian đã trôi đi, có thể có lúc ký ức sẽ phai mờ, người còn, người mất, nhưng có lẽ tất cả họ đều chung niềm tự hào đã từng là chiến sĩ của đoàn B68 vẻ vang với những đóng góp quan trọng cho chiến thắng chung của dân tộc, góp phần đưa non sông liền một dải trong chiến thắng của mùa xuân năm 1975.
Thoa Lê










Comments

Popular posts from this blog

Học việc, thử việc tại ngân hàng: Cuộc sống muôn màu

Xin hỏi định nghĩa về thoái thu và thoái chi??