'Cấu trúc lạ' ở TPBank


"Cấu trúc lạ" về nguồn vốn của TPBank càng trở nên "lạ" hơn trong quý I/2020. Nhưng đây không phải "cấu trúc lạ" duy nhất.

'Cấu trúc lạ' ở TPBank

'Cấu trúc lạ' ở TPBank (Ảnh minh họa)

Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) mới đây đã công bố báo cáo tài chính quý I/2020. Tăng trưởng lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này là 18,4% so với cùng kỳ năm ngoái, dù ở mức khá trong ngành ngân hàng nhưng nếu so với các năm trước thì có sự chững lại rất rõ rệt.

Nhìn lại, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế bình quân giai đoạn 2017 - 2019 của TPBank lên đến 76%. Đáng chú ý là mức tăng được duy trì rất đều, năm nào cũng trên 70%. Đây là thành quả rất đáng ghi nhận.

Gia tăng trích lập dự phòng là yếu tố tác động khá lớn. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng quý I/2020 của TPBank gấp đôi so với cùng kỳ năm 2019. Nếu không tính dự phòng, mức tăng lợi nhuận là trên 32%.

Thực tế thì dưới tác động của dịch Covid-19, việc gia tăng dự phòng cũng là dễ hiểu. Thêm vào đó, việc duy trì đà tăng lợi nhuận quá cao trong một thời gian dài cũng rất khó do dư địa ngày càng cạn kiệt. Mức tăng lợi nhuận trước dự phòng trên 32% cũng đã là một mức tăng tốt, xét về mặt con số.

Điểm đặc biệt trong báo cáo tài chính quý I/2020 của TPBank không phải nằm ở mức tăng lợi nhuận thấp hơn đáng kể thời kỳ trước, mà là ở diễn biến liên quan đến "cấu trúc lạ" của ngân hàng này.

Quý I, tiền gửi khách hàng (hay tiền gửi của dân cư và các tổ chức kinh tế) của TPBank giảm tới 3% chỉ sau 3 tháng, tương đương giảm hơn 2.700 tỷ đồng, về mức gần 90.000 tỷ đồng. Trong khi đó, tiền gửi và vay các tổ chức tín dụng (vốn liên ngân hàng) tăng tới gần 27%, tương đương tăng hơn 10.000 tỷ đồng, đạt trên 50.000 tỷ đồng.

Hiếm có ngân hàng nào có cấu trúc nguồn vốn lệch về phía vốn liên ngân hàng như TPBank, nếu không muốn nói là lệch bậc nhất. Thông thường, ở đại đa số các ngân hàng, tiền gửi khách hàng luôn là nguồn vốn chủ đạo vì tính ổn định và bền vững của nó.

Lấy ví dụ một ngân hàng "mẫu mực" là Vietcombank, vốn liên ngân hàng chỉ bằng chưa đầy 5% tiền gửi khách hàng, trong khi con số này ở TPBank hiện lên tới... 57%.
Bản thân sự phát triển của TPBank trong nhiều năm qua đã gắn liền với "cấu trúc lạ" về nguồn vốn này. Và quý I/2020, "cấu trúc lạ" này thêm phần "lạ" hơn khi cuối năm 2019, vốn liên ngân hàng của TPBank bằng khoảng 44% tiền gửi khách hàng mà chỉ 3 tháng sau, như đã đề cập, con số đã lên tới 57%.

Nhưng không chỉ sở hữu "cấu trúc lạ" về nguồn vốn, ở TPBank, cấu trúc cho vay cũng khác với đa phần các ngân hàng thương mại khi rất lệch về phía cho vay trung và dài hạn.

Cuối quý I, 73% dư nợ cho vay của ngân hàng này là cho vay trung và dài hạn. Nôm na, trong 4 đồng cho vay đi thì gần 3 đồng được TPBank dành cho kỳ hạn trên 1 năm.

Kỳ hạn cho vay càng dài thì càng tiềm ẩn nhiều rủi ro, do thời gian càng dài thì xác suất xảy ra biến cố càng cao. Trong nhiều trường hợp, những biến động lớn trong cho vay còn ảnh hưởng đáng kể đến cả cấu trúc nguồn vốn nếu xảy ra rủi ro thanh khoản. Chính vì tiềm ẩn nhiều rủi ro mà kỳ hạn càng dài, lãi suất cho vay càng cao, nghĩa là ngân hàng càng thu được nhiều lợi nhuận trên mỗi đồng cho vay bỏ ra.

Đa phần các ngân hàng thương mại Việt Nam có cấu trúc cho vay trung và dài hạn trên dưới 50%. Số lượng trên 70% rất ít.

Ngoài ra, TPBank cũng nằm trong số ít các ngân hàng sở hữu tỷ trọng trái phiếu doanh nghiệp cao trong tổng dư nợ tín dụng (ước tính khoảng trên 8% thời điểm cuối quý I/2020), nhằm mục đích gia tăng tỷ suất lợi nhuận.

"Cấu trúc lạ" về cả nguồn vốn và cho vay liệu có thực sự bền vững, trong bối cảnh nền kinh tế đang diễn biến ngày càng tiêu cực do tác động không chỉ trong ngắn hạn của dịch Covid-19 mà còn cả hệ lụy trong trung và dài hạn?

Quý I/2020, nợ xấu của TPBank gia tăng khá nhanh, tới trên 50%, khiến tỷ lệ nợ xấu tăng tăng lên 1,87% từ mức 1,29% hồi cuối năm 2019. Đây là nguyên nhân khiến chi phí dự phòng của ngân hàng này tăng vọt. Như đã đề cập, điều này không lạ trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Điều đáng lưu ý là không loại trừ khả năng TPBank cũng có một cấu trúc nợ xấu "lạ" nếu nhìn vào các khoản phải thu.

Thuyết minh số 15.1 trong báo cáo tài chính kiểm toán năm 2019 của TPBank có đề cập đến khoản phải thu từ các hợp đồng bán trái phiếu và bán nợ lên tới trên 5.200 tỷ đồng. Nôm na là TPBank bán trái phiếu và nợ cho một hoặc nhiều pháp nhân, khiến các khoản trái phiếu và nợ này được đưa ra khỏi dư nợ tín dụng, thế nhưng đây lại là "bán chịu" với quy mô lên đến trên 5.200 tỷ đồng.

Trong một diễn biến khác, năm 2019, TPBank tuyên bố đã tất toán toàn bộ trái phiếu tại VAMC.

Trên thực tế, trong vài năm gần đây, đã có không ít ngân hàng có thời điểm đã giảm đột ngột tỷ lệ nợ xấu nhưng các khoản phải thu từ bán trái phiếu và nợ lại tăng lên đột biến, đặt nghi vấn về việc giảm tỷ lệ nợ xấu không thực chất mà bằng cách dùng nghiệp vụ mua bán để hoán đổi nợ xấu với các khoản mục khác trong bảng cân đối kế toán. Bản thân việc bán nợ xấu cho VAMC về cơ bản cũng là nghiệp vụ dạng này. VAMC cũng chỉ là một pháp nhân, ngân hàng hoàn toàn có thể chủ động thay bằng một hoặc nhiều pháp nhân khác.

Minh Tâm

Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.
Link báo gốc: 'Cấu trúc lạ' ở TPBank









Comments

Popular posts from this blog

Học việc, thử việc tại ngân hàng: Cuộc sống muôn màu

Xin hỏi định nghĩa về thoái thu và thoái chi??