Phó Thống dốc Nguyễn Thị Hồng tham dự và phát biểu tại cuộc họp trực tuyến giữa Vụ Châu Á - Thái Bình Dương với Nhóm Đông Nam Á, IMF

17/04/2020
Ngày 17/4/2020, trong khuôn khổ Hội nghị Mùa xuân IMF/WB 2020, Vụ Châu Á – Thái Bình Dương (APD) – Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã tổ chức cuộc họp trực tuyến để bàn về triển vọng kinh tế khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có các nước thuộc Nhóm Đông Nam Á trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và các giải pháp hỗ trợ của IMF cho các nước trong khu vực. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng tham dự và phát biểu tại cuộc họp.
https://sbv.gov.vn/webcenter/image/SBV408925/Web
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại cuộc họp
Tại cuộc họp, IMF đánh giá đại dịch Covid-19 đã có tác động không nhỏ tới các nền kinh tế Châu Á. Theo dự báo của IMF, tăng trưởng kinh tế khu vực Châu Á năm 2020 sẽ ở mức 0%, thấp hơn nhiều mức tăng trong giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu (4,7%) hay khủng hoảng tài chính Châu Á (1,3%). Tuy nhiên, kinh tế khu vực sẽ có sự phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021 với mức tăng dự kiến 7,6%. Ngoài ra, theo dự báo của IMF, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 dự kiến ở mức -3%, trong đó, Mỹ tăng trưởng -5,1%, khu vực đồng Euro, Nhật Bản và Anh tăng trưởng lần lượt ở mức -7,5%, -5,2% và -6,5%, Trung Quốc tăng trưởng 1,2% và các nước ASEAN-5 tăng trưởng ở mức -0,6%. IMF kêu gọi các nước trong khu vực phối hợp thực hiện các biện pháp ứng phó toàn diện trên các lĩnh vực (i) ngăn chặn và giảm thiểu tác động của dịch bệnh tới sức khỏe con người, (ii) thực hiện các biện pháp hỗ trợ có mục tiêu nhằm củng cố lòng tin trong công chúng, (iii) đảm bảo hoạt động của thị trường, (iv) ngăn chặn và giảm thiểu các áp lực từ bên ngoài và (v) hỗ trợ cầu trong nước.
Quang cảnh cuộc họp
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thống đốc đánh giá cao IMF đã có những hành động kịp thời trong việc hỗ trợ các nước trong quá trình phòng chống và ứng phó với tác động của dịch bệnh, đặc biệt là việc nâng gấp đôi hạn mức hàng năm theo Thể thức Tín dụng khẩn cấp (RCF) và Tài trợ nhanh (RFI) cho các nước nhằm đối phó với đại dịch cũng như cam kết sử dụng nguồn lực cho vay 1000 tỉ USD của Quỹ cùng với các sáng kiến giảm nợ cho các nước thu nhập thấp phối hợp với Ngân hàng Thế giới và các ngân hàng phát triển đa phương khác. Phó Thống đốc cũng đánh giá cao vai trò của IMF trong việc điều phối các chương trình hỗ trợ từ các định chế tài chính quốc tế để đảm bảo các gói hỗ trợ, cứu trợ bao phủ được tất cả các đối tượng, quốc gia, vùng miền bị tác động bởi dịch bệnh đang diễn biến ngày càng phức tạp trên thế giới, đồng thời hoan nghênh việc IMF thông qua thể thức Hạn mức Thanh khoản ngắn hạn (SLL) nhằm hỗ trợ thanh khoản cho những nước chịu rủi ro do biến động luồng vốn.
Trong bối cảnh các nền kinh tế đang phát triển trong khu vực phải đối mặt với tình trạng luồng vốn chảy ra ngoài cùng các rủi ro hiện hữu khác trong và sau đại dịch, Phó Thống đốc đề nghị IMF có các nghiên cứu chuyên sâu cho các quốc gia về các lĩnh vực như quản lý luồng vốn, cơ chế cảnh báo sớm, cơ chế chia sẻ rủi ro giữa ngân sách, ngân hàng trung ương, hệ thống ngân hàng và các bên liên quan khác trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, và giải pháp cho các vấn đề hiện hữu như quản lý nợ nước ngoài, nợ khu vực tư nhân.
Phó Thống đốc đề xuất IMF phối hợp với các nước, các tổ chức quốc tế trong việc đề ra khuôn khổ chính sách nhằm khôi phục tăng trưởng kinh tế sau khi đại dịch đi qua, và đề nghị IMF đẩy mạnh tư vấn chính sách và hỗ trợ kỹ thuật, giúp các nước, khu vực trong việc tận dụng, tối ưu hóa các công cụ hiện có như quản lý dòng chu chuyển vốn (CFM), can thiệp ngoại hối (FXI), các cơ chế hỗ trợ thanh khoản khu vực như CMIM để ứng phó với dịch bệnh, bảo đảm thanh khoản và duy trì, củng cố sự ổn định tài chính.
Vụ HTQT
Ảnh: ĐK

Comments

Popular posts from this blog

Học việc, thử việc tại ngân hàng: Cuộc sống muôn màu

Xin hỏi định nghĩa về thoái thu và thoái chi??