Thúc dẩy thanh toán không dùng tiền mặt: Cần các giải pháp đồng bộ

26/05/2020
Thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tại Việt Nam trong thời gian qua đã có sự phát triển mạnh mẽ. Môi trường pháp lý cho hoạt động này ngày càng hoàn thiện. Cùng với đó là sự hưởng ứng từ người dân, các doanh nghiệp, nhiều đơn vị cung ứng dịch vụ công khi nhận ra lợi ích kinh tế về hợp tác phát triển dịch vụ TTKDTM. Để thúc đẩy TTKDTM và tài chính toàn diện, sự đồng bộ về cơ sở pháp lý, hạ tầng tài chính, truyền thông, giáo dục tài chính có vai trò quan trọng.

Quang cảnh buổi họp báo
 Đây là những thông tin tại Họp báo công bố chuỗi sự kiện hưởng ứng Ngày không tiền mặt (16/6) diễn ra ngày 26/5 tại TP.Hồ Chí Minh. Chương trình Ngày không tiền mặt (16/6) do báo Tuổi trẻ phối hợp Hiệp hội Thương mại điện tử (Vecom), Công ty cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) tổ chức. Tham dự buổi họp báo có Tổng biên tập báo Tuổi trẻ, Lãnh đạo các Vụ của Ngân hàng Nhà nước - NHNN (Thanh toán, Truyền thông). Ngoài ra còn có lãnh đạo Napas, Vecom, đại diện Ngân hàng TMCP Sacombank, HD Bank, Vietinbank, Hệ thống siêu thị bán lẻ CoopMart, các hiệp hội, tổ chức trung gian thanh toán…
Ngày không tiền mặt do báo Tuổi trẻ đề xuất – 16/6 – được bắt đầu từ năm 2019 - là ngày phương tiện TTKDTM được khuyến khích sử dụng khi mua sắm, giao dịch thanh toán và người tiêu dùng sẽ được hưởng chính sách ưu đãi từ các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán và các nhà bán lẻ, nhà cung cấp dịch vụ.
Chuỗi sự kiện của Ngày không tiền mặt năm nay sẽ tiếp nối thành công của năm 2019 trước đó, góp phần tích cực hiện thực hóa các mục tiêu của các Đề án Phát triển TTKDTM; Đề án Nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế; Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công; và Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Hưởng ứng Ngày 16/6 năm nay sẽ có nhiều sự kiện như: Chương trình Ủng hộ nông sản Việt; Chương trình Tiểu thương không tiền mặt; Giải chạy bộ Online – Ngày không tiền mặt; Hội thảo Webinar về thanh toán không tiền mặt ở Việt Nam – dự kiến 12/06/2020; Chương trình Tuần lễ không tiền mặt – 10/06/2020 – 16/06/2020…Thông qua các chương trình, sự kiện sẽ tạo cơ hội cho người dân trên cả nước trải nghiệm và thấy rõ hơn lợi ích của các phương tiện thanh toán điện tử mang lại, đặc biệt trong thời điểm thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội và trong bối cảnh cả thế giới phải đối mặt với dịch bệnh Covid-19.
image
Quang cảnh buổi họp báo
Thanh toán không dùng tiền mặt phát triển cả về chất và lượng
Theo báo cáo của NHNN, giai đoạn 2016-2020 tiếp tục đánh dấu bước tiến vượt bậc trong sự phát triển của hoạt động thanh toán cả về chất và lượng với nhiều sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới, tiện ích và hiện đại dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin; các chỉ số TTKDTM tăng trưởng ấn tượng; công tác đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống TTKDTM được coi trọng và tăng cường.
Kết quả này được thể hiện ở những mặt sau: (i) Hạ tầng kỹ thuật và công nghệ phục vụ TTKDTM, nhất là thanh toán điện tử được đầu tư, nâng cấp (đến nay có khoảng 78 tổ chức triển khai dịch vụ thanh toán qua internet và 49 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động (ĐTDĐ). Đến tháng 5/2020 có 34 tổ chức không phải là ngân hàng đã được NHNN cấp Giấy phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (TTĐTLNH) hoạt động an toàn, hiệu quả và thông suốt, tiếp tục phát huy vai trò là Hệ thống thanh toán xương sống của quốc gia, đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán liên ngân hàng trong toàn quốc; (ii) Hoạt động TTKDTM có sự phát triển mạnh mẽ, nhất là thanh toán qua điện thoại di động và Internet (đến cuối năm 2019, giao dịch qua kênh internet tăng 64% về số lượng giao dịch và tăng 37% về giá trị giao dịch; giao dịch qua kênh ĐTDĐ tăng tương ứng 198% và 210% về số lượng và giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2018); (iii) Xu hướng thanh toán trong nền kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng sử dụng các phương tiện TTKDTM nhiều hơn. Tỷ trọng giao dịch tại ATM năm 2018 thông qua hệ thống Napas chiếm 62%, năm 2019 giảm còn 42% trong khi tỷ trọng giao dịch thanh toán liên ngân hàng năm 2018 là 26%, năm 2019 tăng lên 48%, thể hiện sự thay đổi thói quen từ việc rút tiền qua ATM phục vụ cho việc chi tiêu hàng hàng ngày bằng tiền mặt sang TTKDTM qua các kênh ngân hàng điện tử; (iv) Thanh toán điện tử trong khu vực dịch vụ công đã được chú trọng, tăng cường. Đến cuối năm 2019 đã có khoảng 50 ngân hàng hoàn thành kết nối thanh toán thuế điện tử với Thuế, Hải quan trên 63 tỉnh/thành phố, 95% số thu Hải quan được thực hiện qua ngân hàng; 99% doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử; 27 ngân hàng và 10 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (TGTT) phối hợp thu tiền điện, doanh thu tiền điện của EVN thanh toán qua ngân hàng lên tới gần 90%; 30 bệnh viện đã kết nối triển khai thanh toán viện phí điện tử, một số bệnh viện đã đạt 35% số lượng giao dịch thanh toán viện phí không dùng tiền mặt.
Theo ông Phạm Tiến Dũng – Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, NHNN đã cùng với các Bộ, ngành, các cơ quan liên quan kịp thời triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, từ đó đã tạo được những chuyển biến rõ nét trong hoạt động TTKDTM; đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 vừa qua, với những sản phẩm dịch vụ thanh toán tiện ích cùng nhiều chương trình ưu đãi, hỗ trợ thiết thực đã tạo thuận lợi và khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ TTKDTM, qua đó góp phần hạn chế tiếp xúc, ngăn ngừa sự lây nhiễm dịch bệnh theo chỉ đạo của Chính phủ.
image
Ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN
Theo đó, trong những tháng đầu năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng hoạt động thanh toán vẫn có sự tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Giá trị giao dịch qua Hệ thống TTĐTLNH trong 3 tháng đầu năm 2020 tăng trên 21 % so với 3 tháng đầu năm 2019. Tổng số lượng giao dịch qua Hệ thống Chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử trong 3 tháng đầu năm 2020 tăng 81,32% về số lượng và tăng 145,32% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Trong thời gian thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, các yêu cầu thanh toán của người dân và xã hội vẫn được đáp ứng đầy đủ, các dịch vụ ngân hàng trực tuyến và ATM hoạt động liên tục, thông suốt; đặc biệt giá trị giao dịch trung bình qua hệ thống TTĐTLNH trong 20 ngày đầu tháng 4/2020 tăng 8,85% so với cùng kỳ năm trước.
Triển khai nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 11/CT-TTg, NHNN đã có những chỉ đạo kịp thời theo thẩm quyền về miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán cho khách hàng nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng do Covid-19. Cụ thể: NHNN đã có 02 lần liên tiếp chỉ đạo Công ty cổ phần thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas), các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện miễn, giảm các loại phí dịch vụ thanh toán, nâng cao chất lượng dịch vụ thanh toán và phục vụ tốt nhất cho nhu cầu thanh toán trực tuyến.
Đến nay, đã có 100% ngân hàng xác nhận thực hiện chính sách miễn/giảm phí cho khách hàng đối với giao dịch giá trị nhỏ (từ 2 triệu đồng trở xuống) và khoảng 63% giao dịch thanh toán của khách hàng qua giao dịch thanh toán liên ngân hàng 24/7 qua Napas được áp dụng miễn hoặc giảm phí. Ước tính tổng số tiền phí dịch vụ thanh toán mà các ngân hàng miễn, giảm cho khách hàng đến hết năm 2020 sau 2 đợt giảm phí là khoảng 1.004 tỷ đồng (trong đó lần 1 là 517 tỷ và lần 2 là 487 tỷ).
Bên cạnh đó, NHNN có công văn chỉ đạo các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khẩn trương xem xét áp dụng chính sách miễn phí chuyển tiền ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 và hạn hán, xâm nhập mặn qua tài khoản ngân hàng. NHNN cũng đã kịp thời ban hành Thông tư số 04/2020/TT-NHNN ngày 31/3/2020 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 26/2013/TT-NHNN điều chỉnh giảm 50% mức phí giao dịch thanh toán liên ngân hàng qua Hệ thống TTĐTLNH, áp dụng từ 01/4 -31/12/2020. Đồng thời, NHNN có công văn yêu cầu các ngân hàng phải điều chỉnh giảm phí chuyển tiền qua hệ thống TTĐTLNH cho khách hàng. Dự kiến đến hết năm 2020, số thu phí dịch vụ thanh toán của NHNN sẽ giảm khoảng 285 tỷ đồng để hỗ trợ cho các TCTD đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp trong quá trình giảm phí dịch vụ chuyển tiền liên ngân hàng.
Thực tế, thói quen là rào cản lớn nhất khiến thanh toán tiền mặt vẫn còn phổ biến, do đó cần cú hích lớn để thay đổi thói quen này. Và thói quen chỉ thay đổi khi người ta thấy rõ được lợi ích và sự tiện lợi, chưa kể dịch vụ phải thật đa dạng. Theo ông Phạm Tiến Dũng, nếu một khách hàng của ngân hàng vào chương trình mobile banking, Internet banking nhưng chỉ trả tiền điện thoại thì khách hàng sẽ rời ngay đi. “Cho nên giai đoạn vừa rồi đặt ra vấn đề là phải kết nối hệ sinh thái số của ngân hàng với các nền kinh tế khác như điện, nước, viện phí, học phí... để thanh toán điện tử” – ông nói.
Với phương châm chủ đạo lấy khách hàng làm trọng tâm, ứng dụng thành tựu của CMCN4.0 làm nhân tố quyết định, để phát triển TTKDTM trong thời gian tới, NHNN xác định tiếp tục xây dựng, bổ sung hành lang pháp lý cho hoạt động động thanh toán điện tử, đáp ứng yêu cầu đối với các mô hình kinh doanh và sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ thông tin, trong đó tập trung vào ngân hàng số, thanh toán số. Đồng thời, ngành Ngân hàng tiếp tục xây dựng hạ tầng công nghệ phục vụ cho việc chia sẻ, cung ứng các sản phẩm số và tăng cường tích hợp, kết nối với các Bộ ngành, lĩnh vực còn lại để mở rộng hệ sinh thái; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng thành tựu CMCN4.0 trong hoạt động thanh toán; nghiên cứu, áp dụng các công nghệ, phương thức thanh toán hiện đại; tiếp tục nghiên cứu, triển khai các mô hình thanh toán tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa gắn với triển khai Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia; thúc đẩy thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ, dịch vụ công...
Để không ai bị bỏ lại phía sau trong tiếp cận các sản phẩm dịch vụ tài chính
Đặc biệt, để TTKTDM ngày càng lan tỏa trong xã hội, công tác thông tin, tuyên truyền về TTKDTM, phổ biến kiến thức về các sản phẩm, dịch vụ thanh toán, kỹ năng thực hiện giao dịch thanh toán có vai trò quan trọng.
Khi được hỏi “Nếu có một từ diễn tả hoạt động thúc đẩy thanh toán không tiền mặt thì đó là từ nào?", bà Lê Thị Thúy Sen, Vụ trưởng Vụ Truyền thông NHNN cho biết: “Đó là từ “đồng bộ” bao gồm đồng bộ về cơ sở pháp lý, cơ sở hạ tầng tài chính và truyền thông”.
image
Bà Lê Thị Thúy Sen – Vụ trưởng Vụ Truyền thông NHNN
Theo bà Sen, với vai trò tham mưu NHNN về hoạt động truyền thông, nhằm thực hiện các Đề án của Chính phủ như Đề án Nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế và Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong thời gian qua, NHNN đã phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai nhiều hoạt động truyền thông, trong đó trọng tâm cung cấp thông tin tin tiện ích TTKDTM, các sản phẩm dịch vụ và kỹ năng sử dụng dịch vụ ngân hàng đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật, tường minh về chính sách phí, cơ cấu phí, các loại phí để người sử dụng yên tâm, đảm bảo được mục tiêu cân bằng thông tin giữa đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán và người sử dụng,qua đó bảo vệ người tiêu dùng sử dụng dịch vụ tài chính. Hình thức truyền thông được thực hiện đa dạng, phong phú, ứng dụng công nghệ hiện đại. Các chương trình phù hợp với thói quen, văn hóa vùng miền, các thông điệp dễ hiễu, gần gũi với các đối tượng vùng sâu vùng xa, tạo ấn tượng, thu hút công chúng.
NHNN cũng phối hợp với các cơ quan báo chí như báo viết, báo hình và phát thanh để thưc hiện các chương trình truyền thông và đã có nhiều chương trình truyền thông giáo dục tài chính cộng đồng lan tỏa trong xã hội như “Tiền khéo, tiền khôn”, “Những đứa trẻ thông thái”, “Đồng tiền thông thái”, phối hợp trường học tổ chức cuộc thi cho học sinh phổ thông “Hiểu đúng về tiền”. Thông qua các chương trình giáo dục tài chính sẽ góp phần thay đổi nhận thức và thói quen của người dân trong thanh toán, giúp giảm thiếu rủi ro cho khách hàng khi sử dụng các sản phẩm dịch vụ tài chính ngân hàng, đồng thời nâng cao khả năng tiếp cận các sản phẩm dịch vụ ngân hàng đối với công chúng, từ đó góp phần thúc đẩy TTKDTM và thực hiện các mục tiêu của Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.
“Để góp phần tăng tỷ trọng sử dụng TTKDTM, trọng tâm NHNN hướng tới truyền thông đến cộng đồng, đặc biệt người dân khu vực nông thôn, những người yếu thế trong xã hội như phụ nữ, người nghèo để thay đổi nhận thức, thói quen và hành vi của người tiêu dùng sử dụng dịch vụ tài chính. NHNN mong muốn trong thời gian tới, tăng cường sự phối hợp truyền thông của các cơ quan Bộ ngành liên quan, các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, các đơn vị chấp nhân thanh toán, các sàn thương mại điện tử để thực hiện nhiệm vụ thúc đẩy TTKDTM tại Việt Nam, hướng tới mục tiêu không ai bị bỏ lại phía sau trong tiếp cận các sản phẩm dịch vụ tài chính”- bà Sen cho hay.
Phương Linh

Comments

Popular posts from this blog

Xin hỏi định nghĩa về thoái thu và thoái chi??

Dề Thi Vietinbank - 10 dề (cập nhật 2020)

Học việc, thử việc tại ngân hàng: Cuộc sống muôn màu