Chuyên gia kinh tế: Giảm lãi suất kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế

18/03/2020
Theo các chuyên gia tài chính, động thái giảm một loạt lãi suất điều hành cộng với việc hạ trần lãi suất tiền gửi ngắn hạn của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại (NHTM) giảm chi phí đầu vào, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là với một số lĩnh vực ưu tiên. Các mức lãi suất giảm đều được cân nhắc kỹ và phù hợp với điều kiện thị trường trong và ngoài nước.
https://sbv.gov.vn/webcenter/image/SBV407520/Web
Ngân hàng luôn đồng hành cùng doanh nghiệp
Cụ thể, NHNN giảm 0,5%/năm đối với lãi suất thị trường mở (OMO) từ 4%/năm xuống 3,5%/năm, lãi suất tái cấp vốn từ 6%/năm xuống còn 5%/năm, lãi suất tái chiết khấu từ 4%/năm xuống 3,5%/năm, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng từ 7,0%/năm xuống 6,0%/năm. Cùng đó, trần lãi suất huy động VND của tổ chức tín dụng (TCTD) đối với khách hàng loại không kỳ hạn giảm 0,3%/năm (từ 0,8%/năm xuống còn 0,5%/năm); loại có kỳ hạn từ 1 tháng-6 tháng giảm 0,25%/năm (từ 5%/năm xuống còn 4,75%/năm). Giảm 0,5%/năm mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa của TCTD đối với khách hàng thuộc 05 lĩnh vực ưu tiên (từ 6%/năm xuống còn 5,5%/năm). Và NHNN tăng lãi suất tiền gửi trong dự trữ bắt buộc bằng VND của TCTD tại NHNN thêm 0,2%/năm, từ 0,8%/năm lên 1%/năm.
Chưa phải là nới lỏng tiền tệ
Có thể nói, đây là lần giảm mang tính chất toàn diện các loại lãi suất điều hành. Cụ thể, một mặt nhà điều hành hạ trần lãi suất tiền gửi - chi phí đầu vào huy động vốn; hạ chi phí tiếp cận vốn của các TCTD qua các kênh như OMO và tái cấp vốn...; cắt trực tiếp chi phí doanh nghiệp vay vốn qua trần lãi suất cho vay VND nhóm ưu tiên. Nhà điều hành cũng hỗ trợ luôn chi phí cho các TCTD qua nâng lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc. Trước đó, nhà điều hành từng chia ra các lần giảm các loại trong năm 2019 (tháng 9 và tháng 11) với các bước giảm như 0,25%/năm ở các loại lãi suất chủ chốt.
Quyết định giảm lãi suất của NHNN lần này được đưa ra trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã giảm mạnh và bất thường lãi suất điều hành về mức 0-0,25%/năm chỉ trong vòng 02 tuần, nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đã có các động thái tương tự.  
Đặc biệt, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, việc giảm lãi suất đồng loạt chưa phải là nới lỏng tiền tệ. “Bởi vì lúc này có nới lỏng cũng không giải quyết được vấn đề gì. Hiện thanh khoản của các NHTM vẫn tốt, thị trường tiền tệ liên ngân hàng có lãi suất thấp. Bơm tiền ra lúc này, nền kinh tế cũng không thể hấp thụ được, minh chứng cụ thể nhất là tăng trưởng tín dụng 2 tháng qua rất thấp. Cho nên cách thức thực hiện của NHNN hiện tại là rất tốt, gián tiếp hỗ trợ cho các doanh nghiệp”, ông Nghĩa nói.
Cùng với động thái giảm lãi suất, trước đó, ngành Ngân hàng đã chủ động, kịp thời triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, sẵn sàng giảm lợi nhuận trong ngắn hạn nhằm chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Ngày 13/3/2020, NHNN đã ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định việc các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng. Bên cạnh đó, Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia (CIC) và Công ty cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) cũng đã 2 lần công bố giảm phí dịch vụ, làm cơ sở cho các TCTD giảm phí dịch vụ cho khách hàng. Không những thế, hưởng ứng lời kêu gọi “Toàn dân tham gia ủng hộ phòng chống dịch Covid-19” của Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, 15 NHTM đã ủng hộ 140 tỷ đồng, qua đó cùng Đảng, Nhà nước có thêm nguồn lực để tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, bảo đảm an sinh xã hội, an toàn đời sống và sức khỏe của nhân dân.
Bước đi cần thiết, phù hợp và thận trọng
Theo ông Phạm Thanh Hà – Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), quyết định của NHNN cũng trên cơ sở theo dõi sát diễn biến thị trường quốc tế, điều kiện kinh tế vĩ mô của Việt Nam, đặc biệt là áp lực lạm phát giảm bớt đi do giá dầu giảm mạnh. Việc giảm các lãi suất điều hành trong đó có lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chào mua OMO phát tín hiệu về sự sẵn sàng của NHNN hỗ trợ các TCTD khi cần tiếp cận vốn. Quan điểm điều hành của NHNN là hỗ trợ giảm lãi suất đối với các nhu cầu vay vốn trên cơ sở cân nhắc các yếu tố nền tảng kinh tế vĩ mô phù hợp, đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát, an toàn hoạt động của hệ thống TCTD.
Theo các chuyên gia tài chính, động thái giảm một loạt lãi suất điều hành cộng với việc hạ trần lãi suất tiền gửi ngắn hạn sẽ giúp các ngân hàng giảm chi phí đầu vào, tạo điều kiện cho các ngân hàng giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là với một số lĩnh vực ưu tiên. Các mức lãi suất giảm đều được cân nhắc kỹ và phù hợp với điều kiện thị trường trong và ngoài nước. Đặc biệt, thông điệp của NHNN rất rõ ràng, mạnh mẽ về việc sẵn sàng tái cấp vốn cho các TCTD nếu cần thiết bên cạnh các giải pháp đồng bộ khác. Điều này sẽ củng cố niềm tin cho thị trường và nhà đầu tư, người dân vào hệ thống ngân hàng.
TS. Võ Trí Thành nhận định, NHNN đã rất kịp thời, chủ động hạ lãi suất cùng các biện pháp khác, đây là bước đi cần thiết, thích hợp ở thời điểm hiện tai, thể hiện sự cẩn trọng của NHNN, bởi một mặt vừa đảm bảo ổn định vĩ mô, mặt khác vẫn tạo dư địa ít nhiều để tiếp tục thực hiện chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp khi chuyển sang giai đoạn dịch qua đi.
Còn TS Lê Xuân Nghĩa đánh giá, chính sách giảm lãi suất của NHNN trước mắt sẽ giúp các NHTM có nguồn lực cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp có khó khăn trong thời điểm dịch Covid-19 hiện nay.
Đồng quan điểm, TS. Bùi Quang tín nhận xét, lần điều chỉnh lãi suất này của NHNN là nhanh chóng, phù hợp với động thái điều chỉnh lãi suất cơ bản của ngân hàng trung ương nhiều nước trên thế giới. Việc NHNN giảm lãi suất sẽ hỗ trợ hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận dòng vốn rẻ tốt hơn. “Có thể nói, mức độ giảm lãi suất lần này của NHNN khá tương quan với các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác như lạm phát, tỷ giá… Cụ thể, 2 tháng đầu năm, lạm phát bình quân tăng 5,91%, là cao hơn mức dự trù 4% của cả năm. Việc NHNN giảm lãi suất điều hành ở mức độ như hiện tại là phù hợp với mức độ lạm phát, tỷ giá hiện nay cũng như các chỉ tiêu cân đối vĩ mô khác”, ông Tín nói.
Về diễn biến tỷ giá thời gian tới, TS. Võ Trí Thành cho rằng, sau khi hạ lãi suất, nếu nhìn vào nguồn lực của NHNN và điều hành linh hoạt của NHNN trong việc bơm hút tiền đồng, mua vào-bán ra ngoại tệ, có thể đảm bảo tỷ giá không tăng quá mức. “Chưa kể lãi suất USD 0% cộng với việc nhà điều hành Mỹ không muốn một đồng đôla mạnh , điều đó ít nhiều tao thuận lợi cho điều hành của NHNN trong việc ổn định tỷ giá, ổn định vĩ mô”. – TS. Thành nhìn nhận.
Gửi tiết kiệm ngân hàng vẫn hấp dẫn
Ngay trong sáng 17/3, các NHTM đã hạ lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng sau khi NHNN hạ trần lãi suất huy động xuống còn 4,75%/năm. Theo biểu lãi suất niêm yết tại ngân hàng Vietcombank, lãi suất kỳ hạn 7 ngày và 14 ngày đã về mức 0,5%/năm. Kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng đang ở mức thấp hơn trần: 4,3%/năm. Lãi suất kỳ hạn 3 tháng từ 4,8%/năm xuống 4,7%/năm, kỳ hạn 1 - 2 tháng vẫn duy trì ở mức 4,7%/năm. Như vậy hiện nay hầu hết kỳ hạn huy động dưới 6 tháng tại Vietcombank đều ở dưới mức trần quy định. Lãi suất các kỳ hạn dài cũng khá thấp, như kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng chỉ ở mức 5,3%/năm. Các kỳ hạn dài hơi lãi suất cao nhất cũng chỉ 6,8%/năm. Còn VietinBank giảm 0,05%/năm, hiện ngân hàng này niêm yết lãi suất kỳ hạn từ 1 đến dưới 3 tháng là 4,3%, từ 3 đến dưới 6 tháng ở mức 4,75%/năm. Hay tại Ngân hàng Phương Đông (OCB) cũng giảm lãi suất với mức từ 0,2% - 0,3% tất cả các kỳ hạn từ 17-3. Sau khi điều chỉnh, lãi suất kỳ hạn ngắn từ 1- 3 tháng từ 4,6%/năm trở lên. Riêng kỳ hạn 6 tháng trở lên lãi suất huy động từ 7%, là mức tương đối cạnh tranh trên thị trường. Với trường hợp gửi tiết kiệm online sẽ được cộng thêm 0,1% lãi suất so với gửi tại quầy ở tất cả kỳ hạn từ 1 - 24 tháng. Đối với kỳ hạn từ 1 tháng đến 12 tháng, nếu gửi từ 1 tỉ đồng đến dưới 5 tỉ đồng sẽ được cộng thêm 0,1%/năm so với biểu lãi suất. Nếu số tiền gửi trên 5 tỉ, mức lãi suất cộng thêm là 0,2%/năm.
Bà Nguyễn Hồng Vân – Phó Tổng Giám đốc VietinBank nhận định, quyết định giảm lãi suất của NHNN là rất kịp thời, nhanh nhạy và phù hợp. Bà Vân chia sẻ: “Xác định đây là khó khăn chung của cả nền kinh tế, ngân hàng cam kết sẽ chấp hành chỉ đạo của Chính phủ, ủng hộ các giải pháp của NHNN. Ngân hàng sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân, hy sinh lợi nhuận trong ngắn hạn để hỗ trợ khách hàng vì sự sống còn của doanh nghiệp cũng là nguồn sống của ngân hàng”.
Ông Lê Thành Trung – Phó Tổng Giám đốc HD Bank cho hay, việc NHNN giảm lãi suất giúp ngân hàng có điều kiện cân đối nguồn vốn huy động với kỳ hạn dài hơn, giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ vốn tốt hơn cho khách hàng một cách đồng bộ và bền vững. “Ngân hàng sẽ xem xét các đối tượng khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để có giải pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng” – ông Trung nói.
Theo TS. Võ Trí Thành, mức giảm lãi suất huy động vẫn đủ hấp dẫn, người dân vẫn gửi tiền vào ngân hàng. Tương tự, TS. Bùi Quang Tín nhận định, gửi tiết kiệm vẫn đang là kênh đầu tư phù hợp, trong bối cảnh chứng khoán đang rủi ro, thanh khoản thị trường bất động sản còn kém, trên thị trường hàng hóa đầu tư khác thì nhiều doanh nghiệp phải cầm cự vượt qua đại dịch. Hơn nữa, mức lãi suất tiền gửi cao hơn mức lạm phát kỳ vọng 4% năm nay thì vẫn đang tạo ra lợi tức nhất định cho người gửi.
Phương Linh














Comments

Popular posts from this blog

Xin hỏi định nghĩa về thoái thu và thoái chi??

Dề Thi Vietinbank - 10 dề (cập nhật 2020)

Học việc, thử việc tại ngân hàng: Cuộc sống muôn màu