Cơ hội cho thanh toán không dùng tiền mặt bứt phá

20/03/2020
Dự kiến trong tháng 3, tất cả các ngân hàng thương mại (NHTM) sẽ áp dụng chính sách miễn/giảm phí lần 2 trong vòng 1 tháng trở lại đây, nâng tổng số ngân hàng triển khai chương trình đến khách hàng lên 45/45 ngân hàng và 100% giao dịch chuyển tiền giá trị nhỏ qua NAPAS được hưởng chính sách miễn/giảm phí.
https://sbv.gov.vn/webcenter/image/SBV407863/Web
Ngân hàng đồng loạt miễn, giảm phí - Nguồn: Internet
Tại văn bản số 1680/NHNN-TT về việc áp dụng chính sách miễn, giảm phí dịch vụ ban hành mới đây (ngày 13/3), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài điều chỉnh giảm phí dịch vụ chuyển tiền nhanh liên ngân hàng cho các món thanh toán có giá trị từ 500.001VND - 2.000.000VND cho khách hàng với mức giảm tối thiểu bằng mức giảm phí mà NAPAS đã điều chỉnh giảm (900VND/giao dịch); khuyến khích các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện giảm phí lớn hơn mức giảm phí của NAPAS đã thực hiện. Thời gian thực hiện từ ngày 25/3/2020 đến hết ngày 31/12/2020;
Chương trình miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, giảm bớt gánh nặng chi phí trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời thúc đẩy các giao dịch tài chính trực tuyến, hạn chế giao dịch tại quầy nhằm ngăn ngừa sự lây lan dịch bệnh, qua đó cũng góp phần thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt của người dân.
Trong 1 tháng 2 lần miễn, giảm phí
Trong thời điểm cả nước chung tay cùng Chính phủ phòng chống dich Covid-19, thực hiện vai trò của Tổ chức chuyển mạch quốc gia, mới đây, Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) đã triển khai chương trình giảm phí lần thứ 2 trong năm 2020 nhằm chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng và người dân trong việc ứng phó với dịch bệnh. Đây là cơ sở để các ngân hàng tiếp tục miễn, giảm phí dịch vụ cho khách hàng và các doanh nghiệp thương mại điện tử, thúc đẩy bán hàng trực tuyến (online). Theo đó, từ ngày 25/3, NAPAS giảm 50% phí dịch vụ chuyển tiền liên ngân hàng đối với giao dịch có giá trị từ 500.001 đồng đến 2.000.000 đồng (Giảm từ 1.800 VND/giao dịch xuống còn 900 VND/giao dịch). Thời gian áp dụng đến hết ngày 31/12.
Trước đó ngày 25/2, NAPAS đã triển khai chương trình miễn phí đối với dịch vụ công và miễn/giảm 72% phí giao dịch chuyển tiền giá trị nhỏ từ 500.000 đồng trở xuống. Theo thống kê của NAPAS, đến cuối tháng 2, hầu hết ngân hàng đã hưởng ứng chính sách này và thực hiện miễn, giảm phí dịch vụ với mức thu 0 đồng hoặc giảm 90% so với mức thu cũ của dịch vụ chuyển tiền nhanh liên ngân hàng.
Như vậy, từ đầu năm 2020 đến nay, trong vòng 1 tháng, NAPAS đã 2 lần giảm phí dịch vụ, còn tính từ năm 2019 đến nay, NAPAS đã thực hiện 05 lần giảm phí dịch vụ (ngày 1/3/2019, ngày 1/5/2019, ngày 01/10/2019, ngày 25/02/2020 và sắp tới là ngày 25/3/2020).
Thống kê từ Vụ Thanh toán (NHNN) cho thấy, đến nay các loại phí, mức phí mà NAPAS đã giảm gồm: (i) Phí chuyển mạch và bù trừ đối với giao dịch rút tiền tại ATM thu của ngân hàng phát hành: giảm  từ 1.500 đồng/giao dịch về mức 300 đồng/giao dịch; mức giảm 80% so với mức phí cũ; (ii) Phí chuyển mạch đối với giao dịch phi tài chính tại ATM: miễn phí từ 01/10/2019 (trước khi giảm phí vấn tin/in sao kê: 250 đồng/giao dịch; chuyển khoản nội bộ/đổi PIN: 750 đồng/giao dịch); mức giảm 100% so với mức phí cũ; (iii) Phí chuyển mạch và bù trừ đối đối với giao dịch chuyển tiền nhanh 24/7: Từ 01/10/2019: giảm từ 2.000 đồng/giao dịch xuống mức 1.800 đồng/giao dịch đối với tất cả các giao dịch; mức giảm 10% so với mức phí cũ; Từ 25/2/2020:  giảm phí đối với các giao dịch nhỏ (<=500.000 đồng/giao dịch), từ mức 1.800 đồng/giao dịch xuống mức 500 đồng/giao dịch; mức giảm 72% so với mức phí cũ; Từ 25/3/2020 (sắp áp dụng): giảm phí đối với các giao dịch có giá trị từ 500.001-2.000.000 VND, từ mức 1.800 đồng/giao dịch xuống mức 900 đồng/giao dịch; mức giảm 50% so với mức phí cũ.
Bên cạnh các chính sách về phí, các NHTM cũng tăng cường an ninh bảo mật, khuyến cáo khách hàng khi giao dịch trực tuyến, nhằm đảm bảo an toàn thông tin khách hàng và an toàn tài khoản.
Nhiều ngân hàng tiếp tục miễn, giảm phí lần 2
Số liệu thống kê cho thấy, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, (tức từ giai đoạn bắt đầu bùng phát dịch Covid-19 và NAPAS cùng các NHTM đồng hành triển khai miễn, giảm phí lần 1), tổng số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt xử lý qua hệ thống NAPAS tăng khoảng 76% so cùng kỳ năm 2019, tổng giá trị giao dịch tăng khoảng 124% so với cùng kỳ năm 2019. Chứng tỏ việc giảm phí, khuyến khích chi tiêu không dùng tiền mặt đang nhận được tín hiệu tích cực.
Với lần giảm phí thứ 2 năm 2020 (áp dụng từ ngày 25/3/2020) đối với giao dịch chuyển tiền có giá trị từ 500.001-2.000.000VND, tỷ trọng giao dịch chiếm khoảng 38% trên tổng số giao dịch chuyển tiền qua NAPAS.
Như vậy, sau 02 lần giảm phí trong năm 2020 đã có 63% giao dịch chuyển tiền liên ngân hàng qua NAPAS được tiếp tục giảm phí trực tiếp cho khách hàng sử dụng dịch vụ với sự tham gia của gần 100% các ngân hàng.
Bà Nguyễn Tú Anh – Chủ tịch HĐQT NAPAS cho biết, tỷ trọng giao dịch nhỏ và trung bình chiếm gần 65% lượng giao dịch thực hiện qua hệ thống NAPAS. Dự kiến chương trình giảm phí của cả 2 lần sẽ làm giảm gần 40% doanh thu của NAPAS trong năm 2020. “ Việc giảm phí đi kèm với nâng cao chất lượng dịch vụ và mở rộng mạng lưới là biện pháp hiệu quả trong việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt” – đại diện NAPAS tin tưởng.
Các NHTM cho biết sẽ tiếp tục miễn, giảm phí dịch vụ cho khách hàng lần 2 trong năm 2020 từ ngày 25/3 tới đây. Ông Lê Thanh Hải – Giám đốc khối khách hàng cá nhân - Ngân hàng Seabank cho biết, ngân hàng tiếp tục duy trì miễn phí cho khách hàng khi chuyển tiền liên ngân hàng với cả số tiền trên 500.000 đồng, bên cạnh đó, ngân hàng đưa ra các chương trình ưu đãi, khuyến mại cho khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ ngân hàng online.
Là ngân hàng có mức giảm mạnh nhất, lên tới 70%, hiện phí của mỗi giao dịch chỉ còn 2.000 đồng, nhưng BIDV vẫn có dự định giảm tiếp phí lần 2. Bà Nguyễn Ngọc Tú – Phó Giám đốc Ban Phát triển – Ngân hàng BIDV cho hay: “Dự kiến theo chương trình giảm phí lần 2, lượng giao dịch online sẽ tăng 3-4 lần so với năm 2019”.
Theo Vụ Thanh toán (NHNN), đến nay đã có với 39/45 ngân hàng triển khai chính sách miễn/giảm phí cho khách hàng, chiếm tỷ trọng 99,6% tổng số lượng giao dịch chuyển tiền giá trị nhỏ (dưới 500.000VND) qua NAPAS, cụ thể: 17 ngân hàng áp dụng miễn phí: chiếm 56% tổng số lượng giao dịch giá trị nhỏ; 10 ngân hàng áp dụng mức thu không quá 2.000 (chưa VAT): chiếm 10,9% tổng số lượng giao dịch giá trị nhỏ; 12 ngân hàng áp dụng mức giảm phí tương đương với mức NAPAS giảm: chiếm 32,7% tổng số lượng giao dịch giá trị nhỏ.
Theo NAPAS, dự kiến trong tháng 3, 6 ngân hàng cuối cùng cũng xác nhận sẽ áp dụng chính sách miễn/giảm phí, nâng tổng số ngân hàng triển khai chương trình đến khách hàng lên 45/45 ngân hàng và 100% giao dịch chuyển tiền giá trị nhỏ qua NAPAS được hưởng chính sách miễn/giảm phí. Trong đó, tỷ trọng số lượng giao dịch có giá trị nhỏ (dưới 500.000VND chiếm 25% tổng số giao dịch qua NAPAS (số liệu tháng 2/2020).
Chương trình giảm phí dịch vụ ngân hàng không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp và người dân giảm bớt gánh nặng chi phí trong hoạt động sản xuất kinh doanh, mà còn thúc đẩy các giao dịch tài chính trực tuyến không cần đến ngân hàng, hạn chế rủi ro tiếp xúc đông người, góp phần thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt của người dân.
Đồng bộ các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp
Cùng với chính sách giảm phí dịch vụ thanh toán, tại văn bản số 1680, NHNN cũng chỉ đạo CIC thực hiện chiết khấu 50% tổng số tiền khai thác sử dụng thông tin tín dụng của TCTD từ tháng 3/2020 đến tháng 12/2020, đồng thời yêu cầu các TCTD triển khai thực hiện điều chỉnh giảm giá sử dụng dịch vụ thông tin tín dụng đối với khách hàng (nếu TCTD có thu từ khách hàng) tương ứng với mức giảm trừ chiết khấu do CIC thực hiện đối với TCTD. Đây là lần thứ hai liên tiếp kể từ đầu năm CIC thực hiện việc giảm trừ tiền khai thác dịch vụ thông tin tín dụng đối với các TCTD, nhằm giúp các TCTD giảm chi phí, hạ lãi suất cho vay, nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn của người dân và doanh nghiệp, khắc phục hậu quả do đại dịch COVID-19 gây ra và tạo động lực cho sự hồi phục và phát triển các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trước đó, ngay khi dịch bệnh Covid19 có dấu hiệu tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống và hoạt động của nền kinh tế, CIC đã ban hành Quyết định số 42/QĐ-TTTD thực hiện giảm phí khai thác TTTD từ 5-20% trên tổng số tiền thanh toán hàng tháng trong thời gian từ 01/01/2020 đến hết ngày 30/4/2020 theo nguyên tắc mức khai thác càng nhiều, tỷ lệ giảm càng lớn.
Những ngày qua, bên cạnh động thái giảm đồng loạt lãi suất điều hành, hạ trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn ngắn và trần lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, ngành Ngân hàng cũng đã chủ động, kịp thời có những giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Cụ thể như, NHNN đã ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 quy định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ (Thông tư 01). Thông tư 01 đảm bảo cơ sở pháp lý hướng dẫn các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho doanh nghiệp, người dân vay vốn bị thiệt hại do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Hưởng ứng tích cực chỉ đạo của Chính phủ, NHNN, các NHTM đã chủ động đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, cam kết cho vay với lãi suất giảm từ 0,5-1 %/năm so với mặt bằng lãi suất chung. Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, nhiều gói giải pháp được các NHTM đưa ra như: xây dựng và triển khai gói hỗ trợ tín dụng ưu đãi lãi suất, với tổng giá trị các gói tín dụng khoảng 285.000 nghìn tỷ đồng, trong đó có gói tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, các ngành lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch; tiếp tục xem xét giảm lãi suất đối với dư nợ hiện hữu, với mức lãi suất giảm từ 1% đến 3%; giảm lãi suất cho vay mới, với mức giảm từ 0,5% đến 1,5%/năm; tiếp tục xem xét không tính lãi phạt, giảm phí dịch vụ ngân hàng. Không những thế, hưởng ứng lời kêu gọi “Toàn dân tham gia ủng hộ phòng chống dịch Covid-19” của Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, 15 NHTM đã ủng hộ 140 tỷ đồng, qua đó cùng Đảng, Nhà nước có thêm nguồn lực để tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, bảo đảm an sinh xã hội, an toàn đời sống và sức khỏe của nhân dân.
Phương Linh

Comments

Popular posts from this blog

Học việc, thử việc tại ngân hàng: Cuộc sống muôn màu

Xin hỏi định nghĩa về thoái thu và thoái chi??