CIC tăng dữ liệu khách hàng cả bề rộng lẫn chiều sâu

19/07/2019
Ngày 19/7/2019, Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) đã tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019 tại Hà Nội.
https://www.sbv.gov.vn/webcenter/image/SBV399857/Web
Ông Đỗ Hoàng Phong, Tổng giám đốc CIC phát biểu tại Hội nghị.
Tại Hội nghị, ông Đỗ Hoàng Phong, Tổng Giám đốc CIC cho biết: Bám sát kế hoạch công tác và định hướng hoạt động của NHNN, CIC đã tổ chức triển khai quyết liệt các nhiệm vụ ngay từ đầu năm, nhờ đó, hoạt động của CIC trong 6 tháng đầu năm đã duy trì được sự ổn định, đóng góp vào sự thành công chung của NHNN Việt Nam.
Kho dữ liệu thông tin tín dụng tăng nhanh đáp ứng các mục tiêu quốc gia
Nhằm triển khai các Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của NHNN, đồng thời để thực hiện Kế hoạch hành động của NHNN thực hiện Nghị quyết 02 về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh trong lĩnh vực tiền tệ ngân hàng, Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 của Chính phủ nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đặc biệt là nhóm giải pháp nhằm thúc đẩy tài chính toàn diện, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của người dân và doanh nghiệp, CIC đã xây dựng Kế hoạch thực hiện và giao nhiệm vụ cụ thể tới từng phòng và chi nhánh. Cụ thể, CIC đã tích cực triển khai các giải pháp nhằm cải thiện chỉ số tiếp cận tín dụng, tập trung vào một trong hai chỉ số cấu thành là chỉ số chiều sâu thông tin tín dụng. CIC đã thu thập được khá lớn dữ liệu từ các doanh nghiệp bán lẻ, các bộ ngành liên quan, đồng thời cung cấp các tài liệu để Đoàn công tác Ngân hàng Thế giới xem xét, đánh giá chỉ số chiều sâu TTTD trong Báo cáo Môi trường Kinh doanh 2020.
Về thúc đẩy tiếp cận tín dụng, CIC đã triển khai dự án nâng cấp toàn diện Cổng thông tin kết nối khách hàng vay nhằm cung cấp các giải pháp hoàn chỉnh trên website và ứng dụng điện thoại thông minh với nhiều tiện ích để kết nối TCTD với khách hàng vay. Thông qua Cổng thông tin này, khách hàng vay có thể dễ dàng tìm hiểu, lựa chọn các gói tín dụng và đăng ký nhu cầu vay vốn tại TCTD phù hợp, tiết kiệm được chi phí đi lại, thời gian khi sử dụng dịch vụ ngân hàng và tiếp cận với nguồn vốn vay ngân hàng dễ dàng và nhanh chóng hơn. Cổng thông tin kết nối khách hàng vay còn nhằm mục tiêu cải thiện và minh bạch hóa thông tin tín dụng. Theo đó, khách hàng vay được khai thác thông tin tín dụng và điểm tín dụng miễn phí về bản thân, giám sát được các thông tin và mức độ tín nhiệm của mình, phòng tránh gian lận và được CIC tư vấn cải thiện điểm tín dụng, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng tại các TCTD.
CIC cũng đã phối hợp chặt chẽ với Văn phòng NHNN để hoàn thiện tài liệu hướng dẫn về chỉ số tín dụng theo tiêu chuẩn của Ngân hàng Thế giới để các Bộ, ngành liên quan có thể hiểu đúng, thống nhất các chỉ số thành phần của Chỉ số tiếp cận tín dụng. Đối với những vấn đề cần tiếp tục cải thiện, CIC đã đề xuất NHNN làm việc với các Bộ, ngành để phối hợp tháo gỡ khó khăn vì mục tiêu chung của Chính phủ.
Thực hiện chủ trương của NHNN, để đồng hành cùng TCTD trong việc giảm chi phí hoạt động, hạ lãi suất cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận tín dụng ngân hàng, năm 2018 CIC đã giảm phí dịch vụ 02 lần: từ đầu năm 2018 (12%) và tháng 9/2018 giảm tiếp 20%.   Năm 2019, CIC tiếp tục ban hành Quyết định số 105/QĐ-TTTD về việc giảm giá 10% từ tháng 05/2019, qua đó thúc đẩy các TCTD đẩy mạnh khai thác TTTD phục vụ hoạt động quản trị rủi ro và đánh giá tín dụng.
Tại Hội nghị, ông Đỗ Hoàng Phong nhấn mạnh: Xây dựng Cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, liên tục của CIC, chính vì vậy CIC đã chủ động triển khai nhiều giải pháp để phát triển Cơ sở dữ liệu TTTD quốc gia như đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp tục cải tiến quy trình nghiệp vụ thu thập, xử lý và kiểm soát dữ liệu, thực hiện kiểm tra chéo thông tin...
Để nâng cao chất lượng kho dữ liệu, CIC luôn tìm tòi mở rộng thu thập thông tin từ các tổ chức ngoài ngành như: Cập nhật thông tin đăng ký doanh nghiệp, thông tin báo cáo tài chính doanh nghiệp từ Trung tâm Hỗ trợ Đăng ký Kinh doanh Bộ KHĐT; hoàn thành dự án kết nối thông tin với Trung tâm căn cước công dân quốc gia thuộc C06 - Bộ Công an; làm việc với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và các doanh nghiệp viễn thông để tìm giải pháp kết nối thông tin, khảo sát và làm việc với các công ty Fintech, P2P lending để nắm bắt hoạt động và nhu cầu của các đơn vị... Đến nay, CIC liên tục duy trì và thực hiện thu thập thông tin từ 122/122 đầu mối TCTD và Chi nhánh Ngân hàng nước ngoài, trên 1.100 quỹ tín dụng nhân dân, 04 Tổ chức tài chính vi mô và 45 tổ chức tự nguyện.
Với những nỗ lực đẩy mạnh mở rộng thu thập thông tin của CIC, độ phủ TTTD của CIC liên tục được cải thiện, hiện đã vượt số liệu đánh giá năm 2019 của Ngân hàng Thế giới (là 54,8%). Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng số khách hàng vay được CIC cập nhật vào kho dữ liệu TTTD tăng gần 2 triệu so với cuối năm 2018 lên trên 40,9 triệu. Việc thu thập, xử lý, cập nhật thông tin đều được kiểm soát chặt chẽ, tỷ lệ tự động hóa cao.
Tổng giám đốc CIC Đỗ Hoàng Phong trao danh hiêụ Tập thể lao động xuất sắc cho các phòng, ban.
Đóng góp cho ngành và phục vụ người dân, doanh nghiệp
Phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và hoạch định chính sách của NHNN được CIC xác định là nhiệm vụ hàng đầu và chú trọng huy động các nguồn lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Trong 6 tháng đầu năm, CIC đã thực hiện cung cấp các báo cáo định kỳ cho Ban Lãnh đạo NHNN về tình hình đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế và nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng, báo cáo tình hình cho vay đối với các ngành kinh tế và các tập đoàn kinh tế, báo cáo doanh nghiệp có dư nợ lớn cho cho Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Vụ Quản lý ngoại hối; báo cáo đột xuất phục vụ Ban Lãnh đạo NHNN; cung cấp cho Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Trung tâm Thông tin phòng chống rửa tiền, Vụ Chính sách tiền tệ, Vụ Ổn định tiền tệ tài chính, Vụ Hợp tác Quốc tế, Viện Chiến lược Ngân hàng, VAMC, NHNN tỉnh, TP các báo cáo tổng hợp và chi tiết về quan hệ tín dụng, tài sản bảo đảm theo các tiêu chí khác nhau như các ngành nghề, mục đích vay vốn, theo loại hình khách hàng, báo cáo tập đoàn, tổng công ty...
Trong 6 tháng đầu năm, CIC đã cung cấp trên 7.000 lượt thông tin (bao gồm cả báo cáo tổng hợp và chi tiết khách hàng vay) cho Ban Lãnh đạo, các đơn vị liên quan của NHNN, góp phần vào công tác chỉ đạo, điều hành, thanh tra giám sát và hoạch định chính sách của các đơn vị NHNN.
Thực hiện Thông tư 02 và 09 của NHNN, hàng tháng CIC tiếp tục tổ chức thu nhận, tổng hợp, xử lý thông tin về kết quả phân loại nợ của các TCTD, cung cấp kịp thời sản phẩm tổng hợp danh sách khách hàng có mức độ rủi ro cao nhất và danh sách khách hàng có nhóm nợ cao nhất nhưng có biến động hoặc đã tất toán cho các TCTD để thực hiện điều chỉnh nhóm nợ theo quy định. CIC cũng cung cấp đầy đủ sản phẩm này cho CQTTGS để phục vụ công tác đôn đốc, giám sát hoạt động phân loại nợ của các TCTD. Kết quả, hàng tháng có khoảng trên 75 TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải điều chỉnh nhóm nợ theo các báo cáo của CIC, đảm bảo việc tuân thủ các quy định của NHNN về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro, thực hiện lộ trình triển khai Basel II theo kế hoạch của NHNN. Kết quả thực hiện của CIC cũng đã đóng góp tích cực vào công tác chỉ đạo, điều hành xử lý nợ xấu tại các TCTD của NHNN.
CIC đang triển khai xây dựng một giải pháp kỹ thuật mới, đồng bộ để áp dụng chung cho tất cả các TCTD nhằm thực hiện kế hoạch triển khai mô hình kết nối trực tiếp giữa TCTD và CIC – Host to Host (H2H) năm 2019.
Với việc chất lượng cơ sở dữ liệu ngày càng được mở rộng, nâng cao, CIC có điều kiện để tiếp tục cải tiến các sản phẩm dịch vụ, đẩy mạnh các hình thức cung cấp thông tin qua web, trực tiếp từ hệ thống CIC sang hệ thống TCTD, theo lô...Từ những hoạt động nêu trên, trong 6 tháng đầu năm 2019, hoạt động dịch vụ cung cấp TTTD của CIC tiếp tục duy trì ổn định. Kết quả, CIC đã cung cấp trên 16,2 triệu báo cáo tín dụng các loại, tăng trưởng 3% so với cùng kỳ năm 2018, riêng các báo cáo truyền thống có tỉ lệ tăng trưởng trung bình 20% (Cấp tin Miền Bắc tăng trưởng trên 22%; cấp tin Miền Nam trên 25%; cấp tin doanh nghiệp trên 17%, Xếp hạng tín dụng trên 18%, theo lô tăng 59%,, CN HCM tăng trên 60%...); tỉ lệ tự động theo thời gian thực được duy trì trên 85%, đáp ứng được yêu cầu tra cứu thông tin của các TCTD.
Tỉ lệ cung cấp thông tin tự động theo thời gian thực tiếp tục duy trì ở mức cao, đây là kết quả của việc cải tiến quy trình nghiệp vụ, nâng cao chất lượng thông tin đầu vào, cải tiến sản phẩm dịch vụ và việc áp dụng công nghệ mới đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Ngoài báo cáo tín dụng truyền thống, CIC còn cung cấp các gói dữ liệu cho các TCTD để xây dựng, phát triển, kiểm định các mô hình quản trị rủi ro, chấm điểm tín dụng, xếp hạng tín dụng, quản lý danh mục và thu hồi nợ; cung cấp các thông tin hỗ trợ TCTD triển khai lộ trình Basel 2 của NHNN...
Về dịch vụ cung cấp thông tin cho khách hàng vay: Thực hiện mục tiêu thúc đẩy tài chính toàn diện, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của người dân và doanh nghiệp, sau khi khai trương vận hành Cổng thông tin kết nối khách hàng vay, tổng số khách hàng được cấp tài khoản truy cập cổng thông tin đã lên trên 27.000 khách hàng, hàng trăm lượt khách hàng đã được kết nối với TCTD, bên cạnh đó CIC đã đáp ứng hàng nghìn lượt khai thác TTTD miễn phí cho khách hàng vay trong khi quy định của NHNN mỗi khách hàng chỉ được khai thác miễn phí 01 lần/năm về TTTD bản thân.
T.L – A.H

Comments

Popular posts from this blog

Học việc, thử việc tại ngân hàng: Cuộc sống muôn màu

Xin hỏi định nghĩa về thoái thu và thoái chi??