COCC, 5C hay 10C - Chuyện thường ngày ở huyện

COCC, 5C hay 10C - Chuyện thường ngày ở huyện

Tối qua, một bạn nhắn tin cho mình báo kết quả thi một ngân hàng ở tỉnh. Bạn ấy đạt điểm rất cao, thừa điều kiện tham gia vòng PV (có lịch PV ngay sau đó) nhưng đành ngậm ngùi chia tay cơ hội này - một cơ hội phải chờ khá lâu mới có. Bạn ấy bảo nhiều bạn chưa đạt đủ điều kiện nhưng cũng được đi PV, nhiều bạn đã lo lót trước đó rồi. Mình khuyên cứ đi PV, bỏ qua những thông tin kia. Biết đâu chi nhánh thấy ứng viên tốt, lại xin thêm định biên. Thực tế có một số đợt tuyển CN làm vậy. Hoặc đấy chỉ là thông tin gây nhiễu. Bạn ấy quả quyết tiêu cực là có và không còn cơ hội. Rồi bảo: em sẽ đi PV nhưng đây sẽ là lần PV bất cần nhất của em
:|.

Sáng nay lướt facebook, đọc được stt của một bạn, cũng câu chuyện tương tự, vẫn ngân hàng ấy nhưng ở một tỉnh khác. Các bạn quen biết được PV trước (dù điểm không đạt), PV xong được giám đốc tiễn ra tận cửa. Ngân hàng này là ngân hàng gần đây gây xôn xao với việc ưu tiên tuyển dụng người cùng họ với sếp.

Trước đó, là câu chuyện của một ngân hàng quy mô nhỏ trong hệ thống, không có gì nổi bật. Ngân hàng này năm nay được phép mở rộng mạng lưới, tuyển dụng khá nhiều. Gần đây tổ chức tuyển ở một tỉnh miền núi phía Bắc. Tin ngân hàng này tuyển đã được rỉ tai từ trước đó vài tháng để nhiều gia đình… chuẩn bị.

Mình ngạc nhiên, Cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, ngân hàng 100% vốn nhà nước hay NHTMCP nhà nước hot đã đành, nhưng từ bao giờ, các ngân hàng tầm tầm ở tỉnh lại có sức hút đến vậy?

Chung quy cũng từ cái cơ chế Xin - Cho. Ở thành phố chạy cho con học trường công từ mẫu giáo, cấp 1. Đi khám bệnh muốn được bác sỹ nhẹ nhàng, ân cần cũng phải có "quà". Xin vào mấy CQNN nếu không phải hậu duệ, gia thế lớn thì phải nhiều tiền, thật nhiều tiền. Vi phạm giao thông, để đỡ phiền hà, chọn cách dúi cho CSGT 1 khoản để được cho đi (vui một cái là về lên mạng chửi CSGT ăn tiền ngay được). Xây nhà ở thành phố thì phải làm luật. Làm hộ khẩu ở quận trung tâm để sau tiện cho chon cái học hành phải cảm ơn hết cửa nọ cửa kia. Muốn trúng thầu dự án thì phải có phí bôi trơn, phải chia % cho cô A, chú B, anh C, chị D. Muốn thăng chức cũng phải tiền, hoặc một vài sự đánh đổi khác. Xin - Cho everywhere. Dân làm quan hư, bảo sao quan không hư.

Mình từng đi với ông anh vào một Bộ để dự thầu một dự án. Thấy rõ năng lực, cách làm của 1 phòng ban nho nhỏ trong cả cái bộ máy cồng kềnh của rất rất nhiều CQNN hiện nay, mới hiểu tại sao nước mình còn nghèo đến vậy, mới hiểu tại sao CQNN lại hot đến thế. Tiền ngân sách nhà nước - tiền của dân rót về hàng năm. Mỗi dự án là cơ hội để ăn chia, lobby, phí bôi trơn,… Dự thầu đôi khi cho có, cho đủ quy định về tối thiểu số bên tham gia, còn kết quả đã có trước đó rồi. Thậm chí, có khi các bên dự thầu còn lại chỉ là "quân xanh", quen biết với bên chắc chắn trúng thầu từ trước.

Và nhìn con người, tác phong, cung cách làm việc, môi trường ở đấy mới thấy tại sao người tài không thể trụ lại và phát triển được, hoặc không muốn vào CQNN làm. Chảy máu chất xám từ địa phương đến trung ương. Cảm giác như đứa con lưu lạc, muốn cống hiến cho quê hương, đất nước mà bị từ chối vậy.

Rồi phải kể đến việc bố mẹ thương con, tâm lý bao bọc. Nuôi con 22 năm ăn học, ra trường lại lo chạy việc cho. Sợ con làm không đúng ngành, vất vả. Sợ con chờ việc lâu, áp lực sinh bệnh. Sợ hàng xóm xôn xao con học trường top mà ra trường thất nghiệp, hoặc không vào được ngân hàng, không vào được Nhà nước. Sợ thua thiệt con hàng xóm. Sợ hàng xóm bảo ngày trước con đỗ đại học liên hoan tưng bừng thế, giờ ra trường thất nghiệp, về quê không kèn không trống. Suy cho cùng vì cái mác, cái sĩ diện, cái lòng tự trọng cao ngất trời và cái tính hay soi mói của một bộ phận dân mình.

Ở tỉnh, ở huyện tâm lý nhiều gia đình muốn cho con em vào CQNN, ngân hàng cho ổn định. Nhiều gia đình ở quê vẫn nghĩ làm ngân hàng nhàn hạ, ngồi điều hòa mát rượi mà không biết làm NH bây giờ áp lực thế nào. QHKH áp lực chỉ tiêu, đi lại vất vả. GDV áp lực về độ chính xác, miệng lúc nào cũng phải cười dù trong lòng rất đau (đang thất tình chẳng hạn). Rồi vô số thứ áp lực trong công việc: quan hệ với đồng nghiệp, với sếp, với khách hàng,… Thành ra, nhiều khi xin cho con vào rồi mới tá hỏa vì công việc không như mình nghĩ, thu nhập không như mình mơ. Lúc này, đi thì dở, ở cũng không hay.

Cho nên, tốt nhất đừng quan tâm đến người khác nghĩ gì về mình. Sống theo suy nghĩ của người khác không lấy gì làm vui vẻ, thoải mái. Sống, hành động, ứng xử theo cách của mình. Dù đúng dù sai mình là người chịu trách nhiệm. Vui vẻ hơn nhiều. Ngân hàng giờ tuyển nhiều, liên tục hơn nhiều ngành nghề khác. Suy cho cùng cũng chỉ là một trong nhiều ngành nghề. Nếu yêu thích, sẽ luôn có cách để đạt được cái mình muốn. Đừng phí 4 năm học đại học, được đào tạo bài bản như ai, năng động như ai, bao ước mơ hoài bão, nhưng ra trường vẫn phải nhờ bố mẹ xin việc. Không xin được việc trách móc ngân hàng tuyển không công bằng, trách móc sao ngày xưa lại chọn ngành này, trách móc trường đào tạo kém, trách nhà mình nghèo,… Mới thất bại vài lần đã chán nản, bỏ cuộc.

Đừng ỷ lại vào bố mẹ, đừng khiến bố mẹ vất vả thêm, đừng tạo cơ hội cho những kẻ trục lợi, kiếm tiền trên mồ hôi công sức của người khác. Hãy tự tìm cho mình một công việc, biết cảm giác thành quả đến nó ngọt ngào thế nào sau chuỗi ngày vất vả, vượt qua bao nhiêu áp lực. Và dù không/chưa bay cao, bay xa nhưng ít nhất cũng đứng vững trên đôi chân của mình. Làm việc gần như cả đời chứ có phải làm trong một sớm một chiều đâu. Vội làm gì. Đằng nào cũng sẽ có việc. Không việc này thì việc khác, miễn sao công việc ấy chính đáng, mình thấy vui và thoải mái khi làm là được. Hợp thì làm, không hợp thì nghỉ, tự do tự tại. Lúc nào cũng lo lắng tháng này cần kiếm bao nhiêu, tháng kia kiếm bao nhiêu để nhanh gỡ vốn, mệt mỏi lắm.

Cách đây một thời gian, một em mình quen cũng nghỉ ngân hàng nhắc đến 2 lần ở trên. Con bé tự thi vào. Nghỉ vì có một cơ hội tốt hơn. Mà từ lúc chưa có cơ hội này con bé đã muốn nghỉ vì nhiều vấn đề trong công việc làm nó cảm thấy ngột ngạt, không thoải mái khi đi làm.

Cũng trong ngày hôm nay, con em báo tin vui đỗ 1 ngân hàng tốt ở tỉnh (hơi nhiều con em
:3). Thi đầu tuần này, thứ 6 vừa rồi phỏng vấn. Nó mong muốn về gần gia đình, nó yêu tỉnh nó, nó cũng bắt đầu quan tâm đến ngân hàng. Ban đầu còn không biết học gì, ôn gì vì là dân ngoại đạo. Mình bảo, thi NH giờ không khó đâu. Tự tin mà chiến, bỏ qua hết mấy yếu tố bên lề (thi về tỉnh tiêu cực lắm, có suất hết rồi,…). Gửi cho con bé ít tài liệu, chia sẻ nọ kia để nó hiểu về tuyển dụng ngân hàng. Và thành quả đến từ những nỗ lực, từ định hướng rõ ràng và sự nghiêm túc chuẩn bị. Hay như nhiều trường hợp khác tự trúng mấy CQNN, mấy ngân hàng to. Nhiều bạn hay kêu ca, than vãn, trách móc, lấy COCC ra để đổ lỗi cho thất bại mà không biết rằng, dù 99% là COCC, 5C, 10C thì vẫn còn 1% cho "dân đen" như mình. Nhà tuyển dụng chẳng tiếc tuyển dư 01 chỉ tiêu cho bạn nếu bạn chứng minh mình toàn hoàn xứng đáng. Nếu không thành công thì là tại mình chưa may mắn hoặc khả năng còn hạn chế hoặc không cố gắng hết mình. Chứ ngồi đó chỉ trích COCC, không chịu vận động, không cải thiện bản thân mà suốt ngày kêu gào công bằng, đòi thành công ngay thì rất tiếc, thành công không bao giờ đến cả. (99% này là cách nói phóng đại, ý là kể cả chỉ có 1% cơ hội cũng không từ bỏ. Chứ COCC không nhiều như vậy đâu, nhất là trong các đợt tuyển của ngân hàng, kể cả ngân hàng lớn.)

Nhân nói đến COCC, mình không bức xúc gì nhiều mà coi đây là một phần tất yếu của xã hội. Ngay tại Mỹ, việc tuyển dụng "con ông cháu cha" để nới rộng quan hệ làm ăn cũng là chuyện không phải hiếm. Công ty dịch vụ tài chính JPMorgan Chase từng tuyển dụng con cháu quan chức Trung Quốc để được ưu ái trong kinh doanh, gây rúng động phố Wall. Không tránh được lũ thì sống chung với lũ. Tất cả đều là trao đổi quyền lợi hết. Ví dụ đồng chí Bí thư tỉnh ủy/ Chủ tịch tỉnh/ Giám đốc sở/ Chủ tịch HĐQT tập đoàn A/ Tổng GĐ công ty B bảo GĐ chi nhánh là anh có đứa con/ cháu vừa ra trường, học hành cũng ngon lành lắm, chú xem có bố trí cho cháu nó 1 suất trong ngân hàng chú được không. Đợt tới tỉnh có mấy cái dự án đầu tư lớn, anh sẽ tác động để chúng nó ưu tiên về làm với chú. Hay tập đoàn anh sắp có mấy dự án lớn, anh sẽ về làm với chú. Có ngu mới không nhận, mấy đồng chí này chưa về đã mang lại bao nhiêu lợi ích cho ngân hàng rồi, nhân viên bình thường đâu có mang lại được mấy cái lợi ích kiểu ấy. COCC mà chất thì nhiều nơi hoan nghênh.

COCC đến tầm này, một là vào mấy CQNN ngon hẳn, HO của mấy ngân hàng to ở thành phố, không thì cũng vào mấy CN của mấy ngân hàng to, chứ chẳng mấy ai về NH nhỏ ở tỉnh ở huyện. Ở tỉnh ở huyện, chủ yếu là các COCC phiên bản 2, phải chạy tiền qua cửa nọ cửa kia để vào. Cuối cùng, ấm nhất là mấy ông sếp, mấy tay môi giới chạy việc, trên danh nghĩa người quen của gia đình. Nếu có mối quan hệ tốt, tiền không phải là vấn đề thì chọn con đường bằng phẳng để đi cũng hợp lý. Nếu không có, tuyệt đối không chạy việc. Mình mà có tiền, mình dùng vào việc khác chứ không bao giờ làm giàu cho mấy người này.

COCC không phải ai cũng không có năng lực hay ỷ lại phụ huynh. Rất nhiều người giỏi trong học vấn và khôn ngoan trên trường đời. Toàn du học nước ngoài về, ngoại ngữ nói ầm ầm, cao ráo, mặt mũi thông minh, sáng láng, tác phong chuyên nghiệp, quần áo hàng hiệu, xe xịn cả. Có khi lại còn thêm tí năng khiếu thể thao: tennis, golf,... nữa. Những bạn này, từ nhỏ đã được tiếp xúc với nhiều người, theo bố mẹ đi giao lưu, khả năng giao tiếp, vốn sống, vốn hiểu biết đền phong phú. Tuyển những bạn này vào rất được việc. So với họ, chắc chắn chúng ta đã tụt hậu rồi. Để không bị tụt hậu hơn nữa, phải tự bản thân mình cố gắng thôi. Còn những COCC kiểu cậu ấm cô chiêu, chỉ thích phá, không thích làm, chẳng nơi nào muốn nhận cả. Tuyển vào nó phá, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, con đường quan lộ của mình.

Mình rất thích câu nói "Life is not fair, get used to it" (Cuộc sống vốn dĩ không công bằng, hãy tập quen dần với điều đó) của Bill Gates. Hiểu điều này, thấy bình thản trước mọi thứ.

Vài (chục) dòng luyên thuyên nhân một ngày nhiều tin từ những đứa em và chủ đề COCC vẫn cứ muôn thuở
;))

[COCC: Con ông cháu cha hay con ông cháu chị.
5C: Con cháu các cụ cả.
10C: Con cháu các cụ cả các cô cậu (chú) chiếu cố.]

(Chia sẻ thêm: Thực tế rất nhiều bạn tự trúng tuyển các CQNN, các NH lớn bằng khả năng của mình. Mình có 1 người bạn ở quê thi đỗ NHNN (SBV) ngay sau khi ra trường. Rất nhiều bạn bè, học viên tự trúng tuyển Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank bằng khả năng của bản thân. Kể cả là thi ở thành phố hay thi ở quê. Thích thì nhích, liều ăn nhiều. Chả có gì để mất cả, sao không làm hết mình để biết khả năng của mình đến đâu. Mình luôn khuyên các bạn như vậy và thực tế luôn là như vậy. Bài viết tiếp cận theo hướng tích cực chứ không phải thể hiện quan điểm tiêu cực hoặc "bất lực" trước COCC.

Nếu không phải là COCC thì cũng tự hào mình là con rồng cháu tiên, con ông trời, cháu Bác Hồ, bạn nhé
;))

Nhắc đến COCC, mình là COC, cố thêm 1 C nữa là thành COCC rồi
:)))

Nguồn: Nguyễn Quang Nghĩa

Comments

Popular posts from this blog

Học việc, thử việc tại ngân hàng: Cuộc sống muôn màu

Xin hỏi định nghĩa về thoái thu và thoái chi??