Hội thảo Cao cấp lần thứ nhất: Dự án “Tăng cường năng lực cho NHNN thực thi chính sách tiền tệ, dự báo thống kê”
19/07/2019
Ngày 19/7/2019, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
(NHNN) phối hợp với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức Hội thảo
cấp cao lần thứ nhất: Dự án “Tăng cường năng lực cho NHNN trong lĩnh vực chính
sách tiền tệ, phân tích và dự báo kinh tế”. Phó Thống đốc NHNN Thống đốc Nguyễn
Thị Hồng chủ trì Hội thảo.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu chỉ đạo Hội thảo
Tham dự buổi Hội thảo có đại diện
Lãnh đạo Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Chính sách tiền tệ, Vụ Dự báo Thống kê thuộc
NHNN. Về phía JICA có sự tham dự của ông Kitamura Shu - Phó Trưởng đại diện
JICA tại Việt Nam; các chuyên gia Dự án: giáo sư Masahiko Takeda, giáo sư Tomoyuki
Shimoda, giáo sư Ippei Fujiwara và các cán bộ Văn phòng JICA tại Việt Nam.
Theo thiết kế chung của Dự án và sự
thống nhất của NHNN và JICA tại Cuộc họp Ban điều phối chung lần thứ 2 tháng
5/2019, Hội thảo cấp cao lần thứ nhất của Dự án được tổ chức với mục đích trình
bày lần đầu các kết quả nghiên cứu kể từ khi bắt đầu thực hiện từ năm 2017 đến
nay; từ đó, các bên thảo luận, trao đổi về định hướng nghiên cứu tiếp theo nhằm
đạt được mục tiêu cuối cùng của Dự án.
Hội thảo bao gồm 3 phần trình bày và
thảo luận theo 3 cấu phần của Dự án: (i) Lựa chọn mức mục tiêu lạm phát của
NHNN (Cấu phần Chính sách tiền tệ); (ii) Báo cáo tiến độ xây dựng mô hình kinh
tế vĩ mô (Cấu phần Hiệu chỉnh mô hình vĩ mô); (iii) Báo cáo đánh giá về cải
thiện khuôn khổ phân tích và nghiên cứu kinh tế tại NHNN (Cấu phần Phân tích và
dự báo thống kê)
Nhóm cán bộ Vụ Chính sách tiền tệ trình
bày kết quả sơ bộ các công việc đã triển khai của Dự án
Trả lời câu hỏi “Làm thế nào để xác
định tỷ lệ lạm phát phù hợp nhất cho Việt Nam”, các chuyên gia Dự án và nhóm
cán bộ thực hiện của Vụ Chính sách tiền tệ đã lựa chọn việc nghiên cứu theo 03
hướng tiếp cận: Tham khảo kinh nghiệm của các NHTW khác nhau trên thế giới
trong việc xác định mục tiêu lạm phát; Phân tích tác động của lạm phát đến tăng
trưởng sử dụng các kết quả nghiên cứu khác nhau trên thế giới và của Việt Nam;
và Nghiên cứu mối quan hệ giữa lạm phát và tăng trưởng.
Nghiên cứu và phân tích theo 03 cách
tiếp cận này đã đưa ra một số nhận định bước đầu về một ngưỡng lạm phát có thể
là phù hợp đối với Việt Nam trên cơ sở tham khảo mô hình các quốc gia trên thế
giới. Để đảm bảo việc nghiên cứu đưa ra các kết quả thực sự phù hợp với đặc thù
Việt Nam, các chuyên gia Dự án và NHNN đã thảo luận về các đặc điểm riêng lẻ
của nền kinh tế, nhất là các yếu tố có ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa, kỳ vọng
lạm phát… để từ đó xác định các bước tiếp theo nhằm hoàn thiện mô hình phân
tích và xác định mức lạm phát phù hợp cho Việt Nam.
Nhóm cán bộ Vụ Dự báo thống kê trình bày
kết quả sơ bộ các công việc đã triển khai của Dự án
Về cấu phần Hiệu chỉnh Mô hình vĩ mô,
các chuyên gia JICA đã cùng với nhóm cán bộ Vụ Dự báo thống kê NHNN phát triển
mô hình cân bằng động tổng quát ngẫu nhiên (DSGE) để phục vụ cho công tác phân
tích, dự báo và hỗ trợ điều hành chính sách tiền tệ của NHNN. Đây là mô hình
tiên tiến nhất đến thời điểm hiện tại và đang được áp dụng phổ biến tại NHTW
nhiều nước trên thế giới vì dựa trên nền tảng lý thuyết kinh tế vĩ mô và vi mô
tương đối vững chắc.
Mô hình DSGE có khả năng tích hợp các
quy tắc điều hành chính sách tiền tệ và mô phỏng diễn biến nền kinh tế thực dựa
trên các quy tắc này. Chính vì vậy, kết quả phân tích định lượng từ mô hình sẽ
cung cấp thêm thông tin cho các cấp lãnh đạo của NHNN trong việc hoạch định
chính sách tiền tệ một cách khoa học và nhất quán. Mặt khác, các rủi ro bên
trong và bên ngoài cũng có thể được nhận diện từ mô hình và là cơ sở để NHNN
đưa ra giải pháp chính sách tiền tệ phù hợp.
Các chuyên gia của JICA trình bày tại Hội
thảo
Tại Hội thảo, Giáo sư Shimoda cũng đã
trình bày báo cáo đánh giá sơ bộ về công tác phân tích kinh tế tại NHNN để đưa
ra một số khuyến nghị quan trọng nhằm tăng cường hiệu quả của hoạt động phân
tích và tư vấn chính sách tại NHNN, như vai trò của việc xây dựng báo cáo phân
tích kinh tế hàng quý hay vai trò của việc phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị
Chính phủ trong tổng hợp và thống kê số liệu phục vụ công tác dự báo và hoạch
định chính sách. Báo cáo này đã được các chuyên gia xây dựng cơ sở phỏng vấn
các cán bộ NHNN về hiện trạng, cung cấp các phân tích so sánh với một số NHTW trên
thế giới như Cục dự trữ liên bang Mỹ FED, NHTW Châu Âu ECB, NHTW Nhật Bản, hay
trong khu vực của NHTW Thái Lan.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đánh giá cao sự nỗ lực của Nhóm nghiên cứu của NHNN
và chuyên gia, biểu dương những kết quả sơ bộ mà Dự án đã đạt được, đặc biệt
khi có vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai, các chuyên gia đã rất
thẳng thắn, kịp thời thảo luận, phản biện để tìm hướng triển khai phù hợp với
mục tiêu đề ra ban đầu của Dự án. Phó Thống đốc nhấn mạnh các kết quả được
trình bày tại Hội thảo đã thể hiện sự phù hợp, hợp lý trong cách tiếp cận; cho
thấy sự liên kết của các mô hình đang được Dự án lựa chọn sử dụng nhằm đi đến
kết luận về việc xác định một ngưỡng lạm phát phù hợp cho Việt Nam.
Toàn
cảnh Hội thảo
Theo Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng,
với những mô hình này, quan trọng nhất là số liệu. Bởi vậy, các nhóm nghiên cứu
không nên chỉ sử dụng số liệu của hệ thống ngân hàng mà còn phải tích hợp tất
cả số liệu của nền kinh tế như đầu tư, tiêu dùng, thương mại, xuất-nhập khẩu...
Phó Thống đốc yêu cầu các Vụ, Cục NHNN căn cứ vào các mô hình triển khai thu
thập số liệu nghiên cứu phù hợp; trong trường hợp không thể tự thu thập, có thể
đề xuất sự phối hợp của các Bộ ngành liên quan.
Phó Thống đốc NHNN hy vọng rằng từ
nay đến lúc kết thúc Dự án, các nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục nhận được những ý
kiến đóng góp của các bên liên quan để tiếp tục hoàn thiện các nghiên cứu, đảm
bảo tính hiệu quả, bền vững của Dự án.
Thay mặt Ban Lãnh đạo NHNN, Phó Thống
đốc cảm sự hỗ trợ nhiệt tình, thiết thực, kịp thời của JICA cho NHNN trong suốt
những năm qua, đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ trong quá trình thực hiện Dự án
"Tăng cường năng lực cho NHNN trong lĩnh vực Chính sách tiền tệ, phân tích
và dự báo kinh tế“ được thực hiện trong giai đoạn 2017 - 2020 với mục tiêu tăng
cường kiến thức, kỹ năng phân tích kinh tế, dự báo, hoạch định chính sách của
nhóm cán bộ nòng cốt của NHNN, từ đó giúp NHNN nâng cao năng lực phân tích, dự
báo phục vụ điều hành chính sách tiền tệ, tăng cường năng lực thực thi chính
sách tiền tệ linh hoạt và hiệu quả, góp phần quan trọng trong ổn định kinh tế
vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững.
VA
Comments
Post a Comment