NHNN nỗ lực dồng bộ các giải pháp hướng tới xã hội không tiền mặt

12/06/2020
Tiếp nối chuỗi sự kiện Ngày không tiền mặt, ngày 12/6/2020, tại TP.Hồ Chí Minh, báo Tuổi trẻ phối hợp Vụ Thanh toán, Vụ Truyền thông - Ngân hàng Nhà nước, Công ty cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) tổ chức Hội thảo “Xã hội không tiền mặt: Triển khai chính sách, hướng tới tương lai”.

Phó thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh trải nghiệm mua sắm, thanh toán không tiền mặt tại hội thảo
Tham dự Hội thảo về phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) có Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh, lãnh đạo các Vụ Thanh toán, Truyền thông, Chính sách tiền tệ, Pháp chế, Cục Công nghệ thông tin. Đại diện lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh, tham dự có ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh, ông Phạm Đức Hải – Phó Chủ tịch HĐND TP. Hồ Chí Minh. Đại diện lãnh đạo Báo Tuổi trẻ, ông Lê Thế Chữ - Tổng biên tập. Hội thảo còn có sự tham dự của đại diện lãnh đạo Bộ Công thương, Bộ Tài chính, lãnh đạo NAPAS, Vecom, đại diện các Ngân hàng TMCP: Sacombank, Vietcombank, Vietinbank, HDBank, các doanh nghiệp, hiệp hội, tổ chức trung gian thanh toán…
Thanh toán không dùng tiền mặt có sự phát triển mạnh mẽ
Trong những tháng đầu năm 2020, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, NHNN đã triển khai cùng các Bộ, ngành, các cơ quan liên quan kịp thời triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tạo những chuyển biến rõ nét trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM). Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 vừa qua, những sản phẩm dịch vụ thanh toán tiện ích cùng nhiều chương trình ưu đãi, hỗ trợ thiết thực đã tạo thuận lợi và khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ TTKDTM, qua đó góp phần hạn chế tiếp xúc, ngăn ngừa sự lây nhiễm dịch bệnh theo chỉ đạo của Chính phủ.
image
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết, chương trình Ngày không tiền mặt năm nay đánh dấu 05 năm thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020 được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 2545/QĐ-TTg ngày 31/12/2016. Đây không những là dịp để nâng cao nhận thức cộng đồng về lợi ích của TTKDTM mà còn là để ngành ngân hàng cùng với các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan chức năng và doanh nghiệp cùng nhìn lại những thành tựu đã đạt được, những hạn chế cần khắc phục và hướng tới các mục tiêu mới trong thời gian tới.
image
Ông Trần Vĩnh Tuyến – Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội thảo
Đại diện lãnh đạo TP HCM, ông Trần Vĩnh Tuyến – Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cũng đánh giá cao những giải pháp triển khai mạnh mẽ của NHNN và các đơn vị về cơ chế chính sách, hạ tầng thanh toán, đặc biệt có các chính sách, miễn giảm phí khuyến khích TTKDTM trong thanh toán trong trường học, bệnh viện… hỗ trợ đề án đô thị thông minh tạo sự tương tác giữa chính quyền người dân.
Theo ông Phạm Tiến Dũng – Vụ trưởng Vụ Thanh toán – NHNN, những điểm thay đổi lớn trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và chính sách trong hoạt động thanh toán; hoàn thiện tạo điều kiện thuận lợi ứng dụng công nghệ mới, hiện đại hạ tầng thanh toán; Cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán an toàn, tiện tích, thân thiện luôn được quan tâm; khách hàng được đặt là vị trí trung tâm ưu tiên trong việc quá trình cung ứng các sản phẩm, dịch vụ; đồng thời, quyền lợi hợp pháp luôn được đảm bảo đã giúp hoạt động TTKDTM có sự phát triển mạnh mẽ.
Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng hoạt động an toàn, thông suốt và ổn định với tốc độ tăng trưởng bình quân năm đạt 27,3% về tổng giao dịch xử lý và 20,3% về tổng giá trị trong giai đoạn 2016-2019; Hệ thống chuyển mạch, bù trừ đã phát huy hiệu quả, tốc độ tăng trưởng năm 2019 so với năm 2018 đạt 171% về số lượng giao dịch và 96% về giá trị.
Hệ sinh thái thanh toán điện tử đã được hình thành với sự kết nối tới tích hợp với các ngành, lĩnh vực khác cho phép khách hàng thực hiện các giao dịch thanh toán trực tuyến đối với hóa đơn điện, nước, viễn thông, mua sắm trực tuyến tại các trang thương mại điện tử, nộp thuế điện tử và một số khoản phí, lệ phí khi thực hiện một số dịch vụ hành chính công,..
Hầu hết các thành tựu của cuộc CMCN 4.0 đã được ứng dụng mạnh mẽ trong lĩnh vực thanh toán, như: phân tích hành vi khách hành trên dữ lệu lớn (Big data); xác thực sinh trắc học; ứng dụng mã phản hồi nhanh (QR Code); mã hóa thông tin thẻ (Tokenization), thanh toán thẻ chíp tiếp xúc và phi tiếp xúc (contact và contactless),.. nhờ đó, thanh toán thẻ tiếp tục phát triển mạnh với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 51,4% về số lượng33,8% về giá trị giao dịch trong giai đoạn 2016-2019; đặc biệt, thanh toán trên Mobile cũng có sự tăng trưởng ấn tượng với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 85% về số lượng158,5% về giá trị giao dịch.
Công tác truyền thông thay đổi thói quen người dùng mang ý nghĩa quan trọng thúc đẩy TTKDTM
Đa số các ý kiến tham luận tại hội thảo đều nhấn mạnh việc thay đổi thói quen người dùng là yếu tố quan trọng bậc nhất thúc đẩy TTKDTM. Ông Phạm Tiến Dũng Vụ trưởng Vụ Thanh toán cho rằng bên cạnh việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động thanh toán, hiện đại hạ tầng thanh toán; Cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán an toàn, tiện tích, thân thiện thì việc tăng cường công tác thông tin tuyên truyền giáo dục tài chính về TTKDTM là yếu tố quan trọng.
Bà Lý Thị Hoài Thương – Phó Vụ trưởng vụ Quản lý thuế DNNVV cũng cho rằng để thay đổi thói quen TTKDTM việc truyền thông cần được phải được chú trọng.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng Phó chủ tịch Hiệp hội thương mại điện tử phát biểu, giai đoạn ảnh hưởng dịch covid 19 khiến nhiều người tiêu dùng thay đổi hành vi tiêu dùng trong đó vó việc sử dụng TTKDTM, công tác tuyên truyền về lợi ích TTKDTM cần đẩy mạnh hơn nữa.
Theo bà Lê Thị Thuý Sen, Vụ trưởng Vụ Truyền thông NHNN chia sẻ với báo Tuổi trẻ: Đối với việc sử dụng dịch vụ tài chính nói chung và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt nói riêng việc thay đổi thói quen người sử dụng là một thách thức và trở ngại. Để thay đổi, tạo thành thói quen sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt, việc cần thiết là các cơ quan, đơn vị chức năng phối hợp để thay đổi nhận thức, hành vi nhằm thay đổi thậm chí hình thành thói quen mới đối với người tiêu dùng sử dụng dịch vụ tài chính.
image
image
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Đối với truyền thông về thanh toán không dùng tiền mặt, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động, trách nhiệm và tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng các chương trình truyền thông đến công chúng về tiện ích, giá trị, cách sử dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt đảm bảo an ninh, an toàn bảo mật. Đặc biệt, truyền thông minh bạch về phí để người dân yên tâm sử dụng như nguyên tắc quản lý phí sử dụng dịch vụ ngân hàng theo cơ chế thị trường, có sự cạnh tranh nên lợi ích, sự lựa chọn thuộc về khách hàng như những dịch vụ miễn phí, giảm phí, khung biểu phí. Thực tế, để khuyến khích người dân sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, các cơ quan đơn vị liên quan cần truyền thông để người sử dụng hiểu rõ tiện ích, an ninh, an toàn và chi phí thấp. Chính những điều đó là yếu tố quan trọng hình thành và thay đổi thói quen cộng đồng.
Trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với các đơn vị liên quan trong đó đặc biệt là các cơ quan báo chí, các tổ chức tín dụng thực hiện nhiều chương trình truyền thông giáo dục phổ cập các kiến thức tài chính đặc biệt là thanh toán không dùng tiền mặt với nội dung đa dạng, phong phú, dễ hiểu hướng tới công chúng và đặc biệt là giới trẻ và học sinh có tính lan tỏa trong cộng đồng như chương trình ‘ Tiền khéo tiền khôn’; “ Những đứa trẻ thông thái”; “Đồng tiền thông thái” và “ Hiểu đúng về tiền”; “ Tư vấn tài chính” ; ‘Ngày thanh toán không dùng tiền mặt” góp phần thúc đẩy TTKDTM và thực hiện các mục tiêu của Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.
Hệ sinh thái số hướng tới hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt trong tương lai
Kết luận tại Hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh chỉ rõ những chuyển biến rõ rệt trong hoạt động TTKDTM thời gian qua thông qua những con số về tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ về cả số lượng và giá trị giao dịch thanh toán. Nhiều sản phẩm, dịch vụ thanh toán tiện ích, hiện đại được cung ứng, đặc biệt là các dịch vụ thanh toán trên thiết bị di động đã thực sự đi vào cuộc sống, chúng ta có thể bắt gặp hàng ngày hình ảnh khách hàng sử dụng các dịch vụ chuyển tiền online 24/7, thanh toán hóa đơn, mua sắm và thanh toán trực tuyến trên ứng dụng di động, thanh toán bằng phương thức quét mã QR Code,... điều mà 5 năm trước đây dường như vẫn còn khá xa lạ với người dân Việt Nam.
image
Các khách mời trong phiên thảo luận tại Hội thảo
Có được những kết quả đó là nhờ: (i) những chủ trương định hướng của Chính phủ về thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt đã được cụ thể hóa bởi các cơ chế, chính sách, khuôn khổ pháp lý phù hợp, kịp thời của NHNN, các Bộ, ngành, địa phương,.. đã thực sự đi vào cuộc sống; (ii) sự quan tâm đầu tư và nỗ lực sáng tạo không ngừng của các ngân hàng, trung gian thanh toán hợp tác với các đơn vị cung ứng hàng hóa dịch vụ trong việc thiết kế, cung ứng các sản phẩm dịch vụ thanh toán hiện đại, tiện ích đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp; (iii) sự vào cuộc các cơ quan báo chí truyền thông đã kịp thời thông tin, quảng bá nhằm tạo sự dịch chuyển trong hành vi khách hàng trong lựa chọn dịch vụ thanh toán.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh nhấn mạnh tin tưởng rằng các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa dịch vụ, các đơn vị truyền thông sẽ tiếp tục đồng hành cùng ngành ngân hàng để tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong giai đoạn tiếp theo. Với sự nỗ lực, quyết tâm và đồng lòng giữa các cơ quan quản lý, ngân hàng, trung gian thanh toán, các doanh nghiệp, khách hàng, trong Chương trình Ngày không dùng tiền mặt năm tới (năm 2021), các số liệu về thanh toán không dùng tiền mặt sẽ tiếp tục đạt mức tăng trưởng ấn tượng, tiếp nối cho việc thể hiện những chính sách về thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam đã thực sự đi vào cuộc sống.
Ngày không tiền mặt do báo Tuổi trẻ đề xuất– 16/6 – được bắt đầu từ năm 2019 - là ngày phương tiện thanh thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) được khuyến khích sử dụng khi mua sắm, giao dịch thanh toán và người tiêu dùng sẽ được hưởng chính sách ưu đãi từ các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán và các nhà bán lẻ, nhà cung cấp dịch vụ.
Hưởng ứng ngày 16/6 năm nay sẽ có nhiều sự kiện như: Chương trình Ủng hộ nông sản Việt; Chương trình Tiểu thương không tiền mặt; Giải chạy bộ Online – Ngày không tiền mặt; Chương trình Tuần lễ không tiền mặt – 10/06/2020 – 16/06/2020…Thông qua các chương trình, sự kiện sẽ tạo cơ hội cho người dân trên cả nước trải nghiệm và thấy rõ hơn lợi ích của các phương tiện thanh toán điện tử mang lại, đặc biệt trong thời điểm thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội và trong bối cảnh cả thế giới phải đối mặt với dịch bệnh Covid-19.
AL

Comments

Popular posts from this blog

Học việc, thử việc tại ngân hàng: Cuộc sống muôn màu

Xin hỏi định nghĩa về thoái thu và thoái chi??