Điều hành chính sách của NHNN sau khủng hoảng tài chính toàn cầu

Điều hành chính sách của NHNN sau khủng hoảng tài chính toàn cầu

31/07/2018

Ngày 31/7/2017, Đoàn Thanh niên Ngân hàng Trung ương đã tổ chức hội thảo với chủ đề "Điều hành chính sách của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) sau khủng hoảng tài chính toàn cầu" tại trụ sở của NHNN.



Tham dự hội thảo có ông Đào Văn Sơn, Phó trưởng Ban Dân vận, Chi bộ khối Dân Đảng – Đảng ủy cơ quan Ngân hàng Trung ương; ông Đỗ Việt Hùng, Vụ trưởng Vụ Ổn định Tài chính tiền tệ cùng đông đảo các Đoàn viên đến từ các Vụ, Cục của NHNN.
Khủng hoảng tài chính toàn cầu xuất phát từ Mỹ giữa năm 2007 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống tài chính của Mỹ và châu Âu, đồng thời gây nên suy thoái toàn cầu. Bên cạnh những tác động tiêu cực đối với các hoạt động kinh tế, khủng hoảng tài chính và cuộc đại suy thoái cũng gây nên một cú sốc đối với cơ chế cũng như khuôn khổ chính sách tiền tệ (CSTT) trên thế giới. Tuy không phải là một vấn đề quá mới (cả về lý luận lẫn thực tiễn), song sự thay đổi về khung CSTT sau khủng hoảng tài chính toàn cầu được thực hiện trên một phạm vi rộng, với mức độ ảnh hưởng của nó tới nền kinh tế một cách sâu sắc và toàn diện hơn bao giờ hết. Trong đó, sự phối hợp giữa CSTT với chính sách an toàn vĩ mô cũng như vai trò của NHTW trong ổn định tài chính phải được đặc biệt quan tâm. Tại Hội thảo, các đại biểu được nghe và trao đổi về những thay đổi căn bản trong cung cách điều hành chính sách, trong việc phân tích, dự báo và sử dụng công cụ của CSTT một cách đồng bộ, bài bản và mang tính thị trường hơn… của NHNN Việt Nam.
CSTT đã kiểm soát tốt biến động của lạm phát cơ bản
Phát biểu giới thiệu về chuyên đề 1, đồng chí Hoàng Việt Phương, Bí thư chi đoàn Vụ Dự báo Thống kê đã đi sâu vào phân tích chính sách của NHNN hậu khủng hoảng 2008.
Đ/c Hoàng Việt Phương – Chi Đoàn Vụ Dự báo Thống kê
Điểm lại bối cảnh kinh tế trước khủng hoảng tài chính toàn cầu, đồng chí Việt Phương cho biết, khi đó, giá hàng hóa thế giới bắt đầu tăng từ giữa năm 2007 và đạt đỉnh vào giữa 2008 đã kích thích xu hướng tăng mạnh của lạm phát toàn cầu. Lạm phát của Việt Nam có xu hướng tăng cao hơn nhiều so với mặt bằng chung thế giới. Sau đó, kinh tế toàn cầu hồi phục tương đối mạnh trong giai đoạn 2006 - 2008 nhờ khu vực kinh tế đang phát triển và mới nổi. Trong bối cảnh đó, GDP Việt Nam tăng trưởng mạnh (trên 8%) và vượt khá xa sản lượng tiềm năng, do đó, áp lực lạm phát cầu kéo khá lớn. Một số thước đo khác cũng cho thấy sức cầu của Việt Nam trước 2008 rất mạnh nhưng hiệu quả đầu tư trong giai đoạn này lại ngày càng suy giảm. Cán cân vãng lai thâm hụt bắt nguồn từ sự thâm hụt trầm trọng và kéo dài của cán cân thương mại cũng là một trong những nguyên nhân gây ra lạm phát cao và bất ổn kinh tế. Bong bóng trên thị trường tài sản là hệ quả của dòng vốn đầu tư nước ngoài và tâm lý đầu cơ của nhà đầu tư trong nước khi kỳ vọng quá lạc quan về kinh tế Việt Nam trước và sau gia nhập WTO. Sự bất ổn kinh tế vĩ mô nghiêm trọng khiến việc điều hành chính sách tiền tệ gặp nhiều khó khăn. Do tổng cầu tăng mạnh, thị trường tài sản "bong bóng" khiến tín dụng tăng cao, gây áp lực trở lại đến lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Trong tình hình đó, thị trường ngoại hối căng thẳng trước các đợt đầu cơ tỷ giá và giá vàng.
Theo đồng chí Hoàng Việt Phương, nhờ áp dụng những chính sách kịp thời và hợp lý, lạm phát toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng có xu hướng giảm dần sau khủng hoảng, tuy vậy, những bất ổn vẫn trở lại khi vào cuối năm 2011, lạm phát tiếp tục là một thách thức đối với Việt Nam. Tăng trưởng toàn cầu sụt giảm khá mạnh trong khủng hoảng, bắt đầu hồi phục trở lại từ 2012 đến nay. Tại Việt Nam, tình trạng "stagflation" (suy thoái lạm phát) dường như đã diễn ra từ 2010 đến 2011, GDP thực hồi phục khá yếu và không đồng đều suốt giai đoạn 2012 - 2017, tác động cầu kéo đến lạm phát còn thấp. Cán cân vãng lai ngày càng bền vững hơn nhờ cán cân thương mại thặng dư từ 2011 đến nay. Sự thay đổi trong hoạt động đầu tư FDI đã tác động đáng kể đến cơ cấu thương mại Việt Nam. Lạm phát giảm dần và được kiểm soát, đạt được mục tiêu đề ra từ 2012 đến nay, nhờ CSTT đã kiểm soát tốt biến động của lạm phát cơ bản. Tác động của yếu tố tiền tệ đến lạm phát không lớn. Lạm phát tổng thể phụ thuộc vào giá hàng hóa nhà nước quản lý và giá nhiên liệu. Đồng chí Việt Phương nhấn mạnh: CSTT hiệu quả thể hiện qua: Trung hòa hiệu quả VNĐ đưa ra qua kênh mua ngoại tệ; kiểm soát tăng trưởng tín dụng; Ổn định thị trường ngoại tệ - vàng; Tăng mạnh quy mô dự trữ ngoại hối; Giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; Neo giữ kỳ vọng...
Chính sách tiền tệ linh hoạt, chủ động
Cũng trong hội thảo, đồng chí Đào Minh Thắng, Chi đoàn Vụ Chính sách tiền tệ trình bày những nghiên cứu của mình về điều hành chính sách tiền tệ ở Việt Nam giai đoạn hậu khủng hoảng. Trong giai đoạn này, tăng trưởng kinh tế chậm lại trong khi lạm phát ở mức cao, chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ nới lỏng kéo dài sau những gói kích thích nền kinh tế trong giai đoạn khủng hoảng, dòng vốn vào Việt Nam có dấu hiệu chậm lại, giá hàng hóa thế giới tăng cao, tình trạng Đô la hóa nền kinh tế lớn. Trong giai đoạn đó, NHNN cung cấp thanh khoản cho các TCTD trong thời điểm khó khăn, cụ thể là:
Đ/c Đào Minh Thắng, Chi đoàn Vụ CSTT.
Về tái cấp vốn, NHNN có gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng dành cho người mua nhà có thu nhập thấp (2013 - 2016);
Trên thị trường OMOs, NHNN chủ động, linh hoạt điều tiết lượng tiền cung ứng, trung hòa kịp thời lượng tiền đồng đưa ra thị trường trong giai đoạn NHNN mua được nhiều ngoại tệ, liên tục giảm lãi suất tín phiếu để phù hợp với mặt bằng lãi suất thị trường.
Về dự trữ bắt buộc: Trong năm 2011, NHNN tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ và mở rộng diện tiền gửi phải dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ; từ 2012 đến 2017; giữ nguyên tỷ lệ dự trữ bắt buộc nhằm tạo điều kiện cho điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt.
Về tỷ giá: Áp dụng cơ chế tỷ giá thả nổi có quản lý trong đó NHNN quy định tỷ giá bình quân liên ngân hàng và biên độ dao động của tỷ giá trong năm. NHNN công bố tỷ giá bình quân liên ngân hàng một lần và áp dụng cho một thời kỳ nhất định; Từ 2016, NHNN áp dụng cơ chế tỷ giá trung tâm - tỷ giá trung tâm thay đổi hàng ngày theo diễn biến thị trường; đồng thời linh hoạt mua ròng ngoại tệ và bán ròng ngoại tệ từ 2012 đến 2017.
Về lãi suất: NHNN Tăng các mức lãi suất chính sách nhằm kiểm soát lạm phát (2011), giảm các mức lãi suất điều hành (2012-2014); duy trì các mức lãi suất điều hành nhằm ổn định mặt bằng lãi suất thị trường trong năm 2015-2016 và từ 2017, NHNN giảm lãi suất điều hành 0,25%. NHNN cũng đồng thời áp dụng chính sách trần tín dụng phù hợp với diễn biến thị trường.
Cụ thể, về điều hành lãi suất: Phấn đấu giảm lãi suất cho vay phù hợp với điều kiện kinh tế vĩ mô. Cụ thể là: Năm 2011, nâng mạnh các loại lãi suất điều hành nhằm kiểm soát lạm phát ở mức cao; từ 2012-2017, giảm dần các loại lãi suất điều hành trong điều kiện lạm phát đã được kiểm soát tương đối tốt nhằm hạ lãi suất cho vay, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; Giảm trần lãi suất huy động, đặc biệt đưa trần lãi suất huy động USD về 0% nhằm hạn chế Đôla hóa, tiến tới tự do hóa lãi suất. Trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên được giảm từ ngưỡng 15% xuống còn 6,5%. NHNN chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm chi phí hoạt động, từ đó giảm lãi suất cho vay với khách hàng.
Điều hành nghiệp vụ thị trường mở, tái cấp vốn và dự trữ bắt buộc: Sử dụng linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở để điều tiết cung tiền, đảm bảo thanh khoản cho hệ thống ngân hàng và các cân đối vĩ mô trong từng trường hợp; Kết hợp trung hòa tiền đồng bằng OMOs với mua ròng ngoại tệ trong giai đoạn dòng vốn nước ngoài chảy vào ròng nhằm tăng dự trữ ngoại hối và kiểm soát lạm phát; Cho vay tái cấp vốn trên cơ sở trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành nhằm hỗ trợ các TCTD xử lý nợ xấu; Năm 2011, NHNN tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc với USD lên 8% với không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 12 tháng, 6% với kỳ hạn trên 12 tháng. Từ đó đến này, các mức dự trữ bắt buộc được giữ nguyên; Xây dựng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng và kiểm soát tăng trưởng tín dụng theo chỉ tiêu định hướng; Thực hiện các giải pháp hỗ trợ tổ chức tín dụng mở rộng tín dụng có hiệu quả, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; Thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi trong vay vốn tín dụng ngân hàng cho các doanh nghiệp.
Hội thảo "Điều hành chính sách của NHNN sau khủng hoảng tài chính toàn cầu"
Trong thời gian tới, NHNN tiếp tục điều hành CSTT chủ động, linh hoạt nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Về định hướng dài hạn là đổi mới điều hành chính sách tiền tệ; nâng cao hiệu quả thanh tra, giám sát ngân hàng; chống đôla hóa và vàng hóa trong nền kinh tế.
Mối tương quan giữa an toàn vĩ mô và chính sách tiền tệ
Đồng chí Hoàng Lan Hương, Phòng Chính sách an toàn vĩ mô, Vụ Ổn định tiền tệ - tài chính đã chia sẻ về tổng quan ổn định tài chính (ODTC) và chính sách an toàn vĩ mô (CSATVM): tương quan chính sách an toàn vĩ mô và chính sách tiền tệ.
Theo đồng chí Lan Hương, ODTC là phạm trù có những đặc điểm sau: Hỗ trợ cho việc phân bổ có hiệu quả các nguồn lực kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội; Trong điều kiện ODTC, hệ thống tài chính có khả năng đánh giá, định giá, phân bổ và quản trị rủi ro; Giúp hệ thống tài chính duy trì và thực hiện đúng chức năng thông qua cơ chế tự điều chỉnh, kể cả trong trường hợp xuất hiện những cú sốc từ bên ngoài hoặc các mất cân đối vĩ mô nội tại. Như vậy, “ODTC nhằm xác định, giám sát, đo lường và hạn chế rủi ro hệ thống”.
Giữa các chính sách vĩ mô có sự tương tác và giao thoa lẫn nhau, việc thực hiện mục tiêu của chính sách này sẽ hỗ trợ cho việc đạt được mục tiêu của chính sách kia và ngược lại. Mối quan hệ giữa ổn định tiền tệ và ổn định tài chính gần như có thể được minh họa thông qua chu kỳ tài chính và chu kỳ kinh tế: Chu kỳ tài chính về cơ bản bao hàm biến động của các hoạt động kinh tế, thường đo lường thông qua GDP (thực tế); Trong khi đó, chu kỳ tài chính liên quan tới biến động của tín dụng, đòn bẩy và giá tài sản (Drehmann et al. (2012)). Về cơ bản, những nghiên cứu gần đây của IMF nhận định rằng, chính sách tiền tệ và chính sách an toàn vĩ mô không loại trừ, mà thực chất bổ sung, hỗ trợ cho nhau:
Chính sách an toàn vĩ mô không thể thay thế hoặc làm thay nhiệm vụ của chính sách tiền tệ (chẳng hạn nếu sử dụng CSATVM để tạo ra kết quả đầu ra như CSTT, nguy cơ có thể gây tổn hại tới khu vực tài chính và sản lượng của nền kinh tế), và ngược lại. Trong trường hợp thị trường phải đối mặt với những cú sốc dẫn tới bất ổn tài chính, công cụ an toàn vĩ mô được xem là giải pháp tối ưu. Mặc dù CSTT và CSATVM có những mục tiêu khác nhau, kênh truyền dẫn của các chính sách này dường như gắn bó mật thiết, do đều có tác động tới các hoạt động kinh tế và khả năng chấp nhận rủi ro. Kênh truyền dẫn CSATVM có nhiều tương đồng với kênh truyền dẫn CSTT (chủ yếu thông qua kênh cho vay và kênh bảng cân đối kế toán).
Tại hội thảo, các đại biểu cũng được nghe và trao đổi về những thay đổi căn bản trong cung cách điều hành chính sách, trong việc phân tích, dự báo và sử dụng công cụ của CSTT một cách đồng bộ, bài bản và mang tính thị trường hơn… của NHNN Việt Nam. Qua đó, các đoàn viên thanh niên nâng cao công tác chuyên môn, tạo cơ hội tham gia sâu hơn vào các nhiệm vụ xây dựng chính sách ở mỗi đơn vị.
Tin: Thoa Lê; Ảnh: Vân Anh








Comments

Popular posts from this blog

Xin hỏi định nghĩa về thoái thu và thoái chi??

Dề Thi Vietinbank - 10 dề (cập nhật 2020)

Học việc, thử việc tại ngân hàng: Cuộc sống muôn màu