Trách nhiệm của các đơn vị ngành Ngân hàng trong việc thực hiện Nghị định về cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ
04/07/2018
Tại Nghị định số 91/2018/NĐ-CP ngày 26/6/2018, Chính phủ
đã quy định rõ điều kiện cấp bảo lãnh Chính phủ, mức bảo lãnh Chính phủ, hạn
mức bảo lãnh Chính phủ và giao trách nhiệm cụ thể cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ,
cơ quan quản lý cấp ngành, các địa phương và các bên liên quan triển khai thực
hiện.
Điều kiện cấp bảo lãnh Chính phủ
Theo đó, đối tượng áp dụng của Nghị
định gồm: Đối tượng được bảo lãnh; người bảo lãnh; người nhận bảo lãnh; cơ
quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình cấp và quản lý bảo lãnh
Chính phủ.
Đối tượng được bảo lãnh Chính phủ
theo quy định tại Điều 41 Luật Quản lý nợ công, đáp ứng đủ các điều kiện cấp
bảo lãnh theo quy định.
Nghị định quy định rõ, điều kiện được
cấp bảo lãnh Chính phủ đối với doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư thực hiện
theo quy định tại khoản 1 Điều 43 Luật Quản lý nợ công. Cụ thể, có tư cách pháp
nhân, được thành lập hợp pháp tại Việt Nam và có thời gian hoạt động liên tục
ít nhất 03 năm trước ngày nộp hồ sơ đề nghị phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh,
đề nghị cấp bảo lãnh; không bị lỗ trong 3 năm liền kề gần nhất theo báo cáo
kiểm toán, trừ các khoản lỗ do thực hiện chính sách của Nhà nước được cơ quan
có thẩm quyền phê duyệt; không có nợ quá hạn tại thời điểm đề nghị cấp bảo
lãnh, gồm nợ quá hạn với cơ quan cho vay lại được quy định tại khoản 2 Điều 33
Luật Quản lý nợ công, nợ quá hạn với Quỹ Tích lũy trả nợ, nợ quá hạn với bên
cho vay đối với các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh, nợ quá hạn với các tổ
chức tín dụng khác.
Có phương án tài chính dự án khả thi
được Bộ Tài chính thẩm định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy
định; có tỷ lệ vốn chủ sở hữu tham gia dự án tối thiểu 20% tổng mức đầu tư của
dự án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kèm theo kế hoạch bố trí vốn chủ sở
hữu cụ thể theo tiến độ thực hiện dự án.
Trong trường hợp phát hành trái
phiếu, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện về phát hành chứng khoán ra công
chúng theo quy định của pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Điều kiện được cấp bảo lãnh Chính phủ
đối với ngân hàng chính sách thực hiện chương trình tín dụng chính sách của Nhà
nước thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 43 Luật Quản lý nợ công.
Mức bảo lãnh Chính phủ
Theo quy định, đối với dự án do Quốc
hội, Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, mức bảo lãnh là giá trị gốc của
khoản vay, khoản phát hành trái phiếu tối đa 70% tổng mức đầu tư theo Quyết
định đầu tư của cấp có thẩm quyền.
Đối với dự án do Thủ tướng Chính phủ
quyết định đầu tư, mức bảo lãnh là trị giá gốc của khoản vay, khoản phát hành
trái phiếu tối đa 60% tổng mức đầu tư theo Quyết định đầu tư.
Mức bảo lãnh Chính phủ đối với trái
phiếu do ngân hàng chính sách phát hành tối đa là 100% hạn mức phát hành trái
phiếu Chính phủ bảo lãnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định.
Hạn mức bảo lãnh Chính phủ được xác
định cụ thể đối với doanh nghiệp, ngân hàng chính sách của Nhà nước được
Chính phủ bảo lãnh trong một giai đoạn 05 năm, hằng năm.
Bộ Tài chính chủ trì xây dựng hạn mức
bảo lãnh Chính phủ trong kế hoạch vay, trả nợ công 05 năm và kế hoạch vay, trả
nợ công hàng năm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Quản
lý nợ công.
Trách nhiệm của các đơn vị trong ngành Ngân hàng
Tại Nghị định này, Chính phủ đã quy
định trách nhiệm cụ thể cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan quản lý cấp
ngành, các địa phương và các bên liên quan đến bảo lãnh Chính phủ. Trong đó,
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm thực hiện xác nhận đăng ký hoặc đăng
ký thay đổi khoản vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh cho đối tượng được bảo
lãnh sau khi Bộ Tài chính phát hành thư bảo lãnh.
Đồng thời, cập nhật vào cơ sở thông
tin tín dụng quốc gia Việt Nam các thông tin liên quan tới tình trạng khoản vay
của đối tượng được bảo lãnh từ các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước
ngoài.
Ngân hàng chính sách được bảo lãnh có
trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm theo các quy định của Nghị định
này, quy định của pháp luật về phát hành trái phiếu và các văn bản pháp luật có
liên quan để: Xây dựng đề án phát hành trái phiếu được bảo lãnh để trình cấp có
thẩm quyền xem xét, phê duyệt và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực
của các thông tin trong đề án phát hành và công bố cho các nhà đầu tư; Tổ chức
phát hành trái phiếu được bảo lãnh theo đúng đề án được Thủ tướng Chính phủ phê
duyệt và theo quy định tại Nghị định này; Chịu trách nhiệm toàn bộ quá trình
phát hành và sử dụng vốn phát hành trái phiếu được bảo lãnh đúng mục đích theo
đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cấp bảo lãnh theo quy định tại Nghị
định này.
Ngân hàng chính sách thực hiện kiểm
toán bắt buộc đối với báo cáo tài chính năm và thực hiện chế độ thông tin, báo
cáo theo quy định của Bộ Tài chính.
Đối với ngân hàng phục vụ, Nghị định
quy định có các trách nhiệm sau:
Thực hiện nhiệm vụ và phối hợp với Bộ
Tài chính và các cơ quan liên quan trong quá trình quản lý dự án, khoản vay,
khoản phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh có liên quan theo quy định.
Cung cấp cho Bộ Tài chính báo cáo chi
tiết của Trung tâm Thông tin tín dụng NHNN (bản in) về tình hình tín dụng của
đối tượng được bảo lãnh trong năm báo cáo vào tuần làm việc đầu tiên của năm
tài chính tiếp theo.
Thực hiện các chế tài cần thiết theo
yêu cầu của Bộ Tài chính phù hợp với quy định của pháp luật và quy định của
Nghị định này để thu hồi các khoản nợ mà Quỹ Tích lũy trả nợ đã cho đối tượng
được bảo lãnh vay để trả nợ cho khoản vay, khoản phát hành trái phiếu doanh
nghiệp và các chi phí phát sinh từ việc trả nợ thay cho đối tượng được bảo
lãnh.
Đối xử ngang bằng trong quản lý khoản
vay, thu hồi và thanh toán nợ, thực hiện các biện pháp bảo đảm cho khoản vay
được Chính phủ bảo lãnh như đối với các khoản vay vốn khác của đối tượng được
bảo lãnh tại ngân hàng phục vụ.
CKH
Comments
Post a Comment