Ngành Ngân hàng hướng dòng vốn tín dụng vi mô hỗ trợ phụ nữ nghèo

Ngành Ngân hàng hướng dòng vốn tín dụng vi mô hỗ trợ phụ nữ nghèo

25/09/2018

Ngày 25/9/2018, tại Hà Nội, Học viện Ngân hàng phối hợp Vụ Truyền thông - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức hội thảo “Tài chính vi mô hỗ trợ phụ nữ giảm nghèo tại Việt Nam”. Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh và Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết chủ trì Hội thảo.
Hội thảo "Tài chính vi mô hỗ trợ phụ nữ giảm nghèo tại Việt Nam”
Tham gia điều hành Hội thảo có TS. Bùi Tín Nghị - Giám đốc Học viện Ngân hàng. Hội thảo có sự tham gia của đại diện một số Vụ, Cục NHNN, đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ một số tỉnh; đại diện một số ngân hàng thương mại, Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng hợp tác xã, các tổ chức tài chính vi mô, quỹ tín dụng nhân dân và một số trường đại học.
Trong hơn 30 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, công cuộc xóa đói, giảm nghèo tại Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu. Theo số liệu thống kê, trong những năm gần đây, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới giảm từ mức 9,88% năm 2015 xuống còn 6,7% vào năm 2017 đi cùng với sự gia tăng thu nhập mạnh mẽ đối với các hộ gia đình ở mọi mức thu nhập. Đóng góp vào thành tựu chung của cả đất nước là những nỗ lực của toàn ngành Ngân hàng, trong đó có hoạt động tài chính vi mô.
Hoạt động tài chính vi mô tại Việt Nam từ lâu đã được biết đến là một bộ phận cấu thành quan trọng của hệ thống tài chính và là một trong những công cụ xóa đói giảm nghèo hữu hiệu. Khách hàng chủ yếu của tài chính vi mô là nhóm dân số có thu nhập thấp, nhóm người yếu thế, dễ bị tổn thương trong xã hội, đặc biệt là phụ nữ.
Mỗi chúng ta đều nhận thấy, người phụ nữ có vai trò rất lớn trong mọi giai đoạn phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Nếu gia đình được coi là tế bào của xã hội thì người phụ nữ được coi là hạt nhân của tế bào này. Do đó, điều cần làm là làm sao để gia đình và xã hội tạo được những điều kiện thuận lợi nhất cho phụ nữ phát huy được khả năng của mình. Để làm được điều này, phụ nữ phải được đặt vào vị trí trung tâm để được trao cơ hội phát triển kinh tế và đây cũng là điều kiện tiên quyết để hướng tới phát triển bền vững.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu dẫn đề Hội thảo, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh nhấn mạnh: “Trong công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ phụ nữ nhằm phát huy mọi tiềm năng, nâng cao vai trò, tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là công tác xóa đói, giảm nghèo. Về phía ngành Ngân hàng, NHNN đã xây dựng và triển khai các giải pháp để hướng dòng vốn tín dụng vi mô giúp đối tượng là phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ nghèo tiếp cận dòng vốn tín dụng. Thực tiễn cho thấy với điều kiện vay vốn đơn giản, không cần tài sản thế chấp, cấp và nhận vốn ngay tại nơi người dân sinh sống, tài chính vi mô được xem như một ‘đòn bẩy’ hữu hiệu nhằm tăng cường sự tự tin của phụ nữ, thúc đẩy họ tham gia vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập và thoát nghèo, từ đó khẳng định vai trò và vị thế của họ trong gia đình và xã hội”.
Bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
Tuy nhiên, hoạt động tài chính vi mô tại Việt Nam vẫn còn một số hạn chế như hoạt động khá manh mún, sản phẩm, dịch vụ chưa đa dạng, các chỉ số bền vững hoạt động và tài chính của các tổ chức tài chính vi mô chưa cao, đặc biệt khuôn khổ pháp lý vẫn còn chưa toàn diện, thống nhất... Hơn nữa, công tác tư vấn, hỗ trợ, giáo dục về quản lý tài chính cho khách hàng tài chính vi mô nói chung và cho phụ nữ trong hộ gia đình nói riêng vẫn còn khiêm tốn. Những hạn chế này sẽ tác động không tốt tới cơ hội phát triển kinh tế lâu dài của hộ gia đình, trong đó có những người phụ nữ.
Quang cảnh Hội thảo
Tại Hội thảo, bên cạnh các ý kiến tham luận của các nhà quản lý đến từ ngành Ngân hàng, từ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, các chuyên gia, nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực trong việc đánh giá những chính sách ưu đãi, việc thực hiện và kết quả của các chương trình hỗ trợ phụ nữ xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế ở địa phương, đại diện của các tổ chức tài chính vi mô cũng đã nêu những đề xuất, kiên nghị giúp các tổ chức này hoạt động tốt hơn nữa, góp phần giúp phụ nữ phát triển kinh tế và nâng cao vai trò, vị thế xã hội của phụ nữ trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Ngoài ra, Hội thảo cũng có nhiều ý kiến chia sẻ trong tương lai các hoạt động giáo dục tài chính từ phía các tổ chức đến khách hàng tài chính vi mô cần được đẩy mạnh hơn nữa nhằm nâng cao khả năng quản lý thu nhập – chi tiêu của khách hàng, đồng thời nâng cao khả năng tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ tài chính ngân hàng cho người dân.
NA, ảnh: ĐK








Comments

Popular posts from this blog

Xin hỏi định nghĩa về thoái thu và thoái chi??

Dề Thi Vietinbank - 10 dề (cập nhật 2020)

Học việc, thử việc tại ngân hàng: Cuộc sống muôn màu