Tập huấn về dịch vụ tài chính tiêu dùng
Tập huấn về dịch vụ tài chính tiêu dùng
17/09/2018
Thực hiện chủ trương của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
(NHNN) về phối hợp với các cơ quan truyền thông đưa thông tin đầy đủ kịp thời
về hoạt động ngân hàng, nhằm cung cấp thêm thông tin liên quan đến lĩnh vực tài
chính tiêu dùng, ngày 15/9/2018 tại Hà Nội, Hiệp hội Ngân hàng đã tổ chức Tập
huấn về dịch vụ tài chính tiêu dùng cho các phóng viên báo chí.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng phát biểu khai mạc buổi Tập huấn |
Buổi tập huấn cung cấp thêm thông tin
liên quan đến lĩnh vực tài chính tiêu dùng cho các phóng viên của các cơ quan
báo, đài về vai trò và sự phát triển lành mạnh của tín dụng tiêu dùng ở Việt
Nam phù hợp với các quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế trong lĩnh vực
này.
Toàn
cảnh buổi Tập huấn
Trong nội dung trình bày về khuôn khổ
pháp lý phát triển thị trường tài chính tiêu dùng, bà Nguyễn Thanh Huyền, Vụ
Chính sách an toàn hoạt động ngân hàng, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng,
NHNN nhấn mạnh: Hiện nay, ở Việt Nam đã có hàng loạt quy định pháp lý điều
chỉnh hoạt động tài chính tiêu dùng như: Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng,
Luật Quảng cáo, Luật các tổ chức tín dụng, Nghị định số 39/2014/NĐ-CP ngày
7/5/2014 của Chính phủ về hoạt động của công ty tài chính và công ty cho thuê
tài chính,… Điều chỉnh hoạt động cho vay tiêu dùng, NHNN có các văn bản hướng
dẫn như: Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 quy định về hoạt động cho
vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng;
Thông tư số 43/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 quy định cho vay tiêu dùng của công
ty tài chính; Thông tư số 19/2016/TT-NHNN ngày 30/6/2016 quy định về hoạt động
thẻ ngân hàng; và một số văn bản pháp luật liên quan khác.
Bà
Nguyễn Thanh Huyền, Vụ Chính sách an toàn hoạt động ngân hàng, Cơ quan Thanh
tra giám sát ngân hàng, NHNN
“Có thể nói, các quy định của pháp
luật đã tạo điều kiện cho thị trường tài chính tiêu dùng ở Việt Nam phát triển
lành mạnh, an toàn, hiệu quả. Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn
thiện khuôn khổ pháp lý, xây dựng hệ thống quy định quản lý thống nhất, tạo lập
và duy trì môi trường vĩ mô ổn định. Phát triển hệ thống thông tin khách hàng
để giúp các tổ chức tín dụng có thể truy cập và tra cứu thông tin với chi phí
hợp lý. Bảo vệ lợi ích của khách hàng vay tiêu dùng, tuyên truyền, giáo dục
nhằm nâng cao hiểu biết tài chính, nhận thức về quản lý tài chính trong cộng
đồng. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cũng cần lưu ý khi hoạt động cho vay
tiêu dùng phát triển sẽ có nguy cơ gia tăng rủi ro do có thể tăng nợ xấu”, Bà
Huyền nhấn mạnh.
Tại buổi tập huấn, TS. Cấn Văn Lực đã
làm rõ các khái niệm: Tài chính tiêu dùng và Tín dụng tiêu dùng. Tín dụng tiêu
dùng giúp người tiêu dùng có thể trang trải các nhu cầu cuộc sống như nhà ở,
phương tiện đi lại, tiện nghi sinh hoạt, học tập, du lịch, y tế,… Theo TS. Cấn
Văn Lực, Tín dụng tiêu dùng hiện đại rất đa dạng về loại hình và sản phẩm, ở
các nước phát triển có rất nhiều sản phẩm tín dụng tiêu dùng như: Cho vay mua
xe, thẻ tín dụng phát hành bởi các công ty bán lẻ (store cards), hợp đồng thuê
mua, vay từ các quỹ xã hội, vay ngắn hạn trước ngày trả lương (payday loans),
vay từ quỹ tín dụng, thẻ tín dụng, thấu chi, cho vay sinh viên, cho vay du học,
tín dụng mua hàng theo ca-ta-lô (Catalogue credit), vay trực tiếp qua internet
(peer-to-peer lending),… Việt Nam là thị trường rất tiềm năng để phát triển tín
dụng tiêu dùng.
TS Lực phân tích, cho vay tiêu dùng
rất phù hợp với các đối tượng là những người trẻ, người thu nhập thấp, đáp ứng
nhu cầu của cá nhân, hộ gia đình trong tiêu dùng, góp phần giảm bớt tín dụng
“đen" ở Việt Nam; phát triển cho vay tiêu dùng sẽ kích thích chi tiêu cho
tiêu dùng, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, tăng nguồn thu cho các định chế tài
chính và đa dạng phát triển thị trường tài chính ở Việt Nam.
TS.
Cấn Văn Lực trình bày tại buổi Tập huấn
Để phát triển thị trường tài chính tiêu
dùng trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam, ông Nguyễn Thiện Tâm,
Giám đốc Trung tâm sang kiến FE Credit chia sẻ, Việt Nam có quy mô dân số lớn,
thu nhập bình quân đầu người đang tăng, trong đó người trẻ tại các thành thị
lại có xu hướng sẵn sang chi tiêu nhiều hơn để đáp ứng các nhu cầu của cuộc
sống. Sự phát triển của hệ thống bán lẻ hiện đại theo chuỗi đang dần thay thế
cho cửa hàng riêng lẻ truyền thống. Sự thay đổi này giúp các nhà cung cấp dịch
vụ tài chính tiêu dùng dễ dàng tiếp cận với số lượng lớn khách hàng có nhu cầu
vay hơn so với trước đây thông qua hệ thống điểm giới thiệu dịch vụ đặt tại
chuỗi các hệ thống bán lẻ hiện đại này. Bên cạnh đó, sự bùng nổ của thương mại
điện tử khiến cho hành vi mua sắm của người tiêu dùng cũng có những thay đổi
lớn. Người tiêu dùng sẽ có thêm nhiều sự lựa chọn trong việc mua sắm, nâng cao
chất lượng cuộc sống với sự hỗ trợ của các tổ chức tín dụng, nhà bán lẻ và các
đơn vị cung ứng sản phẩm.
Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao
của người tiêu dùng, đặc biệt là nhu cầu chi tiêu cá nhân, cải thiện nhà ở, dự
báo số lượng các công ty tài chính tiêu dùng ở Việt Nam sẽ tăng mạnh trong thời
gian tới. Trong bối cảnh cạnh tranh này, việc các công ty tài chính đẩy mạnh
đầu tư công nghệ vào tự động hóa quy trình, nâng cấp và sang tạo các dịch vụ,
sản phẩm là yêu tố thiết yếu nhằm tạo sự khác biệt và tăng độ nhận biết của
khách hàng
Ông
Nguyễn Thiện Tâm, Giám đốc Trung tâm sang kiến FE Credit chia sẻ tại buổi Tập
huấn
Trong thời đại Cách mạng công nghiệp
4.0, các công ty tài chính tận dụng sức mạnh của công nghệ để tiếp cận và mang
lại các trải nghiệm thú vị cho khách hàng, đồng thời khắc phục tình trạng thiếu
hụt thông tin của khách hàng thông qua đầu tư vào nền tảng công nghệ số: sử
dụng cơ sở dữ liệu khổng lồ (Big Data) để quản lý kho dữ liệu, số hóa dữ liệu
(Biometric_Digital Transformation), ứng dụng trí tuệ nhân tạo (A.I), nhận diện
ký tự thông minh (ICR) và nhận diện ký tự quang học (OCR),… giúp cải thiện quy
trình nghiệp vụ nhằm giảm thiểu hoặc loại bỏ sai sót do yếu tố con người, thất
thoát dữ liệu và tăng cường hiệu quả hệ thống cho vay, giảm lãi suất cho vay
tiêu dùng đối với người vay, giảm chi phí vận hành của doanh nghiệp.
Tại buổi tập huấn, các phóng viên báo
chí cùng trao đổi với các diễn giả và nhiều nội dung được giải đáp thỏa đáng.
Các phóng viên báo chí đã có thêm kiến thức, thông tin về thị trường tài chính
tiêu dùng rất bổ ích để tuyên truyền về hoạt động cho vay tiêu dùng, góp phần
phát triển thị trường tài chính tiêu dùng ở Việt Nam.
NA.
Comments
Post a Comment