Tăng lãi suất huy động để tránh đầu cơ vào USD
Đồng USD đang trong xu hướng tăng giá, nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy
động để tránh khách hàng rút tiền đồng ra để đầu cơ vào đồng USD.
Lãi suất huy động của nhiều ngân hàng đột ngột tăng trở lại sau một thời gian dài ổn định. Việc lãi suất huy động tăng làm dấy lên sự lo lắng, song các chuyên gia khẳng định không có áp lực tăng lãi suất cho vay ở thời điểm cuối năm.
Lãi suất huy động của nhiều ngân hàng đột ngột tăng trở lại sau một thời gian dài ổn định. Việc lãi suất huy động tăng làm dấy lên sự lo lắng, song các chuyên gia khẳng định không có áp lực tăng lãi suất cho vay ở thời điểm cuối năm.
Lãi suất tiền gửi tăng
Mới đây, hàng loạt ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất tiết kiệm lên
0,1-1,4%/năm ở nhiều kỳ hạn theo hướng tiền gửi càng nhiều, kỳ hạn càng
dài, lãi suất càng cao. Mở đầu đợt tăng này là ngân hàng Bản Việt với
mức tăng lãi suất mạnh nhất áp dụng cho khoản tiền gửi kỳ hạn trên 24
tháng từ 7,2% lên tới 8,6%/năm. Đây cũng là mức lãi suất tiền gửi ngân
hàng dài hạn cao trên thị trường hiện nay.
Không kém cạnh, VPBank cũng là ngân hàng điều chỉnh lãi suất mạnh đợt
này, trung bình tăng thêm 0,1 - 0,2%/năm ở nhiều kỳ hạn. Cụ thể, lãi
suất tiền gửi từ 6 - 11 tháng được tăng thêm 0,2%, lên 6,7%/năm. Các kỳ
hạn dài trên 12 tháng cũng tăng lên 7,1%/năm. Hiện lãi suất tiền gửi cao
nhất tại nhà băng này đang nằm ở kỳ hạn trên 24 tháng, với 7,4%/năm.
Tương tự, SHB mới đây đã đưa ra biểu lãi suất áp dụng từ ngày 6/8, trong
đó nâng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6-11 tháng thêm 0,2%. Hiện dải lãi
suất với các mức kỳ hạn này dao động trong khoảng 6,8-6,9%/năm, cũng là
mức cao nhất từ đầu năm của ngân hàng này. Với số tiền gửi trên 2 tỷ
đồng, lãi suất áp dụng sẽ được cộng thêm 0,1% mỗi năm. Và hàng loạt ngân
hàng khác như TPBank, SeABank, Nam Á Bank, VIB Bank... cũng đẩy mức lãi
suất tiền gửi lên cao. Trong đó có ngân hàng tăng lãi suất 1% -
1,5%/năm đối với vay trung và dài hạn.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) từ ngày 13 - 17/8/2018, lãi
suất huy động VND phổ biến ở mức 0,6-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ
hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,3-5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn
từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,3-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6
tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,5-7,3%/năm. So
với tuần trước, lãi suất bình quân trên thị trường liên ngân hàng trong
tuần có xu hướng tăng ở hầu hết các kỳ hạn. Cụ thể, lãi suất một số kỳ
hạn chủ chốt như: qua đêm, 01 tuần và 01 tháng tăng lần lượt 1,16%/năm;
0,83%/năm và 0,52%/năm lên mức 4,50%/năm; 4,48%/năm và 4,62%/năm.
Lãi suất cho vay được duy trì ổn định
Lý giải về nguyên nhân lãi suất tăng, các chuyên gia cho rằng, xu hướng
nâng lãi suất huy động là tất yếu do nhiều nước trên thế giới tăng lãi
suất và USD tăng quá mạnh làm áp lực lên nhiều đồng tiền khác. Việt Nam
khó mà đứng ngoài xu hướng này nhất là khi VND cũng mất giá khá nhanh so
với USD khiến dòng tiền vào ngân hàng cũng bị ảnh hưởng. Nhưng trong
giai đoạn vừa rồi NHNN kiểm soát rất tốt tình hình và hiện đang ở giai
đoạn ổn định.
Tuy nhiên do lãi suất cơ bản của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng nên
lãi suất tiền đồng cũng sẽ phải giữ mức độ nhất định, ít nhất là cao hơn
lãi suất của FED. Nhưng sẽ không có áp lực tăng lãi suất trong giai
đoạn cuối năm.
Theo ông Nguyễn Quang Trường, chuyên viên tư vấn đầu tư Công ty cổ phần
Chứng khoán Sài Gòn, kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng từ những bất ổn
thương mại và áp lực tỷ giá VND/USD. Những áp lực này buộc Chính phủ có
biện pháp điều chỉnh chính sách. Cụ thể, NHNN đã hạ giới hạn tăng trưởng
tín dụng xuống và cho phép lãi suất nội tệ tăng lên để đối phó. Điều
này đã dẫn đến lãi suất các kỳ hạn ngắn đã tăng đột biến.
Còn chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, lý do khiến một số ngân
hàng đã và đang đẩy nhanh nguồn huy động vốn trung hạn là do tín dụng đã
tăng trưởng nhanh hơn so với huy động vốn. Điều này cho thấy, các ngân
hàng đang cần đẩy mạnh huy động vốn để có thể theo kịp tốc độ tăng
trưởng tín dụng.
Đồng thời, các ngân hàng cần chuẩn bị cho nguồn vốn vào các tháng cuối
năm, bởi đây là thời điểm nhu cầu tín dụng, nhu cầu sử dụng vốn tăng
cao. Ngoài ra, hiện nay các ngân hàng được sử dụng 45% vốn ngắn hạn cho
vay trung và dài hạn. Nhưng từ ngày 1/1/2019, các ngân hàng chỉ được
phép sử dụng 40% vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, vì vậy nhiều
ngân hàng cần phải chuẩn bị trước nguồn vốn trung và dài hạn nhiều hơn.
Đồng tình với quan điểm trên, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính
ngân hàng khẳng định, hiện đồng USD đang trong xu hướng tăng giá nên
nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động để tránh việc khách hàng rút tiền
đồng đầu cơ vào đồng USD. Vì thế, lãi suất tiền Việt phải đủ hấp dẫn để
tránh tình trạng người gửi tiền rút tiền Việt ra để mua USD, chờ giá
USD lên, bán ra kiếm lời.
Song ông Hiếu cũng lo ngại, bất kỳ khi nào lãi suất huy động tăng cũng
tạo áp lực lên lãi suất cho vay. Để giữ được biên độ lợi nhuận kỳ vọng
giữa mặt bằng chung của lãi suất cho vay với huy động, các ngân hàng cần
tranh thủ đẩy mạnh hoạt động tín dụng, trong đó có cộng thêm biên độ
lãi suất tiền gửi.
“Tôi không nghĩ lãi suất cho vay tăng, tại thời điểm này lãi suất cho
vay vẫn được duy trì ổn định. Hiện chưa có dấu hiệu tăng lãi suất cho
vay một cách đồng loạt. Tuy nhiên, không ngoại trừ lãi suất cho vay tăng
thời gian tới vì vấn đề huy động vốn, tăng lãi suất kỳ hạn dài. Tuy
nhiên, giảm lãi suất cho vay trong bối cảnh hiện nay không phải là điều
đơn giản. Thậm chí mặt bằng lãi suất từ nay đến cuối năm giữ ổn định đã
là một nỗ lực rất lớn của các tổ chức tín dụng”, ông Hiếu cho hay./.
Báo TNVN/VOV
Comments
Post a Comment