Phân tích BCTC – Cảnh báo những dấu hiệu nguy hiểm khi đọc BCTC




Một số lưu ý khi đọc báo cáo tài chính hay phân tích báo cáo tài chính (BCTC) là rất cần thiết cho các nhà đầu tư nói chung & anh em Bankers nói riêng. Bài viết phía dưới sẽ cung cấp một số dấu hiệu, mánh khoé của các chủ Doanh nghiệp trong việc lập và trình bày BCTC nhằm đánh lừa Anh em Bankers trong quá trình tiếp cận thông tin.

1. Giảm tốc độ tăng trưởng doanh thu
Tốc độ tăng trưởng doanh thu qua các năm nếu giảm sút thì đó là một dấu hiệu cần lưu ý. Nó có thể dự báo về một tương lai không mấy sáng sủa cho sự phát triển và tình hình tài chính của công ty.

Khi doanh thu không tăng trưởng thì dù có cắt giảm mạnh các chi phí (nhằm duy trì tăng trưởng lợi nhuận) cũng khó có được sự lành mạnh về tài chính của công ty. Bởi thế mối quan tâm hàng đầu của nhà quản lý và Bankers khi xem xét BCTC luôn là tốc độ tăng trưởng doanh thu qua các năm.

2. Các khoản phải thu tăng nhanh hơn doanh thu
Điều này có nghĩa là gì? Nghĩa là công ty bán được hàng nhưng không thu được tiền, hoặc thu rất chậm. Một rủi ro quá lớn cho công ty trong hoạt động tín dụng.

Khi nhìn thấy dấu hiệu này, các nhà quản lý và Bankers cần xem xét sâu hơn về Vòng quay tiền mặt (cash conversion cycle), tức khoản thời gian từ khi bạn móc ví trả cho nhà cung cấp cho đến khách hàng trả tiền cho bạn.

3. Hàng tồn kho tăng nhanh hơn doanh thu
Thể hiện hàng không bán được. Nếu hàng tồn kho có các đặc tính như thời gian hư hỏng mau (mặt hàng thực phẩm) hoặc dễ bị lỗi thời (mặt hàng thời trang) thì đây là một rủi ro rất lớn.

Vì vậy bạn đọc cũng cần nhớ rằng, việc quản lý hàng tồn kho luôn là một khoản tốn kém (hư hỏng, lỗi mode, chi phí lưu kho…). Chỉ cần đảm bảo đủ nguyên vật liệu cho quá trình sản xuất hay đủ hàng hoá cho khách hàng khi đặt mua (nguyên vật liệu hay hàng hoá đều là hàng tồn kho), các doanh nghiệp nên giữ hàng tồn kho ở mức thấp nhất có thể. Thậm chí, một số doanh nghiệp thương mại chỉ mua hàng về từ nhà cung cấp khi có khách hỏi mua hoặc đặt hàng (chỉ làm thế khi doanh nghiệp có thể cam kết về tốc độ giao hàng).

4. Giảm hoặc miễn thuế TNDN
Thông thường, khi doanh nghiệp được giảm hoặc miễn thuế TNDN thì đó là một điều đáng mừng. Tuy nhiên, khi bạn đọc dùng những số liệu tài chính này để đánh giá về tình hình hoạt động của doanh nghiệp trong tương lai, thì cần biết trong những năm sắp tới doanh nghiệp có tiếp tục được giảm hay miễn thuế TNDN hay không. Bạn có thể “quên” đưa những khoản này vào dự phóng báo cáo tài chính, dẫn đến mọt đánh giá sai lầm về tài chính của doanh nghiệp trong tương lai.

5. Lợi nhuận khác (lãi/lỗ từ các hoạt động không thường xuyên)
Khoản mục lợi nhuận khác trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh thường là những khoản lãi/lỗ không mang tính chất thường xuyên, tức trong những năm tới sẽ không xảy ra.

Khi phân tích BCTC, bạn không nên so sánh các khoản mục lợi nhuận khác qua các năm, vì bản chất của chúng là những khoản mục bất thường.

Do vậy, khi dự đoán EPS cho những năm tới (lập dự phóng BCTC), bạn nên điều chỉnh và đưa những khoản này ra.

Nhưng chờ đã, có một mánh khoé ở đây.
Các vị chủ Doanh nghiệp có thể có một điều chỉnh nhẹ nhằm đánh lừa Anh em Bankers rằng mọi thứ vẫn ổn. Nó như sau:

Có những khoản lỗ từ hoạt động kinh doanh, tuy nhiên các vị chủ Doanh nghiệp có thể yêu cầu kế toán đưa những khoản lỗ này vào khoản mục lợi nhuận khác (lãi/lỗ từ các hoạt động không thường xuyên). Bằng cách đó, vị chủ Doanh nghiệp đã đánh lừa nhà đầu tư và thuyết phục họ rằngkhoản lỗ này chỉ xảy ra trong năm nay thôi, năm tới sẽ không có nữa. Vì suy cho cùng, khoản mục này nó mang tính chất không thường xuyên kia mà.

Vì vậy, khi xem xét khoản mục lợi nhuận khác trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, bạn cần xác định bản chất thực của những khoản mục chi tiết trong này là không thường xuyên hay nó sẽ xảy ra trong các kỳ tương lai tiếp theo.

6. Mối liên hệ giữa dòng lưu chuyển tiền từ hoạt động kinh doanh với lợi nhuận trước thuế (lãi/lỗ thuần)
Khi quan tâm kết quả kinh doanh, lợi nhuận trước thuế không nói lên tất cả. Vì sao IFRS/IAS và VAS đều yêu cầu có báo cáo lưu chuyển tiền tệ? Bởi vì chỉ xem xét lợi nhuận trước thuế là chưa đủ, nó chỉ thực sự có ý nghĩa khi dòng lưu chuyển tiền từ hoạt động kinh doanh cũng là một số dương (+).

Dòng lưu chuyển tiền từ hoạt động kinh doanh là một khoản mục trong báo cáo lưu chuyển tiền tệ.

Nếu cả hai khoản mục là lợi nhuận trước thuế dòng lưu chuyển tiền từ hoạt động kinh doanh đều dương (+), tức tình huống 1, nói lên chất lượng lợi nhuận của công ty là tốt. Ngược lại, cả hai đều âm (-), tức tình huống 2, thì tình hình đang khá tồi tệ. Và nếu tình huống này liên tục xuất hiện qua nhiều kỳ, doanh nghiệp này đang trong tình trạng báo động đỏ.

Mối liên hệTình huống 1Tình huống 2Tình huống 3Tình huống 4
Lợi nhuận trước thuế(+)(-)(+)(-)
Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh(+)(-)(-)(+)

Ở các tình huống số 2 và 3, thì cần xem xét kỹ về giai đoạn kinh doanh và đặc thù ngành để có thể ra kết luận.

Chẳng hạn, một công ty đang trong giai đoạn phát triển nhanh có thể đầu tư rất lớn trong hàng tồn kho và cung cấp tín dụng cho khách hàng mới (tức cho nợ). Do vậy dẫn đến tài sản ngắn hạn tăng nhanh, doanh thu bán hàng không thu được tiền ngay và dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm.

Hoặc đặc thù ngành kinh doanh cần đầu tư vốn lớn, khấu hao lớn, không được ghi nhận giá trị thị trường tài sản,… như bất động sản, bạn cần có đánh giá kỹ lưỡng hơn.

Huỳnh Trung Kiên/Ketoannhathuong



Comments

Popular posts from this blog

Học việc, thử việc tại ngân hàng: Cuộc sống muôn màu

Xin hỏi định nghĩa về thoái thu và thoái chi??