Hội thảo khoa học chính sách tín dụng hướng tới tăng trưởng xanh tại Việt Nam
14/06/2019
Ngày 14/6/2019, Viện chiến lược Ngân hàng, Ngân hàng Nhà
nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội thảo Khoa học giới thiệu, trao đổi kết quả
nghiên cứu đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ “chính sách tín dụng hướng tới
tăng trưởng xanh tại Việt Nam”. Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo một số
Vụ, Cục NHNN, chi nhánh NHNN, đại diện một số ngân hàng thương mại…
Quang cảnh Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo Phó Viện
trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng, NHNN Phạm Xuân Hòe cho biết, đây là đề tài
khoa học được lãnh đạo NHNN “đặt hàng” với tính ứng dụng cao. Bởi phát triển
bền vững nói chung và phát triển tín dụng xanh nói riêng đã trở thành vấn đề
cấp thiết. Đề tài được nghiên cứu triển khai là nguyên liệu đầu vào thực hiện
chính sách của Chính phủ, các bộ ngành.
Trình bày các nội dung chính của đề
tài nghiên cứu, Ths.Cát Quang Dương - Ủy viên HĐQT NHTMCP Công thương Việt Nam
chủ nhiệm đề tài cho biết, để thực hiện thành công chiến lược quốc gia về tăng
trưởng xanh hướng tới phát triển bền vững cần huy động nguồn lực của toàn xã
hội. Hệ thống ngân hàng với vai trò quan trọng là dẫn vốn cho nền kinh tế đóng
vai trò đặc biệt quan trọng trong việc duy trì tăng trưởng kinh tế và phát
triển đất nước thông qua hoạt động cấp tín dụng cho nền kinh tế. Do đó, một
chính sách tín dụng để hướng ngành ngân hàng tới mục tiêu phục vụ tăng trưởng
xanh là hết sức cần thiết và mang ý nghĩa thiết thực cao. Nhận thức
được vấn đề này, nhóm nghiên cứu đã chọn đề tài “Chính sách tín
dụng hướng tới tăng trưởng xanh tại Việt Nam”.
Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành
Kinh tế Hà Thu Giang đại diện nhóm nghiên cứu Đề tài trình bày tại Hội thảo
Đề cập đến mục tiêu tổng quát của
đề tài, Ông Cát Quang Dương cho biết, ngày 20/3/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký
Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 20/3/2014 phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia
về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 – 2020 (Quyết định 403). Tại Quyết định này,
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) được giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ số
37 về “Hoàn thiện thể chế và tăng cường năng lực hoạt động tài chính – tín dụng
của các ngân hàng thương mại phục vụ tăng trưởng xanh”. Tại Kế hoạch thực hiện
Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, NHNN được giao phối hợp với Bộ Kế hoạch
và Đầu tư, Bộ Tài chính trong triển khai nhiệm vụ số 46, 47 liên quan đến huy
động nguồn lực (tài chính) cho biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh.
“Xây dựng một khuôn khổ chính
sách và các chương trình tín dụng hướng tới tăng trưởng xanh tại
Việt Nam. Mục tiêu nhằm nghiên cứu một cách có hệ thống cở sở lý
luận của chính sách tín dụng, mối quan hệ, tác động qua lại của
chính sách tín dụng và tăng trưởng xanh; Nghiên cứu kinh nghiệm của
một số quốc gia về vấn đề này. Phân tích, đáng giá thực trạng chính
sách tín dụng của Việt Nam trong mối quan hệ với tăng trưởng xanh; Kết quả
đạt được và những tồn tại. Đề xuất một khung khổ chính sách và hệ
thống các giải pháp và kiến nghị nhằm hướng chính sách tín dụng phục vụ
tăng trưởng xanh”, ông Dương nhấn mạnh.
Đối tượng nghiên cứu của đề tài
là chính sách tín dụng phục vụ cho tăng trưởng xanh, mối liên hệ,
tác động qua lại giữa chúng và vai trò của chính sách tín dụng
trong tăng trưởng xanh. Phạm vi nghiên cứu của đề tài là chính sách
tín dụng của Việt Nam trong mối hệ với tăng tưởng xanh qua các giai
đoạn, trong đó tập trung vào các năm từ 2012 đến 2016, trên cơ sở đó
đề xuất các giải pháp nhằm hướng chính sách tín dụng phục vụ cho
tăng trưởng xanh giai đoạn 2017 – 2020.
Chủ nhiệm đề tài cũng đưa ra những đóng
góp của đề tài như: khái quát hóa những vấn đề cơ bản về tăng
trưởng, tăng trưởng xanh; tín dụng, chính sách tín dụng trong mối
tương quan với tăng trưởng xanh (tín dụng xanh); Nghiên cứu kinh nghiệm
của các nước và thực tiễn của Việt Nam trong việc triển khai các
chính sách tín dụng hướng tới tăng trưởng xanh, trên cơ sở đó đánh
giá thực trạng thực hiện tín dụng xanh tại Việt Nam. Từ đó, đề
xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách tín dụng
hướng tới tăng trưởng xanh tại Việt Nam.
Lợi ích về phương diện quốc gia, các
chính sách tín dụng xanh đóng góp tích cực cho sự phát triển cân bằng, hài hòa
giữa kinh tế, môi trường và xã hội, góp phần xóa đói, giảm nghèo và cải thiện
chất lượng đời sống nhân dân; là cơ hội để các tổ chức tài chính, tín dụng xanh
quốc tế đầu tư vốn vào Việt Nam. Bên cạnh đó, các chính sách tín dụng xanh là
cơ hội để các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi trong và ngoài nước;
cơ hội nhận được sự hỗ trợ của nhà nước. Về lâu dài, tránh được những rủi ro về
môi trường và đem lại sự phát triển bền vững của chính doanh nghiệp. Các chính
sách tín dụng xanh mang lại cơ hội sử dụng sản phẩm sạch, thân thiện với môi
trường, hạn chế được việc sử dụng sản phẩm độc hại. Bên cạnh đó, tín dụng xanh
giúp hỗ trợ cải thiện môi trường sống, duy trì và bảo tồn lợi ích về tài nguyên
cho thế hệ mai sau.
Ngoài ra, vai trò của tín dụng xanh
còn được thể hiện ở việc nâng cao nhận thức của các nhà quản lý, doanh nghiệp
và các cá nhân về tầm quan trọng của đầu tư xanh trong phát triển bền vững.
Phát biểu tham luận xung quanh nội
dung chính sách tín dụng hướng tới tăng trưởng xanh, PGS.TS Trần Thị Thanh Tú –
Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, khái niệm ngân hàng xanh
được hiểu là một ngân hàng xây dựng được một chiến lược kinh doanh bền vững,
thể hiện ở việc cũng cấp các dịch vụ ngân hàng thỏa mãn các tiêu chí đảm bảo
trách nhiệm với môi trường và xã hội. Một ngân hàng được coi là “xanh” khi thỏa
mãn cả hai điều kiện: Về ngắn hạn, cung cấp các dịch vụ xanh, Về dài hạn. có
một chiến lược kinh doanh dài hạn đáp ứng các tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội
và cả tiêu chuẩn về đảm bảo môi trường.” Tín dụng xanh là việc các TCTD cho vay
đối với các hoạt động đầu tư, sản xuất “”xanh” bao gồm các hoạt động tiêu dung,
đầu tư, sản xuất kinh doanh thân thiện với môi trường (không gây hại và góp
phần bảo vệ môi trường)”, bà Tú nói.
PGS.TS Trần Thị Thanh Tú – Đại học
Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu tham luận
Đề cập đến kết quả ứng dụng các giải
pháp, đề xuất của đề tài, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành Kinh tế, Hà Thu
Giang cho biết, mục tiêu phấn đấu của ngành Ngân hàng đến năm 2025: 100% ngân
hàng xây dựng được quy định nội bộ về quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong
hoạt động cấp tín dụng; 100% các ngân hàng thực hiện đánh giá rủi ro môi trường
xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; áp dụng các tiêu chuẩn về môi trường cho
các dự án được ngân hàng cấp vốn vay; kết hợp đánh giá rủi ro môi trường như
một phần trong đánh giá rủi ro tín dụng của ngân hàng; Ít nhất 10-12 ngân hàng
có đơn vị/bộ phận chuyên trách về quản lý rủi ro môi trường và xã hội. 60% ngân
hàng tiếp cận được nguồn vốn xanh và triển khai cho vay các dự án tín dụng
xanh.
Về nhóm giải pháp khuyến khích các
TCTD xây dựng chiến lược phát triển ngân hàng xanh, ban hành độc lập hoặc lồng
ghép trong chiến lược, kế hoạch phát triển hoạt động kinh doanh hàng năm.
Khuyến khích các ngân hàng xây dựng chính sách cụ thể cho các lĩnh vực môi
trường nhạy cảm. Thông qua khảo sát của NHNN đối với các TCTD về lĩnh vực tăng
trưởng xanh, tín dụng xanh (thực hiện vào tháng 3/2019), sự hiểu biết của các
TCTD về tín dụng xanh đã được cải thiện đáng kể, cụ thể: 19 TCTD đã xây dựng
chiến lược quản lý rủi ro môi trường và xã hội, 13 TCTD tích hợp nội dung quản
lý rủi ro môi trường và xã hội trong quy trình thẩm định tín dụng xanh. 10 TCTD
đã xây dựng các sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng cho các ngành/lĩnh vực
xanh và đã quan tâm dành nguồn vốn huy động của ngân hàng để cấp tín dụng cho
các lĩnh vực này với kỳ hạn chủ yếu là trung, dài hạn và có sự ưu đãi về lãi
suất cho các dự án xanh…
NN
Comments
Post a Comment