Hợp lực góp phần hạn chế “tín dụng den”
04/06/2019
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã và đang vào cuộc
mạnh mẽ để góp phần ngăn chặn và đẩy lùi nạn tín dụng đen theo chức năng và
nhiệm vụ của NHNN. Sự vào cuộc quyết liệt mạnh mẽ của NHNN thể hiện tiếp ở
Quyết định 1178/QĐ-NHNN mà Thống đốc vừa ban hành về Kế hoạch hành động của
ngành Ngân hàng triển khai Chỉ thị 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính
phủ, góp phần hạn chế “tín dụng đen”. “Những giải pháp của NHNN nhằm mở rộng
tín dụng phục vụ sản xuất và tiêu dùng rất thiết thực kịp thời đáp ứng lòng dân
của cư tri, tín dụng đen phải được đầy lùi”, đó là phát biểu của ông Đinh Duy
Vượt Phó Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai.
Hợp lực góp phần hạn chế tín dụng đen. Ảnh: Internet
Thực trạng tín dụng
đen
Chỉ thị số 12/CT-TTg của Thủ tướng
Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật
liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” nêu rõ: Thời gian qua, tình hình tội
phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” xảy ra tại
nhiều địa phương, gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự với thủ đoạn rất tinh vi,
phức tạp. Các đối tượng lợi dụng mạng viễn thông, Internet, núp bóng các doanh
nghiệp có chức năng cho vay tài chính, dịch vụ đòi nợ, kinh doanh cầm đồ, tạo
vỏ bọc, đối phó với cơ quan chức năng để tổ chức các hoạt động cho vay không
thế chấp, huy động vốn, kinh doanh tài chính, góp vốn, góp tài sản kinh doanh
với lãi suất rất cao (từ 100% đến 300%, thậm chí lên đến 700%/năm đối với khoản
tiền ở thời điểm vay) nhằm thu lợi bất chính. Để chủ động phòng ngừa, đấu tranh
có hiệu quả với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng
đen”, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ
quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm các quy định của Đảng và pháp luật
của Nhà nước; đồng thời tập trung triển khai các biện pháp, mở các đợt cao điểm
tấn công, trấn áp đối với tội phạm này.
Phát biểu tại Phiên thảo luận toàn
thể của Quốc hội về kinh tế - xã hội vừa qua, một số ĐBQH cho rằng, nhiều cử
tri lo lắng trước tình trạng tín dụng đen, cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê theo
kiểu xã hội đen ngày càng tăng, không chỉ ở các thành phố lớn mà đã xuất hiện
cả ở nông thôn, các vùng xa xôi, hẻo lánh. Hệ lụy là nhiều gia đình tan gia,
bại sản, gây mất trật tự an ninh, xã hội.
Phát biểu tại buổi làm việc tại NHNN
chi nhánh tỉnh Gia Lai mới đây,ông Đinh Duy Vượt Phó Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai
đánh giá cao việc những giải pháp mà Thống đốc NHNN đưa ra tại Hội nghị triển
khai các giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất và tiêu dùng nhằm hạn chế
tín dụng, NHNN tổ chức vào tháng 3/2019. Ông Vượt nhấn mạnh, những giải pháp
của NHNN đưa ra rất thiết thực kịp thời đáp ứng lòng dân của cư tri, tín dụng
đen phải được đầy lùi.
Ông
Đinh DuyVượt Phó Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai cho rằng những giải pháp của NHNN về
hạn chế tín dụng đen rất thiết thực kịp thời đáp ứng lòng dân của cư tri
Đề cập đến hoạt động tín dụng đen
trên địa bàn tỉnh Đăk Nông, ông Trần Xuân Hải – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Nông
cho biết, thời gian qua, tình hình các nhóm đối tượng liên quan đến hoạt động
tín dụng đen trên địa bàn tỉnh có nhiều diễn biến phức tạp. Xuất hiện ở nhiều
địa bàn, không chỉ ở các trung tâm huyện, thị mà về tận vùng nông thôn, buôn
làng. Nổi lên là các nhóm đối tượng cho vay tín chấp, núp bóng dưới hình thức
kinh doanh dịch vụ cầm đồ, công ty tài chính, công ty đòi nợ thuê…(có cấp phép hoặc
không có cấp phép, treo biển hoặc không có treo biển), tổ chức phát tờ rơi, dán
quảng cáo, đăng thông tin trên các trang mạng, thực chất là hoạt động tín dụng
đen gây khó khăn cho công tác quản lý, phòng ngừa đấu tranh, từ đó nãy sinh các
vấn đề phức tạp về tội phạm hình sự, ma túy và tệ nạn xã hội.
Ông Hải cho biết thêm, theo báo cáo
của Công an tỉnh Đăk Nông, trên địa bàn tỉnh hiện nay có 186 cơ sở hoạt động
kinh doanh dịch vụ cầm đồ (có 165 cơ sở có Giấy phép đang ký kinh doanh), trong
đó có 38 cơ sở với 38 đối tượng có biểu hiện hoạt động liên quan đến tín dụng
đen. Qua rà soát của Công an tỉnh, phát hiện trên địa bàn có 04 nhóm với 27 đối
tượng có biểu hiện nghi vấn hoạt động tín dụng đen. Các đối tượng chủ yếu dùng
tờ rơi tiếp thị với nhiều hình thức khuyến mãi hấp dẫn để thu hút người vay
như: Vay không cần thế chấp, thủ tục đơn giản, nhận tiền ngay…trên thực tế thì
người vay phải trả lãi suất rất cao (từ 282-365%/năm), nhiều trường hợp không
có khả năng trả nợ do lãi mẹ đẻ lãi con. Khi đó, bọn chúng sẽ có nhiều thủ đoạn
đòi nợ hết sức manh động, gây sức ép đối với người đi vay và nhân thân của họ
như: Đe dọa, khủng bố về tinh thần, sử dụng vũ lực (ở mức độ chưa đến mức truy
cứu trách nhiệm hình sự), đổ chất thải, chất bẩn vào nơi ở, nơi sinh hoạt của
người vay, tụ tập đông người tại nơi làm việc, kinh doanh, sản xuất của họ và
người thân để gây sức ép, thuê người các đối tượng hình sự, thanh thiếu niên hư
hỏng để đe dọa, gây sức ép…
Còn ông Đinh Khắc Đính, Phó Chủ tịch
Hội Nông dân Việt Nam cho biết, không khó để bắt gặp các hình thức quảng cáo
cho vay với thủ tục nhanh gọn, không cần thế chấp tài sản, chỉ cần photo một số
giấy tờ tùy thân như CMND, sổ hộ khẩu, giấy phép lái xe, đăng ký xe máy là nhận
tiền ngay tại các khu vực công cộng. Trên những cột điện, gốc cây, ở nhiều con
ngõ, ngách, đặc biệt trên mạng xã hội hoặc núp bóng dưới hình thức cửa hàng cầm
đồ, công ty tư vấn đầu tư, dịch vụ tài chính. Ngoài những đối tượng chơi lô,
đề, cờ bạc hoặc các hoạt động bất hợp pháp khác tìm đến tín dụng đen thì đối
tượng vay hiện nay còn là những người có kinh tế khó khăn, thiếu vốn để đầu tư
phát triển sản xuất, đặc biệt là người dân ở nông thôn, vùng sâu vùng xa, vùng
đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ thấp, thiếu hiểu biết về pháp luật hoặc
những người có khó khăn đột xuất cần tiền để giải quyết. Họ cho rằng chỉ cần
vay vài ngày rồi trả, lãi cao một chút nhưng số tiền vay không quá lớn nên
không đáng lo.
Những giải pháp của
ngành Ngân hàng
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính
phủ về việc đẩy lùi tín dụng đen, trong các chỉ thị, Thống đốc NHNN đều yêu cầu
các TCTD đẩy mạnh triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện
thuận lợi cho các tổ chức và người dân tiếp cận vốn; có giải pháp tín dụng phù
hợp đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân, góp phần hạn chế tín dụng đen.
NHNN đã liên tiếp tổ chức các Hội
nghị như Hội nghị trực tuyến ngày 26/12/2018, Hội nghị triển khai các giải pháp
mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất và tiêu dùng nhằm hạn chế tín dụng đen tại
Gia Lai hồi tháng 3/2019 và tổ chức cuộc họp với đại diện các tổ chức chính trị
- xã hội ngày 9/4 vừa qua để cùng thảo luận và tổ chức triển khai các giải pháp
nhằm đáp ứng đủ và kịp thời vốn phục vụ sản xuất, nhu cầu tiêu dùng cho người
dân, góp phần đẩy lùi tín dụng đen. Đồng thời, tiến hành các cuộc khảo sát tại
một số địa phương.
Lãnh
đạo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế đã đi thực tế khảo sát tình hình cho vay phục
vụ đời sống, cho vay tiêu dùng, đánh giá thực trạng “tín dụng đen” tại 7 tỉnh,
thành phố
Ngành Ngân hàng đã và đang vào cuộc
mạnh mẽ để góp phần ngăn chặn và đẩy lùi nạn tín dụng đen theo chức năng và
nhiệm vụ của NHNN. Sự vào cuộc quyết liệt mạnh mẽ của NHNN thể hiện tiếp ở
Quyết định 1178/QĐ-NHNN về việc ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng
triển khai Chỉ thị 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ, góp phần
hạn chế “tín dụng đen”.
Về nhiệm vụ NHNN chủ trì, Thống đốc
yêu cầu các Vụ, cục chức năng triển khai các nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ
biến sâu rộng các văn bản pháp luật về cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng,
các gói, khoản cho vay ưu đãi đến mọi tầng lớp nhân dân;
Thứ hai, nghiên cứu ban hành theo
thẩm quyền hoặc tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có các chính sách
mở rộng, đa dạng các loại hình cho vay, các sản phẩm dịch vụ ngân hàng; Phát
triển các công ty tài chính, tổ chức tài chính vi mô phủ khắp các vùng, miền
với thủ tục nhanh gọn và thuận tiện, đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp
pháp phục vụ đời sống, tiêu dùng của nhân dân để góp phần ngăn chặn "tín
dụng đen";
Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh huy động
tối đa nguồn vốn nhàn rỗi trong nhân dân, phát huy tiềm năng, nội lực của nền
kinh tế;
Thứ tư, đẩy mạnh ứng dụng khoa học,
công nghệ, phát triển các dịch vụ cho vay, thanh toán trực tuyến, gắn với cải
cách thủ tục hành chính, đơn giản quy trình, thủ tục vay vốn theo hướng thuận
lợi để mọi tầng lớp nhân dân dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn vay hợp pháp khi có
nhu cầu;
Thứ năm, chủ trì, phối hợp với các
bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ
quan có thẩm quyền về cơ chế, quy định pháp luật để quản lý hoạt động vay ngang
hàng, vay trực tuyến;
Thứ sáu, tăng cường công tác thanh
tra, kiểm tra, giám sát các TCTD, đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả, kịp thời
phát hiện, xử lý các vi phạm, chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra đối với các vụ
việc có dấu hiệu tội phạm để điều tra, xử lý trước pháp luật, nâng cao hiệu quả
răn đe, phòng ngừa chung. Chỉ đạo hệ thống ngân hàng quản lý cán bộ, nhân viên
chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, không tham gia các hoạt động liên
quan đến “tín dụng đen”;
Thứ bảy, chấp hành nghiêm quy định
của Luật Giám định tư pháp và các văn bản hướng dẫn liên quan; đẩy nhanh tiến
độ trả lời các yêu cầu của cơ quan điều tra về giám định tài chính, cung cấp
thông tin, tài liệu phục vụ điều tra vụ án liên quan đến “tín dụng đen”.
Về nhiệm vụ phối hợp với các Bộ,
ngành và các tổ chức chính trị - xã hội, Thống đốc yêu cầu các Vụ, cục, các đơn
vị liên quan phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Công an và các bộ, ngành
liên quan nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi các quy định của pháp luật về
công tác giám định tài chính nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc đối với
các vụ án hình sự liên quan đến “tín dụng đen”.
Cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng
cường quản lý, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đối với học sinh, sinh
viên về chính sách, quy định của pháp luật trong hoạt động vay và cho vay; Phối
hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông tin
rộng rãi, kịp thời về hoạt động vay vốn ưu đãi, chính sách hỗ trợ của Nhà nước,
địa phương để nhân dân biết, tiếp cận nguồn vốn vay.
Đẩy mạnh phối hợp với các tổ chức
chính trị, xã hội tuyên truyền các chính sách tài chính, hỗ trợ thành viên vay
vốn từ ngân hàng, tổ chức tài chính hợp pháp.
Thống đốc NHNN cũng yêu cầu phối hợp
với các tổ chức chính trị, xã hội hướng dẫn các Quỹ xã hội, các chương trình
tài chính vi mô đăng ký hoạt động với NHNN theo Quyết định số 20/2017/QĐ-TTg
ngày 12/6/2017; đẩy mạnh thực hiện các chương trình, dự án tài chính vi mô;
Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật về hoạt
động tín dụng nhằm đảm bảo cho người dân, đặc biệt là những đối tượng khó khăn
được tiếp cận dịch vụ tài chính toàn diện.
Theo chỉ đạo của Thống đốc, các đơn
vị được giao nhiệm vụ tại Kế hoạch, định kỳ 06 tháng và 01 năm báo cáo tình
hình, kết quả thực hiện về Vụ Tín dụng các ngành kinh tế đầu mối tổng hợp kết
quả thực hiện các nhiệm vụ được giao của Ngân hàng Nhà nước tại Chỉ thị
12/CT-TTg gửi Bộ Công an tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Ngành Ngân hàng sẵn sàng vào cuộc để
góp phần ngăn chặn và đẩy lùi nạn tín dụng đen trong phạm vi, quyền hạn của
NHNN. Tuy nhiên, để đạt được kết quả cao nhất, cần có sự tham gia vào
cuộc đồng bộ của các Bộ, ngành, các cấp chính quyền địa phương, các tổ
chức chính trị - xã hội. NHNN cũng kỳ vọng rằng với những giải pháp mở
rộng tín dụng của ngành Ngân hàng và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị sẽ
giúp người dân hiểu, nhận diện và dần bài trừ nạn tín dụng đen.
NQ
Comments
Post a Comment