Hướng dến xã hội không tiền mặt: Xu thế tất yếu trong thời đại công nghệ 4.0

11/06/2019
Không thể phủ nhận những lợi ích mà thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) đem lại đối với nền kinh tế, các doanh nghiệp cũng như cá nhân người sử dụng và là xu thế tất yếu trong kỷ nguyên số. Tại Việt Nam, tiềm năng phát triển TTKDTM còn rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới và cách mạnh công nghiệp lần thứ 4. Hội thảo “Xã hội không tiền mặt: Chính sách và thực tiễn tại Việt Nam” do Báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Vụ Thanh Toán (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam-NHNN) tổ chức dưới sự chỉ đạo nội dung từ NHNN, Bộ Thông tin và truyền thông diễn ra tại TP.Hồ Chí Minh ngày 11/6 đã bàn luận về những chính sách, giải pháp cho nhà quản lý và người dân.
https://www.sbv.gov.vn/webcenter/image/SBV397824/Web
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trao đổi với Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng và các đại biểu tham dự Hội thảo
Trong bối cảnh NHNN cùng các Bộ, ngành đang tập trung triển khai các nhiệm vụ tại Nghị Quyết số 02/2019 của Chính phủ, Hội thảo với chủ đề “Xã hội không tiền mặt: chính sách và thực tiễn tại Việt Nam” trong khuôn khổ Chương trình Ngày không tiền mặt - 16/6 có ý nghĩa rất lớn khi nhận được sự chỉ đạo trực tiếp của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, sự tham dự của các đồng chí Lãnh đạo các Bộ ngành (NHNN, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Khoa học và công nghệ), Lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh.
Về phía NHNN, tham dự Hội thảo có Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh. Hội thảo còn có sự tham dự của đại diện lãnh đạo một số Vụ, Cục thuộc NHNN, một số đơn vị cung ứng dịch vụ công, tổ chức trung gian thanh toán, ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, các doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học và các cơ quan báo chí.
image
Chuỗi sự kiện “Ngày không tiền mặt” là một trong những hoạt động thiết thực, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu của Chính phủ tại Đề án phát triển TTKDTM giai đoạn 2016-2020, Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công, Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế, góp phần thực hiện chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện và Nghị quyết 02 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.
image
Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh phát biểu tại Hội thảo
Lợi ích của xã hội không tiền mặt và xu thế tất yếu trên thế giới
Tại Hội thảo, các ý kiến đều cho thấy những lợi ích của thanh toán điện tử đối với việc tăng cường tính minh bạch của nền kinh tế và mở rộng dịch vụ ngân hàng - tài chính tới mọi người dân. Với người tiêu dùng, thanh toán điện tử đem lại các tiện ích vượt trội, như: tiết kiệm thời gian, chi phí và độ an toàn cao hơn. Với các đơn vị bán hàng hóa, dịch vụ, thanh toán điện tử giúp triển khai, cung ứng dịch vụ nhanh chóng; đánh giá, phân loại và mở rộng tập khách hàng nhờ khai thác dữ liệu điện tử; nâng cao hiệu quả hoạt động và giảm thiểu rủi ro và chi phí choviệc bảo quản, luân chuyển, xử lý tiền mặt…Chính phủ cũng được hưởng lợi từ quá trình dịch chuyển sang thanh toán điện tử thông qua việc tăng cường tính minh bạch của nền kinh tế; thu hẹp hoạt động kinh tế ngầm; cùng với đó là mở rộng khả năng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ ngân hàng - tài chính tới mọi người dân.
Như vậy, có thể thấy thúc đẩy thanh toán điện tử hướng tới xã hội không tiền mặt là xu hướng phát triển tất yếu trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tạo ra tác động kép vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vừa hỗ trợ thực hiện chiến lược tài chính toàn diện thông qua phổ cập dịch vụ ngân hàng-tài chính.
Tuy nhiên, xã hội không tiền mặt cũng có những vấn đề quan ngại trước những rủi ro tiềm ẩn về tính bảo mật, an toàn dữ liệu, an ninh mạng, quyền lợi người dùng.. Đây là điều mà các cơ quan quản lý của Việt Nam đang và sẽ lưu tâm trong quá trình hoạch định, triển khai các chính sách hướng tới một xã hội không dùng tiền mặt.
image
Toàn cảnh Hội thảo
Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của TTKDTM, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2545/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020. Mục đích nhằm tạo sự chuyển biến rõ rệt về TTKDTM trong nền kinh tế, thay đổi dần thói quen sử dụng tiền mặt sang sử dụng các phương tiện TTKDTM, phương thức thanh toán điện tử.
Chính phủ đã hết sức quan tâm chỉ đạo thúc đẩy TTKDTM, đẩy mạnh thanh toán điện tử nhằm hỗ trợ chủ trương triển khai Chính phủ điện tử, cung ứng dịch vụ công cấp độ 3, 4. Tại Nghị Quyết số 02/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021, Chính phủ đã yêu cầu đẩy mạnh thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 đối với các dịch vụ công như học phí, viện phí, điện, nước, môi trường...; yêu cầu Chủ tịch UBND cấp tỉnh, thành phố chỉ đạo yêu cầu 100% trường học, bệnh viện, công ty điện, nước, vệ sinh môi trường, viễn thông, bưu chính trên địa bàn đô thị phối hợp với ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để thu học phí, viện phí, tiền điện... bằng phương thức TTKDTM.
TTKDTM tại Việt Nam đã vươn lên mạnh mẽ trong khu vực
Thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, để phát triển TTKDTM, thời gian qua, bên cạnh hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và chính sách trong hoạt động thanh toán, NHNN đã triển khai đồng bộ các giải pháp, đồng thời chỉ đạo các TCTD tiếp tục đầu tư, phát triển hạ tầng thanh toán; tăng cường công tác an ninh, bảo mật, đảm bảm quyền lợi của khách hàng; cũng như triển khai ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng 4.0 trong cung ứng dịch vụ thanh toán. Đồng thời, NHNN cũng đẩy mạnh truyền thông phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và cách thức thanh toán tiêu dùng của người dân, qua đó nâng cao khả năng tiếp cận các sản phẩm dịch vụ ngân hàng cho người dân, khuyến khích sử dụng các phương thức TTKDTM. NHNN đã chủ động xây dựng nội dung, phối hợp thực hiện các chương trình giáo dục tài chính được dư luận đánh giá cao như “Tiền khéo tiền khôn”, “Những đứa trẻ thông thái”, cuộc thi “Hiểu đúng về tiền”, “Đồng tiền thông thái”...
Với sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, nỗ lực của ngành Ngân hàng và của xã hội, hoạt động thanh toán trong nền kinh tế đã đạt được những kết quả tích cực. Theo ông Phạm Tiến Dũng – Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN), tổng giá trị giao dịch qua Hệ thống thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (TTĐTLNH) trong 5 tháng đầu năm 2019 tăng khoảng 23,23% về số lượng giao dịch và tăng 17,63% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, các dịch vụ thanh toán phát triển mạnh mẽ, nhất là các phương tiện thanh toán, dịch vụ thanh toán dựa trên ứng dụng công nghê thông tin và thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thanh toán điện tử qua Internet, điện thoại di động cũng phát triển. Đến 31/3/2019, số lượng giao dịch tài chính qua kênh Internet tăng khoảng 66%, giá trị giao dịch tăng khoảng 14% so với cùng kỳ năm 2018; số lượng giao dịch tài chính qua kênh điện thoại di động tăng khoảng 98%, giá trị giao dịch tăng khoảng 232,3% so với cùng kỳ năm 2018.
image
Ông Phạm Tiến Dũng – Vụ trưởng Vụ Thanh toán trình bày tại Hội thảo
Ngoài ra, thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng cũng được đẩy mạnh. Hiện có khoảng 50 ngân hàng đã thỏa thuận phối hợp thu thuế điện tử với ngành thuế, hải quan trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố và 768 quận, huyện trên cả nước. 95% số thu hải quan thực hiện qua ngân hàng; 99% doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử.
Với những kết quả đã đạt được, hoạt động TTKDTM của Việt Nam đã có sự chuyển mình khi vượt qua Singapore và Malaysia trong cuộc đua "không tiền mặt” (Tạp chí Nikkei Asia ngày 18/4/2019). Đây là kết quả minh chứng cho những giải pháp quản lý nhà nước và chỉ đạo của NHNN đang đi đúng hướng trong việc đẩy mạnh TTKDTM.
Tiếp tục hoàn thiện pháp lý và tăng cường phổ cập tài chính
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu NHNN và các Bộ ngành liên quan cần tiếp tục triển khai là vấn đề phổ cập tài chính, khẩn trương hoàn tất xây dựng và triển khai Chiến lược quốc gia về Tài chính toàn diện, qua đó tăng cường khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ tài chính, nâng cao kiến thức, kỹ năng về tài chính của người tiêu dùng, với mục đích không có ai bị bỏ lại phía sau trong tiếp cận các sản phẩm dịch vụ tài chính.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về hoạt động thanh toán đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát sinh, đặc biệt trước việc ứng dụng các công nghệ mới và mô hình thanh toán mới; làm cơ sở cho việc xây dựng, triển khai các quy trình nghiệp vụ, đổi mới mô hình kinh doanh theo hướng ứng dụng công nghệ; tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020 và Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với việc thu phí các dịch vụ công như điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội; triển khai thành công các nhiệm vụ được giao trong Nghị quyết số 02, trong đó: Ngành ngân hàng cung ứng hạ tầng, dịch vụ thanh toán điện tử hiện đại cho phép tích hợp và xử lý thanh toán cho các dịch vụ trong nền kinh tế; phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để báo cáo Chính phủ về phương án sử dụng tài khoản viễn thông thanh toán cho các dịch vụ khác có giá trị nhỏ (dịch vụ Mobile-Money); Các Bộ, ngành, đơn vị cung ứng dịch vụ phải xây dựng hệ thống công nghệ thông tin cho phép quản lý theo hướng tập trung và có khả năng kết nối, tích hợp với hạ tầng thanh toán của ngành ngân hàng.
Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng đánh giá, thời gian qua, NHNN đã làm rất tích cực, hiệu quả công tác truyền thông, giáo dục tài chính, nâng cao kiến thức tài chính ngân hàng, tăng cường khả năng tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng cho người dân.
Phó Thủ tướng hy vọng, với những kết quả đạt được tại Hội thảo này, thanh toán không tiền mặt của Việt Nam sẽ có sự phát triển vượt bậc, góp phần nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội về lợi ích của thanh toán điện tử, của xã hội phi tiền mặt, qua đó giúp thay đổi hành vi người tiêu dùng theo hướng tích cực hơn, có lợi hơn cho sự phát triển xã hội. Phó Thủ tướng đánh giá cao tinh thần nỗ lực, sự tham gia tích cực của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Thông tin và Truyền thông, các Bộ, ngành liên quan, các đơn vị cung ứng dịch vụ và Báo Tuổi trẻ trong việc tổ chức thành công sự kiện quan trọng này.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết, trước mắt, trong năm 2019, NHNN sẽ tích cực, chủ động thực thi một số nhiệm vụ, giải pháp lớn nhằm thúc đẩy TTKDTM.
Theo đó, NHNN đang xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP của Chính phủ về TTKDTM, trong đó đề ra một số giải pháp để mở rộng về phạm vi và đối tượng sử dụng dịch vụ TTKDTM. Đồng thời ngành Ngân hàng tiếp tục triển khai có hiệu quả một số Đề án, Chiến lược về lĩnh vực thanh toán như: Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định 2545; Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công theo Quyết định 241 của Thủ tướng Chính phủ;
Triển khai các nhiệm vụ được giao của ngành ngân hàng tại Nghị quyết 01 và 02 năm 2019 của Chính phủ, như: trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về Tài chính toàn diện; Xây dựng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (Regulatoty Sandbox); Thúc đẩy việc áp dụng thống nhất tiêu chuẩn cơ sở “Đặc tả kỹ thuật QR Code hiển thị từ phía Đơn vị chấp nhận thanh toán tại Việt Nam​”; báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các dịch vụ khác có giá trị nhỏ (dịch vụ Mobile-Money), dịch vụ có bản chất tương tự việc cho phép nạp tiền mặt vào Ví điện tử không qua tài khoản thanh toán tại ngân hàng. Bên cạnh đó, tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ công nghệ hiện đại vào hoạt động thanh toán, lấy việc cung ứng dịch vụ trên thiết bị di động làm mục tiêu chính; phối hợp với các đơn vị cung ứng hàng hóa/dịch vụ để kết nối, tích hợp hệ thống công nghệ thông tin của các đơn vị này với hệ thống thanh toán của ngành ngân hàng; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền, khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng phương thức TTKDTM.
Sẽ không ai bị bỏ lại phía sau trong tiếp cận sản phẩm dịch vụ tài chính
Cùng với các giải pháp trên, công tác truyền thông cũng được ngành Ngân hàng đặc biệt quan tâm nhằm tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm, dịch vụ thanh toán hiện đại nhằm thay đổi dần tâm lý, thói quen sử dụng tiền mặt của người tiêu dùng.


image
Phát biểu tại hội thảo, bà Lê Thị Thuý Sen, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Truyền thông (NHNN), cho biết thời gian qua, NHNN đã phối hợp với rất nhiều cơ quan truyền thông để thúc đẩy TTKDTM tại VN, nâng cao nhận thức của người dân. Đây là vấn đề rất quan trọng để thúc đẩy TTKDTM. Trong thời gian tới, NHNN sẽ truyền thông chia theo lứa tuổi, từ học sinh tiểu học, trung học phổ thông, đối tượng vùng sâu, vùng xa, ít khả năng tiếp cận các dịch vụ ngân hàng để truyền thông về tiện ích của thanh toán không tiền mặt, cũng như việc làm sao đảm bảo an ninh an toàn trong TTKDTM, từ đó khuyến khích và hỗ trợ người dân trong việc tiếp cận, sử dụng hiệu quả các dịch vụ ngân hàng trực tuyến, nâng cao ý thức và giảm thiểu rủi ro cho khách hàng khi sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính, ngân hàng.
Ngoài ra, NHNN cũng mong phối hợp với cơ quan Bộ ngành, các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán, các tổ chức chính trị-xã hội, chính quyền địa phương, cơ quan báo chí để triển khai các Đề án của Chính phủ trong đó có Đề án phát triển TTKDTM, về tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính…để góp phần thực hiện chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện, với mục tiêu không có ai bị bỏ lại phía sau trong việc tiếp cận các sản phẩm dịch vụ tài chính. Qua đó tiếp tục góp phần củng cố và nâng cao niềm tin của người dân vào cơ chế, chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, thúc đẩy TTKDTM, đẩy lùi tín dụng đen, góp phần giúp nền kinh tế phát triển ổn định và bền vững.
Phương Linh



Comments

Popular posts from this blog

Xin hỏi định nghĩa về thoái thu và thoái chi??

Dề Thi Vietinbank - 10 dề (cập nhật 2020)

Học việc, thử việc tại ngân hàng: Cuộc sống muôn màu