16 trường hợp dược miễn thuế thu nhập cá nhân


16 trường hợp được miễn thuế thu nhập cá nhân
Thuế thu nhập cá nhân là loại thuế trực thu áp dụng đối với người có thu nhập cao. Dưới đây là 16 trường hợp được miễn thuế thu nhập cá nhân.

Theo Điều 4 của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Nghị định 65/2013/NĐ-CP được hướng dẫn chi tiết bởi Điều 3 Thông tư 111/2013/TT-BTC (được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 12 và bổ sung bởi khoản 4, 5 Điều 12 Thông tư 92/2015/TT-BTC), các khoản thu nhập được miễn thuế bao gồm:

1. Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản (bao gồm cả nhà ở hình thành trong tương lai, công trình xây dựng hình thành trong tương lai theo quy định pháp luật về kinh doanh bất động sản) giữa: vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; bố vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh chị em ruột với nhau.

2. Thu nhập từ chuyển nhượng nhà ở, quyền sử dụng đất ở và tài sản gắn liền với đất ở của cá nhân trong trường hợp người chuyển nhượng chỉ có duy nhất một nhà ở, quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.

3. Thu nhập từ giá trị quyền sử dụng đất của cá nhân được Nhà nước giao đất không phải trả tiền hoặc được giảm tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

4. Thu nhập từ nhận thừa kế, quà tặng là bất động sản (bao gồm cả nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản) giữa: vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội, ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh chị em ruột với nhau.

5. Thu nhập từ chuyển đổi đất nông nghiệp để hợp lý hóa sản xuất nông nghiệp nhưng không làm thay đổi mục đích sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, được Nhà nước giao để sản xuất.

6. Thu nhập của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp tham gia vào hoạt động sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, làm muối, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản chưa qua chế biến hoặc chỉ qua sơ chế thông thường chưa chế biến thành sản phẩm khác.

Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp tham gia vào hoạt động sản xuất theo hướng dẫn tại điểm này phải thỏa mãn đồng thời các điều kiện sau:

- Có quyền sử dụng đất, quyền thuê đất, quyền sử dụng mặt nước, quyền thuê mặt nước hợp pháp để sản xuất và trực tiếp tham gia lao động sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, làm muối, nuôi trồng thủy sản.

- Thực tế cư trú tại địa phương nơi diễn ra hoạt động sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, làm muối, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản.

Địa phương nơi diễn ra hoạt động sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, làm muối, nuôi trồng thủy sản theo hướng dẫn này là quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là đơn vị hành chính cấp huyện) hoặc huyện giáp ranh với nơi diễn ra hoạt động sản xuất.

Riêng đối với hoạt động đánh bắt thủy sản thì không phụ thuộc nơi cư trú.

- Các sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, làm muối, nuôi trồng đánh bắt thủy sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc mới chỉ sơ chế thông thường là sản phẩm mới được làm sạch, phơi, sấy khô, bóc vỏ, tách hạt, cắt, ướp muối, bảo quản lạnh và các hình thức bảo quản thông thường khác.

7. Thu nhập từ lãi tiền gửi tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, lãi từ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ; thu nhập từ lãi trái phiếu Chính phủ.

8. Thu nhập từ kiều hối được miễn thuế là khoản tiền cá nhân nhận được từ nước ngoài do thân nhân là người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người Việt Nam đi lao động, công tác, học tập tại nước ngoài gửi tiền về cho thân nhân ở trong nước;

Trường hợp cá nhân nhận được tiền từ nước ngoài do thân nhân là người nước ngoài gửi về đáp ứng điều kiện về khuyến khích chuyển tiền về nước theo quy định của Ngân hàng nhà nước Việt nam thì cũng được miễn thuế.

Căn cứ xác định thu nhập được miễn thuế tại điểm này là các giấy tờ chứng minh nguồn tiền nhận từ nước ngoài và chứng từ chi tiền của tổ chức trả hộ (nếu có).


9. Thu nhập từ phần tiền lương, tiền công làm việc ban đêm, làm thêm giờ được trả cao hơn so với tiền lương, tiền công làm việc ban ngày, làm việc trong giờ theo quy định của Bộ luật Lao động, cụ thể như sau:

- Phần tiền lương, tiền công trả cao hơn do phải làm việc ban đêm, làm thêm giờ được miễn thuế căn cứ vào tiền lương, tiền công thực trả do phải làm đêm, thêm giờ trừ (-) đi mức tiền lương, tiền công tính theo ngày làm việc bình thường.

- Tổ chức, cá nhân trả thu nhập phải lập bảng kê phản ánh rõ thời gian làm đêm, làm thêm giờ, khoản tiền lương trả thêm do làm đêm, làm thêm giờ đã trả cho người lao động. Bảng kê này được lưu tại đơn vị trả thu nhập và xuất trình khi có yêu cầu của cơ quan thuế.

10. Tiền lương hưu do Quỹ bảo hiểm xã hội trả theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội; tiền lương hưu nhận được hàng tháng từ Quỹ hưu trí tự nguyện.

11. Thu nhập từ học bổng, bao gồm:

- Học bổng nhận được từ ngân sách Nhà nước bao gồm: học bổng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường công lập hoặc các loại học bổng khác có nguồn từ ngân sách Nhà nước.

- Học bổng nhận được từ tổ chức trong nước và ngoài nước (bao gồm cả khoản tiền sinh hoạt phí) theo chương trình hỗ trợ khuyến học của tổ chức đó.

12. Thu nhập từ bồi thường hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe; tiền bồi thường tai nạn lao động; tiền bồi thường, hỗ trợ theo quy định của pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; các khoản bồi thường Nhà nước và các khoản bồi thường khác theo quy định của pháp luật.

13. Thu nhập nhận được từ các quỹ từ thiện được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép thành lập hoặc công nhận, hoạt động vì mục đích từ thiện, nhân đạo, khuyến học không nhằm mục đích thu lợi nhuận.

Quỹ từ thiện nêu tại điểm này là quỹ từ thiện được thành lập và hoạt động theo quy định tại Nghị định 30/2012/NĐ-CP (từ ngày 15/01/2020 được thay thế bởi Nghị định 93/2019/NĐ-CP).

Căn cứ xác định thu nhập nhận được từ các quỹ từ thiện được miễn thuế tại điểm này là văn bản hoặc quyết định trao khoản thu nhập của quỹ từ thiện và chứng từ chi tiền, hiện vật từ quỹ từ thiện.

14. Thu nhập nhận được từ các nguồn viện trợ của nước ngoài vì mục đích từ thiện, nhân đạo dưới hình thức Chính phủ và phi Chính phủ được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Căn cứ xác định thu nhập được miễn thuế tại điểm này là văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt việc nhận viện trợ.

15. Thu nhập từ tiền lương, tiền công của thuyền viên là người Việt Nam nhận được do làm việc cho các hãng tàu nước ngoài hoặc các hãng tàu Việt Nam vận tải quốc tế.

16. Thu nhập của cá nhân là chủ tàu, cá nhân có quyền sử dụng tàu và cá nhân làm việc trên tàu có được từ hoạt động cung cấp hàng hóa, dịch vụ trực tiếp phục vụ hoạt động khai thác thủy sản xa bờ.


Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc



https://ub.com.vn/threads/tien-thuong-tet-bi-tru-thue-ra-sao-ma-dan-cong-so-am-uc-den-vay.263407/

Theo quy định hiện nay, số tiền thưởng Tết càng lớn thì mức thuế mà người lao động phải chịu lại càng cao hơn, mức cao nhất "gặm" mất hơn 1/3 số tiền thưởng.





Chỉ còn ít ngày nữa là tới Tết Nguyên Đán Canh Tý, các doanh nghiệp đã bắt đầu chi trả tiền thưởng Tết, lương tháng thứ 13 cho người lao động. Sau một năm làm việc miệt mài, thưởng Tết giống như lời tri ân của doanh nghiệp đối với người lao động, là sự ghi nhận những đóng góp của mỗi nhân viên. Tuy nhiên, thưởng Tết không chỉ mang tới toàn niềm vui, nhiều người thậm chí còn sốc nặng sau tiếng "ting ting", mở ra số tiền thực nhận sau thuế.

Tiền thưởng Tết bị trừ thuế ra sao mà dân công sở ấm ức đến vậy? - Ảnh 1.

Thưởng Tết liệu chỉ có toàn niềm vui?

Cách đây ít bữa, anh Sơn (nhân viên ngân hàng ở Hà Nội) hồ hởi đăng status lên trang cá nhân khoe với bạn bè, rằng vừa nhận được thông báo về món thưởng Tết "siêu to khổng lồ" lên tới 200 triệu đồng. Đây số tiền thưởng Tết lớn nhất mà anh từng nhận được.

Tuy nhiên niềm vui ngắn chẳng tày gang, tới trưa nay lại thấy anh Sơn đăng status mở đầu bằng chữ "SỐC". Anh cho biết mình choáng đặc khi số tiền thực nhận bị "hụt" mất hơn 60 triệu đồng do trừ thuế thu nhập cá nhân!

Giống như số tiền thưởng Tết vạn người mơ, đây cũng là lần đầu tiên anh Sơn cảm nhận được gánh nặng từ thuế thu nhập. Những nơi anh từng làm trước đây hoặc là trả lương net sau thuế, hoặc là không có thưởng Tết nên anh chưa được trải nghiệm bao giờ...

"Tôi có biết là thưởng Tết sẽ bị tính thuế, nhưng không thể hiểu nổi sao lại cao đến như vậy. Đang hí hửng định ra riêng sẽ gom tiền mua một chiếc ô tô để tiện đi lại với về quê, nhưng có lẽ sẽ phải chờ lâu hơn rồi. Cảm giác như vừa bị 'mất cắp' 60 triệu vậy...", anh Sơn chia sẻ.

Tiền thưởng Tết bị trừ thuế ra sao mà dân công sở ấm ức đến vậy? - Ảnh 2.

Nhiều người choáng váng sau khi biết số tiền thưởng thực nhận sau thuế.

Không bị "mất cắp" nhiều như anh Sơn bởi mức thưởng thấp hơn rất nhiều, chỉ hơn 20 triệu đồng, tuy nhiên chị Thảo (nhân viên văn phòng) cũng bày tỏ bức xúc với mức thuế thu nhập cá nhân đánh vào khoản thưởng Tết của mình.

"Lương hàng tháng của mình cũng chỉ đủ trang trải chi phí sinh hoạt đắt đỏ, rồi tiền thuê nhà cao chót vót ở đất Thủ Đô, tích lũy chẳng được là bao. Mà đều như vắt chanh, tháng nào cũng nộp thuế thu nhập rồi. Thế mà đến khi nhận thưởng Tết vẫn bị trừ mất mấy triệu lận, thực sự cảm thấy xót xa", chị Thảo tâm sự.

Nghĩ cho cùng, nếu thu nhập cao cỡ anh Sơn thì việc nộp thuế thu nhập, tiếc thì có tiếc đấy, nhưng cũng không ảnh hưởng mấy tới cuộc sống của anh. Có chăng chỉ là chịu khó đi xe máy thêm vài ba tháng. "Cay đắng" nhất phải kể đến trường hợp của Hoàng Đức, nhân viên IT với mức lương tháng vỏn vẹn 7 triệu đồng. Sống giữa Sài Gòn hoa lệ với mức lương khỏi cần đóng thuế TNCN, cảnh chưa hết tháng đã hết tiền, Đức chẳng lấy gì làm lạ lẫm.

Làm cho công ty hiện tại được tròn 1 năm, Đức cũng mừng vì vừa đủ thời gian công tác để được nhận thưởng Tết theo quy chế của công ty. Năm nay, nhằm "tạo điều kiện" cho nhân viên ăn Tết sung túc, đầy đủ hơn, ngoài lương tháng 1 và lương tháng thứ 13, công ty Đức còn cho tạm ứng luôn 70% lương tháng 2. Tổng cộng là gần 20 triệu đồng.

Thế là Đức phải đóng thuế thu nhập...

Số tiền thuế hơn 2 triệu đồng có thể không lớn với nhiều người, nhưng nó là 1/3 lương tháng của Đức.

"Bình thường lương em còn chẳng đủ điều kiện để nộp thuế thu nhập nên cũng không để ý tới. Hôm trước nhận thông báo thưởng mừng rơi nước mắt, nghĩ đến Tết có thể vênh mặt ngồi nhà chờ hàng xóm sang chúc Tết, hỏi chuyện. Thế mà lúc nhật về thấy biến đâu mất hơn hơn 2 triệu. Cầm tiền chưa kịp nóng tay, nghĩ tới ra Giêng chỉ còn 30% lương tháng nữa mà em muốn khóc...", Đức ấm ức.

Vậy thưởng Tết bị áp thuế ra sao mà khiến dân tình khóc ròng như thế?
Theo quy định tại Điều 3, Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi năm 2012, thu nhập chịu thuế được nhắc tới bao gồm cả các khoản phụ cấp, trợ cấp, và tiền thưởng... Chiếu theo quy định này, tiền thưởng Tết cũng sẽ phải nộp thuế thu nhập cá nhân giống như tiền lương hàng tháng.

Bên cạnh đó, do pháp luật hiện tại không quy định về khoản lương tháng thứ 13 nên khoản này được xem là tiền thưởng cuối năm do các doanh nghiệp tự quy định, nên cũng phải chịu thuế thu nhập cá nhân tương tự, chỉ được miễn đóng bảo hiểm xã hội.

Cách tính thuế đối với tiền thưởng Tết hiện dựa trên biểu thuế luỹ tiến từng phần như với thu nhập từ tiền lương hàng tháng, mỗi mức thưởng từ thấp đến cao có thuế suất tương ứng từ 5-35%.

Tiền thưởng Tết bị trừ thuế ra sao mà dân công sở ấm ức đến vậy? - Ảnh 3.

Các mức thuế suất tương ứng với thu nhập hàng tháng.

Chiếu theo bảng trên, nếu doanh nghiệp gộp tiền thưởng Tết và lương tháng thứ 13 vào và chi trả một lần, người lao động sẽ phải chịu mức thuế cao. Ngược lại nếu được chia trả thành 2 đợt, mức thuế suất sẽ thấp hơn rất nhiều.

Do có cùng cách tính thuế thu nhập với lương tháng, thưởng Tết và lương tháng thứ 13 cũng phải chịu các mức thuế như bảng trên.

Ví dụ như trường hợp của chị Thảo với mức thưởng Tết là 20 triệu thì số tiền thuế phải nộp là 5 triệu có mức thuế 5%, 5 triệu có mức thuế 10%, 8 triệu có mức thuế 15% và 2 triệu có mức thuế 20%. Như vậy số tiền thuế chị Thảo phải nộp sẽ là 5x5% + 5x10% + 8x15% +2x15% = 2,35 triệu đồng.

Còn với mức thưởng 200 triệu đồng, với cách tính tương tự, số tiền thuế anh Sơn phải nộp là 60,15 triệu đồng.

Gọi số tiền thưởng Tết trước thuế là T, ta có cách tính rút gọn thuế thu nhập phải nộp như sau:

Tiền thưởng Tết bị trừ thuế ra sao mà dân công sở ấm ức đến vậy? - Ảnh 4.
Như vậy, với số tiền thưởng tết lần lượt là 10, 50, 100, 200, 500 triệu, người lao động sẽ phải nộp số tiền thuế tương ứng lần lượt là 0.75, 9.25, 25.15, 60.15 và 165.15 triệu đồng. Có thể thấy nếu bạn được thưởng Tết nửa tỷ đồng, số tiền nộp thuế sẽ tương đương với 2 chiếc xe máy SH...

Trên thực tế tại một số doanh nghiệp, khi nhận tiền thưởng Tết và chi tiết thuế từ kế toán hoặc bộ phận nhân sự, người lao động sẽ thấy số thuế bị trừ có thể ít hơn so với quy định. Ví dụ như anh Sơn có thể sẽ chỉ bị trừ ngay khoảng 40 triệu đồng. Tuy nhiên, đây chỉ là con số tạm tính được phân bổ để trừ theo tháng, không phải số thuế phải nộp từ tiền thưởng Tết. Phải đến thời điểm quyết toán thuế thì mới biết chính xác số thuế phải nộp là bao nhiêu.

Thông thường, thưởng Tết năm nay được nhận vào đầu năm dương lịch 2020 nên phải đến kỳ quyết toán thuế vào đầu năm 2021 mới xác định được. Cũng bởi vậy nên nhiều trường hợp khi nhận thưởng Tết của năm sau đã bị truy thu tới hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng tùy mức thu nhập do khoản thuế thưởng Tết chưa được tính toán đủ.

Thưởng Tết cũng được tính giảm trừ gia cảnh
Như đã nói ở trên, với tính chất tương tự như các khoản tiền lương hàng tháng, thưởng Tết, lương tháng thứ 13 cũng được áp dụng các chính sách giảm trừ như người phụ thuộc (9 triệu/người), giảm trừ gia cảnh…

Theo Khoản 1, Điều 103 của Bộ luật Lao động 2012, tiền thưởng tết do người sử dụng lao động quyết định. Vì vậy, doanh nghiệp sử dụng lao động không bắt buộc phải thưởng Tết cho nhân viên. Tuy nhiên, nếu việc chi thưởng được quy định trong hợp đồng hai bên đã ký kết, doanh nghiệp bắt buộc phải chi thưởng như đã cam kết.

Do không phải là khoản thưởng bắt buộc nên doanh nghiệp không nhất thiết phải thưởng hai lần vào Tết Dương lịch và Âm lịch.

Theo Quang Lê

Theo Tri thức trẻ

Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc









Comments

Popular posts from this blog

Học việc, thử việc tại ngân hàng: Cuộc sống muôn màu

Xin hỏi định nghĩa về thoái thu và thoái chi??