Nỗ lực của VAMC dã dóng góp vào thành công của toàn Ngành Ngân hàng năm 2019
17/01/2020
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ của VAMC năm 2020 vào
ngày 17/1/2020, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh đánh giá cao vai trò của VAMC
đối với hệ thống TCTD nói riêng, nền kinh tế nói chung, đóng góp vào thành công
chung của toàn ngành Ngân hàng trong năm 2019.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh phát biểu tại Hội nghị.
Trong năm
2019 VAMC đã triển khai mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt (TPĐB) của 381
khoản nợ đạt 20.544 tỷ đồng dư nợ gốc nội bảng, giá mua nợ là 19.846 tỷ
đồng, đạt kế hoạch được NHNN giao. Mua nợ xấu theo giá trị thị trường của 37
khoản nợ đạt 2.247 tỷ đồng, giúp xử lý hơn 2.131 tỷ đồng dư nợ gốc cho các
TCTD, đạt 112% chỉ tiêu được NHNN phê duyệt và điều chỉnh; xử lý TSBĐ ước đạt
5.757 tỷ đồng, bán nợ đạt 6.332 tỷ đồng; đôn đốc thu hồi nợ ước đạt 20.391 tỷ
đồng. Từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, kết quả thu hồi nợ của VAMC trong 3 năm
2017, 2018 và 2019 đạt 90.556 tỷ đồng, bằng 60% tổng giá trị thu hồi nợ lũy kế
từ 2013 đến nay. VAMC cũng đã chủ động phối hợp với TCTD tích cực triển khai có
hiệu quả các biện pháp quy định tại Nghị quyết 42 như thực hiện thu giữ TSBĐ
của 03 khoản nợ xấu với giá trị TSBĐ thu giữ đạt 4.303 tỷ đồng. Lũy kế từ khi
thành lập đến ngày 31/12/2019, VAMC đã phối hợp cùng các TCTD thu nợ 151.860 tỷ
đồng, đến cuối 31/12/2019, trong tổng số 40 TCTD bán nợ cho VAMC, thì đã có 12
TCTD thực hiện quyết toán nợ cho VAMC. Riêng trong năm 2019 có 7 TCTD lớn đã
hoàn thành nợ cho VAMC như Ngân hàng nông nghiệp, Kiên Long Bank, SeABank…
Trong năm 2019 các nguồn lực của
VAMC không ngừng được củng cố vững chắc, VAMC đã được NHNN và Chính phủ tăng
vốn điều lệ lên 5 nghìn tỷ đồng. Năng lực hoạt động của VAMC ngày càng được
nâng cao, công tác tổ chức hoạt động ngày càng được chú trọng, thực hiện theo
đúng đề án cơ cấu lại và nâng cao năng lực hoạt động của VAMC theo lộ trình
2017- 2020 và hướng tới 2022 tại Quyết định 28, ngày 5/1/2018 của Thống đốc
NHNN. Các đơn vị mới được thành lập đang phát huy và hoạt động có hiệu quả, năm
2019, VAMC đã tăng trưởng nhanh về số lượng, bán đấu giá thành công có giá trị
831 tỷ đồng, tổng giá trị tài sản bán vượt trên giá trị khởi điểm là 37,5 tỷ
đồng, tuy mới đi vào hoạt động từ năm 2019 nhưng chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh đã
đạt được những kết quả đáng ghi nhận, đạt 139% kế hoạch mua nợ đề ra. VAMC đã
được NHNN phê duyệt phương án phát triển 5 năm 2019- 2023, và xây dựng chiến
lược phát triển đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, hoàn thành đề án sàn giao
dịch nợ VAMC, đề án xây dựng câu lạc bộ AMC, tiếp tục nghiên cứu và triển khai
các nhiệm vụ của VAMC như hỗ trợ tài chính, bảo lãnh, chuyển món vay thành vốn
góp…
Quang
cảnh Hội nghị.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó
Thống đốc Nguyễn Kim Anh đánh giá cao những cố gắng, nỗ lực của toàn thể cán
bộ, nhân viên VAMC đã đóng góp vào thành công của toàn Ngành trong năm 2019 về
xử lý nợ xấu và hỗ trợ cơ cấu lại TCTD, đảm bảo hệ thống lành mạnh, bền vững
hơn.
Phó Thống đốc nhấn mạnh, nhiệm vụ
của VAMC trong năm 2020 khá nặng nề bởi đây là năm bản lề cho việc hoàn thành
mục tiêu về cơ bản xử lý xong nợ xấu của các TCTD đã bán cho VAMC, đồng thời
tiếp tục thực hiện mục tiêu cơ cấu lại hệ thống các TCTD theo Quyết định 1058
của Thủ tướng Chính phủ và xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD theo Nghị quyết
42 của Quốc hội… Phó Thống đốc yêu cầu VAMC nghiên cứu Nghị quyết 01, 02 của
Chính phủ, đặc biệt là Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 03/01/2020 của Thống đốc NHNN
về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2020
thực hiện đúng, đầy đủ. Cụ thể:
Thứ nhất,
tiếp tục kiện toàn cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ của các đơn vị trong
VAMC, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định nội bộ của Hội đồng thành viên,
Ban điều hành, Ban Kiểm soát, các Ban, đơn vị trực thuộc VAMC và các quy định
nội bộ về mua, bán nợ xấu, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của VAMC, kế hoạch xử
lý nợ xấu năm 2020 và hướng tới năm 2022 theo các quyết định và chỉ đạo của
Thống đốc NHNN đã được ban hành;
Thứ
hai, tiếp tục tăng cường phối hợp với TCTD để rà soát, phân
loại, đánh giá lại các khách hàng vay, tài sản bảo đảm và các khoản nợ đã mua
để xác định các biện pháp xử lý, thực hiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong
việc xử lý các khoản nợ xấu và tài sản bảo đảm của các khoản nợ đã bán cho
VAMC; đồng thời, tìm kiếm, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong nước và ngoài
nước tham gia mua, xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm.
Thứ
ba, tiếp tục mua nợ xấu bằng TPĐB theo quy định tại Nghị định
số 53/2013/NĐ-CP và các văn bản sửa đổi, bổ sung liên quan, theo chỉ đạo của
Thủ tướng chính phủ và Thống đốc NHNN; Chủ động, tập trung mua, bán nợ xấu theo
giá trị thị trường theo Đề án cơ cấu lại và nâng cao năng lực của VAMC giai
đoạn 2017 - 2020 và hướng tới năm 2022 đã được NHNN phê duyệt, bảo đảm khách
quan, minh bạch, tuân thủ quy định của pháp luật và đảm bảo an toàn vốn, tài
sản của Nhà nước.
Thứ
tư, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn hiện có, tập trung cho mua,
bán nợ xấu theo cơ chế thị trường; có giải pháp nâng cao năng lực tài chính,
bằng các hình thức phù hợp theo quy định của pháp luật và Đề án nói trên;
Thứ
năm, triển khai đồng bộ, đầy đủ và hiệu quả các nội dung của Đề
án cơ cấu lại và nâng cao năng lực hoạt động của VAMC; từng bước xác lập và
khẳng định vai trò định hướng thúc đẩy, xây dựng thị trường mua bán nợ xấu tập
trung tại Việt Nam; xúc tiến thành lập, vận hành sàn giao dịch mua bán nợ xấu.
Thứ
sáu, phối hợp chặt chẽ, tranh thủ sự hỗ trợ tối đa từ các Bộ,
ngành, cơ quan, chính quyền địa phương trong xử lý các khó khăn, vướng mắc về
mặt pháp lý liên quan đến xử lý nợ xấu, đặc biệt là công tác thu giữ và xử lý
TSBĐ của khoản nợ xấu theo Nghị quyết 42 và trong việc triển khai thực hiện lộ
trình tăng vốn điều lệ cho VAMC nhằm nâng cao năng lực tài chính để triển khai
việc mua nợ xấu theo giá trị thị trường đạt hiệu quả; kịp thời báo cáo NHNN, Cơ
quan TTGSNH các khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị các biện pháp xử lý
nhằm nâng cao hiệu quả xử lý, mua bán nợ xấu.
Một
số hình ảnh tại Hội nghị:
Thoa
Lê
Ảnh:
Mạnh Thắng
Comments
Post a Comment