NỐT TRẦM MÙA THƯỞNG TẾT


Mấy bữa nay, trên khắp các diễn đàn, báo chí, người ta cứ rần rần chuyện thưởng Tết ngân hàng. Báo chuyên ngành đưa tin thì cũng thôi khỏi nói đi, đến mấy fanpage giải trí cũng đăng cũng bàn tán. Đây vốn chẳng phải chuyện xa lạ gì mỗi cuối năm đầu năm, đến hẹn lại lên, khi các ngân hàng công bố lợi nhuận chục nghìn tỷ cũng là lúc bàn dân thiên hạ hóng tin thưởng Tết của các bankers. Người ngoài thì xôn xao, từ bà bán xôi đầu ngõ vẫn hay tấm tắc “Đấy con bé nhà kia làm ngân hàng thưởng Tết đến chục tháng lương, bõ công đi sớm về muộn” đến bác hàng xóm đang tưới cây thấy cậu chàng lọ mọ ôm quà đi chúc Tết khách hàng lại gọi với theo “Thưởng Tết mấy chục triệu thế cháu?”. Người trong ngành thì có thêm thú vui tao nhã mỗi ngày mở mắt ra là bật facebook cập nhật ngân hàng bạn bè có tin gì thưởng Tết chưa. Giữa những ngày bận rộn cuối năm Âm lịch, dân ngân hàng hối hả chào nhau bằng câu “Mấy tháng thế?”, người ngoài nghe không ra lại tưởng con bé gầy nhẳng kia đang bầu bí.

Nhưng phía sau những câu chuyện vài tháng thưởng Tết kia lại là những nốt trầm không tên, mà nếu không phải dân bankers thì khó mà thấu hiểu được. Trên báo chí thì ra rả 4, 5 tháng, tuy nhiên đó có khi chỉ là mức cao nhất dành cho các cá nhân xuất sắc được xếp hạng cao của năm đó, và mỗi chi nhánh được 1-2 người là may, chưa kể nếu chi nhánh làm ăn bết bát, thi đua chỉ xếp diện Chưa hoàn thành hoặc Cần cố gắng thì có khi chẳng được ai. Và câu chuyện xếp hạng cá nhân lại là cả một bài toán hóc búa năm nào cũng làm các bậc lãnh đạo khó nghĩ còn các nhân viên thì khó… hiểu. Mỗi năm chỉ được ngần này người A1, ngần này người A2, còn lại là A3, mà ai cũng đóng góp cống hiến, ai cũng vất vả, mỗi mùa xếp hạng thi đua xong là trán của các sếp cứ nhăn tít lại. Kết quả ảnh hưởng trực tiếp tới hệ số tiền thưởng của mỗi nhân viên, nên không tránh khỏi tị nạnh, nhòm ngó, bàn ra tán vào.

Tội nhất là mấy chị bầu nghỉ sinh và mấy bạn mới nhảy việc dịp cuối năm, giữa lúc người người nhà nhà xúng xính tính xem mình được bao nhiêu “củ” Tết này thì họ đành ngậm ngùi “mắt không thấy, tai không nghe, tim không đau”.

Nhiều ngân hàng nhìn thì mức thưởng có vẻ cao, nhưng mấy ai biết đó đa phần là lương giữ lại trong năm, đến cuối năm quyết toán quỹ lương. Quanh đi quanh lại chỉ là thay đổi thời điểm chi, chứ vẫn là tiền của mình, cơm không ăn gạo còn đó. Chưa kể đã sát Tết mà nhiều ngân hàng vẫn “ám binh bất động”, nhất quyết chưa chịu chi tiền, làm anh em đứng lên ngồi xuống, hóng hết một vòng ba chục ngân hàng mà quay lại ngân hàng mình vẫn im lìm.
Với những ngân hàng “nhà giàu” thưởng đậm, thì thuế thu nhập cá nhân lại là một niềm đau chôn giấu khác. Thuế “gặm” đến vài chục % tiền thưởng, ting ting đã đổ về tài khoản mà kiểm tra tiền rồi nhìn lại quyết định thưởng trên giấy cứ thấy…sai sai. Than không dám than, kiểu gì cũng bị bạn bè ngân hàng khác nguýt một cái cháy xém mặt: “Tao cũng ước được đóng thuế nhiều đây này.” Thế là tiền thưởng teo lại còn hơn nửa, trả nợ vòng quanh một hồi lại lép kẹp.

Nhưng dù ít dù nhiều, vẫn còn là hạnh phúc hơn các đồng nghiệp tại các ngân hàng 0 đồng. Vì 0 đồng, lợi nhuận chẳng đáng bao nhiêu, thậm chí còn chưa ngóc được đến mốc dương, nên nhiều bankers tại các ngân hàng này chỉ còn biết tắt wifi không lên mạng những ngày này mà thôi.

Thưởng Tết vốn là câu chuyện của riêng từng ngân hàng, tuy nhiên vài năm gần đây, sau thời kỳ ngân hàng lao đao chống chọi với hậu khủng hoảng kinh tế - tài chính, câu chuyện “lương thưởng” lại trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết. Có lẽ bởi chuyện nhảy việc không còn khó khăn như chục năm về trước, ngược lại trong bối cảnh tốc độ luân chuyển nhân sự ngân hàng ngày càng cao, thông tin lương thưởng luôn được ưu tiên hàng đầu. Đằng sau những comment ngưỡng mộ ngân hàng X chi thưởng đậm cho nhân viên, có khi lại là bản CV đang soạn dở, chờ qua Tết có cơ hội là đem nộp. Nhảy việc không xấu, tuy nhiên nếu chỉ dựa vào các thông tin bề nổi trên mạng, lắm người phải lâm vào cảnh dở khóc dở cười. Bởi mức thưởng Tết là không cố định – giữa các phòng ban, chi nhánh, giữa các năm, tùy vào lợi nhuận kinh doanh, chủ trương chia quỹ lương, hay thậm chí là tùy vào sếp. Thế nên không có gì đảm bảo ngân hàng này năm nay thưởng Tết đậm thì đến năm sau cũng vậy.

Ngẫm lại, đây âu cũng là chuyện thường tình mà thôi, có kẻ khóc thì cũng có người cười. Miếng bánh thưởng Tết vốn không bao giờ là công bằng. Phải thừa nhận một điều, năm qua là năm ngân hàng thực sự khởi sắc, những con số lợi nhuận được công bố tính bằng nghìn tỷ, thậm chí chục nghìn tỷ, khiến nhiều người nghe mà xuýt xoa, hoa mắt. Những đồng thưởng Tết chính là sự ghi nhận những đóng góp, cố gắng của các bankers trong cả một năm (chẳng thế mà dân ngân hàng vẫn hay trêu nhau “sống bằng lương, giàu bằng thưởng”), cho dù có ít có nhiều, đó vẫn luôn là động lực để tiếp tục phấn đấu cho năm mới. Vì thế hãy luôn trân trọng, dù ít dù nhiều, dù bạn có thấy xứng đáng hay không, đừng tự dằn vặt bản thân chỉ vì dăm ba câu hỏi làm quà của người quen, đừng tự ấm ức chỉ vì những dòng tin thưởng Tết ồ ạt của ngân hàng khác, cũng đừng lấy đó làm cái cớ để nhảy việc để rồi lại bắt đầu một nỗi thất vọng mới. Bởi suy cho cùng, chính thái độ của chúng ta mới quyết định một cái Tết đầm ấm sum vầy và hạnh phúc mà thôi.
B.P




Comments

Popular posts from this blog

Học việc, thử việc tại ngân hàng: Cuộc sống muôn màu

Xin hỏi định nghĩa về thoái thu và thoái chi??