01 năm triển khai Nghị quyết 42 và Quyết định 1058: Bước đột phá trong xử lý nợ xấu

01 năm triển khai Nghị quyết 42 và Quyết định 1058: Bước đột phá trong xử lý nợ xấu

28/08/2018

Ngày 28/08/2018, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội nghị sơ kết 01 năm triển khai Nghị quyết số 42/2017/QH14 và Quyết định số 1058/QĐ-TTg dưới hình thức truyền hình trực tuyến tại phòng họp trực tuyến của NHNN và NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố. Hội nghị vinh dự được đón Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tới dự và chỉ đạo Hội nghị.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Tham dự Hội nghị tại điểm cầu trung tâm Hà Nội có các đồng chí lãnh đạo đại diện Ban Kinh tế Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Ủy Ban Kinh tế Quốc hội, Uỷ Ban Pháp luật Quốc hội, Văn Phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Tài nguyên Môi trường, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao… Về phía ngành Ngân hàng có Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng và các Phó Thống đốc NHNN, các đồng chí lãnh đạo các Vụ, Cục, đơn vị NHNN, Cơ quan Thanh tra, Giám sát ngân hàng, Công ty VAMC, Trung tâm thông tin tín dụng, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, đại diện các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có trụ sở chính tại Hà Nội…
Tại các điểm cầu NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố, Hội nghị có sự tham dự của đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố, các sở, ban ngành liên quan (Công an tỉnh, Sở Tài chính, Cơ quan Thuế, Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên môi trường, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân) và các đại biểu đến từ NHNN chi nhánh tỉnh thành phố và các TCTD trên địa bàn...
Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh phát biểu khai mạc Hội nghị
Điều kiện thuận lợi triển khai tái cơ cấu TCTD gắn với xử lý nợ xấu
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho biết, ngày 21/06/2017 Quốc hội thông qua Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, với mục tiêu pháp điển hoá những quy định cụ thể về xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng, nâng cao vai trò, năng lực của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Bên cạnh đó, Nghị quyết hướng tới xử lý các vướng mắc, khó khăn liên quan đến hành lang pháp lý về xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm các khoản nợ của tổ chức tín dụng, tạo cơ chế đồng bộ, khả thi, tăng cường kiểm soát chặt chẽ các khoản nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm các khoản nợ xấu của TCTD; Các TCTD tiếp tục phát huy tốt vai trò là kênh dẫn vốn chủ đạo và đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế.
Ngày 19/07/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1058/QĐ-TTg phê duyệt Đề án cơ cấu lại các Tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng, Chính phủ, sự nỗ lực, quyết liệt của ngành Ngân hàng và sự phối hợp của các Bộ, ngành, địa phương, sau một năm thực hiện, Đề án 1058 và Nghị quyết 42 đã được triển khai nghiêm túc, đúng mục tiêu, định hướng và đạt được kết quả bước đầu trong việc tạo điều kiện thuận lợi thực hiện cơ cấu lại và xử lý nợ xấu của các TCTD. Quá trình đi vào thực tiễn tuy chưa dài, nhưng những định hướng chính sách vĩ mô, giải pháp tháo gỡ trong 02 văn bản quy phạm trên đã tạo ra những dấu ấn rõ nét và chuyển biến tích cực trong công tác xử lý nợ xấu và công tác cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 -2020.
Theo Phó Thống đốc, Hội nghị này được tổ chức trực tuyến toàn ngành Ngân hàng nhằm đánh giá kết quả đạt được sau 01 năm triển khai Nghị quyết của Quốc hội và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Đ/c Nguyễn Văn Du báo cáo sơ kết 01 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 42 và Quyết định 1058
Thực hiện đồng bộ các nội dung tái cơ cấu TCTD, xử lý nợ xấu
Báo cáo sơ kết 01 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 42 và Quyết định số 1058, Đ/c Nguyễn Văn Du - Phó Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng cho biết, để triển khai Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Đề án cơ cấu lại các Tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 ban hành theo Quyết định số 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã tích cực triển khai và thực hiện đồng bộ các nội dung, cụ thể:
Về công tác hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế chính sách về tiền tệ và hoạt động ngân hàng: NHNN đã tham mưu Chính phủ trình và được Quốc hội thông qua Luật số 17/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD 2010. Đồng thời, để triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD 2010, Thống đốc NHNN đã ban hành 08 thông tư; tham mưu, trình Chính phủ ban hành 01 Quyết định và hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động của VAMC cho phù hợp với quy định và thực tiễn.
Bên cạnh đó, NHNN đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan có liên quan rà soát những khó khăn, vướng mắc, bất cập, xung đột pháp lý giữa hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ngành Ngân hàng với hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật khác.
NHNN đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn, phát hiện và xử lý kiên quyết các rủi ro, tồn tại và sai phạm của TCTD, thúc đẩy các TCTD triển khai nghiêm túc, có hiệu quả Đề án 1058. Công tác giám sát ngân hàng tiếp tục được đổi mới và tăng cường trên cơ sở hoàn thiện, triển khai các công cụ, phương pháp giám sát mới gắn liền với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển cơ sở dữ liệu và hệ thống tiêu chí giám sát. NHNN kịp thời có văn bản chỉ đạo các TCTD tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn, phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ.
Trong quá trình triển khai Nghị quyết số 42/2017/QH14 và Quyết định số 1058/QĐ-TTg, NHNN đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương, đặc biệt đã phối hợp và chủ động cung cấp thông tin cho Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND các tỉnh, thành phố và các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường thông tin, tuyên truyền về các chủ trương, chính sách, quy định của pháp luật, diễn biến về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu để tạo sự ủng hộ, đồng thuận trong toàn xã hội.
Những kết quả tích cực sau 01 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 42 và Quyết định 1058
Trải qua 01 năm triển khai áp dụng vào thực tiễn, Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Đề án cơ cấu lại ban hành theo Quyết định số 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, năng lực tài chính của các TCTD được củng cố, vốn điều lệ tăng nhanh dần qua các năm: Tính đến 30/6/2018, vốn điều lệ của toàn hệ thống ước đạt 519,01 nghìn tỷ đồng, tăng 1,3% so với cuối năm 2017, tăng 6,3% so với cuối năm 2016. Vốn chủ sở hữu của toàn hệ thống ước đạt 720,43 nghìn tỷ đồng, tăng 9,1% so với cuối năm 2017, tăng 21,1% so với cuối năm 2016.
Chất lượng tín dụng được cải thiện, các giải pháp xử lý nợ xấu được triển khai đồng bộ cùng với các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng tín dụng và giảm tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các TCTD. Bên cạnh đó, Nghị quyết 42 bước đầu đã tạo điều kiện quan trọng góp phần xử lý nợ xấu tại các TCTD, đến cuối tháng 6/2018 tỷ lệ nợ xấu so với so với tổng nợ là 2,09%, giảm so với thời điểm 31/12/2016 (2,46%).
Kết quả xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42: Đến 30/6/2018, hệ thống TCTD đã xử lý được 138,29 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 (không bao gồm 61,04 nghìn tỷ đồng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu nội bảng). Trong đó, xử lý nợ xấu nội bảng là 70,23 nghìn tỷ đồng (chiếm 50,78%), xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán xác định theo Nghị quyết 42 là 21,59 nghìn tỷ đồng (chiếm 15,61%) và xử lý các khoản nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt là 46,46 nghìn tỷ đồng (chiếm 33,59%).
Những khó khăn, vướng mắc
Mặc dù công tác cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu trong thời gian qua đã đạt được kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những khó khăn, vướng mắc, đòi hỏi sự chung sức, nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, đặc biệt là sự hỗ trợ, phối hợp của các Bộ, ngành, địa phương như:
Thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu còn hạn chế do chưa có thị trường mua bán nợ thật sự chuyên nghiệp dẫn đến việc mua bán nợ xấu chưa thật sự sôi động, các thương vụ lớn chưa phát sinh nhiều.
Việc triển khai Nghị quyết 42 trong thực tiễn còn gặp nhiều bất cập, như: Việc hoàn trả TSBĐ là vật chứng trong vụ án hình sự, thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý TSBĐ và nghĩa vụ nộp thuế; Công tác giữ gìn, đảm bảo an ninh trật tự và hỗ trợ các TCTD trong việc thu giữ TSBĐ của các khoản nợ xấu; xử lý TSBĐ là dự án bất động sản còn dở dang; Quyền nhận thế chấp, đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai là tài sản bảo đảm cho các khoản nợ mà các cá nhân, tổ chức mua lại từ VAMC…
Bên cạnh đó là cơ chế tiếp cận thông tin về tình trạng TSBĐ chưa đáp ứng yêu cầu của các TCTD nên các TCTD gặp khó khăn trong việc xác định tài sản bảo đảm nào đang tranh chấp, tài sản bảo đảm nào đang phải áp dụng biện pháp khẩn cấp, dẫn đến cách hiểu về tài sản tranh chấp giữa các cơ quan tố tụng tại nhiều nơi, nhiều cấp khác nhau gây khó khăn khi áp dụng các biện pháp xử lý tài sản theo Nghị quyết 42.
Quang cảnh Hội nghị
Phó Thủ tướng đánh giá cao tinh thần xử lý nợ xấu ngành Ngân hàng sau một năm Nghị quyết 42 có hiệu lực
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, bước vào giai đoạn 2016-2020, Chính phủ thực hiện tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế khi mà dư địa phát triển chật hẹp. Do vậy, một trong những nhiệm vụ trọng tâm Đại hội Đảng lần thứ XII đặt ra là tập trung tái cơ cấu nền kinh tế.
Nghị quyết số 42/2017/QH17 và Quyết định số 1058/QĐ-TTg ra đời trong bối cảnh, yêu cầu cấp bách là phải cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với trọng tâm là xử lý căn bản, triệt để nợ xấu và các TCTD yếu kém bằng các hình thức phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi người gửi tiền và giữ vững ổn định, an toàn hệ thống; lành mạnh hóa tình hình tài chính và nâng cao năng lực quản trị của các tổ chức tín dụng theo quy định pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Trong bối cảnh đó, thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ, NHNN đã bám sát nhiệm vụ này, tìm kiếm các phương cách, công cụ, thực hiện thắng lợi các mục tiêu. Riêng trong năm 2016, lãnh đạo Chính phủ đã 3 lần làm việc với VAMC, Bộ Tư pháp, Bộ Công an và Toà án Nhân dân Tối cao. Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Tư pháp, Bộ Công an và đề nghị Toà án Nhân dân Tối cao đánh giá độc lập về hành lang pháp lý. Các báo cáo này đều tập trung vào yêu cầu tháo gỡ khó khăn pháp lý và kiến nghị Quốc hội xây dựng một Nghị quyết chuyên đề về xử lý nợ xấu, gắn với sửa Luật các TCTD năm 2010.
Phó Thủ tướng cho rằng, chưa có dự thảo Luật, Nghị quyết nào mà Chính phủ quan tâm như với Dự thảo Nghị quyết 42 và Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung Luật các TCTD.
Việc Quốc hội ban hành Nghị quyết 42 và Luật sửa đổi bổ sung Luật các TCTD có ý nghĩa lịch sử với hoạt động của ngành Ngân hàng, là công cụ pháp lý quan trọng trong tái cơ cấu TCTD và xử lý nợ xấu.
Cùng với Nghị quyết 42 và Luật sửa đổi bổ sung Luật các TCTD, Chính phủ cùng với Ban chỉ đạo tái cơ cấu và NHNN hoàn thành khuôn khổ pháp lý như Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng, Quyết định tái cơ cấu, triển khai các Đề án lớn như thanh toán không dùng tiền mặt, đẩy mạnh thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng, đề án chống đô la hóa nền kinh tế, đề án xử lý các TCTD yếu kém, củng cố năng lực quản trị các ngân hàng, cơ bản hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý về hoạt động ngân hàng…
Các khuôn khổ pháp lý ban hành, đặc biệt Nghị quyết 42 có ý nghĩa lịch sử, thể hiện tầm nhìn của Trung ương, Chính phủ, sự quyết tâm của hệ thống chính trị, sự phối hợp các ngành với nhau. 
Phó Thủ tướng biểu dương và đánh giá cao Ban Lãnh đạo NHNN với thái độ chuyên nghiệp, bản lĩnh, trách nhiệm, cầu thị, sự nỗ lực cao của hệ thống các TCTD, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã quyết định đến kết quả khả quan đạt được về tái cơ cấu TCTD và xử lý nợ xấu trong giai đoạn vừa qua, mặc dù kinh tế thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, tác động tới nền kinh tế trong nước.
Trong tổ chức triển khai, ngành Ngân hàng kịp thời có các chỉ thị, văn bản chỉ đạo, có sự vào cuộc của các cấp ngành, cho nên kết quả trong thời gian vừa qua là hết sức tích cực, thể hiện ở mức tỷ lệ nợ xấu còn 2,09%, công tác xử lý nợ xấu đã đi vào thực chất hơn. Các chính sách tiền tệ được điều hành đồng bộ, linh hoạt, đạt được nhiều mục tiêu, có sự phối hợp tốt giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ.
Kết quả đạt được trong tái cơ cấu TCTD và xử lý nợ xấu thời gian qua đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế xã hội. Tình hình kinh tế thế giới còn khó khăn nhưng các ngân hàng Việt Nam được nâng mức tín nhiệm, các TCTD được nâng hạng tín nhiệm, hoạt động của các hàng tăng lên ấn tượng đã chứng tỏ tính đúng đắn của Nghị quyết 42 và kết quả sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị…
Phó Thủ tướng cho rằng, xử lý nợ xấu là nhiệm vụ chung của các Bộ, Ngành không chỉ riêng của ngành Ngân hàng, nhưng đầu mối và nòng cốt là ngành Ngân hàng. Trong thời gian tới NHNN tiếp tục phát huy vai trò đầu mối, tiếp tục phối hợp các Bộ, Ngành liên quan báo cáo Quốc hội và Thủ tướng chỉ đạo triển khai hiệu quả Nghị Quyết 42, đồng thời tiếp tục rà soát khuôn khổ pháp lý đồng bộ, kịp thời phát triển những giải pháp tháo gỡ những vướng mắc khó khăn trong quá trình xử lý nợ xấu.
Về mục tiêu, phấn đấu từ nay đến năm 2020 hoàn thành và vượt mức chỉ tiêu mục tiêu đã đề ra, riêng trong năm 2018 phấn đấu đạt được 30% mục tiêu của cả giai đoạn. Phấn đấu đưa tỷ lệ nợ xấu bao gồm nợ xấu nội bảng và ngoại bảng xuống, đồng thời với đẩy mạnh xử lý nợ xấu là không để nợ xấu mới phát sinh, tiếp tục triển khai Đề án xử lý các TCTD yếu kém.
Theo Phó Thủ tướng, cần tạo điều kiện thuận lợi để VAMC thực hiện mua bán nợ theo cơ chế thị trường, tăng cường năng lực tài chính quản trị cho VAMC, nhất là về nhân sự.
Đối với các TCTD cần nêu cao tinh thần trách nhiệm và ý thức nghề nghiệp, nâng cao ý thức đạo đức nghề nhiệp trong kinh doanh, chủ động hơn trong xử lý nợ xấu. Các TCTD tăng cường công tác thanh tra kiểm tra giám sát, thực hiện những đề án được Thống đốc phê duyệt và giám sát thực hiện.
Phó Thủ tướng mong muốn, ngành Ngân hàng phấn đấu nâng cao các dịch vụ ngân hàng, tính toán và xử lý đúng đắn mối quan hệ số lượng và chất lượng tín dụng, đặt trong bối cảnh chung của đất nước, tất cả phải vì lợi ích chung của nền kinh tế, ổn định lam phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Tiếp tục xử lý sở hữu chéo giữa các ngân hàng, kiện toàn nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý công tác thanh tra giám sát, có đề án kiện toàn tổ chức, tinh giản biên chế bộ máy, thanh tra giám sát ngân hàng.
Một vấn đề nữa là ngành Ngân hàng cần nâng cao hiệu quả phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong công tác cơ cấu lại các TCTD, phối hợp giữa ngân hàng với các cơ quan xử lý nợ xấu.
Các bộ, các ngành khác, các địa phương phối hợp với Ngân hàng nhà nước, cùng giải quyết những khó khăn vướng mắc còn tồn tại, trong quá trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu. Các bộ ngành chủ quản chỉ đạo các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước tham gia phương án cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém có chủ sở hữu cổ đông lớn là các Tổng công ty; Chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thực hiện nghĩa vụ trả nợ, nghĩa vụ bảo lãnh đối với khoản vay, mà đơn vị bảo lãnh cho các công ty con và đơn vị thành viên….
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính sớm triển khai các giải pháp để xử lý các khoản nợ xấu liên quan nợ đọng xây dựng cơ bản, thu hồi vốn cho ngân sách nhà nước hai là thu hồi các khoản tạm ứng và cả vấn đề thuế. Tiếp tục có nghiên cứu, văn bản chỉ đạo hướng dẫn cơ quan thuế rõ ràng, cụ thể hơn phù hợp với Nghị quyết 42 đối với thứ tự ưu tiên thanh toán trong xử lý tài sản đảm bảo và nghĩa vụ nộp thuế.
Bộ kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước trình chính phủ xem xét phê duyệt tăng vốn cho các ngân hàng thương mại nhà nước. Phó Thủ tướng khuyến khích các TCTD khác tiết kiệm để tăng được vốn,
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ công an xem xét ban hành văn bản chỉ đạo, phối hợp với các cấp chính quyền địa phương, tăng cường hơn nữa công tác giữ gìn, bảo đảm trật tự và hỗ trợ trong quá trình thu giữ tài sản đảm bảo các khoản nợ xấu. Kiên quyết xử lý những cá nhân, tổ chức chống đối, cản trở, có chế tài xử phạt, để đảm bảo hiệu quả của việc thu giữ tài sản đảm bảo.
Bộ Tài nguyên và môi trường phải sớm ban hành các quy định hướng dẫn cụ thể, để áp dụng thống nhất tại các địa phương về vấn đề xử lý tài sản đảm bảo là các dự án bất động sản,
Đối với ngành Tư pháp, cần nghiên cứu xem xét mở rộng thủ tục rút gọn, trong triển khai, xử lý tài sản đảm bảo. Bộ tư pháp chỉ đạo Tổng cục thi hành án dân sự xây dựng cơ chế chính sách với cơ quan thi hành án các cấp, thực hiện có hiệu quả các giải pháp của nghị quyết 42, nghiên cứu và có hướng dẫn cụ thể về thủ tục đăng ký giao dịch đảm bảo.
Các cơ quan đơn vị truyền thông tiếp tục phối hợp với Ngân hàng nhà nước, đưa tin chính xác kịp thời. Ngành Ngân hàng cần tăng cường hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền về chủ trương của đảng, chính sách pháp luật của nhà nước trong công tác cơ cấu lại hệ thống TCTD, xử lý nợ xấu tạo đồng thuận của xã hội, các tổ chức và nhân dân.
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ
Quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ đã đề ra
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Đ/c Lê Minh Hưng - Thống đốc NHNN cho rằng, công tác xử lý nợ xấu là việc làm thường xuyên, liên tục của hệ thống ngành Ngân hàng, đặc biệt là các TCTD. Nghị quyết 42 ra đời cùng với sự nhất quán trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ cùng với NHNN và các Bộ, ngành, địa phương đã tạo ra cơ chế, môi trường thuận lợi để xử lý nợ xấu và tái cơ cấu các TCTD.
Trên cơ sở Nghị quyết số 42, Quyết định 1058 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật các Tổ chức tín dụng, đến nay, hầu hết các phương án cơ cấu lại của các TCTD đã được NHNN phê duyệt; kết quả cơ cấu lại và xử lý nợ xấu của các TCTD bước đầu đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Đó là năng lực tài chính của các TCTD được củng cố, vốn điều lệ tăng dần; Năng lực quản trị điều hành của các TCTD từng bước được nâng cao để tiệm cận với thông lệ quốc tế; Tính minh bạch trong hoạt động của các TCTD từng bước được cải thiện; Chất lượng tín dụng được nâng cao cùng với các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh đã góp phần quan trọng giảm tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các TCTD; Công tác thanh tra, giám sát được tăng cường đã góp phần ngăn chặn, phát hiện và xử lý kiên quyết các rủi ro và sai phạm của TCTD, thúc đẩy các TCTD triển khai nghiêm túc, có hiệu quả Quyết định 1058.
Mặc dù công tác cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu trong thời gian qua đã đạt được kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những khó khăn, vướng mắc. Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Thống đốc NHNN đã chỉ ra một số công việc cụ thể trong điều hành và thực thi chính sách tiền tệ, các công việc của các Vụ, Cục đơn vị thuộc NHNN, các tổ chức tín dụng, Công ty VAMC trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 42 và Quyết định 1058, cũng như việc phối hợp với các Bộ, Ngành, địa phương có liên quan để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu các TCTD gắn với xử lý nợ xấu trong thời gian tới. Cùng với đó, Thống đốc Lê Minh Hưng yêu cầu các Vụ, Cục, đơn vị liên quan thuộc NHNN tiếp thu những ý kiến, đề xuất của các đại biểu tại Hội nghị này để nghiên cứu, đề ra giải pháp xử lý phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công tác tái cơ cấu TCTD và xử lý nợ xấu.
Thống đốc NHNN hy vọng, với sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của Quốc Hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, sự quan tâm phối hợp của các bộ, ban, ngành ở Trung ương và địa phương và sự nỗ lực phấn đấu của các đơn vị trong ngành Ngân hàng, công tác tái cơ cấu các TCTD gắn với xử lý nợ xấu sẽ tiếp tục thu được kết quả tốt, hoàn thành mục tiêu đã đề ra, tạo điều kiện hoạt động ngân hàng ngày càng an toàn, lành mạnh, đóng góp ngày càng tích cực vào sự phát triển chung của đất nước.
CKH











Comments

Popular posts from this blog

Xin hỏi định nghĩa về thoái thu và thoái chi??

Dề Thi Vietinbank - 10 dề (cập nhật 2020)

Học việc, thử việc tại ngân hàng: Cuộc sống muôn màu