Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018

Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng dự Diễn đàn Kinh tế Việt Nam

23/08/2018

Ngày 21/8/2018, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng đã tham dự Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018 tại Hà Nội. Diễn đàn là nơi các nhà quản lý, giới chuyên gia và doanh nghiệp cùng nhau phân tích toàn cảnh thị trường vốn và tài chính tại Việt Nam, đồng thời đưa ra những phương án, đề xuất giải pháp xây dựng thị trường vốn cho đầu tư dài hạn.
 
Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại Diễn đàn.
Với chủ đề "Mở rộng thị trường vốn – tài chính Việt Nam, thách thức và giải pháp", Diễn đàn là nơi các chuyên gia, nhà quản lý và doanh nghiệp cùng thảo luận, đi tìm lời giải cho bài toán vốn trung và dài hạn của Việt Nam. Diễn đàn gồm hai phiên thảo luận. Trong phiên thứ nhất với chủ đề "Tái cấu trúc thị trường tài chính Việt Nam - Từ thực trạng tới chính sách", các diễn giả sẽ chỉ ra thực trạng của thị trường vốn, các mô hình tài chính trên thế giới có thể tham khảo áp dụng tại Việt Nam hay giải pháp xây dựng một hệ thống giám sát tài chính nội địa hiệu quả...
Tại phiên thứ hai, nhà quản lý, chuyên gia trong và ngoài nước sẽ cùng đóng góp ý kiến về giải pháp tận dụng các dòng tiền nhàn rỗi trong khu vực tư nhân để thúc đẩy kinh tế; chính sách thúc đẩy và các cơ hội đa dạng hóa môi trường đầu tư...
Sự kiện có sự tham gia của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý Vốn Nhà nước, ông Hà Huy Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng. Ngoài ra, còn có đại diện Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng phát triển Châu Á, Đại sứ Australia tại Việt Nam - ông Craig Chittick, Đại sứ Israel tại Việt Nam - ông Nadav Eshcar, đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam - ông Kim Do Hyon, các ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công ty bảo hiểm, các chuyên gia về vốn, tài chính, công nghệ... trong nước và quốc tế.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Chính phủ quan tâm thị trường vốn và tài chính trong điều kiện cách mạng 4.0
Gửi lời chào đến các vị đại biểu, trong lời phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao và hoan nghênh việc tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam chuyên đề Vốn - Tài chính lần này. Theo ông, Chính phủ đang quan tâm đến 3 vấn đề liên quan đến việc phát triển doanh nghiệp và củng cố môi trường đầu tư. Chính phủ coi việc ổn định kinh tế vĩ mô là nhiệm vụ quan trọng, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang biến động trong khi quy mô kinh tế Việt Nam còn nhỏ. Chính phủ tạo điều kiện để các thành phần kinh tế phát triển, đã thực hiện cắt giảm khoảng 50% điều kiện kiểm tra chuyên ngành và tháo gỡ các vướng mắc khó khăn về thể chế để phát triển thị trường tài chính. 

Phó Thủ tướng mong các diễn giả tham mưu giúp Chính phủ hoàn thiện những thể chế phát triển thị trường vốn – thị trường tài chính của Việt Nam. "Chúng ta phải phát triển thị trường theo hướng hiện đại, đặc biệt là giải pháp cung cấp vốn, các giải pháp cần đẩy mạnh trong công tác cổ phần hoá, thoái vốn, tái cấu trúc thị trường, tăng cường năng lực hấp thu của hệ thống các chủ thể tham gia thị trường và củng cố tài chính ngân hàng, nhất là trong tình hình kinh tế có nhiều biến động", Phó Thủ tướng nhấn mạnh. Một vấn đề nữa là thị trường vốn và tài chính trong điều kiện cách mạng 4.0 - vấn đề Chính phủ rất quan tâm. Sắp tới, Thủ tướng sẽ trực tiếp chủ trì một hội nghị toàn quốc để bàn về vấn đề này. 
Thông qua diễn đàn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ mong muốn được lắng nghe ý kiến của các chuyên gia về các vấn đề của thị trường trường tài chính, các giải pháp xây dựng thị trường vốn phục vụ cho đầu tư dài hạn và phát triển kinh tế đất nước. Phó Thủ tướng băn khoăn: "Gánh nặng của huy động vốn phải chăng ngân hàng đang quá sức?".
Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Ngành Ngân hàng chú trọng cân đối nguồn vốn để kiểm soát rủi ro
Mở đầu phiên thảo luận Tái cấu trúc thị trường Vốn - Tài chính Việt Nam, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho rằng, thị trường tài chính trong những năm qua đã có bước phát triển dù chưa theo mong muốn nhưng thị trường chứng khoán và thị trường tiền tệ là hai phân khúc cung ứng vốn lớn cho nền kinh tế.
Theo Phó Thống đốc, số liệu tăng trưởng của hai phân khúc này những năm gần đây cho thấy vốn hóa thị trường chứng khoán năm 2017 tăng trên 70%, tỷ lệ tín dụng trên GDP khoảng 130%. Cân đối vốn phân khúc khác còn ở mức thấp như: quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp thấp, chỉ chiếm 1,25% GDP, quy mô trái phiếu Chính phủ vẫn chiếm 20% GDP (trong đó, TCTD nắm giữ khoảng 80%). Việc phải đáp ứng vốn cho các doanh nghiệp, kể cả nguồn vốn trung, dài hạn trong khi huy động vốn ngắn hạn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nguồn vốn huy động (khoảng 70%) đã tạo áp lực lớn về quản lý kỳ hạn của TCTD. Bên cạnh khó khăn về cân đối kỳ hạn, ở 1 nền kinh tế còn tình trạng đô la hóa như Việt Nam thì TCTD còn khó khăn trong quản trị chênh lệch loại tiền.
Tuy nhiên, trong những năm qua, Ngân hàng Nhà nước rất chú trọng kiểm soát hai rủi ro này. Thứ nhất, để kiểm soát rủi ro chênh lệch kỳ hạn, hàng năm, trong chỉ đạo điều hành, Thống đốc NHNN đã chỉ đạo các TCTD kiểm soát tốt rủi ro, nhất là rủi ro đối với tín dụng bất động sản, BOT, vốn dài hạn. Chính sách lãi suát cũng khuyến khích nguồn vốn dài hạn để cải thiện nguồn vốn cho ngân hàng (trần lãi suất chỉ áp dụng đối với kỳ hạn <6 tháng, còn trên 6 tháng được thỏa thuận, quy định tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn). Đối với rủi ro trong cân đối loại tiền, NHNN điều hành theo hướng kiểm soát lạm phát, nâng cao giá trị VNĐ, chính sách lãi suất, tỷ giá kết hợp theo hướng tạo chênh lệch lợi tức nắm giữ USD, thực hiện lộ trình chống đô la hóa.
Tại phiên thảo luận thứ hai về nền kinh tế số trong cuộc cách mạng 4.0. Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, lĩnh vực ngân hàng tài chính không thể đứng ngoài xu thế cách mạng công nghiệp 4.0. Chia sẻ ý kiến với các chuyên gia, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng tái khẳng định: Tại Việt Nam hiện có 40 công ty Fintech nhưng 60% trong số này hoạt động chủ yếu ở lĩnh vực thanh toán, các phân khúc khác như cho vay, quản lý tài chính cá nhân… còn hạn chế. Theo NHNN, tiềm năng phát triển Fintech tại Việt Nam còn lớn do ở Việt Nam 60% dân số ở độ tuổi dưới 35, dễ tiếp cận công nghệ; 24.6 triệu người sử dụng điện thoại di động; 52 triệu người sử dụng internet.
Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã thành lập Ban chỉ đạo Fintech và đã xác định được những nội dung trọng tâm để nghiên cứu như big data, blockchain, điện toán đám mây…Ở thời điểm này, do khuôn khổ pháp lý chưa có, Chính phủ giao NHNN phối hợp các Bộ, ngành đánh giá và đề xuất hình thức P2P, đây là một giải pháp nếu phát triển có thể hạn chế tín dụng đen. Tuy nhiên, theo bà Hồng, để tiến tới có khuôn khổ pháp lý chính thức, có thể nghiên cứu theo hướng thực hiện thí điểm trước. Kinh nghiệm các nước như Trung Quốc, việc P2P đầu tiên không quản lý nhưng sau này đều phải chuyển vào khuôn khổ quản lý.

Thoa Lê








Comments

Popular posts from this blog

Xin hỏi định nghĩa về thoái thu và thoái chi??

Dề Thi Vietinbank - 10 dề (cập nhật 2020)

Học việc, thử việc tại ngân hàng: Cuộc sống muôn màu