Thanh toán không tiền mặt: Kéo đàn rong cũng dùng POS




Ngày 24/8, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước, Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS), LienVietPostBank cùng đối tác truyền thông là Báo Lao động tổ chức hội thảo “Đẩy mạnh thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng”.

Thay đổi từ thói quen

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đến nay, Ngân hàng Nhà nước và các trung gian thanh toán nội ngành đã hoàn thành một bước căn bản hạ tầng thanh toán. Đó là, gần 18.300 ATM, hơn 289.000 POS, có 76 ngân hàng triển khai Internet banking và 41 ngân hàng đã có Mobile banking. Đáng chú ý, 18 ngân hàng đã triển khai 5 nghìn điểm giao dịch QR code.

“Ngành ngân hàng đã chuẩn bị hạ tầng thanh toán hiện đại như chuyển mạch tài chính, bù trừ điện tử, cổng thanh toán điện tử, chuyển tiền điện tử, hỗ trợ thu chi hộ, ví điện tử tại trung gian thanh toán”, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán cho biết.

Cũng theo ông Dũng, việc thu tiền điện hiện nay đã có những đột phá, đó là toàn bộ hoá đơn điện đã được thanh toán trên điện thoại di động (mobile). Toàn bộ hoá đơn tiền điện hiện lên mobile khách hàng thì lập tức, ngân hàng trả hộ ngay. Nhiều khách hàng không biết, trả một lần nữa thì phần mềm cũng không cho trả. “Chúng tôi cũng đang phối hợp với ngành thuế, làm sao đó việc thanh toán các sắc thuế cá nhân cũng diễn ra như vậy”, ông Dũng nói.

Tuy nhiên, việc thay đổi thói quen từ thanh toán tiền mặt qua thanh toán điện tử, thanh toán qua ngân hàng hiện gặp phải không ít trở ngại.

Ông Phạm Thanh Du, Phó Vụ trưởng, Vụ Tài chính kế toán (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho biết, có vô số lý do để các đối tượng nhận lương, chế độ chính sách xã hội chưa từ bỏ thói quen nhận tiền mặt và đó là một trở ngại để hiện thực hoá phương thức thanh toán điện tử qua ngân hàng.

“Có cụ không muốn thanh toán, chi trả qua ngân hàng vì sợ con cháu biết, vì lóng ngóng không biết sử dụng smartphone hay muốn cất một cục tiền trong túi để mua sắm cho thoải mái”, ông Du nói.

Theo ông, việc chi trả bảo hiểm tiền mặt hiện nay có những con số đáng lưu tâm. Tính đến 2017, chỉ 15% tổng số tiền thực hiện chi trả qua ATM, con số này đến tháng 2/2018 là 21%. Tuy nhiên, tỷ lệ đó cũng phân bổ không đồng đều giữa các tỉnh, thành, chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn.

Với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), việc thu tiền điện qua ngân hàng thực sự là cuộc chiến. Khởi điểm 2005, EVN ký thoả thuận hợp tác với 4 ngân hàng thương mại lớn của Nhà nước. Và từ đó đến tận 2017, tập đoàn đã không còn thu ngân viên của điện lực đến nhà khách hàng thu tiền khi mà đã có 27 bản hợp tác với 27 ngân hàng và 10 tổ chức trung gian.

“Để tạo nên con số ấn tượng như vậy, chúng tôi đã trải qua một quá trình nỗ lực không ngừng trong quá trình giảm dần và tiến tới chấm dứt thu tiền tại nhà thay bằng thu trực tuyến”, ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng Ban kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nói tại hội thảo.

[​IMG]
Gỡ những nút thắt

Bà Trần Thị Hồng Anh, giám đốc Trung tâm Phát triển sản phẩm và Maketing VietinBank nói về những trở ngại mà ngân hàng đối mặt.

“Khi hệ thống đã xây rồi, chúng tôi miễn phí 3 – 6 tháng, thậm chí tặng tiền, ví như hoá đơn 100 nghìn nhưng ngân hàng tặng thêm 20 nghìn để người dân quen với việc đó nhưng chỉ mình ngân hàng đơn thương độc mã thì không thể duy trì mãi”, bà Trần Thị Hồng Anh nói.

Theo bà Hồng Anh, khi triển khai còn vướng một số cơ chế và văn bản pháp lý. Ví dụ, ngân hàng kết hợp thu tiền mặt trong bệnh viện, mỗi bệnh nhân đều có thẻ để thanh toán. Tuy nhiên, theo quy định phát hành thẻ, chỉ quy định mối quan hệ giữa ngân hàng phát hành thẻ và bệnh nhân; không quy định đơn vị trung gian phối hợp là bệnh viện nên khi triển khai ở bệnh viện nào, ngân hàng lại phải có một quầy giao dịch tại đó. “Bệnh viện hoạt động từ 5 giờ sáng, đóng cửa 11 giờ đêm, vậy là quân của VietinBank phải thay nhau 3 ca một ngày. Phải tháo gỡ cái này cho chúng tôi”, bà Hồng Anh thở than.

Ngoài ra, một trở ngại khác cũng được bà này nêu là ngành nước 63 tỉnh thành cả nước chưa hề đồng bộ về dữ liệu, hạ tầng kết nối thanh toán với ngân hàng. Mỗi tỉnh thành có một hệ thống riêng, chưa kể, nhiều công ty nước ở mỗi tỉnh, thành lại còn một hệ thống riêng nữa nên việc kết nối với ngân hàng vô cùng khó khăn, dẫn tới mã số thanh toán trong một địa phương đã không thống nhất.

Ông Bùi Quốc Dũng (EVN) bổ sung thêm: tại khu vực nông thôn, việc thanh toán qua ngân hàng không có điểm, quầy. Các ngân hàng chủ yếu ở mặt đường lớn, tập trung ngoài đường, khu vực phát triển, nên khó khăn trong việc chuyển đổi hình thức thanh toán. Chưa kể, ngân hàng chỉ làm việc trong giờ hành chính, ngoài giờ muốn đóng tiền cũng khó.

Bên cạnh đó, mặc dù Chính phủ đã có đề án thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó có yêu cầu xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích thanh toán điện tử trong lĩnh vực điện, nước, internet nhưng đến nay vẫn chưa ban hành cơ chế chính thức.

Ông Phạm Tiến Dũng kể, nhiều lần qua Hàng Châu (Trung Quốc) thấy bất ngờ với phương thức thanh toán tại đây. Ông đã không mua được bất cứ thứ gì bằng tiền mặt, đành phải nhờ bạn có ví điện từ Alipay mua được vài món đồ. “Không ít siêu thị không cho trả tiền mặt và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc nói là 3 năm để họ làm được việc đó. Ngay cả những người kéo đàn rong kiếm tiền ngoài phố cũng cài thẻ POS lên ngực. Cho bao nhiêu tiền thì chìa điện thoại ra ấn và thế là xong”, ông Dũng nói.

Thậm chí, tất cả những cửa hàng nhỏ đều có POS, những cửa hàng phở trước đây bán 200 bát nhưng khai thuế 100 bát thì khi triển khai phương thức thanh toán mới, nhà nước lờ đi 100 bát kia không truy thu để tạo thói quen thanh toán không tiền mặt cho người dân.
Nguyễn Hoài
VNF



Comments

Popular posts from this blog

Xin hỏi định nghĩa về thoái thu và thoái chi??

Dề Thi Vietinbank - 10 dề (cập nhật 2020)

Học việc, thử việc tại ngân hàng: Cuộc sống muôn màu