Khi xử lý nợ xấu được gỡ bớt vướng mắc, trao thêm quyền năng

Khi xử lý nợ xấu được gỡ bớt vướng mắc, trao thêm quyền năng

29/08/2018

Một năm sau khi triển khai Nghị quyết 42 và Quyết định 1058, ngành Ngân hàng đã thành công trong việc xử lý và bán đấu giá nhiều tài sản lớn tồn đọng nhiều năm, đặc biệt là các tài sản bảo đảm là bất động sản bao năm bị bỏ hoang, dãi nắng dầm mưa do vướng mắc về cơ chế, gây lãng phí nguồn lực cho xã hội. Nghị quyết 42 và Quyết định 1058 ra đời trao thêm quyền năng cho ngành ngân hàng để xử lý nợ xấu, mang lại giá trị cho doanh nghiệp, hệ thống ngân hàng và cả nền kinh tế. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá: “Sự vào cuộc với bản lĩnh, trách nhiệm, thái độ chuyên nghiệp, cầu thị của Ban Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), sự nỗ lực cao của hệ thống TCTD, cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc của các cấp ngành đã mang lại kết quả hết sức tích cực”.
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh: tỷ lệ nợ xấu toàn ngành cho thấy xử lý nợ xấu thực chất hơn. Các chính sách tiền tệ cũng đã được NHNN điều hành đồng bộ, linh hoạt, đạt được nhiều mục tiêu, trong đó, thành tựu nổi bật là ổn định được kinh tế vĩ mô, diễn biến tỉ giá, lãi suất tích cực trong bối cảnh thế giới đầy khó khăn, biến động, nhưng hệ thống các ngân hàng Việt Nam vẫn được nâng mức xếp hạng tín nhiệm, hiệu quả hoạt động của các ngân hàng tăng lên ấn tượng…
Khuôn khổ pháp lý mang tính lịch sử
Tiêu biểu cho hiệu quả của Nghị quyết 42 và Quyết định 1058 là việc VAMC xử lý thành công các tài sản đảm bảo “đắp chiếu” chờ... cơ chế trong nhiều năm. Riêng năm 2017 và 8 tháng đầu năm 2018, VAMC đã xử lý được 48.017 tỷ đồng (gần bằng tổng giá trị xử lý nợ của cả 4 năm trước đó). Trong khi đó, Agribank cũng áp dụng quyền xử lý đối với các tài sản đảm bảo là bất động sản trên cả nước, xử lý được 60.105 tỷ đồng nợ xấu của 145.290 khách hàng... đều nhờ những tháo gỡ của các văn bản quy phạm nói trên.
Đó là một vài trong số rất nhiều kết quả có thể nhìn thấy được của ngành Ngân hàng sau một năm triển khai Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Đề án cơ cấu lại các Tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 ban hành theo Quyết định số 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Quá trình đi vào thực tiễn tuy chưa dài, nhưng những định hướng chính sách vĩ mô, giải pháp tháo gỡ trong hai văn bản quy phạm trên đã tạo ra những dấu ấn rõ nét và chuyển biến tích cực trong công tác xử lý nợ xấu và công tác cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 -2020.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định: khung khổ pháp lý để cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu được Quốc hội, Chính phủ ban hành hiện nay có ý nghĩa lịch sử đối với sự phát triển của ngành ngân hàng. Thực tế cho thấy, Nghị quyết 42 và Quyết định 1058 đã mang lại niềm tin đối với ngành ngân hàng, người dân và doanh nghiệp trong xử lý nợ xấu. “Các khung khổ pháp lý ban hành hiện nay có ý nghĩa lịch sử của hoạt động ngân hàng, thể hiện tư duy, tầm nhìn của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và có sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh. Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu được ban hành cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Quốc hội. Cùng với việc sửa đổi bổ sung Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi năm 2017 trở thành công cụ quan trọng trong tái cơ cấu hệ thống và xử lý nợ xấu. Ông cũng đánh giá cao vai trò của NHNN với thái độ chuyên nghiệp, bản lĩnh, tận tuỵ quyết định sự thành công của cơ cấu lại các TCTD trong giai đoạn vừa qua, mặc dù kinh tế thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, tác động tới nền kinh tế trong nước.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chỉ đạo tại Hội nghị
Theo Phó Thủ tướng, khi triển khai Nghị quyết 42 và Luật các tổ chức tín dụng năm 2017, ngoài một số thuận lợi thì những khó khăn, phức tạp của bối cảnh kinh tế thế giới thời gian vừa qua cũng là những thách thức lớn. “Tuy nhiên, với cách thực hiện chỉ đạo của chúng ta rất quyết liệt nên một năm đã đạt được những kết quả hết sức tích cực, căn bản tạo tiền đề cho thời gian tới tự tin bước tiếp”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định.
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng khẳng định: “Những kết quả đạt được trong thời gian qua đối với xử lý nợ xấu là rất tích cực. Nhìn lại quá trình từ khi triển khai xây dựng tới ban hành có thể thấy chúng ta hoàn thiện khuôn khổ pháp lý trong một thời gian ngắn”, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, trên cơ sở Nghị quyết 42 và Luật các TCTD, NHNN đã ban hành các văn bản, thông tư hướng dẫn để đảm bảo tính minh bạch, tăng cường kiểm soát nội bộ, cải thiện môi trường kinh doanh cho hoạt động ngân hàng. Thống đốc cũng đánh cao sự phối hợp giữa ngành Ngân hàng với các Bộ, ngành để triển khai đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu và xử lý nợ xấu.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đóng vai trò là đơn vị chỉ đạo, triển khai việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH17, đồng thời là đơn vị chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương liên quan tổ chức triển khai thực hiện. Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh khẳng định: đến nay, hầu hết các phương án cơ cấu lại của các TCTD đã được NHNN phê duyệt; kết quả cơ cấu lại và xử lý nợ xấu của các TCTD bước đầu đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Đó là năng lực tài chính của các TCTD được củng cố, vốn điều lệ tăng dần; Năng lực quản trị điều hành của các TCTD từng bước được nâng cao để tiệm cận với thông lệ quốc tế; Tính minh bạch trong hoạt động của các TCTD từng bước được cải thiện; Chất lượng tín dụng được nâng cao cùng với các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh đã góp phần quan trọng giảm tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các TCTD; Công tác thanh tra, giám sát được tăng cường đã góp phần ngăn chặn, phát hiện và xử lý kiên quyết các rủi ro và sai phạm của TCTD, thúc đẩy các TCTD triển khai nghiêm túc, có hiệu quả Quyết định 1058.
Trong khi đó, ông Nghiêm Xuân Thành – Chủ tịch Hội đồng Quản trị ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) ví von: các khuôn khổ pháp lý nói trên đã thổi một luồng sinh khí mới vào hệ thống ngân hàng, một liều thuốc hữu hiệu cho nợ xấu, khơi thông nguồn mạch máu cho ngành Ngân hàng, tạo sự đồng thuận lớn trong xã hội trong việc chung tay xử lý nợ xấu của ngành Ngân hàng. Đồng thời, ông Nghiêm Xuân Thành nhấn mạnh, nhờ công tác truyền thông tích cực, hiệu quả của NHNN, xã hội đã hiểu hơn về nợ xấu, đó là: Nợ xấu không chỉ phát sinh từ ngành ngân hàng, mà chủ yếu xuất phát từ thị trường, do tình hình sản xuất kinh doanh của khách hàng bị suy giảm, nhiều doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, phá sản, một số khách hàng bất hợp tác, thiếu thiện chí trong việc trả nợ ngân hàng. Do đó, giải quyết nợ xấu không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành Ngân hàng, mà còn là trách nhiệm của các cơ quan quản lý các cấp và của khách hàng.
Đồng tình với các nhận định nói trên, ông Nguyễn Hồng Vân, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên đánh giá cao sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành và địa phương trong việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, tạo tiền đề quan trọng thực hiện các chỉ tiêu về xử lý nợ xấu, cơ cấu lại các TCTD mà Quốc hội giao. 
Xử lý nợ xấu đi vào thực chất và những con số biết nói
Theo báo cáo của ông Nguyễn Văn Du, Phó Chánh Thanh tra, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, hiện nay, năng lực tài chính của các TCTD được củng cố, vốn điều lệ tăng nhanh dần qua các năm: Tính đến 30/6/2018, vốn điều lệ của toàn hệ thống ước đạt 519,01 nghìn tỷ đồng, tăng 1,3% so với cuối năm 2017, tăng 6,3% so với cuối năm 2016. Vốn chủ sở hữu của toàn hệ thống ước đạt 720,43 nghìn tỷ đồng, tăng 9,1% so với cuối năm 2017, tăng 21,1% so với cuối năm 2016. Cùng với đó, chất lượng tín dụng được cải thiện: Các giải pháp xử lý nợ xấu được triển khai đồng bộ cùng với các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng tín dụng và giảm tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các TCTD. Bên cạnh đó, Nghị quyết 42 bước đầu đã tạo điều kiện quan trọng góp phần xử lý nợ xấu tại các TCTD, đến cuối tháng 6/2018 tỷ lệ nợ xấu so với so với tổng nợ là 2,09%, giảm so với thời điểm 31/12/2016 (2,46%). Đến 30/6/2018, hệ thống TCTD đã xử lý được 138,29 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh phát biểu tại Hội nghị
Nhờ được trao thêm nhiều quyền năng cho cả phía ngân hàng cũng như các cơ quan chức năng như công an, tòa án, chính quyền địa phương, lũy kế đến hết 15/8/2018, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) phối hợp với các TCTD xử lý nợ đạt 98.976 tỷ đồng/ 309,711 tỷ đồng đối với các khoản nợ mua bằng TPĐB. Đặc biệt sau khi có Nghị quyết 42, chỉ sau một năm, VAMC đã xử lý nợ tương đương tổng giá trị cả 4 năm trước đó. Trong khi đó, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đã hoàn thành vượt mức kế hoạch năm 2018. Từ ngày 15/8/2017 đến ngày 15/8/2018, Agribank đã xử lý được 60.105 tỷ đồng nợ xấu của 145.290 khách hàng.
Thông tin từ Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), tính đến 31/7/2018, Techcombank cơ bản đã hoàn thành và vượt kế hoạch một số chỉ tiêu về tài chính so với kế hoạch năm 2018 đã đề ra, xử lý nhanh và dứt điểm nợ xấu. Đến hết ngày 14/8/2018, Techcombank đã xử lý được hàng ngàn tỷ đồng khi áp dụng các biện pháp xử lý nợ theo Nghị quyết 42, cụ thể, đã tiến hành 253 lượt xử lý tài sản bảo đảm là Bất động sản, 34 xe ô tô để chuyển bán đấu giá...
Ở các địa phương, tác động của Nghị quyết số 42, Quyết định 1058 cũng thể hiện rất rõ. Đơn cử, theo bà Nguyễn Thị Thu Thu – Giám đốc NHNN chi nhánh Nghệ An, tại tỉnh này, từ 15/08/2017 đến 30/6/2018, hoạt động xử lý nợ xấu của các TCTD đã đạt được những kết quả tích cực, xử lý được 752 tỷ đồng các khoản nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42.
Đánh giá về những số liệu xử lý nợ xấu, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định: “Xử lý nợ xấu đã thực chất hơn”. Ông cũng khẳng định: qua đó hệ thống ngân hàng đã được gia cố chắc chắn hơn.
Tận dụng tối đa quyền năng được trao khi xử lý nợ xấu
Để có được những con số nói trên là nhờ những tháo gỡ của Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng là hướng đến mục tiêu pháp điển hoá những quy định cụ thể về xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng, nâng cao vai trò, năng lực của (VAMC). Bên cạnh đó, Nghị quyết hướng tới xử lý các vướng mắc, khó khăn liên quan đến hành lang pháp lý về xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm các khoản nợ của tổ chức tín dụng, tạo cơ chế đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, khả thi, triệt để, kiểm soát chặt chẽ các khoản nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm các khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, đảm bảo các tổ chức tín dụng tiếp tục phát huy tốt vai trò là kênh dẫn vốn chủ đạo và đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế.
Ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) phấn khởi với những kết quả ban đầu: “Có những khoản nhiều năm không xử lý được đồng nào, nay giải quyết được trên 90%”, ông Đông nói. Trước hết, thông qua Nghị quyết 42, quyền chủ nợ của VAMC, TCTD được khẳng định và bảo vệ thông qua các quy định rõ ràng về quyền xử lý tài sản; quyền ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ khi xử lý TSBĐ của khách hàng, bên bảo đảm, quan hệ của chủ thể là đối tượng đi vay và người đi vay trở về đúng bản chất của giao dịch dân sự kinh tế, “có vay phải có trả”. Qua đó, VAMC và các TCTD đã tự tin hơn trong hoạt động xử lý nợ xấu, nợ xấu được xử lý nhanh chóng, thực chất và hiệu quả hơn. Ông Đông cho biết: “Kể từ khi có Nghị quyết 42, sự phối hợp giữa VAMC, các TCTD với các cấp các ngành, từ trung ương đến địa phương trong hoạt động xử lý nợ xấu có chiều hướng tích cực và hiệu quả hơn, đặc biệt trong công tác xử lý, chuyển nhượng tài sản bảo đảm (TSBĐ)”.
Các đại biểu phát biểu tại Hội nghị
Nâng cao ý thức của khách hàng trong việc trả nợ, ý thức chấp hành pháp luật và thái độ hợp tác của khách hàng với VAMC, các TCTD trong việc xử lý TSBĐ cũng tích cực hơn nhờ Nghị quyết 42. Thực tế cho thấy, có nhiều khoản nợ trước đây khách hàng chây ỳ, không trả nợ, VAMC đã áp dụng các biện pháp xử lý theo khung khổ pháp lý mới, khách hàng đã có động thái hợp tác trả nợ.
Cũng theo ông Nguyễn Tiến Đông, Nghị quyết 42 còn tạo động lực, khuyến khích các TCTD bán nợ xấu cho VAMC theo giá trị thị trường. Đối tượng và hoạt động mua, bán nợ xấu của VAMC cũng được mở rộng hơn, VAMC được bán nợ xấu cho các tổ chức, cá nhân bao gồm cả pháp nhân không có chức năng kinh doanh mua, bán nợ. Điều đó chứng tỏ quy định cho phép các tổ chức, cá nhân được mua khoản nợ xấu theo Nghị quyết 42 đã đi vào cuộc sống, thu hút rộng rãi nguồn lực xã hội tham gia xử lý nợ xấu.
Không chỉ đối với VAMC, ngay từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, các TCTD cũng đã được “cởi trói” nhiều vướng mắc và tận dụng các điều khoản của Nghị quyết để thực hiện xử lý nợ xấu hiệu quả. Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đã áp dụng nhiều quyền được trao trong Nghị quyết 42 như chuyển khoản nợ xấu đã bán bằng trái phiếu đặc biệt theo giá thị trường, xử lý tài sản là dự án bất động sản, thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản, quyền có thủ tục rút gọn tại tòa... Cùng với quá trình xử lý nợ xấu, Agribank đã chủ động sử dụng các biện pháp điều chỉnh lãi suất, miễn giảm lãi suất...
Như vậy, có thể nói, nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng, Chính phủ, sự nỗ lực, quyết liệt của ngành Ngân hàng và sự phối hợp của các Bộ, ngành, địa phương, sau một năm thực hiện, Đề án 1058 và Nghị quyết 42 đã được triển khai nghiêm túc, đúng mục tiêu, định hướng và đạt được kết quả bước đầu trong việc tạo điều kiện thuận lợi thực hiện cơ cấu lại và xử lý nợ xấu của các TCTD.
Thoa Lê










Comments

Popular posts from this blog

Học việc, thử việc tại ngân hàng: Cuộc sống muôn màu

Xin hỏi định nghĩa về thoái thu và thoái chi??