Các chuyên gia, nhà quản lý đề xuất giải pháp thanh toán dịch vụ công hiệu quả
Các chuyên gia, nhà quản lý đề xuất giải pháp thanh toán dịch vụ công hiệu quả
24/08/2018
Các chuyên gia, các nhà quản lý đề xuất các nhóm giải pháp
tập trung vào 3 vấn đề cốt lõi, đó là: Hoàn thiện hệ thống pháp lý trong việc
thanh toán dịch vụ công để thúc đẩy việc thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng;
Đẩy mạnh hạ tầng thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng giúp hiện đại hóa các
hình thức thanh toán, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội và người dân;
Đặc biệt là nâng cao ý thức người dân trong việc thanh toán dịch vụ công khi
thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng bằng cách đẩy mạnh công tác truyền thông
sâu rộng để người dân hiểu và thay đổi thói quen để những lợi ích và tiện dụng
của việc thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng.
Trong những năm gần đây, bên cạnh
việc thanh toán dịch vụ công theo các phương thức truyền thống bằng chứng từ
giấy, còn có nhiều phương thức thanh toán mới, hiện đại, dễ sử dụng cho khách
hàng lựa chọn như: dịch vụ trích nợ tự động, thanh toán thẻ, giao dịch tại ATM,
POS, sử dụng dịch vụ internet banking, mobile banking, sử dụng ví điện tử... Để
đẩy mạnh và phổ biến hơn nữa việc thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng, các
doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng và các nhà quản lý đã đưa ra các giải pháp
hữu hiệu.
Ngày 23/02/2018, Thủ tướng Chính phủ
đã ký Quyết định số 241/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân
hàng đối với các dịch vụ công: thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả
các chương trình an sinh xã hội (Đề án 241) với mục tiêu đẩy mạnh thanh toán
dịch vụ công và chi trả an sinh xã hội qua ngân hàng góp phần xây dựng Chính
phủ điện tử, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng của nền kinh tế và
phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. Thực hiện chủ trương, định hướng của
Chính phủ, thời gian qua NHNN đã chủ động nghiên cứu và phối hợp chặt chẽ với
các Bộ, Ngành, đơn vị liên quan xây dựng các cơ chế, chính sách, chương trình
nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt nói chung cũng như thanh toán dịch
vụ công nói riêng; đồng thời, chỉ đạo các tổ chức tín dụng đầu tư hạ tầng,
nghiên cứu phát triển đa dạng sản phẩm dịch vụ thanh toán tiện ích, kết nối với
các cơ quan liên quan (Thuế, Hải quan, Kho bạc Nhà nước, Điện lực, Bảo hiểm xã
hội, Bệnh viện,..), đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng trong thanh toán đối
với dịch vụ công.
Nâng cấp hạ tầng, đồng bộ cơ sở vật chất
Các đơn vị đang thực hiện chi, trả,
thanh toán dịch vụ công qua các ngân hàng đã nghiên cứu và tổng kết từ thực
tiễn triển khai và đưa ra những hướng giải quyết cho các vấn đề hiện tại, nhằm
thuận tiện cho người sử dụng dịch vụ, tiết kiệm chi phí, thời gian và nguồn lực
xã hội, giảm sử dụng tiền mặt theo Đề án thanh toán không dùng tiền mặt.
Đại diện ngành Bảo hiểm, đơn vị chi
trả các chế độ cho người dân, ông Phạm Thanh Du, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính Kế
toán – Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất các giải pháp để ngành Bảo hiểm chi trả
qua hệ thống ngân hàng có hiệu quả hơn, trong đó, đáng chú ý là việc đẩy mạnh
cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, hạn chế sử dụng tiền
mặt.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam đặt ra mục
tiêu tiến đến chấm dứt hình thức thu tiền điện tại nhà, do đó, ông Nguyễn Quốc
Dũng, Trưởng ban Kinh doanh – Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, thời
gian tới, EVN xây dựng chính sách phát triển thanh toán trực tuyến theo từng
đối tượng khách hàng, triển khai thanh toán trực tuyến qua web và ứng dụng OTT
chăm sóc khách hàng, quảng bá thanh toán qua Ví điện tử. Đồng thời, để tạo sự
hấp dẫn đối với khách hàng, EVN cũng sẽ có những ưu đãi như không thu phí thanh
toán tiền điện bằng hình thức trích nợ tự động, bố trí nhân viên hướng dẫn,
quảng bá khách hàng sử dụng dịch vụ, đặc biệt ở các huyện nông thôn, miền núi
chưa có mạng lưới ngân hàng.
Bộ Y tế rất quan tâm tới vấn đề thúc
đẩy dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Theo thống kê của bộ Y tế, hàng năm
Bộ này thu khoảng 100.000 tỉ từ viện phí, phí bảo hiểm y tế trong đó dù tiền
thanh toán của BHXH được thực hiện qua ngân hàng nhưng lượng tiền viện phí trả
bằng tiền mặt là rất lớn. Do đó, Bộ Y tế rất muốn cải cách để triển khai
mạnh mẽ chủ trương của Chính phủ. Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế
hoạch Tài chính, Bộ Y tế khẳng định: Nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền
mặt, các bệnh viện phải có cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin trong khi đầu tư
của nhà nước cho các bệnh viện rất thấp, không đủ tiền nâng cấp hệ thống. Ông
Liên đề nghị NHNN phối hợp cùng Bộ Y tế và kiến nghị Chính phủ cho phép gửi
tiền viện phí, tiền bảo hiểm y tế vào ngân hàng để các bệnh viện có thể chủ động
hơn trong việc thu chi đồng thời các ngân hàng cũng cần đồng bộ hệ thống để
người dân tiện lợi hơn trong quá trình thanh toán bởi người dân không chỉ khám
ở một bệnh viện.
Là ngân hàng tiên phong trong việc
triển khai dịch vụ thanh toán với các công ty cung cấp dịch vụ công (điện,
nước, viễn thông, truyền hình…), các đơn vị hành chính công, hành chính sự
nghiệp, các khách hàng doanh nghiệp (KHDN) đặc thù, Vietinbank đã và đang tìm
ra các giải pháp có hiệu quả hơn nữa cho hoạt động này. Do đó, bà Trần Thị Hồng
Anh, Giám đốc Trung tâm Phát triển sản phẩm & Marketing –VietinBank kiến
nghị hoàn thiện hành lang pháp lý để các đơn vị có đủ cơ sở hợp tác với các
ngân hàng trong việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt đồng thời
từng bước nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật của các đơn vị cung cấp dịch vụ công.
Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia
Việt Nam (NAPAS) trong vai trò là trung tâm chuyển mạch quốc gia, cung ứng
hạ tầng thanh toán điện tử cho các ngân hàng, các trung gian thanh toán, các
đơn vị hành chính công, ông Nguyễn Đăng Hùng, Phó tổng giám đốc NAPAS phân tích
các giải pháp thanh toán cho dịch vụ công. NAPAS mong muốn Chính phủ, các cơ
quan chức năng ban hành chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ triển khai dịch
vụ công cấp 4; đồng bộ cơ sở hạ tầng, hệ thống công nghệ thông tin nhằm quản lý
dữ liệu tập trung; phân công, phân nhiệm rõ ràng cho đầu mối phụ trách tại các
đơn vị dịch vụ công; đồng thời phối hợp với NAPAS, các ngân hàng và tổ chức
tiền gửi thanh toán tổ chức truyền thống.
Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế chính sách
Từ ý kiến của các đơn vị nói trên,
với vai trò là những người làm quản lý nhà nước và các cơ quan tham mưu, hoạch
định chính sách, lãnh đạo các cơ quan nhà nước và đại biểu Quốc hội đã đưa ra
những giải pháp tổng thể, mang tính định hướng nhằm đẩy mạnh thanh toán dịch vụ
công qua ngân hàng trở nên phổ biến và thuận lợi hơn trong thời gian tới.
Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc cách
mạng công nghiệp 4.0, việc ứng dụng công nghệ số đang ngày càng được chú trọng,
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh khẳng định: Bên cạnh việc hoàn thiện những
sản phẩm, dịch vụ thanh toán hiện có, hầu hết các ngân hàng thương mại cần
nghiên cứu để triển khai thêm các dịch vụ thanh toán mới, hiện đại dựa trên nền
tảng ứng dụng công nghệ thông tin và viễn thông, bảo đảm an toàn, tiện lợi, đáp
ứng tốt hơn nhu cầu thanh toán của khách hàng, hướng tới việc cung cấp dịch vụ
tài chính với chi phí rẻ và thân thiện, tạo điều kiện cho người thu nhập thấp
và khách hàng ở khu vực vùng sâu, vùng xa cũng có thể tiếp cận sử dụng dịch vụ
tài chính ngân hàng nói chung và dịch vụ thanh toán nói riêng.
Ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ
Thanh toán NHNN - cho rằng, trước hết cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và cơ
chế chính sách về thanh toán qua ngân hàng và tiếp tục thực hiện tốt
công tác đảm bảo an ninh an toàn trong thanh toán. Thêm vào đó là triển khai
ứng dụng thêm các hình thức, phương thức thanh toán qua ngân hàng tiên
tiến, hiện đại phù hợp với đặc thù thanh toán của mỗi loại hình dịch
vụ công. Mở rộng hợp tác giữa các đơn vị cung ứng dịch vụ công với
các ngân hàng, tổ chức cung ứng giải pháp thanh toán; đẩy nhanh khả năng
kết nối, trao đổi thông tin dữ liệu giữa đơn vị cung ứng dịch vụ
công với ngân hàng.
Bàn về vấn đề này, ông Bùi Sỹ Lợi,
Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đề xuất các nhóm giải pháp.
Trước hết, ngành Ngân hàng tiếp tục cập nhật và áp dụng các biện pháp tiên tiến
bảo đảm an ninh, an toàn cho các hệ thống thanh toán, các sản phẩm dịch vụ
thanh toán; đồng thời tăng cường sự giám sát của cơ quan quản lý, sự phối hợp
giữa ngân hàng với các đơn vị liên quan trong công tác đảm bảo an ninh, an
toàn. Thứ hai, trước những phương thức và thủ phạm mới của tội phạm trong hoạt
động thanh toán, ngành Ngân hàng cần tiếp tục kiểm tra thường xuyên, rà soát,
bổ sung và hoàn thiện các quy trình nghiệp vụ, quy định nội bộ về an ninh, bảo
mật hệ thống công nghệ thông tin của các đơn vị cung cấp dịch vụ nhằm hạn chế
các rủi ro; đồng thời phát hiện sớm các vi phạm để chấn chỉnh đảm bảo tuân thủ
các quy định về an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán.
Thứ ba, Trong thời gian qua NHNN đã
quyết liệt yêu cầu các tổ chức tín dụng tăng cường hoạt động kiểm tra, rà soát
hoạt động của hệ thống máy giao dịch tự động (ATM) và dịch vụ thanh toán đặc
biệt trong các dịp lễ tết để đảm bảo hoạt động thanh toán an toàn và thông
suốt. Thời gian tới, NHNN tiếp tục đẩy mạnh chỉ đạo hoạt động kiểm tra, rà soát
hệ thống máy ATM và thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán (POS); tăng cường hệ
thống đảm bảo an toàn, bảo mật cho các giao dịch qua ATM, POS và các giải pháp
xác thực khách hàng để phòng, chống các hành vi gian lận; chủ động theo dõi và
xử lý kịp thời những vướng mắc, sai sót; đồng thời có biện pháp khuyến cáo, hướng
dẫn khách hàng phòng tránh các rủi ro, thủ đoạn gian lận.
Ông Lợi lưu ý, cần nâng cao nhận
thức, trách nhiệm của các tổ chức cung cấp dịch vụ công và người dân về thực
hiện giao dịch thanh toán qua ngân hàng, bao gồm các khoản thuế, các loại hóa
đơn định kỳ (điện, nước, học phí) và viện phí, chi trả an sinh xã hội qua ngân
hàng. Đồng thời, cần sự phối hợp chặt chẽ và vào cuộc của các Bộ, Ngành, địa
phương, đơn vị liên quan trong việc xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách
nhằm thúc đẩy việc thanh toán các dịch vụ công qua ngân hàng.
Tăng cường công tác truyền thông
Có rất nhiều ý kiến đề xuất giải
pháp, trong đó, các giải pháp về đẩy mạnh truyền thông được đặc biệt chú trọng.
Bà Trần Thị Hồng Anh, Giám đốc Trung tâm Phát triển sản phẩm & Marketing
–VietinBank đề xuất các bộ, ngành có liên quan tăng cường công tác tuyên
truyền, có cơ chế khuyến khích người dân, doanh nghiệp tăng cường sử dụng dịch
vụ thanh toán không dùng tiền mặt.
Ông Bùi Sỹ Lợi khẳng định: đẩy mạnh
công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng bằng nhiều hình thức phong
phú, đa dạng, phù hợp với đặc điểm của từng nhóm đối tượng, từng vùng, miền,
đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, khu vực nông thôn nhằm nâng cao khả năng tiếp
cận dịch vụ ngân hàng, dịch vụ thanh toán trong nền kinh tế, thúc đẩy các hình
thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Xuất phát từ thực tiễn triển khai,
đại diện lãnh đạo ngành Bảo hiểm rút ra kết luận, một giải pháp vô cùng quan
trọng, đó là vai trò của việc tuyên truyền, vận động, khuyến khích người hưởng
lương hưu, trợ cấp BHXH nhận chế độ qua tài khoản cá nhân, phù hợp với điều
kiện và nhu cầu của người thụ hưởng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ, phối
hợp với Bưu điện các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục đẩy mạnh
việc triển khai, mở rộng hình thức chi trả lương hưu trợ cấp BHXH hàng tháng
qua tài khoản cá nhân. Nếu không có công tác truyền thông sâu, rộng, việc đẩy
mạnh thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng khó đạt hiệu quả cao.
Truyền thông phổ biến kiến thức tài
chính là vấn đề được các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam rất quan
tâm. Do vậy, bà Lê Thị Thuý Sen - Phó Vụ trưởng Vụ truyền thông NHNN Việt Nam
nhấn mạnh: Trong thời gian tới, các chương trình truyền thông phổ biến kiến
thức tài chính, ngân hàng của NHNN hướng đến người dân tại khu vực vùng sâu,
vùng xa để hỗ trợ họ trong việc tiếp cận dịch vụ ngân hàng, tránh bị kẻ xấu lợi
dụng do thiếu thông tin; đồng thời hướng đến giới trẻ nhằm nâng cao ý thức
trách nhiệm, kỹ năng quản lý tài chính cá nhân, tạo thói quen tài chính tốt
trong cộng đồng xã hội.
Theo bà Thúy Sen, Vụ Truyền thông
Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện nhiều chương trình truyền thông để nâng cao
hiểu biết, thói quen và hành vi của người sử dụng dịch vụ tài chính để làm sao
dễ hiểu, tiết kiệm và phù hợp nhất. Trong các chương trình truyền hình như
“Tiền khéo tiền khôn; Những đứa trẻ thông thái”, Vụ Truyền thông NHNN đã đặc
biệt tập trung đến khu vực nông thôn, nơi có ít thông tin về tài chính nhằm
thay đổi thói quen sử dụng dịch vụ tài chính ở khu vực chiếm 70%, 80% dân số.
Mục tiêu là thay đổi thói quen, hành vi, tạo thói quen tốt trong xã hội, trong
đó tập trung vào giới trẻ. Vụ Truyền thông cũng tập trung nghiên cứu các kinh
nghiệm của quốc tế, đặc điểm dân cư, thói quen, để thực hiện các dự án của
mình. Bên cạnh đó, với sự cố gắng của mình, Ngân hàng Nhà nước còn cần sự phối
hợp của các cơ quan liên quan về thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng để cùng
nhau thực hiện mục tiêu phát triển toàn diện cho xã hội.
Thoa Lê
Comments
Post a Comment