Vốn tự có ở khối ngân hàng lớn


Tăng vốn không dễ

Với việc phải chia cổ tức bằng tiền mặt, các ngân hàng lớn đang đối mặt với khó khăn để duy trì và nâng cao vốn chủ sở hữu của mình.

Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp NHNN cho biết, cơ quan này đã có ý kiến về việc chia cổ tức năm 2017 bằng tiền mặt của Vietcombank.

Cụ thể, với 8.849 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế năm 2017, sau khi Ngân hàng trích lập các quỹ, trả thù lao… tương ứng 2/3 lợi nhuận được phép phân phối, 2.878 tỷ đồng còn lại được chia cổ tức bằng tiền mặt theo tỷ lệ 8% cho cổ đông. Với việc Nhà nước sở hữu 77,11% vốn điều lệ, Vietcombank sẽ chuyển về ngân sách nhà nước khoảng 2.219 tỷ đồng trong thời gian tới.

Tương tự, trong năm 2017, BIDV đạt lợi nhuận sau thuế 6.946 tỷ đồng, Ngân hàng cũng đã trình Đại hội đồng cổ đông phương án chia cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 7%, tương đương số tiền dự chi là 2.393 tỷ đồng.

Ngoài Vietcombank và VietinBank, Nhà nước đang sở hữu phần lớn cổ phần tại BIDV với tỷ lệ 95,28% vốn. Như vậy, BIDV sẽ chuyển về ngân sách nhà nước khoảng 2.280 tỷ đồng cổ tức.

Còn nhớ cách đây hai năm, để tăng vốn, BIDV và VietinBank đã thông qua quyết định chia cổ tức năm 2015 bằng cổ phiếu. Tuy nhiên, sau đó, Bộ Tài chính đã có công văn đề nghị NHNN chỉ đạo hai ngân hàng này chia cổ tức bằng tiền mặt và nộp toàn bộ số cổ tức được chia vào ngân sách.

Sau một hồi “nhùng nhằng”, không chỉ cổ tức của VietinBank, BIDV, mà cả cổ tức của Vietcombank đều phải chia bằng tiền mặt, nộp về ngân sách nhà nước từ đó đến nay.
 
Để nâng cao năng lực tài chính, ngoài việc giữ lại cổ tức, các NHTM có vốn nhà nước còn có thể tăng vốn thông qua hình thức như bán cổ phần cho nhà đầu tư trong nước và ngoài nước. Tuy nhiên, theo chủ tịch một ngân hàng, “câu chuyện kêu gọi vốn trong nước thời điểm hiện nay là vô cùng khó khăn. Làm sao có đủ tiền để “chồng” ngay lập tức với NHNN. Chỉ còn trông đợi vào nhà đầu tư nước ngoài”.

Bà Nguyễn Thùy Dương, Phó tổng giám đốc phụ trách Khối Dịch vụ tài chính EY Việt Nam cho biết, rất nhiều ngân hàng Việt Nam hiện nay đang có ý định kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài và xem đây là con đường ngắn nhất để tăng vốn, vì rất khó để tìm được tổ chức trong nước có khả năng rót nhiều nghìn tỷ “tiền tươi” để đầu tư vào ngân hàng.
 
Cụ thể, BIDV đang trong quá trình thương thảo với Ngân hàng Hana KEB trong thương vụ trở thành nhà đầu tư chiến lược; hoặc Vietcombank đang tìm kiếm nhà đầu tư nước ngoài làm cổ đông lớn để lấp đầy chỗ trống khi mới chỉ có 15% tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.

Kể từ khi thương vụ bán 7,7% vốn cho Quỹ đầu tư quốc gia của Singapore GIC (năm 2016) bất thành do không thống nhất được giá, Vietcombank cũng chưa tăng được vốn. Tuy nhiên, thông tin phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán được biết, đến thời điểm hiện nay, nút thắt về giá bán đã phần nào được giải quyết và hy vọng thương vụ của Vietcombank sớm được hoàn tất. Tương tự, BIDV cũng đang “thấp thỏm” trông đợi sự phê duyệt của Chính phủ.

Vốn tự có của khối NHTM nhà nước tăng trưởng âm

Tính đến ngày 31/5/2018, vốn tự có của khối ngân hàng thương mại nhà nước, dựa trên báo cáo cân đối tài khoản kế toán, báo cáo thống kê tháng 5/2018 của NHNN cho biết, vốn tự có của khối NHTM nhà nước có số tuyệt đối là 252.472 tỷ đồng, so với cuối năm 2017 giảm 0,86%. Trng khi đó, khối NHTM cổ phần có tổng vốn tự có là 315.340 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng là 8,50%.

Lý giải về tốc độ tăng trưởng âm 0,86% của vốn tự có tại khối ngân hàng thương mại nhà nước, vị lãnh đạo NHNN cho biết, do khối NHTM nhà nước hiện nay ngoài Agribank, Vietinbank, Vietcombank, BIDV thì gần đây còn “gánh” thêm 3 ngân hàng “0 đồng”: CB, GPBank, Oceanbank.

“Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV hiện rất khó khăn trong việc tăng vốn, chưa kể một số ngân hàng trên trong các năm trước phát hành trái phiếu tăng vốn cấp 2 nên theo Thông tư 36 sửa đổi, mỗi năm trừ 20% phần trái phiếu dài hạn đã phát hành do tổ chức tín dụng (TCTD) khác nắm giữ, dẫn đến tốc độ tăng trưởng vốn tự có âm”, vị lãnh đạo NHNN nói.

Cụ thể, Thông tư 19 sửa đổi lần thứ 2 Thông tư 36 được ban hành vào ngày 28/12/2017, quy định giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12/2/2018.

Theo đó, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) được sửa đổi, bổ sung cấu phần và cách xác định cấu phần vốn tự có, hệ số rủi ro của một số khoản phải đòi.

NHNN quy định mới cấu phần tính vốn cấp 2 bằng việc loại trừ phần nợ thứ cấp do TCTD khác phát hành. Biện pháp này theo thị trường đánh giá sẽ khiến các TCTD không thể mua công cụ nợ do TCTD khác phát hành, nhằm làm tăng vốn ảo cho những bên liên quan tham gia mua bán. Những trường hợp tăng vốn cấp 2 theo cách này nay không được tính vào sẽ cần nhanh chóng bổ sung thêm để đảm bảo hệ số CAR tối thiếu 9%.

Cùng với đó, hệ số rủi ro khi tính CAR đối với một số khoản mục cũng có thay đổi như các khoản phải đòi TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác từ 20% lên 50%, để đảm bảo tính minh bạch trong việc cho vay lẫn nhau giữa các TCTD hay tài sản có là trái phiếu do DATC phát hành có hệ số rủi ro 20%, thay vì 0% trước đó.

Rủi ro hệ thống

Cũng theo báo cáo thống kê tháng 5/2018 của NHNN cho biết, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của khối NHTM nhà nước là 9,39%, trong khi của khối NHTM cổ phần là 11,34%.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, nếu không khẩn trương tăng vốn và tình trạng này tiếp tục kéo dài thì rủi ro ngày càng lớn. Nguyên do bởi, tuân thủ theo chuẩn mực của Basel II, các ngân hàng sẽ phải hạch toán đúng chi phí, nợ xấu và những khoản vay rủi ro sẽ “ăn” vào vốn tự có của khối NHTM nhà nước, vốn đã thấp sẽ còn thấp hơn.

Trong khi đó, 4 ngân hàng có vốn nhà nước chiếm tỷ trọng khoảng 1/2 tổng tài sản và 40% hoạt động của toàn hệ thống ngân hàng nên vốn không tăng, thậm chí giảm sẽ đưa cả hệ thống vào rủi ro.

“Không tăng được vốn, các NHTM nhà nước sẽ không được tăng tổng tài sản có rủi ro, khó tăng trưởng tín dụng, khó giữ vững thị phần và đương nhiên không thể thực hiện được nhiệm vụ cung ứng vốn cho nền kinh tế. Điều này cũng đồng nghĩa với việc giảm vai trò trụ cột trong hệ thống”, vị lãnh đạo NHNN nói.

Để tránh những rủi ro này, TS. Hiếu cho rằng, Nhà nước nên nhanh chóng thoái vốn khỏi các NHTM có vốn nhà nước để vốn tư nhân đổ vào các ngân hàng chủ lực này.
 
Cũng theo TS. Hiếu, Nhà nước vẫn có thể giữ tỷ lệ chi phối tại các ngân hàng này như đưa xuống mức tối đa là 51%, còn lại bán ra thị trường để có thêm vốn.

“Bên cạnh đó, hãy để cho các ngân hàng giữ lợi nhuận để tăng vốn một cách “sinh học trong cơ thể”. Không tăng vốn trong khi nợ xấu không nhỏ và có những món mất vốn 100% sẽ tiếp tục xói mòn vốn của nhà nước. Nhà nước cần tìm nguồn khác để thay thế nguồn lợi tức đến từ các ngân hàng có vốn nhà nước để các ngân hàng được giữ lại vốn sử dụng trong hoạt động”, ông Hiếu nói.





Comments

Popular posts from this blog

Học việc, thử việc tại ngân hàng: Cuộc sống muôn màu

Xin hỏi định nghĩa về thoái thu và thoái chi??