Là “dân ngoại dạo” nhảy vào ngân hàng, tôi đã biết tìm kiếm cơ hội trong khó khăn [Nghề Tài chính Ngân hàng: Thử thách và Vinh quang]



Vào ngân hàng, các cô chú đồng nghiệp đều hỏi tôi con nhà ai? Tại sao vào được phòng tín dụng? Còn ông trưởng phòng thì ca mãi bài ca không biết bao giờ thôi: Vào phòng này hai ba bằng còn đứng ngoài cửa, học sinh mới mở mắt, biết làm cái gì.

LTS: Chúng tôi xin giới thiệu bài dự thi của tác giả Trần Văn Nhất gửi tới cuộc thi viết về Nghề Tài chính Ngân hàng: Thử thách và Vinh quang do Cafef phối hợp với báo Trí thức trẻ tổ chức.
-----------------
Gần đây, rất nhiều người bạn của tôi phàn nàn rằng nghề ngân hàng đúng là tệ, bạc, và nguy hiểm. Có thể, những vụ án hình sự với các hình phạt nghiêm khắc, áp lực thu hồi nợ xấu … đã tác động không nhỏ đến tâm lý của người làm nghề ngân hàng. Nhưng đối với tôi nghề ngân hàng đã cho tôi cơ hội để hoàn thiện bản thân và vươn tới cái đẹp. Nghề ngân hàng có nhiều thử thách, mỗi thử thách là một bài kiểm tra. Cả đời là chuỗi những bài kiểm tra, nội dung cơ bản của bài kiểm tra không thay đổi, nhưng mỗi người có phương pháp giải riêng. Khi vượt qua một bài kiểm tra là vượt qua một thử thách, thử thách mới lại xuất hiện, lại vượt qua, mỗi lần vượt qua là bản thân được hoàn thiện.

Tôi xin vào được ngành ngân hàng cũng do quen biết. Các cô chú đồng nghiệp đều hỏi con nhà ai? Tại sao vào được phòng tín dụng? Còn ông trưởng phòng thì ca mãi bài ca không biết bao giờ thôi: Vào phòng này hai ba bằng còn đứng ngoài cửa. Học sinh mới mở mắt, biết làm cái gì.

Tôi vốn là con út trong một gia đình đông con. Từ bé tới lớn chỉ biết ăn, biết học, biết chơi. Ấy vậy mà khi đó, tôi dậy từ 5 giờ sáng, đạp xe hơn 10 cây số để đến xách xô nước từ tầng 1 lên tầng 2, đun nước, pha trà và chờ ông trưởng phòng ăn sáng xong, rửa tay. Chữ nhẫn đã đi vào tôi từ ngày đó.

Suốt hai năm trời tôi chỉ là cậu bé sai vặt: Viết báo cáo, tổng hợp số liệu, chuẩn bị cho ông trưởng phòng đi họp và theo các cô các chú đi lấy số liệu của khách hàng vay vốn. Chính những công việc này đã cho tôi tích lũy thông tin một cách chi tiết thực trạng vay trả của từng khách hàng và thực trạng dư nợ của ngân hàng. Đối với ông trưởng phòng thì mọi việc phải được thực hiện luôn và ngay. Để thực hiện công việc được nhanh chóng tôi tự đi học tin học văn phòng nên không còn bỡ ngỡ, mà rất thành thạo khâu chế biến copy từ bản này sang bản khác. Thế là chấp ông ngay và luôn, lúc nào tôi cũng có luôn và ngay. Số liệu tín dụng của ngân hàng chỉ có tôi là nắm rõ hơn tất cả những cán bộ khác trong phòng. Ông trưởng phòng không thể thiếu được tôi. Từ quát mắng ông phải chuyển sang nhẹ nhàng. Tuy vậy, ông vẫn không quên tôi chỉ là cậu bé mới ra trường và dân ngoại đạo (không phải con cháu trong ngành ngân hàng). Áp lực công việc đã cho tôi sáng tạo.

Rồi một ngày đẹp trời ông trưởng phòng tuyên bố cán bộ phòng này không thể ngồi chơi, ai cũng phải cho vay và thu hồi nợ kể cả người như tôi. Tôi mừng thầm trong bụng, nhưng mặt vẫn lạnh te như không có gì liên quan tới mình. Đến phần phân công phụ trách khách hàng, các cô chú, anh chị lâu nay nhận hết các khách hàng quan hệ tốt. Ông hỏi vậy các công ty có nợ quá hạn để ai. Tôi chớp ngay cơ hội nói to để cháu. Ông đồng ý. Mọi người ai cũng vui, đặc biệt người cho vay phát sinh nợ quá hạn. Tôi đã biết tìm kiếm cơ hội trong khó khăn.

Tôi lao vào công việc cả ngày lẫn đêm. Tôi đến từng khách hàng, ngồi chơi, nói chuyện với Giám đốc, kế toán trưởng. Qua câu chuyện tôi đã thu thập được nhiều thông tin mà trong báo cáo tài chính không thể có. Tôi biết được nguyên nhân sâu xa dẫn tới nợ quá hạn. Tất cả thông tin đó giúp tôi hiểu rõ hơn, chính xác hơn thực trạng của doanh nghiệp. Tôi cũng nhận ra rằng cần phải có kiến thức và hiểu rõ nghiệp vụ kế toán, thuế thì mới có thể đánh giá được chính xác số liệu trong hồ sơ vay vốn. Đồng thời, để thẩm định được hồ sơ vay vốn cần phải có kiến thức và hiểu biết nhất định về ngành nghề kinh doanh của khách hàng. Đơn giản nhất khi nhận được phương án kinh doanh nhập khẩu hàng hóa thì phải nắm rõ nhu cầu của hàng hóa này trên thị trường, sự biến động của tỷ giá ngoại tệ trong tương lai, chính sách thuế, cơ chế quản lý đối với hàng hóa nhập khẩu . v.v.. Phức tạp hơn là một dự án sản xuất thì phải có kiến thức cơ bản về công nghệ, sản phẩm, thị trường, thủ tục đầu tư, đánh giá hiệu quả kinh tế .v.v.. Tín dụng đã cho tôi kiến thức tổng hợp.

Thế rồi tôi cũng trở thành người quan trọng trong mắt khách hàng. Đón tiếp tôi thường là kế toán trưởng, Phó Giám đốc, Giám đốc. Trong các buổi họp, liên hoan, tiệc đều được giới thiệu và bố trí bàn trên, nơi trang trọng nhất. Thậm chí có nhiều cuộc họp được mời phát biểu. Ngân hàng không thể phát biểu một cách chung chung mà phải cụ thể. Phát biểu của ngân hàng thường được đại đa số những người tham dự cuộc họp lắng nghe. Vì vậy, nội dung phát biểu phải được chuẩn bị một cách kỹ càng, lời lẽ văn minh lịch sự. Tôi được gặp nhiều quan chức, nhiều doanh nhân và tôi đã học được rất nhiều điều tốt ở họ. Mối quan hệ của tôi ngày càng được mở rộng và phong cách càng được hoàn thiện.

Tôi đã trở thành người thân của khách hàng. Tôi không chỉ được mời trong các cuộc họp liên quan tới kinh doanh mà được mời tham dự cả sinh nhật, cưới hỏi, tất niên … Và đương nhiên sau đó là phong bì, là các bữa tiệc tại nhà hàng sang trọng cùng với các món ăn đắt tiền. Các cụ nói lâu rồi cũng thành quen. Cái quen hưởng thụ này dễ trở thành nhu cầu và là nhu cầu cần thiết. Đây có lẽ là thử thách khó khăn nhất. Một đề bài dễ giải, nhưng cũng nhọc nhằn để thực hiện được phương pháp giải tối ưu nhất. Sự cám dỗ đã nhắc nhở tôi biết dừng chân đúng lúc, đúng chỗ.

Trong những năm 90 của thế kỷ trước, cho vay món nào là cũng bị thanh tra kiểm tra. Không thanh tra ngành thì thanh tra nhà nước và thậm chí công an. Ngày đó mấy cái từ cố ý làm trái, thiếu trách nhiệm, lừa đảo luôn ám ảnh khi cho vay. Đi đêm phải tự tìm lấy đuốc. Tốt nhất quyết tìm hiểu luật. Một hồ sơ vay vốn của khách hàng liên quan tới rất nhiều quy định của pháp luật. Đó là các quy định về pháp nhân, cá nhân, đại diện theo pháp luật, đại diện theo ủy quyền, thẩm quyền của Chủ tịch Hội đồng quản trị khi phê duyệt phương án kinh doanh, giới hạn quyền của Giám đốc doanh nghiệp khi ký Hợp đồng tín dụng với ngân hàng, hình thức bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, công chứng đối với nhà xưởng của tổ chức khi thế chấp…Tôi cảm ơn nghề ngân hàng đã đưa tôi đến với ngành luật.

Tôi đã từng gặp rất nhiều lần tình huống không muốn cho vay nhưng vẫn phải ký. Ký không phải do ai đó ép buộc mà nhiều khi chỉ đơn giản là cần giải ngân để đạt kế hoạch tăng trưởng tín dụng hoặc vốn đang thừa hoặc khách hàng đó là khách hàng truyền thống và hàng ngàn lý do khác. Sau nhiều lần chết hụt tôi nhận thấy rằng cần học cách từ chối và không thể vì lợi ích trước mắt mà đổi lấy rủi ro lâu dài.

Bây giờ tôi hành nghề tư vấn. Tôi luôn là người đầu tiên mà bạn bè, người thân, người quen nghĩ đến khi gặp khó khăn trong quản lý kinh doanh. Đó là kết quả từ sự chắt chiu, lượm nhặt, gom góp, tích lũy từ khi hành nghề ngân hàng.

Nghề tín dụng là đem tiền đi đổi lấy những tờ giấy. Người làm tín dụng là người không có tiền nhưng lại có quyền với rất nhiều tiền. Đây chính là cội nguồn phát sinh ra các thử thách. Còn kết quả vinh quang hay nguy hiểm là tùy thuộc vào mỗi người.

Trần Văn Nhất
Theo Trí thức trẻ


https://www.facebook.com/vietnambankers/posts/2171335899566144
Lan Anh Chuẩn luôn! Đi lên từ trong những khó khăn sẽ làm con người nhanh trưởng thành. Đừng nghĩ là không được gì, ngược lại được rất nhiều kinh nghiệm và trải nghiệm, chẳng tiền nào có thể mua được. Còn cứ chăm chăm được gì mới làm, chưa làm đã nghĩ đến lợi lộc tầm thường...thì muôn đời không thể phát triển được!


Vivian Ngo Chỉ ở nhg tp lớn thì còn thấy trọng năng chứ ở tỉnh thì ko $$$ với gốc thì đừng mơ lọt vòng gửi xe, có bằng & kinh nghiệm nhìu cũng vứt. Còn có thì bằng tc du lịch, bằng 12, ko kinh nghiệm còn vào đc. TD mà hỏi UV nhà có nhiêu tài sản, BĐS... Là đủ xoắn r :v 😆
 


Byo Pham Khó khăn không tự nó sinh ra, cũng ko tự nó mất đi!
Nó chỉ nhảy từ việc này sang việc khác mà thôi :))






Comments

Popular posts from this blog

Học việc, thử việc tại ngân hàng: Cuộc sống muôn màu

Xin hỏi định nghĩa về thoái thu và thoái chi??