Phụ nữ ngân hàng và 4 chữ “lắm [Nghề Tài chính Ngân hàng: Thử thách và Vinh quang]




Với kinh nghiệm gần chục năm trong nghề Ngân hàng, Tôi không dám nói mình đã giỏi và hiểu biết hết tất cả nhưng Tôi khẳng định với các bạn trẻ rằng các bạn cần tạo nên thương hiệu của bản thân để có được một công việc tốt, ổn định cuộc sống, và được cống hiến thỏa sức niềm đam mê tuổi trẻ của mình.

LTS: Chúng tôi xin giới thiệu bài dự thi của hai tác giả Trần Thụy Thùy Dương- công tác tại LienVietPostBank chi nhánh Tây Ninh gửi tới cuộc thi viết về Nghề Tài chính Ngân hàng: Thử thách và Vinh quang do Cafef phối hợp với báo Trí thức trẻ tổ chức.
---------------
28 tuổi, Tôi mới bước chân vào ngành Ngân hàng bằng chính thực lực của mình. So với độ tuổi các bạn trẻ bây giờ thì Tôi quá “già” khi bén duyên vào ngành này. Tôi vào Ngân hàng đúng lúc ngành tài chính bắt đầu suy giảm khó khăn, không thưởng, chế độ lại ít. Nhưng lúc đó nhiệt huyết tuổi trẻ của Tôi rất tràn đầy nên mọi khó khăn đều có thể vượt qua, đến nay đã gần 10 năm công tác tại ngành ngân hàng với vị trí quản lý cấp trung, Tôi rất hài lòng với nghề của mình cho dù cái nghề cái nghiệp này có thăng trầm đi chăng nữa.

Và với chừng ấy năm trải nghiệm, tôi thấy rằng nghề ngân hàng có nhiều chữ “lắm”, trong đó riêng phụ nữ làm ngân hàng thì 4 chữ "lắm" cần phải đề phòng.

“Lắm vết đen”
 
Ấy là những góc khuất của nghề. Để bước chân vào Ngân hàng, nhiều người bắt đầu từ phong bì, Tôi không qui kết tất cả nhưng vào thời điểm của Tôi điều đó được mọi người xem là tất nhiên. Nhiều người khi được nhận vào làm thì sau đó không ít cán bộ tín dụng vòi vĩnh phong bì khi làm hồ sơ cho khách vay (có lẽ để lấy lại vốn ban đầu bỏ ra), dần dần tạo thành thói quen phải có tiền mới làm chứ không phải làm vì yêu nghề....

Năm 2003, Tôi và bạn bè đã gặp phải tình huống trên, khi một người quen trong Ngân hàng lớn nói rằng nếu Tôi muốn xin đi làm chi phí khoảng 15 triệu, tương đương bây giờ phải mất hơn 100 triệu gọi là tiền cafe, mặc dù gia đình lo được nhưng với Tôi số tiền đó rất lớn. Là sinh viên mới ra trường, Tôi luôn ấp ủ ước mơ màu hồng khao khát được làm việc, nhưng khi trao đổi tiền với công việc, Tôi có chút chạnh lòng vì thế Tôi tạm thời gác lại niềm yêu thích của mình để tìm môi trường khác vừa học hỏi kinh nghiệm và chờ cơ hội mới.

Tôi luôn tâm niệm rằng nếu gặp được sếp tốt thì chắc chắn nhân viên sẽ tốt, vài năm sau đó Tôi thật may mắn có cơ hội làm công việc mình yêu thích. Và đến bây giờ Tôi tự tin nói rằng dù đã từng có vết đen như kể trên, tuy vẫn còn những vết đen ở đâu đó trong một vài tổ chức, nhưng Ngân hàng bây giờ đã thay đổi rất nhiều: minh bạch, trong sạch khi tuyển dụng; nói “không” với phong bì. Vậy nên các bạn trẻ hãy tự tin vì bây giờ chỉ có năng lực, nhiệt huyết, có tâm với nghề thì mới tồn tại, còn nếu theo nghề này mà bạn đi ngược lại xu hướng đó thì chắc chắn với bạn rằng sớm muộn gì bạn cũng gặp rủi ro do chính mình tạo ra.

“Lắm cạm bẫy”
 
Là phụ nữ vì tính chất công việc có một số vị trí CBNV phải gặp gỡ khách hàng thường xuyên, đi tiếp khách cùng họ, nếu gặp khách hàng nữ thì không vấn đề gì, còn khách hàng nam tùy theo đối tượng mà mình tham gia có nên đi hay không. Gặp trường hợp này, các bạn phải có kỹ năng khi đi một mình, và điều này khi vào làm bạn sẽ được cấp trên đào tạo, ngược lại không có kinh nghiệm hãy đi cùng với sếp.

Lắm cám dỗ”
 
Ngày nào cũng được tiếp xúc với tiền, một số cán bộ kho quỹ không có tâm trong nghề nghiệp dễ gây lòng tham lợi dụng sự tin tưởng của đồng nghiệp cũng như cấp trên trong lúc đếm tiền sẽ làm mất một vài tờ tiền hoặc khi kiểm kho thì rút một vài tép trong bó tiền. Vì vậy để hạn chế việc này, từ CBNV đến sếp phải làm đúng theo qui trình, qui định của Ngân hàng thì chắc chắn không thể nào xảy ra rủi ro và tạo điều kiện cho lòng tham cám dỗ.

“Lắm rủi ro”
 
Đầu tiên là rủi ro từ nghiệp vụ; rủi ro từ lòng tham; rủi ro từ sức ép của cấp trên, khi cán bộ tín dụng cho vay do yếu kém trong nghiệp vụ thẩm định khách hàng thì dễ dẫn đến rủi ro nợ xấu. Rủi ro thứ hai xuất phát từ lòng tham vì muốn đạt chỉ tiêu, muốn kiếm tiền nhanh một số cán bộ tín dụng bất chấp qui định để cho vay. Và rủi ro thứ ba, cấp trên bắt ép nhân viên phải làm hồ sơ xấu thành tốt nếu không thì sẽ cho nghỉ việc.
 
Nếu bạn là nhân viên bạn xử lý như thế nào. Vấn đề này các bạn đừng lo ngại cứ sống đúng với phương châm của bản thân “Làm việc bằng cái tâm tiền từ từ cũng sẽ có”, mọi rủi ro sẽ qua hết vì những rủi ro Tôi kể trên là do chính bản thân con người tạo ra một cách chủ quan; không phải là rủi ro khách quan, nên chúng ta lường trước được. Rủi ro này không bao giờ tồn tại lâu nếu chúng ta được đào tạo bài bản, được làm việc trong môi trường tốt, gặp sếp tốt, và nếu ngược lại sức chúng ta không thể thay đổi được điều đó các bạn hãy mạnh dạn báo cáo cấp trên nếu vẫn không thay đổi được thì chính bản thân mình cứu lấy mình trước mà rời xa tổ chức chắc chắn những con sâu đó không thể tồn tại mãi mãi được.

Ngoài bốn chữ “lắm” cơ bản nêu trên, khi một nhân viên nữ nào bước chân vào Ngân hàng cũng đều gặp phải thì nên cạnh đó các bạn nữ còn nhiều áp lực hơn nam giới trong việc sắp xếp thời gian. Tại sao hiện nay một số Ngân hàng mạnh dạn thay đổi bộ mặt giao dịch viên là nam chứ không phải là nữ như trước đây?. Vì thời gian cho một nhân viên nữ chưa lập gia đình khi vào làm Ngân hàng chỉ khoảng 2 năm, và sau khi làm đủ 2 năm mới được kết hôn, nếu không như vậy thì bạn đã bị phạm qui ước với tổ chức sẽ ảnh hưởng đến thành tích thi đua xét thưởng bạn thường khộng được đánh giá cao khi trong thời gian mang thai vì hiệu suất công việc giảm hiệu quả.

Tôi nghĩ về việc này không riêng ngành Ngân hàng mà những ngành khác cũng vậy, khi bạn còn trẻ hãy cống hiến cho tổ chức trong một thời gian nhất định sau đó hãy đến bản thân vì chắc chắn thiên chức người phụ nữ không thể đánh đổi với công việc, công việc là lâu dài vì vậy chúng ta nên biết sắp xếp để làm tốt cả hai.

Với kinh nghiệm gần chục năm trong nghề Ngân hàng, Tôi không dám nói mình đã giỏi và hiểu biết hết tất cả nhưng Tôi khẳng định với các bạn trẻ rằng các bạn cần tạo nên thương hiệu của bản thân để có được một công việc tốt, ổn định cuộc sống, và được cống hiến thỏa sức niềm đam mê tuổi trẻ của mình.

Kinh nghiệm tôi đã xây dựng thương hiệu bản thân và thành công như ngày hôm nay là:

Thứ nhất, các bạn mới ra trường ưu điểm của các bạn là sức trẻ, đầy nhiệt huyết nên hãy sử dụng hết công suất của bản thân để tham gia công việc và các phong trào của tổ chức (Lúc này các bạn chưa vướng bận gì cả). Khi các bạn đã củng nhau tham gia các buổi picnic, hội thao, phong trào của Chi nhánh thì các bạn mới có cơ hội để phát triển tốt công việc, đã là tuổi trẻ thì phải năng động, sáng tạo không bị động, không tạo cho mình một hình tượng ù lì.

Thứ hai, thường xuyên tham gia cùng đồng nghiệp đi trước học hỏi kinh nghiệm, nên để bản thân mình cho đi rồi sẽ nhận lại sau, hãy công hiến trước hãy đòi hỏi thành quả.
Thứ ba, luôn luôn lắng nghe, xây dựng, đóng góp ý kiến không nên ỷ lại mình hiểu biết hơn người khác, nên khiêm tốn nhưng phải có chính kiến của bản thân.

Thứ tư, với khách hàng luôn giữ chữ tín một khi đã hứa với khách hàng thì phải thực hiện dù đôi khi thiệt thòi về bản thân. Với đồng nghiệp phải luôn là người nhà chân thành, không giả dối, tất cả mọi việc cư xử một cách chân thành thì các bạn sẽ nhận lại được trái ngọt dù không dễ dàng gì nhưng kết quả mang lại là cả một hành trình dài của bạn sau này, nếu không còn trong tổ chức khi ra ngoài vẫn còn thương hiệu của bản thân mà trước đây các bạn đã xây dựng. Với Tôi không có thương hiệu nào quan trọng bằng thương hiệu bản thân; không có kết quả ngọt ngào nào mà không trải qua rèn luyện, không có cuộc sống tình cảm nào bền vững bằng tình người.

Đôi khi các bạn cảm thấy những điều trên không dễ dàng gì để thực hiện vì các bạn còn trẻ tuổi nhưng hãy thực hiện đi rồi đến một thời gian nhất định các bạn sẽ có định hướng riêng của mình, đôi khi các bạn thấy mệt mỏi thấy như mình đang bị chậm lại hãy vui lên và nghĩ rằng chúng ta chậm lại vì chúng ta đang leo dốc để phát triển tiếp đấy.

Những chia sẻ của Tôi trên đây mang tình chất tương đối không đầy đủ hết ý, hi vọng những chia sẻ này ít nhiều để các bạn trẻ thấy rằng cuộc sống của chúng ta có rất nhiều việc để làm và cống hiến lắm. Tôi tự hào nói với các bạn rằng cho dù được lựa chọn lại lần nữa Tôi vẫn chọn nghề tài chính để làm và làm đến lúc Tôi già thì thôi.

Trần Thụy Thùy Dương- LienVietPostBank chi nhánh Tây Ninh
Theo Trí thức trẻ



Comments

Popular posts from this blog

Học việc, thử việc tại ngân hàng: Cuộc sống muôn màu

Xin hỏi định nghĩa về thoái thu và thoái chi??