Nghề ngân hàng – Dậm “mùi tiền” mà “tình” cũng không thiếu [Nghề ngân hàng: Thử thách và Vinh quang]





Học ngành ngân hàng, làm ngân hàng trong nhiều năm, cuối cùng bước ra khỏi ngành ngân hàng, tuy nhiên, cho đến nay, tôi cùng không ít đồng nghiệp cũ của mình luôn trân trọng những ngày tháng làm việc có thể nói là “lăn lê bò lết” đó. Chính nó đã tạo nên chúng tôi của ngày hôm nay – “lỳ đòn” và nhạy cảm với từng đối tượng khách hàng.

LTS: Ban tổ chức xin giới thiệu bài dự thi của bạn Huỳnh Thảo Thúy Vy, một cựu nhân viên ngân hàng Techcombank gửi tới cuộc thi viết "Nghề ngân hàng: Thử thách và Vinh quang".
-------------------
Tôi bắt đầu sự nghiệp ngân hàng ở vị trí chuyên viên khách hàng doanh nghiệp tại Techcombank – một trong những ngân hàng mà luôn được các đồng nghiệp của tôi thời đó đánh giá là “cực ơi là cực”, nhưng vui và học hỏi được rất nhiều thứ.

Làm ngân hàng, đặc biệt là tín dụng, không tránh khỏi những cám dỗ xung quanh. Chính những cái đầu không vững của cán bộ ngân hàng trước những cám dỗ đó đã gây nên nhiều hậu quả ở tầm vi mô lẫn vĩ mô. Dạo gần đây, không khó để chúng ta có thể đọc được nhiều thông tin tiêu cực liên quan đến ngân hàng. Chính vì vậy, ở đây, tôi xin phép không đề cập đến những tiêu cực đậm “mùi tiền” đó, mà muốn nói đến “cái tình” – mà chỉ những người làm ngân hàng chân chính mới có thể cảm nhận được hết.

Trong quá trình làm việc của mình, tôi may mắn được làm chung với những đồng nghiệp vô cùng nhiệt huyết, mà cho đến tận ngày hôm nay, tôi vẫn chưa quên được cái không khí sôi sục ngày đó. Chúng tôi có thể ở lại đến rất khuya, để cùng giúp nhau cho kịp thực hiện những khoản giải ngân, bảo lãnh hay L/C cho khách hàng. Hoàn thành được một món vay hay cấp hạn mức cho khách hàng đó là cả một sự phối hợp, tương tác, thậm chí đấu tranh nội bộ từ ôn hòa đến gay gắt của các nhân viên ngân hàng.

Những đồng nghiệp cũ của tác giả tại Techcombank (hình ảnh dự thi của tác giả)
Động lực nào giúp chúng tôi có thể sống hết lòng với nghề như vậy? Với tôi và những đồng nghiệp cũ, động lực đơn giản chỉ là lời cảm ơn từ các khách hàng doanh nghiệp mà chúng tôi đang quản lý. Động lực là khi anh/chị giám đốc công ty khách hàng thở phào nhẹ nhõm khi chúng tôi vừa kịp giải ngân tiền vay để họ thanh toán đúng hạn lô hàng nhập về hay trả lương cho nhân viên trong những ngày cận Tết. Động lực là khi năng lực của chúng tôi được thừa nhận, không phải ở số tiền mà chúng tôi nhận được, mà là ở niềm tin của khách hàng đặt trên vai chúng tôi, ở cái cách đơn giản chúng tôi được họ yêu thương qua từng hộp bánh hay từng quyển lịch.

Khách hàng của chúng tôi đa dạng từ những doanh nghiệp doanh thu ngàn tỷ, trăm tỷ, đến những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Mỗi doanh nghiệp đều có những nhu cầu riêng, chúng ta không được đặt nặng ai hơn ai khi đứng trước nhu cầu của doanh nghiệp. Tôi còn nhớ câu nói của một người sếp cũ mà tôi vô cùng kính trọng: “Tụi em làm việc với doanh nghiệp quen rồi, mở miệng ra là tiền chục tỷ, trăm tỷ, nhưng những khoản giải ngân chậm trễ chỉ cần vài trăm triệu thôi cũng có thể ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp”. Chúng tôi đã bị rầy la như vậy khi vô ý xem thường những khoản giải ngân nhỏ hay những khách hàng có quy mô không lớn.

Có tận mắt chứng kiến quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, mới thấy được những đóng góp không nhỏ của họ cho nền kinh tế dù là doanh nghiệp lớn hay nhỏ. Trong những ngày tháng miệt mài trong ngành ngân hàng, tôi đã có cơ hội được “lên rừng, xuống biển, leo cầu, lội suối” để đi đến thẩm định các doanh nghiệp với đủ mọi ngành nghề. Tôi học được không ít từ cách tiếp xúc, đánh giá, nhìn nhận, thẩm định vấn đề và đặc biệt, lớn hơn tất cả, là học được cách đồng cảm với doanh nghiệp và làm nghề một cách chân thành.

Cho đến ngày hôm nay, tôi không còn làm trong lĩnh vực ngân hàng nữa, mà đang đầu quân cho một công ty thương mại của Nhật. Khách hàng của tôi đều là những doanh nghiệp Việt Nam, đang nhập khẩu những sản phẩm do công ty tôi bán ra. Và tất cả họ đều đang phải sử dụng những phương thức thanh toán từ ngân hàng để phù hợp với yêu cầu của bên công ty tôi. Tại công ty này, tôi nhận được sự tin tưởng tuyệt đối từ khách hàng khi đối với họ, tôi không còn đơn thuần là người bán, mà là một người tư vấn nhiệt tâm, chân thành cho họ về những khoản vay, những dịch vụ hay phương thức ngân hàng mà họ nên áp dụng. Chính những kinh nghiệm và bản chất làm nghề được tích lũy qua bao năm làm ở ngân hàng đã giúp tôi rất nhiều ở công việc hiện tại.

Ngành nào cũng có cái hay, cái khó riêng. Tuy nhiên, ở ngành ngân hàng, cần đủ “tâm và tầm” thì mới có thể tồn tại một cách vinh quang được. Tôi rất mong các bạn sắp sửa bước vào ngành ngân hàng, hay chỉ mới manh nha ý nghĩa sẽ học ngành ngân hàng hãy tin tưởng vào những mặt tích cực của nghề này. Chúc các bạn thành công!

Huỳnh Thảo Thúy Vy
Theo Trí thức trẻ


Comments

Popular posts from this blog

Học việc, thử việc tại ngân hàng: Cuộc sống muôn màu

Xin hỏi định nghĩa về thoái thu và thoái chi??