Hồi sinh ngành Ngân hàng Campuchia trong ký ức Ban K

Hồi sinh ngành Ngân hàng Campuchia trong ký ức Ban K

16/05/2019

Từ ngày 17 đến 19/5/2019, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN Việt Nam) tổ chức gặp mặt những cán bộ ngân hàng được cử sang giúp Ngân hàng Quốc gia Campuchia (gọi tắt là Ban K) nhân dịp kỷ niệm 40 năm (1979 – 2019) tại TP Thanh Hóa. Cuộc họp mặt có ý nghĩa hết sức quan trọng này sẽ ôn lại kỷ niệm những năm tháng làm việc khẩn trương, không kể ngày đêm của các cán bộ ngành Ngân hàng trong công cuộc giúp nước bạn hồi sinh hệ thống Ngân hàng nói riêng và xây dựng đất nước Campuchia sau khi xóa bỏ chế độ cai trị của Khmer đỏ.

Các họa sĩ của NHNN có mặt ở Phnompenh để giúp Campuchia vẽ mẫu tiền
Nhiệm vụ quốc tế vẻ vang, cao cả
Kể từ khi thành lập cho đến nay, ngành Ngân hàng đã có nhiều đóng góp thầm lặng cho đất nước trong suốt chiều dài lịch sử để làm nên những huyền thoại. Đó là những ngân hàng không khóa trong lòng địch, đó là huyền thoại về con đường tiền tệ trong chiến tranh với những nhiệm vụ vô cùng khó khăn, thử thách và cả những hy sinh mất mát. Để thực hiện những nhiệm vụ cao cả ấy, các cán bộ ngân hàng cũng đồng thời cũng là những chiến sĩ trên mặt trận kinh tế - tài chính.
Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng đất nước, các cán bộ của ngành Ngân hàng cũng góp phần đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ quốc tế thiêng liêng và cao cả. Trong đó, đặc biệt kể đến những tháng ngày gian khổ, hy sinh của Đoàn cán bộ Ngân hàng được cử sang giúp Ngân hàng Quốc gia Campuchia (còn gọi là Ban K) trong giai đoạn từ năm 1979 cho đến năm 1988. Đóng góp của Ban K đã tạo nên một dấu ấn đáng nhớ trong lịch sử đất nước nói chung và ngành Ngân hàng nói riêng.
40 năm đã trôi qua, ký ức về những ngày tháng ấy không thể phai mờ trong tâm trí của những cán bộ - những chiến sĩ kinh tài và những việc làm của họ đã được ghi lại trong những trang sử trân trọng của ngành Ngân hàng Việt Nam cũng như Lịch sử ngành Ngân hàng Campuchia.
Nền kinh tế Campuchia sau khi giải phóng khỏi chế độ Pôn-pốt không có tiền tệ, không trụ sở ngân hàng, không kho bạc, lại càng không có cán bộ ngân quỹ, mọi giao dịch đều là “hàng đổi hàng”… Nhờ có đoàn chuyên gia Ngân hàng Việt Nam được cử sang giúp đỡ nước bạn từ 40 năm trước, nền tiền tệ của Campuchia đã được vực dậy từ con số 0. Đã có 3 chuyên gia Ngân hàng Việt Nam bị tàn quân Pôn-pốt đột kích trong hành trình thực hiện sứ mệnh quốc tế thiêng liêng ấy.
Đánh giá về điều này, các nhà sử học nhận định: 10 năm Việt Nam thực hiện nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia là quãng thời gian dài hơn cả cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đây là một nhiệm vụ chưa hề có trong lịch sử, cũng chưa từng có tiền lệ, đầy gian nan, vất vả nhưng hết sức cao cả, vẻ vang.
Ngày 7/1/1979, ngay sau khi Campuchia được giải phóng, Đảng và Chính phủ Việt Nam đã cử nhiều chuyên gia thuộc các ngành sang giúp thực hiện công cuộc hồi sinh đất nước, trong đó có công việc cực kỳ cấp bách là phát hành tiền và xây dựng lại hệ thống ngân hàng đã bị chế độ Khmer đỏ xóa sổ. Đoàn chuyên gia Ngân hàng đầu tiên của Việt Nam do ông Vũ Thiện, khi đó là Vụ trưởng Vụ phát hành lưu thông tiền tệ, NHNN Việt Nam đã có mặt tại thủ đô Phnompenh hoang tàn, đổ nát.
Khi ấy, tất cả các trụ sở Ngân hàng, nhà kho chứa tiền từ Phnompenh đến các tỉnh đều đã bị phá hủy hoặc dùng làm trại lính. Đồng Riel bị xóa bỏ, các nhân viên ngân hàng của chế độ cũ phần lớn bị giết, số còn lại bị đưa đi lao động khổ sai.
Trụ sở chính của Ngân hàng Quốc gia Campuchia bị Khmer đỏ phá hủy (năm 1979)
Tình hình khó khăn đến mức vào lúc ấy, Đảng và Nhà nước Campuchia chỉ có thể bố trí được 4 cán bộ để bắt tay cùng với các chuyên gia Ngân hàng Việt Nam tiến hành những công việc đầu tiên để xây dựng lại ngành Ngân hàng Campuchia.
Trong bối cảnh đó, tàn quân Pôn-pốt vẫn còn rơi rớt ở một số nơi, các chuyên gia Việt Nam vừa chạy đua với thời gian, vừa phải nắm chắc tay súng để tự bảo vệ mình trước những mối nguy hiểm rình rập khắp nơi.
NHNN Việt Nam đã cử những họa sỹ vẽ tiền có kinh nghiệm sang giúp nước bạn vẽ mẫu tiền. Với tay nghề và sự nỗ lực của các họa sĩ Việt Nam, chỉ sau gần 2 tháng, các mẫu tiền Riel mới đã hoàn thành với những hoa văn đậm nét văn hóa truyền thống của đất nước Chùa Tháp – Ăng-co. Tháng 10/1979, những đồng tiền Riel được in mới đã bí mật được vận chuyển từ Moscow về Phnompenh để đưa vào nền kinh tế.
NHNN Việt Nam còn cung cấp hầu hết phương tiện chuyên dùng về nghiệp vụ kho quỹ như két sắt giữ tiền, cánh cửa kho tiền với những ổ khóa đặc biệt chuyên dụng, in hàng tấn ấn chỉ chứng từ, thậm chí phải mang sang hàng tấn dây đay buộc tiền và vận chuyển về các địa phương để kịp thời phục vụ công tác phát hành tiền. Góp công sức lớn còn là hàng trăm học sinh trường Trung cấp Nghiệp vụ Ngân hàng Hà Bắc và đội ngũ phiên dịch, lái xe, công nhân giúp ngân hàng bạn khôi phục cơ sở vật chất, phương tiện… cho ngành Ngân hàng Campuchia.
Bên cạnh đó, Ban Lãnh đạo NHNN Việt Nam đã giao cho các Vụ, Cục chức năng nghiên cứu, soạn thảo các văn bản pháp quy về tiền tệ, tín dụng, thanh toán, ngoại hối… phù hợp với điều kiện cụ thể của Campuchia. Các cán bộ ta cũng góp công lớn trong việc kiện toàn hệ thống Ngân hàng Quốc gia Campuchia từ trung ương đến địa phương, thành lập Ngân hàng Ngoại thương Campuchia.
Xây nền móng ban đầu cho ngành tiền tệ Campuchia
Nhờ sự giúp đỡ của ta, Nhà nước Campuchia đã có đồng tiền Riel để hồi sinh đất nước, lưu thông hàng hóa, tiền tệ, trả sinh hoạt phí cho cán bộ, viên chức nhà nước và lực lượng vũ trang, cấp vốn cho ngành thương nghiệp thu mua hàng vạn tấn lương thực, hàng chục triệu đồng sản phẩm tiểu thủ công nghiệp và cho ngư dân vay nhiều triệu đồng để mua sắm phương tiện, sửa chữa tàu thuyền, khôi phục và phát triển nghề cá.
Phần lớn số cán bộ ngân hàng Campuchia sau khi được đào tạo đã nhanh chóng bắt nhịp với công việc, quyết tâm thực hiện thần tốc việc hồi sinh cho nền tiền tệ, tái thiết ngành Ngân hàng, đưa dòng vốn vào hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế. Trong số họ, có hai cán bộ đã được cử giữ chức Thứ trưởng, Phó Chủ tịch Ngân hàng Quốc gia Campuchia.
Trụ sở Ngân hàng Quốc gia Campuchia ngày nay
Từ chỗ sau ngày giải phóng, Nhà nước Campuchia không có một đồng ngoại tệ nào, đến năm 1986, hàng năm, Ngân hàng Campuchia đã có doanh số hoạt động ngoại tệ mạnh tới hàng triệu đô-la, có quan hệ thanh toán và quan hệ đại lý với ngân hàng của hàng chục nước đang phát triển. Từ 4 cán bộ cốt cán ban đầu, đến năm 1988, toàn hệ thống Ngân hàng Quốc gia Campuchia đã có biên chế lên tới hàng nghìn người.
Từ nền móng ban đầu ấy, ngành Ngân hàng Campuchia hiện nay ngày càng phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng hội nhập với thế giới và trở thành lĩnh vực huyết mạch của nền kinh tế Campuchia.
Tri ân những đóng góp của Ban K, ông Chea Chanto - Thống đốc Ngân hàng Quốc gia Campuchia bày tỏ: “Tôi xin chân thành cảm ơn nhân dân Việt Nam, Chính phủ Việt Nam và đặc biệt là các cựu chuyên gia ngân hàng Việt Nam đã từng ủng hộ, giúp đỡ và hợp tác tốt đẹp với tấm lòng, tình cảm và rất gần gũi với Ban Lãnh đạo, cán bộ, nhân viên của Ngân hàng Quốc gia Campuchia trong việc phục hồi và phát triển ngành tài chính – ngân hàng tại Campuchia đi đôi với sự tiến bộ của nền kinh tế Campuchia, thị trường tài chính khu vực và quốc tế. Tôi và các cộng sự của tôi đều nhớ mãi, nếu không có giai đoạn đó, chúng tôi không thể nào phát triển được hệ thống Ngân hàng tại Campuchia như bây giờ. Tôi mong rằng chúng ta sẽ tiếp tục duy trì mối quan hệ hợp tác này ngày càng tốt đẹp cả hiện tại và tương lai”.
Hiểu được lòng quả cảm, tinh thần trách nhiệm, sự hy sinh của các thế hệ cha anh đi trước, với lòng biết ơn và tri ân sâu sắc, Ban Lãnh đạo NHNN Việt Nam, đặc biệt là Thống đốc rất quan tâm đến các bác, các cô, các chú – những người đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho sự phát triển của ngành, sự phát triển hợp tác quốc tế và sự nghiệp giải phóng dân tộc của nước ta. Mỗi chiến công trong mặt trận kinh tài năm xưa là tấm gương sáng, thắp sáng lan tỏa trong hơn 200 nghìn cán bộ viên chức ngành ngân hàng ra sức rèn đức, luyện tài, nâng cao ý thức trách nhiệm và quyết tâm hành động, cố gắng vượt qua gian nan, vượt qua thách thức, làm việc trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo để góp phần xây dựng ngành Ngân hàng ngày càng phát triển, đóng góp xây dựng quê hương đất nước giàu mạnh.
Thực hiện chỉ đạo của Thống đốc, NHNN tổ chức chức gặp mặt những cán bộ ngân hàng được cử sang giúp Ngân hàng Quốc gia Campuchia (nhân dịp kỷ niệm 40 năm (1979 – 2019) tại TP Thanh Hóa. Cũng nhân dịp này, Vụ Truyền thông NHNN đã xây dựng một bộ phim tài liệu để dành tặng các bác, các cô chú cựu chuyên gia như một món quà để ôn lại truyền thống vẻ vang, đồng thời bày tỏ lòng biết ơn đối với thế hệ cha anh đi trước.
Thoa Lê

Comments

Popular posts from this blog

Học việc, thử việc tại ngân hàng: Cuộc sống muôn màu

Xin hỏi định nghĩa về thoái thu và thoái chi??