Hội thảo dào tạo IPAF lần thứ 6

Hội thảo đào tạo IPAF lần thứ 6

28/05/2019

Từ ngày 27- 28 /5/2019, tại Hà Nội, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) và Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) phối hợp tổ chức hội thảo đào tạo Diễn đàn các công ty quản lý tài sản công quốc tế (IPAF) lần thứ 6. Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia quốc tế, tổ chức thành viên IPAF.
https://www.sbv.gov.vn/webcenter/image/SBV394374/Web
Một trong những diễn giả trình bày tham luận tại Hội thảo đào tạo IPAF lần thứ 6
Diễn đàn IPAF là sáng kiến được đề xuất tại Hội nghị quốc tế về phát triển ngành tài chính toàn cầu do Bộ Tài chính Việt Nam phối hợp với ADB và Công ty Quản lý tài sản Hàn Quốc (KAMCO) tổ chức tại Hà Nội năm 2012.
Vào tháng 5/2013, IPAF chính thức được thành lập tại Seoul, Hàn Quốc gồm 7 thành viên sáng lập đến từ Việt Nam, Trung Quốc, Kazakhstan, Hàn Quốc và Thái Lan, trong đó DATC là đại diện của Việt Nam tham gia với vai trò thành viên sáng lập diễn đàn. Tính đến nay, IPAF có 13 thành viên, gồm 9 thành viên chính thức và 4 thành viên liên kết. Trong đó thành viên chính thức là những AMC công do Nhà nước làm chủ sở hữu và được Chính phủ sử dụng như là công cụ kinh tế để xử lý nợ/tài sản xấu.Thành viên liên kết là những tổ chức liên quan không nhất thiết phải hoạt động dưới hình thức AMC.
Kể từ khi IPAF được thành lập đến nay, các thành viên IPAF đã tổ chức 5 chương trình Hội thảo đào tạo tại các quốc gia Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Mông Cổ. Thông qua các chương trình Hội thảo đào tạo, các chuyên gia quốc tế, tổ chức thành viên IPAF đã có những cơ hội chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm thực tế, hữu ích trong lĩnh vực quản lý tài chính, mua bán, xử lý nợ xấu, từ đó đánh giá, đề xuất những giải pháp phù hợp trong công tác quản lý tài sản xấu với các nhà hoạch định chính sách của từng quốc gia, khu vực, qua đó nhằm đảm bảo ổn định tình hình tài chính – kinh tế vĩ mô.
Đại diện các thành viên IPAF tham dự Hội thảo đào tạo lần thứ 6
Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Hoàng Hải - Chủ tịch Hội đồng thành viên DATC cho biết, hiện nền kinh tế thế giới có nhiều diễn biến khó lường do căng thẳng thương mại leo thang, xu hướng bảo hộ mậu dịch gia tăng, nguy cơ xung đột vũ trang xảy ra đe dọa sự ổn định tài chính – kinh tế của từng quốc gia và khu vực, trong đó có khu vực châu Á. Chính vì vậy, hội thảo đào tạo IPAF lần này được tổ chức nhằm tập trung thảo luận, trao đổi và chia sẻ kiến thức trong lĩnh vực quản lý tài sản xấu để hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách của từng quốc gia, khu vực đưa ra những giải pháp cần thiết đảm bảo sự ổn định tài chính – kinh tế.
Theo chương trình, các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách về lĩnh vực tài chính, mua bán, xử lý nợ, quản lý tài sản được mời thuyết trình về những vấn đề tài chính tại châu Á. Tại hội thảo đào tạo IPAF lần thứ 6, chuyên gia ADB, chuyên gia quốc tế, đại diện thành viên IPAF sẽ tập trung bàn thảo, chia sẻ và trao đổi các nội dung quan trọng.
Cụ thể trong phiên về tổng quan sự ổn định tài chính kinh tế khu vực tại châu Á, đại diện thành viên IPAF và các chuyên gia chia sẻ về vai trò của công ty xử lý nợ (AMC) và vai trò của Chính phủ trong việc áp dụng mô hình AMC phù hợp. Trong đó, có giới thiệu bài học kinh nghiệm của châu Âu về cơ chế xử lý nợ, cũng như kinh nghiệm về việc chuyển đổi mô hình hoạt động từ công cụ của Chính phủ sang hoạt động theo cơ chế thị trường.
Quang cảnh Hội thảo
Trong phiên thảo luận ngày 28/5 với chủ đề về khuôn khổ pháp lý hiệu quả và sự phát triển của thị trường mua bán, xử lý nợ châu Á và Việt Nam, các diễn giả sẽ tập trung phân tích về mô hình hoạt động và cơ chế hình thành phát triển AMC công; xu hướng, chiến lược phát triển thị trường mua bán, xử lý nợ tại châu Á, trong đó có Việt Nam, qua đó phân tích vai trò của các AMC công trong việc tạo lập, dẫn dắt thị trường mua bán, xử lý nợ.
Phát biểu chào mừng tại phiên thảo luận ngày 28/5, Phó Tổng giám đốc VAMC Đỗ Giang Nam cho biết, tăng cường ổn định tài chính khu vực luôn là một mục tiêu mà các quốc gia thành viên tham gia Diễn đàn IPAF quan tâm hàng đầu. Hội thảo đào tạo được tổ chức với mong muốn từ những vấn đề diễn ra trong thực tiễn của các nước, chúng ta sẽ tiếp tục tìm tòi, áp dụng những kinh nghiệm từ thực tiễn để nâng cao nhận thức, hiểu biết về thị trường mua bán, xử lý nợ châu Á và Việt Nam, góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu ổn định tài chính khu vực.
Phó Tổng giám đốc VAMC cho biết thêm, các tham luận đã phản ánh nhiều góc nhìn khác nhau về những yếu tố ảnh hưởng đến sự ổn định tài chính tại châu Á, vai trò của các AMC, bài học kinh nghiệm về chuyển đổi mô hình hoạt động từ công cụ của Chính phủ sang hoạt động theo cơ chế thị trường, bài học kinh nghiệm về cơ chế xử lý nợ... Chúng tôi đánh giá cao và trân trọng cảm ơn các quý vị vì những đóng góp to lớn đó. “Với vai trò là thành viên đồng tổ chức Hội thảo đào tạo IPAF lần thứ 6, VAMC mong muốn thông qua Hội thảo giới thiệu với cộng đồng các thành viên trong Diễn đàn về hình ảnh đất nước, con người và môi trường, cơ chế mua bán xử lý nợ của Việt Nam trong xu thế đổi mới và hội nhập. Hội thảo là dịp để các đại biểu trao đổi, tiếp nhận thông tin, ý tưởng và chia sẻ kinh nghiệm, mở ra nhiều cơ hội hợp tác quan trọng trong lĩnh vực mua bán và xử lý nợ”, ông Nam nhấn mạnh.
Được biết, hội thảo lần này là hoạt động thường niên do ADB và thành viên giữ vai trò Chủ tịch luân phiên IPAF đồng tổ chức. Hội thảo được tổ chức với mục đích đào tạo chuyên môn cho cán bộ các đơn vị là thành viên IPAF. Tháng 11/2018, với vai trò là Chủ tịch luân phiên của IPAF, DATC đã chủ trì, phối hợp với ADB tổ chức Hội nghị thường niên và Hội nghị quốc tế Diễn đàn IPAF lần thứ 4 với chủ đề “Củng cố an ninh tài chính Châu Á và giải pháp thực hiện”, tại Thủ đô Hà Nội. Hội nghị đã tiếp đón hàng trăm khách mời tham dự đến từ các bộ, ngành, cơ quan trung ương, các tổ chức tài chính quốc tế, các tổ chức tín dụng, tổ chức xử lý nợ, chuyên gia trong nước và quốc.
NN


Comments

Popular posts from this blog

Học việc, thử việc tại ngân hàng: Cuộc sống muôn màu

Xin hỏi định nghĩa về thoái thu và thoái chi??