Thanh toán không dùng tiền mặt không ngừng được thúc đẩy và mở rộng trong nền kinh tế

Thanh toán không dùng tiền mặt không ngừng được thúc đẩy và mở rộng trong nền kinh tế

20/05/2019

Trong khuôn khổ cuộc họp báo Banking Vietnam 2019, ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết những kết quả ấn tượng ban đầu của Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020.

Ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN.
Theo đó, trong năm 2018 và những tháng đầu năm 2019, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) trong nền kinh tế chuyển biến theo chiều hướng tích cực, cụ thể là:
Cơ sở pháp lý về TTKDTM tiếp tục được hoàn thiện, NHNN đã trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành các văn bản QPPL và các cơ chế, chính sách về hoạt động thanh toán đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong lĩnh vực thanh toán; đẩy mạnh TTKDTM; đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán.
Hệ thống TTĐTLNH tiếp tục hoạt động an toàn, hiệu quả và thông suốt đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán liên ngân hàng trong toàn quốc. Trong Quý 1 năm 2019, Hệ thống TTĐTLNH đã xử lý 37,325 triệu giao dịch tương ứng với giá trị 20.691 nghìn tỷ đồng (tăng 22,99% về số lượng và 17,84% về giá trị so với cùng kỳ của năm 2018).
Cơ sở hạ tầng và công nghệ phục vụ TTKDTM tiếp tục được chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng và phát huy hiệu quả; đến cuối tháng 3/2019, trên toàn quốc có 18.668 ATM và 261.705 POS; POS được lắp đặt tại hầu hết các cơ sở, chuỗi phân phối, bán lẻ, khách sạn lớn, cơ sở y tế, bệnh viện, trường học...
Số lượng và giá trị giao dịch thanh toán nội địa của thẻ ngân hàng tiếp tục tăng, trong Quý I năm 2019 đạt 65 triệu giao dịch với tổng số tiền giao dịch là 171 nghìn tỷ đồng (tăng 18,45% về số lượng và 18,82% về giá trị so với cùng kỳ của năm 2017). Các NHTM đã tích hợp thêm nhiều tính năng vào thẻ ngân hàng để sử dụng thanh toán hàng hóa, dịch vụ; đồng thời, nâng cao chất lượng dịch vụ, độ an toàn thanh toán thẻ.
Thanh toán điện tử qua Internet, điện thoại di động đạt được kết quả đáng ghi nhận, thu hút số lượng lớn khách hàng sử dụng. Trong Quý I năm 2019, số lượng và giá trị giao dịch tài chính qua kênh Internet tăng 68,8% và 13,4% so với cùng kỳ năm 2018; số lượng và giá trị giao dịch tài chính qua kênh ĐTDĐ tăng 97,7% và 232,3 % so với cùng kỳ năm 2018. Các ngân hàng đã đưa các công nghệ mới, hiện đại vào hoạt động thanh toán, đẩy mạnh các hình thức thanh toán hiện đại, an toàn, tiện lợi, được người tiêu dùng đón nhận tích cực.
TTKDTM trong khu vực công không ngừng được thúc đẩy và mở rộng. Tính đến nay, hệ thống IBPS đã hoàn thành kết nối thanh toán điện tử liên ngân hàng tại 63 KBNN cấp tỉnh; đã có khoảng 50 ngân hàng thương mại hoàn thành kết nối với hệ thống nộp thuế điện tử của Tổng cục Thuế trên 63 tỉnh/thành phố.
Công tác thông tin, tuyên truyền về TTKDTM được chú trọng và phát huy hiệu quả, trong thời gian qua NHNN chủ động xây dựng nội dung, chương trình, phối hợp với các đơn vị liên quan tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức, sự hiểu biết về việc sử dụng các phương tiện TTKDTM đến người dân.
Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) trong nền kinh tế chuyển biến theo chiều hướng tích cực.
Về các định hướng, giải pháp đẩy mạnh TTKDTM trong thời gian tới, ông Nghiêm Thanh Sơn cho biết:
Thứ nhất, Tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng cơ chế, chính sách phát triển TTKDTM nói chung và trong lĩnh vực dịch vụ công nói riêng, như: Sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định TTKDTM; đang nghiên cứu, dự thảo một số thông tư về dịch vụ TGTT, việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại các TCCUVTT, về thu phí dịch vụ thanh toán qua TC CUVTT, về Quy chế cấp, sử dụng và quản lý mã tổ chức phát hành thẻ ngân hàng, cơ chế chia sẻ phí cho các giao dịch thanh toán thẻ nội địa trên ATM/POS.
Thứ hai, tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020 (Quyết định 2545/QĐ-TTg) và Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với việc thu phí các dịch vụ công như điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội (Quyết định 241/QĐ-TTg).
Thứ ba, nâng cấp hạ tầng thanh toán quốc gia; chỉ đạo triển khai Hệ thống thanh toán bù trừ tự động phục vụ các giao dịch bán lẻ (ACH), qua đó thiết lập hạ tầng thanh toán bán lẻ hiện đại, hoạt động hiệu quả, liên tục, phục vụ TTKDTM trong dân cư.
Thứ tư, đẩy mạnh thanh toán thẻ qua các thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán (POS); áp dụng các công nghệ, phương thức thanh toán hiện đại như mã phản hồi nhanh (QR code), mã hóa thông tin thẻ (Tokenization), thanh toán di động (mobile payment), thanh toán phi tiếp xúc (contactless)...
Thứ năm, triển khai các mô hình thanh toán tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa gắn với việc xây dựng và triển khai Chiến lược Quốc gia về Tài chính Toàn diện tại Việt Nam; Thúc đẩy thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ; tiếp tục chỉ đạo các TCCUVTT, TGTT tích cực triển khai cung ứng dịch vụ TTKDTM trong lĩnh vực dịch vụ công, đảm bảo kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia và Hệ thống một cửa điện tử của các Bộ, ngành, địa phương để tổ chức, cá nhân có thể thanh toán phí, lệ phí trực tuyến.
Thứ sáu, giám sát các hệ thống thanh toán đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả; tăng cường công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử; giám sát hoạt động các tổ chức cung ứng dịch vụ TGTT đảm bảo hoạt động đúng quy định.
Thứ bảy, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về TTKDTM, giáo dục tài chính; tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ thanh toán.
T.L
Ảnh: Đ.K


Comments

Popular posts from this blog

Học việc, thử việc tại ngân hàng: Cuộc sống muôn màu

Xin hỏi định nghĩa về thoái thu và thoái chi??