Dầu tư tín dụng hiệu quả phục vụ sản xuất nông nghiệp, nông thôn
Đầu tư tín dụng hiệu quả phục vụ sản xuất nông nghiệp, nông thôn
25/03/2019
Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, trong nhiều năm
qua, ngành Ngân hàng luôn xác định nông nghiệp, nông thôn là một trong các lĩnh
vực ưu tiên đầu tư vốn tín dụng và đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm
mở rộng tín dụng hiệu quả đối với lĩnh vực này. Xung quanh vấn đề này PV đã
trao đổi với TS. Đào Minh Tú- Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN).
Phó Thống đốc Đào Minh Tú |
PV: Xin ông cho biết các
giải pháp chỉ đạo, triển khai của ngành Ngân hàng thực hiện chủ trương của
Đảng, Nhà nước nhằm tạo điều kiện cho người nông dân và doanh nghiệp dễ dàng
tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng với lãi suất hợp lý?
TS. Đào Minh Tú – Phó Thống đốc NHNN: Nông nghiệp, nông
thôn có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, được Đảng, Nhà nước
hết sức quan tâm. Nghị quyết số 26-NQ/TW Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung
ương đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn đặt mục tiêu xây dựng
nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, xây dựng nông thôn
mới và không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân.
Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà
nước, trong nhiều năm qua, ngành Ngân hàng luôn xác định nông nghiệp, nông thôn
là một trong các lĩnh vực ưu tiên đầu tư vốn tín dụng và đã triển khai nhiều
giải pháp đồng bộ nhằm mở rộng tín dụng hiệu quả đối với lĩnh vực này. Cụ thể:
Một là, chủ động tham mưu trình Chính phủ
ban hành chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và
thường xuyên sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp với nhu cầu phát triển
mới. Theo đó, chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đã
được Chính phủ ban hành ngày 12/4/2010 (Nghị định 41/2010/NĐ-CP) với nhiều giải
pháp đặc thù mang tính đột phá, phù hợp với đặc điểm sản xuất kinh doanh ở khu
vực nông nghiệp, nông thôn, trong đó chính sách cho vay tín chấp với hạn mức
phù hợp là bước đột phá lớn nhằm tạo điều kiện cho người dân khu vực nông thôn
tiếp cận dễ dàng hơn với nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Chính sách này được sửa
đổi, bổ sung hoàn thiện vào năm 2015 (Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015)
và gần đây nhất là năm 2018 (Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018) với nhiều
điểm đột phá mới, như: (i) Mức cho vay không có tài sản bảo đảm đối với khách
hàng cá nhân, hộ gia đình đã được nâng lên gấp đôi so với năm 2015; (ii) Bổ
sung chính sách khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện đầu mối liên kết, ứng
dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; (iii) Hoàn thiện chính sách xử
lý rủi ro đối với khách hàng gặp khó khăn do nguyên nhân khách quan, bất khả
kháng; (iv) Bổ sung quy định về quản lý dòng tiền liên kết trong sản xuất nông
nghiệp, góp phần hạn chế rủi ro tín dụng và khuyến khích tổ chức tín dụng
đẩy mạnh cho vay...
Hai là, quy định trần lãi suất cho vay ngắn
hạn bằng VNĐ đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thấp hơn từ 1%-2% lãi suất
cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác, đồng thời triển khai nhiều chính
sách khuyến khích, hỗ trợ các TCTD mở rộng tín dụng nông nghiệp, nông thôn,
như: Thực hiện chính sách hỗ trợ về nguồn vốn cho các TCTD có tỷ lệ cho vay
nông nghiệp, nông thôn từ 40% trở lên; khuyến khích các TCTD mở rộng hoạt động
và phát triển thêm các gói sản phẩm tín dụng phù hợp ở khu vực nông nghiệp,
nông thôn, nhất là các khu vực có mạng lưới ngân hàng chưa phát triển... Trong
đó, khuyến khích phát triển mô hình ngân hàng lưu động, điểm giao dịch cấp xã
để đưa vốn và cung cấp dịch vụ ngân hàng đến tận tay người dân.
Ba là, chủ động cân đối nguồn vốn để đáp
ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và triển
khai nhiều chương trình tín dụng đặc thù góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, người
dân đầu tư phát triển một số mặt hàng nông sản thế mạnh của Việt Nam như lúa
gạo, thủy sản, cà phê...; khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công
nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết 30/NQ-CP của Chính phủ; hỗ trợ ngư
dân đóng mới, nâng cấp tàu phục vụ khai thác hải sản theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP;
hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ sản
xuất nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg,...
Bốn là, triển khai mạnh mẽ, sâu rộng chương
trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp nhằm tháo gỡ kịp thời các khó khăn,
vướng mắc trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, đặc biệt là đối với các
doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ cao, liên kết với nông dân trong sản xuất
nông nghiệp trên địa bàn nông thôn. Đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục vay vốn, đồng
thời niêm yết công khai, minh bạch các quy trình, thủ tục cho vay, rút ngắn
thời gian xét duyệt cho vay để doanh nghiệp, người dân khu vực nông nghiệp,
nông thôn được vay vốn một cách thuận lợi với thời gian nhanh nhất.
Năm là, quan tâm phát triển tín dụng phục vụ
đời sống cho người dân khu vực nông thôn, đặc biệt là ở các khu vực còn nhiều
khó khăn, vùng sâu, vùng xa, góp phần giảm nghèo bền vững và hạn chế tình trạng
tín dụng đen thông qua nhiều giải pháp đồng bộ như: tạo hành lang pháp lý cho các
TCTD, nhất là Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính
sách xã hội, hệ thống quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô mở rộng
tín dụng phục vụ nhu cầu tiêu dùng, cải thiện đời sống của người dân nông thôn;
phối hợp với các cấp Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và
các tổ chức chính trị - xã hội khác đưa vốn đến tận tay người dân một cách hiệu
quả nhất, giúp hàng triệu hộ nông dân được tiếp cận và sử dụng có hiệu quả
nguồn vốn vay ngân hàng...
Sáu là, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính
quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường công tác thông tin
tuyên truyền, phổ biến chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông
thôn đến các tổ chức, cá nhân, trong đó có chính sách tín dụng tiêu dùng phục
vụ đời sống.
Công
ty TNHH Nấm Phùng Gia (Bình Xuyên – Vĩnh Phúc), nhờ tiếp cận nguồn vốn ngân
hang đã phát triển sản xuất hiệu quả
PV: Thưa ông, với những
giải pháp và chính sách đồng bộ nêu trên đã mang lại những kết quả tích cực góp
phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn như thế nào?
TS. Đào Minh Tú – Phó Thống đốc NHNN: Với các giải pháp và chính sách đồng
bộ nêu trên, tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trong những năm
qua đã đạt kết quả đáng khích lệ.
Về mạng lưới, nếu như trước đây chỉ có Ngân hàng Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn cho vay lĩnh vực này thì hiện nay có tới 70
NHTM, hơn 1.100 quỹ tín dụng nhân dân và Ngân hàng Chính sách xã hội tham gia
cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn. Mô hình ngân hàng lưu động của Ngân
hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các điểm giao dịch của Ngân hàng
Chính sách xã hội đặt tại hầu hết các xã, thôn, bản của 63 tỉnh, thành phố đã
hỗ trợ tài chính và cung cấp dịch vụ ngân hàng tới đại đa số người dân trên
phạm vi cả nước, kể cả người dân ở vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa.
Về đầu tư tín dụng, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông
nghiệp, nông thôn tăng trưởng đều qua các năm, với tốc độ tăng trưởng bình quân
10 năm trở lại đây đạt gần 20% và luôn cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng
chung của nền kinh tế, trong đó năm 2017 và 2018, tốc độ tăng trưởng tín dụng
nông nghiệp, nông thôn đạt mức 25,5% và 21,4%, cao hơn nhiều so với tốc độ
18,24% và 13,88% của tín dụng chung toàn nền kinh tế. Tính đến cuối tháng
12/2018, dư nợ tín dụng cho lĩnh vực này đạt 1.786.353 tỷ đồng, chiếm tỷ
trọng khoảng 25% trong tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế. Trong đó, mức cho
vay tối đa không có tài sản bảo đảm đối với cá nhân, hộ gia đình đã được nâng
lên đến 200 triệu đồng.
Về tín dụng chính sách, NHCSXH hiện nay đang triển khai
khoảng 20 chương trình tín dụng chính sách dành cho hộ nghèo và các đối tượng
chính sách, trong đó có trên 85% dư nợ cho vay phục vụ phát triển lĩnh vực nông
nghiệp, nông thôn. Đến cuối tháng 12/2018, dư nợ cho vay của NHCSXH đạt 187.792
tỷ đồng, tăng 9,31% so với năm 2017, với hơn 6,7 triệu khách hàng còn dư nợ.
Vừa qua, NHCSXH đã nâng mức cho vay tối đa từ 50 triệu đồng/hộ lên 100 triệu
đồng/hộ vay không phải đảm bảo tiền vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới
thoát nghèo, cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền
núi và kéo dài thời hạn cho vay từ 60 tháng lên tối đa 120 tháng đối với hộ
nghèo…
Tín dụng tiêu dùng, phục vụ đời sống đã được các TCTD
triển khai mạnh mẽ hơn ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Trong đó, Ngân
hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công bố và triển khai trong toàn hệ
thống Chương trình tín dụng tiêu dùng quy mô khoảng 5.000 tỷ đồng phục vụ mục
đích tiêu dùng hợp pháp, cấp thiết của khách hàng cá nhân, hộ gia đình như các
nhu cầu mua đồ dùng, trang thiết bị gia đình, chi phí học tập, khám chữa bệnh,…
các nhu cầu vốn không quá 30 triệu đồng, thời gian sử dụng vốn ngắn và khách
hàng chứng minh được nguồn trả nợ sẽ được ngân hàng xem xét cho vay không có
tài sản bảo đảm với mức lãi suất hợp lý và giải ngân trong ngày.
Kết quả đầu tư tín dụng nêu trên của
hệ thống các TCTD đã góp phần không nhỏ giúp người dân, doanh nghiệp có vốn đầu
tư sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng
của người dân khu vực nông thôn, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng đối
với ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, trong đó tốc độ tăng trưởng năm
2018 đạt 3,76%, cao nhất trong giai đoạn 2012-2018, góp phần tích cực tạo sự
bứt phá trong tăng trưởng GDP năm 2018 với mức tăng 7,08%.
PV: Thưa Phó Thống đốc,
sản xuất nông nghiệp là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro vậy những khó khăn, vướng
mắc trong đầu tư tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn như thế nào?
TS. Đào Minh Tú – Phó Thống đốc NHNN: Thứ nhất, sản xuất nông nghiệp là lĩnh
vực tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng các cơ chế xử lý, phòng ngừa rủi ro như bảo hiểm
trong nông nghiệp chưa được triển khai mạnh mẽ. Thực tế này ảnh hưởng lớn đến
năng lực tài chính và khả năng trả nợ ngân hàng của khách hàng vay vốn khi gặp
rủi ro trong sản xuất, kinh doanh.
Thứ hai, sản xuất nông nghiệp còn manh mún,
nhỏ lẻ; sản xuất theo chuỗi giá trị chưa được tổ chức và phát triển hợp lý;
trình độ chế biến sâu còn hạn chế nên giá trị gia tăng thấp. Các mô hình liên
kết còn ít, chưa hiệu quả do hợp đồng liên kết thiếu chặt chẽ, hiện tượng vi
phạm hợp đồng liên kết của người dân, doanh nghiệp đầu mối còn phổ biến do ý
thức chưa cao và chế tài chưa nghiêm, gây khó khăn cho các TCTD trong việc kiểm
soát dòng tiền khi cho vay chuỗi. Những khó khăn này làm giảm hiệu quả sản xuất
kinh doanh và hiệu quả đầu tư tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Thứ ba, thị trường tiêu thụ sản phẩm nông
nghiệp thiếu ổn định, tình trạng mất cân đối cung cầu, sản xuất và tiêu dùng,
xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp thường diễn ra, trong khi công tác phân
tích, dự báo thị trường cũng như quy hoạch còn bất cập. Nhiều doanh nghiệp, hộ
dân chưa có nguồn lực tài chính tốt, chưa có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp
ứng dụng công nghệ cao bài bản, hiệu quả và phương án trả nợ vay chưa khả thi,
tạo áp lực trong quản lý rủi ro cho các TCTD.
PV: Vậy giải pháp đông bộ
tháo gỡ nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và đầu tư tín dụng cho nông
nghiệp, nông thôn như thế nào?
TS. Đào Minh Tú – Phó Thống đốc NHNN: Cùng với các chính
sách và giải pháp của ngành ngân hàng, các Bộ, ngành, chính quyền, địa phương
và bản thân các cá nhân, tổ chức sản xuất nông nghiệp cần quan tâm triển khai
đồng bộ các giải pháp như:
Khẩn trương triển khai đồng bộ các
chính sách đã được Chính phủ ban hành nhằm khuyến khích đầu tư, sản xuất, kinh
doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn như Nghị định 57/2018/NĐ-CP ngày
17/4/2018 về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông
nghiệp, nông thôn; Nghị định 58/2018/NĐ-CP ngày 18/4/2018 về bảo hiểm nông
nghiệp; Nghị định 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 về chính sách khuyến khích phát
triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Nghị
định 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 về nông nghiệp hữu cơ; Nghị định
116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định
55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông
nghiệp, nông thôn…
Các Bộ, ngành liên quan quan tâm đánh
giá, dự báo và cảnh báo về nhu cầu thị trường đối với sản phẩm nông nghiệp,
nhất là sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao làm cơ sở định hướng
phát triển nông nghiệp công nghệ cao; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương
mại, hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra của
sản phẩm nông nghiệp.
Nghiên cứu, triển khai các giải pháp
thu hút nguồn vốn ưu đãi, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, đồng thời có giải
pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân và tăng hiệu quả sử dụng nguồn vốn này.
Các địa phương quan tâm chất lượng
công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch trong sản xuất nông nghiệp; chủ động
triển khai, hướng dẫn thủ tục cấp giấy chứng nhận tài sản hình thành trên đất
nông nghiệp để người dân có thể làm thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm, thế
chấp vay vốn để tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp có tài sản bảo đảm
thế chấp vay vốn ngân hàng.
Các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp
đầu tư sản xuất nông nghiệp cần chủ động tiếp cận đánh giá nhu cầu thị trường,
nâng cao trình độ quản lý, năng lực sản xuất, lành mạnh hóa tình hình tài chính
và xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, hiệu quả để tăng khả năng
tiếp cận vốn vay tại các TCTD.
PV: Xin Phó Thống dốc cho
biết, định hướng chỉ đạo, điều hành của NHNN trong năm 2019 đối với tín dụng
phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn như thế nào?
TS. Đào Minh Tú – Phó Thống đốc NHNN: Trước nhu cầu phát
triển nông nghiệp, nông thôn và những diễn biến phức tạp của nạn tín dụng đen
trong thời gian qua, trong năm 2019, NHNN chủ trương chỉ đạo hệ thống ngân hàng
thực hiện đồng thời 2 nhiệm vụ: đẩy mạnh đầu tư tín dụng có hiệu quả phục vụ
sản xuất nông nghiệp và mở rộng cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng
chính đáng của người dân khu vực nông thôn nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng
kinh tế khu vực nông nghiệp, nông thôn và giảm nạn tín dụng đen tại khu vực
này. Trong đó, NHNN sẽ triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp quản lý,
chỉ đạo, điều hành nhằm thực hiện có hiệu quả chủ trương này. Cụ thể:
Hoàn thiện và bổ sung các cơ chế
chính sách khuyến khích các TCTD mở rộng cho vay sản xuất, kinh doanh và tiêu
dùng tại các khu vực nông nghiệp, nông thôn nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay
vốn chính đáng của người dân.
Tăng cường phối hợp với các bộ, ngành
triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng đặc thù trong lĩnh vực nông
nghiệp, đặc biệt là các chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ
cao, sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, mô hình liên kết, giúp tăng giá
trị gia tăng trong sản xuất, góp phần thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu
ngành nông nghiệp.
Chỉ đạo các TCTD: (i) Tiếp tục coi
nông nghiệp, nông thôn là một trong các lĩnh vực ưu tiên hàng đầu trong đầu tư
và mở rộng tín dụng; (ii) Xây dựng và triển khai các sản phẩm tín dụng phù hợp
với người nông dân và đặc thù của sản xuất nông nghiệp; (iii) Triển khai kịp
thời các quy định mới về chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn tại
Nghị định 116/2018/NĐ-CP và các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay
vốn nhằm giúp người dân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp,
nông thôn ổn định cuộc sống và khôi phục sản xuất; (iv) Tiếp tục cải tiến quy
trình, thủ tục tín dụng, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay, chú trọng phát
triển mô hình ngân hàng lưu động ở những vùng khó khăn, vùng nông thôn, vùng
sâu vùng xa, tạo điều kiện cho người dân thuận tiện hơn trong việc tiếp cận vốn
và các dịch vụ ngân hàng khác; (v) Đẩy mạnh tuyên truyền, ứng dụng và cung ứng
các sản phẩm ứng dụng công nghệ 4.0 phù hợp để khuyến khích người dân, doanh
nghiệp khu vực nông thôn sử dụng các tiện ích ngân hàng hiện đại.
Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa
phương, các tổ chức chính trị - xã hội như Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc,
Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ tăng cường tuyên truyền, phổ biến các chính
sách về tín dụng nông nghiệp, nông thôn và chuyển tải vốn đến người nông dân
một cách hiệu quả nhất.
PV: Xin cảm ơn Phó Thống đốc!
NN
Comments
Post a Comment