Cho vay cầm cố sổ tiết kiệm

“Trớ trêu” Ngân hàng hạn chế cho vay đối với khách hàng gửi tiền ?!

Hiện tại, trong bối cảnh tranh giành khách hàng khốc liệt thậm chí một số Ngân hàng chấp nhận cộng thêm lãi suất cực kỳ ưu đãi để mời chào khách hàng đến gửi tiền.
Thì có một số ngân hàng lại hạn chế khách hàng đến gửi tiền theo một cách khá kì lạ so với chính sách hiện tại mà các ngân hàng khác đang áp dụng.

Ngân hàng hạn chế cho khách hàng vay cầm cố sổ tiết kiệm.
Vay cầm cố sổ tiết kiệm (Vay CC STK) là khách hàng thế chấp bằng tài khoản tiền gửi khách hàng đang sở hữu cho ngân hàng phát hành để vay một số tiền nhỏ hơn số tiền khách hàng gửi vào ngân hàng để phục vụ mục đích tiêu dùng cá nhân. Đồng thời khách hàng phải chịu phần chênh lệch ít nhất 2%/năm so với lãi suất mà ngân hàng chi trả cho khách hàng.
Để tránh mất lãi suất ưu đãi trong suốt thời gian giửi tiền khách hàng sẽ thực hiện thủ tục vay lại số tiền này và hoàn trả lại sau đó mà không cần tất toán sổ tiết kiệm (tất toán trước hạn KH sẽ chỉ được hưởng lãi suất tiền gửi không kì hạn cao nhất là 0,6%/năm).
Sẽ chẳng có gì để bàn nếu như khách hàng chỉ cần cầm sổ tiết kiệm của mình ra và đợi vài phút sẽ nhận được số tiền có trong sổ ra và thỏa thuận ngày hoàn trả.
Mà giờ đây, một số ngân hàng bắt đầu áp dụng quy trình cho vay cầm cố sổ tiết kiệm cực kỳ gắt gao. Một ngân hàng nằm trong Top 5 ngân hàng TMCP lớn nhất Việt Nam nằm trong số đó.


Hiện tại một trong số ngân hàng TMCP nêu trên bắt buộc khách hàng gửi tiền nếu muốn vay CC STK khoản vay trên 100 triệu đồng thì phải kê khai rõ ràng chi tiết mục đích sử dụng số tiền này. Cung cấp chứng từ đầy đủ và cung cấp số tài khoản của bên thứ ba (người nhận tiền là người khác, ghi rõ trong mục đích vay CC STK) để nhận giải ngân. Nếu bên thứ ba không có tài khoản tại bất kì ngân hàng nào thì ngân hàng sẽ bắt buộc người nhận tiền này lên ngân hàng để ký xác nhận không có tài khoản tại bất kỳ ngân hàng nào thì mới được phép nhận tiền mặt về.

Khách hàng gửi tiền tại ngân hàng nói gì?

Theo chia sẻ của một khách hàng VIP lâu năm có số dư tiền gửi ban đầu gần 10 tỷ đồng tại ngân hàng nêu trên, vì công việc kinh doanh chị thường xuyên vay CC STK rồi sử dụng số tiền đó để kinh doanh, vài ngày sau sẽ trả vào và chấp nhận phần lãi suất vay chênh lệch.
Thế nhưng giờ chị không thể vay một cách dễ dàng số tiền gửi của mình như trước nữa vì ngân hàng này bắt buộc chị cung cấp hóa đơn và chứng từ chứng minh mục đích sử dụng mỗi khi cần vay CCSTK.
“Vì công việc làm ăn thường hay sử dụng tiền mặt, một tuần tôi vay hơn 10 lần, do muốn được hưởng lãi suất ưu đãi nên tôi không bỏ tiền vào tài khoản thanh toán mà phải vay CC STK như vậy, dù gì cũng có lợi hơn! Nhưng giờ thì không còn được như trước nữa, dự kiến hết tháng 4/2019 này , các STK của tôi đáo hạn tôi sẽ rút hết ra để gửi qua Baovietbank. Vì lãi suất tiền gửi cũng tương tự mà vay CC STK đơn giản hơn, không cần cung cấp giấy tờ gì nhiêu khuê cả.
Và thực ra các em giao dịch viên cũng hứa sẽ tự hỗ trợ xử lý phương án cho tôi để vay mỗi khi cần, nhưng nếu như vậy các em sẽ làm sai quy định của ngân hàng và pháp luật về quy trình cho vay. Tôi không muốn cổ súy các em. Điều này là không đáng cho các em làm như vậy!” – Chị cho biết!

“Bắt buộc khách hàng tiền gửi kê khai rõ ràng mục đích vay CC STK là đúng quy định !”

Đó là lời khẳng định của đại diện Phòng quản lý kinh doanh khối ngân hàng bán lẻ của ngân hàng nói trên khẳng định khi có một buổi hội thảo phổ biến Thông báo “V/v một số lưu ý đối với sản phẩm cho vay cầm cố tài khoản tiền gửi” do ngân hàng này phát hành.
Chị cho biết thêm, chính sách được đưa ra là đã có từ lâu nhưng hiện tại chỉ một số ngân hàng tuân thủ.
Điều này khá hợp lý vì hạn chế được rủi ro trong công tác cho vay. Thế nhưng trong bối cảnh thực tế hiện tại vẫn chưa được ngân hàng nhà nước buộc tuân thủ toàn diện đối với tất cả các ngân hàng.
Chính sách này được triển khai sẽ gây khó khăn rất lớn trong công tác huy động tiền gửi của khách hàng. Nếu biết được việc ngân hàng sẽ bắt cung cấp chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn và giải ngân cho bên thứ ba là điều dường như không một người sở hữu tiền gửi nào muốn làm.

Thật không hề đơn giản để suy nghĩ cách trình bày mục đích vay

Khách hàng không khai mục đích vay, hoặc không cung cấp thông tin người nhận tiền thì sao?

Nếu để từ chối cho vay số tiền của khách hàng gửi vào thì là một điều quá đơn giản, giữ được khách hàng ở lại để duy trì số dư tiền gửi và bán chéo các sản phẩm dịch vụ khác của ngân hàng mới là điều cần quan tâm hàng đầu.
Trước vấn đề này bộ phận Dịch Vụ Khách Hàng tại ngân hàng cũng khá đau đầu trong công tác giải thích và hỗ trợ vay CCSTK cho các khách hàng. Vì dù giải thích như thế nào đi nữa thì bắt khách hàng kê khai mục đích vay chẳng khác nào bắt khách hàng kê khai tài sản cá nhân của mình cho ngân hàng nắm rõ. Hoặc để cho ngân hàng khai thác bí mật kinh doanh của họ (!?)

Rủi ro khi để nhân viên ngân hàng tự ý xử lý mục đích vay CC STK thay khách hàng.

Vậy, nếu như khách hàng không thể tự cung cấp chứng từ chứng minh mục đích vay vốn thì giao dich viên sẽ từ chối cho KH vay CC STK hay sẽ “linh động” xử lý phần mục đích giải ngân và vẽ ra một bên thứ 3 để nhận tiền giải ngân nhằm hợp thức hóa chứng từ ?!?
Khi chấp nhận xử lý phương án vay, thì khi có phát sinh vấn đề về tiền gửi của khách hàng, tiền gửi không đến được tay khách hàng….thì khách hàng có được bảo vệ hay không, vì hồ sơ chứng minh mục đích vay là giả? Và những người liên đới trong việc hướng dẫn khách hàng “hợp thức hóa chứng từ” này sẽ chịu trách nhiệm ra sao?!
Trên mặt báo chắc hẳn không ít lần chúng ta đọc được cán bộ ngân hàng bị truy tố vì vi phạm pháp luật trong công tác cho vay và cũng không ít trường hợp khách hàng bị thất thoát tiền gửi mà không có cách nào có thể khắc phục được. Nên khách hàng phải cẩn trọng lưu ý khi nghe hướng dẫn về việc “xử lý phương án vay CC STK”.
Khi bình thường mọi chuyện vẫn ổn, nhưng một ngày nào đó chưa hẳn mọi thứ sẽ trong tầm kiểm soát của khách hàng. Vì dù gì đó cũng là tiền gửi của khách hàng nên rủ ro sẽ được đẩy hết về phía khách hàng nếu phát hiện khách hàng thực hiện sai quy định.

Cho nên, để được ăn ngon ngủ yên về số tiền gửi tại ngân hàng không đột ngột “không cánh mà bay” thì khách hàng cần phải lựa chọn ngân hàng có chính sách ổn định về thủ tục gửi tiền, vay CC STK đơn giản, rút vốn an toàn….Đó là cách dễ dàng nhất để khách hàng có thể bảo vệ thành quả tích lũy của bản thân.
Tham khảo thêm một số ngân hàng có lãi suất tiền gửi ưu đãi và chính sách cộng lãi suất cao cho khách hàng tiền gửi, (không bắt chứng minh mục đích vay CCSTK, an toàn, bảo mật thông tin):
  • VIETABANK – Ngân hàng TMCP Việt Á
  • BAOVIETBANK – Ngân hàng TMCP Bảo Việt
  • BACABANK – Ngân hàng TMCP Bắc Á


Nguồn : Tài Chính Gia Phú.
 
 
 
 Mấy ngày gần đây rộ lên việc "báo động rủi ro từ CV cầm cố sổ tiết kiệm". Tôi đọc báo thấy các "chiên gia" phân tích, nghe thật hỗn loạn:
1. Tôi thấy chiên gia, NT hiếu, phân tích dòng tiền ảo khi Deposit có 10 mà bên Asset 20 .. từ đó bảo tiền ảo, rồi làm gia tăng ls ....

Tôi xin thưa như sau: Nếu có 1 KH XYZ đến gửi 10 tỷ (bên tài sản nợ ghi 10 tỷ), bên TS có Cash 10 tỷ. Giả sử KH A đến vay 8 tỷ thì lúc đó NH sẽ có bảng cân đối như sau: Bên tài sản có Cash 2 tỷ + Loan 8 tỷ; Bên TSN Deposit là 10 tỷ ==> Như vậy TSN = TSC.

Bây giờ giả sử bác XYZ đến cầm cố STK 10 tỷ trên để vay --> Nếu NH không huy động deposit từ ai khác ngoài XYZ thì KH XYZ ko thể vay dc 10 tỷ, mà chỉ cùng lắm là dc 2 tỷ nữa mà thôi (nếu chốt như này thì NH là mất thanh khoản à nha :)) . Tuy nhiên thực tế NH huy động từ rất nhiều KH nữa, ví dụ huy động từ CBA 10 tỷ nữa, thì lúc đó NH mới đủ sức cho bác XYZ vay bằng việc cầm cố 10tỷ. Lúc dó bảng cân đối của NH:
+ TSC: Cash 2 tỷ; Loan: 8 tỷ + Loan 10 tỷ
+ TSN: 10 tỷ + 10 tỷ
==> Như vậy TSN = TSC ==> Vậy bác Hiếu bảo ảo, ảo ở đâu ra??

2. Theo tôi việc NHNN hay TCTD kiểm soát mục đích cho vay, theo quy định là đúng!
ở VN hễ người dân hay tổ chức kinh tế có tiền gửi , TCTD luôn nhận vào, ko biết đó là tiền "bẩn" hay sạch, còn ở nước ngoài xin thưa, vác 1 bao tải tiền đến Bank thì chưa chắc đã dc nhận à nha (ví dụ nguồn thu nhập bác có 20 đồng 1 tháng, mà tự dưng bác vác đến Bank lớn gấp 100 lần con số đó --> NH sẽ rất nghi ngờ tiền bẩn nha==> mà tiền bẩn mà "rửa tiền qua bank", Bank đó nhận thì chỉ có sạt nghiệp, Pháp luật họ rất nghiêm).

Giả sử tiền gửi của bạn ở NH là sạch đi-- > nhưng mục đích của bạn vay để buôn hàng lậu, ma túy, buôn bán hàng cấm ... --> thì đương nhiên ko bao giờ dc giải ngân --> kiểm soát cai này là đúng.

3. ở nước ngoài, bác hiếu cũng nó là các thị trường phát itrener cấm hình thưc này. Xin thưa, tôi tham khảo chả cấm tý nào, ở mỹ có credit union (giống như NH hợp tác, quỹ tín dụng nhân dân) họ cho vay hình thức này gọi là Deposit pledge loan, hay Deposit ceritificate secured loan.

4. Việc có những vụ việc ở các Bank, chủ yếu là xuất phát từ quy trình lỏng lẻo, các chốt kiểm soát (internal controls) bị bẻ gãy, ví dụ tôi thấy giao giấy tờ STK cầm cố (như là TSĐB) nhập kho mà ông cán bộ nhập kho chỉ biết nhận mà ko kiểm tra TSĐB đựng trong phong bì (đã niêm phong) là cái gì ???? . Chính vì đạo đức cán bộ, quy trình lỏng lẻo, dẫn đến dễ bị trục lợi !
 
 

NHNN cảnh báo tình trạng cho vay cầm cố sổ tiết kiệm không có phương án sử dụng vốn vay

(VNF) - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhận thấy có hiện tượng một số tổ chức tín dụng cho khách hàng vay vốn có bảo đảm bằng cầm cố sổ tiết kiệm nhưng không có phương án sử dụng vốn. Điều này là vi phạm quy định của NHNN về sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt để giải ngân vốn vay.

NHNN cảnh báo tình trạng cho vay cầm cố sổ tiết kiệm không có phương án sử dụng vốn vay

NHNN cảnh báo tình trạng cho vay cầm cố sổ tiết kiệm không có phương án sử dụng vốn vay
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa qua đã có văn bản cảnh báo cho vay cầm cố sổ tiết kiệm không có phương án sử dụng vốn vay.

Theo đó, qua công tác thanh tra, giám sát, NHNN nhận thấy có hiện tượng một số tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (gọi tắt là TCTD) cho khách hàng vay vốn có bảo đảm bằng cầm cố sổ tiết kiệm nhưng không có phương án sử dụng vốn theo quy định tại Thông tư 39/2016/TT - NHNN ngày 30/12/2016.

Điều này, theo NHNN, là vi phạm quy định của NHNN về sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt để giải ngân vốn vay.

Để ổn định thị trường tiền tệ, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng, NHNN yêu cầu các TCTD không thực hiện các hành vi cạnh tranh không lành mạnh; chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về cho vay, về lãi suất huy động bằng ngoại tệ, về sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt để giải ngân vốn vay.
Bên cạnh đó, kiểm soát chặt chẽ khoản vay, đặc biệt là kiểm soát mục đích sử dụng vốn vay và giải ngân vốn vay đối với khoản vay có bảo đảm bằng cầm cố số tiết kiệm.

"NHNN sẽ xử lý nghiêm các TCTD cố tình vi phạm", văn bản chỉ đạo cho hay.

Cơ quản này cũng yêu cầu các TCTD tăng cường công tác tự kiểm tra, kiểm soát việc tuân thủ các quy định pháp luật và quy định nội bộ liên quan đến hoạt động huy động vốn và cho vay, đặc biệt là các khoản cho vay có bảo đảm bằng cầm cố sổ tiết kiệm.

Đồng thời, rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định nội bộ, bao gồm cả quy định cho vay có bảo đảm bằng cầm cố sổ tiết kiệm, đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng.

Các TCTD phải kịp thời báo cáo NHNN (Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng) và NHNN Chi nhánh tỉnh, thành phố những trường hợp vi phạm, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các quy định của pháp luật về hoạt động ngân hàng để có biện pháp xử lý đảm bảo an toàn hoạt động.

Minh Tâm


Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.


Vì sao NHNN phải cảnh báo các ngân hàng cho vay cầm cố sổ tiết kiệm?

Vì sao NHNN phải cảnh báo các ngân hàng cho vay cầm cố sổ tiết kiệm?
Hiện nay, nhiều tổ chức tín dụng lơ là trong việc thẩm định mục đích sử dụng vốn, dẫn đến rủi ro khi cho vay cầm cố sổ tiết kiệm. Đáng nói, còn có tình trạng “lách luật” để đẩy chỉ tiêu tín dụng, cạnh tranh không lành mạnh.


Ngân hàng "lơ là" thẩm định mục đích sử dụng vốn

Sở dĩ nhiều ngân hàng lơ là thẩm định mục đích sử dụng vốn các khoản vay đảm bảo bằng cầm cố sổ tiết kiệm là bởi vì đây là những khoản tín dụng thuộc hàng ít rủi ro nhất.

Theo đánh giá chung, dư nợ cho vay cầm cố sổ tiết kiệm trong hệ thống ngân hàng là không hề nhỏ. Rất nhiều khách hàng gửi tiết kiệm nhưng sau đó cần tiền xử lý công việc cần tiền gấp, nếu rút tiền gửi trước hạn thì theo quy định sẽ phải chịu lãi suất không kỳ hạn rất thấp.

Do đó nhiều người chọn vay cầm cố sổ tiết kiệm, chấp nhận lãi suất vay cao hơn lãi suất gửi tiền trên sổ tiết kiệm nhưng kỳ hạn vay ngắn hơn.

Đơn cử, nếu một người có 1 tỷ đồng gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng, lãi suất 7,5%/năm thì sau 1 năm sẽ có 75 triệu đồng tiền lãi. Giả sử còn 1 tháng nữa đến kỳ hạn tất toán nhưng cần tiền gấp, nếu rút trước hạn thì sẽ chỉ được hưởng lãi suất không kỳ hạn, thường chỉ khoảng 0,2%/năm. Nhưng nếu cầm cố sổ tiết kiệm để vay 1 tỷ đồng, kỳ hạn 1 tháng, lãi suất giả sử 9%/năm thì khách hàng vẫn được hưởng 75 triệu đồng tiền lãi và chỉ phải trả 7,5 triệu đồng tiền lãi cho 1 tháng vay.

Do ngân hàng nắm chắc tài sản đảm bảo chính là sổ tiết kiệm mở tại ngân hàng mình hoặc ở ngân hàng khác – tức có giá trị tương đương tiền mặt, nên sản phẩm cho vay cầm cố sổ tiết kiệm được xem là có tính an toàn cao.

Vì sao NHNN phải cảnh báo các ngân hàng cho vay cầm cố sổ tiết kiệm? - Ảnh 1.
Nhiều ngân hàng không chú trọng thẩm định mục đích sử dụng vốn đối với các khoản vay cầm cố bằng sổ tiết kiệm
Trong những năm trước đây, nhiều ngân hàng đã triển khai sản phẩm gửi tiền rút gốc linh hoạt, theo đó cho phép khách hàng có thể rút gốc từng phần hoặc thậm chí toàn bộ trước hạn mà vẫn được hưởng lãi suất như ban đầu.

Điều này dẫn đến tình trạng mất an toàn thanh khoản cũng như rủi ro kỳ hạn tại các ngân hàng, do đó hình thức cho vay này đã bị cấm.

Nhiều ngân hàng đã “lách” quy định này bằng hình thức cho vay cầm cố sổ tiết kiệm, theo đó, khách hàng sẽ chấp nhận mức lãi suất vay cao hơn lãi suất trên sổ tiết kiệm một cách tượng trưng.

Lách để đẩy dư nợ tín dụng

Sẽ không có gì đáng nói nhiều nếu sản phẩm cho vay cầm cố sổ tiết kiệm chỉ phục vụ những nhu cầu phát sinh của khách hàng như trên. Theo luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico, khi các ngân hàng đẩy mạnh cho vay cầm cố sổ tiết kiệm, sẽ có hai vấn đề phát sinh.

Thứ nhất, nếu khoản tiền gửi tiết kiệm có nguồn gốc bất hợp pháp thì sẽ rủi ro cho ngân hàng, vì nếu Nhà nước tịch thu thì ngân hàng sẽ không thể tất toán được.

Thứ hai là hiện nay nhiều ngân hàng lợi dụng sản phẩm này để đẩy tăng trưởng tín dụng, nhất là thời điểm chuẩn bị chốt số liệu. Chiêu này được không ít ngân hàng áp dụng, nhất là từ khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) áp dụng chính sách giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng phù hợp cho từng ngân hàng.

“Các ngân hàng có thể “lách luật”, tạo một vòng gửi tiết kiệm – cầm cố sổ tiết kiệm vay tiền – sau đó lại gửi tiền – rồi lại vay tiền… Điều này đã nhân hệ số tiền gửi, tiền vay lên nhiều lần, dẫn đến dư nợ ảo, chỉ tiêu khống… Ví dụ NHNN giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho anh, đến cuối năm anh chưa đáp ứng thì anh có thể làm vài vòng như vậy, có thể tăng vài phần trăm “ngon ơ”, sang năm anh lấy đó làm nền để được giao chỉ tiêu cao…” – luật sư Trương Thanh Đức minh họa.

Trước những vấn đề phát sinh, NHNN đã có Thông tư 39/2016/TT-NHNN ban hành vào cuối năm 2016 quy định cho vay cầm cố sổ tiết kiệm theo hướng chặt chẽ hơn. Theo đó, Thông tư 39 yêu cầu khách hàng vay phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện vay vốn và phải cung cấp cho tổ chức tín dụng các tài liệu chứng minh đủ điều kiện vay vốn, chứng minh mục đích sử dụng vốn vay phù hợp, kể cả cho vay cầm cố sổ tiết kiệm.

Theo các chuyên gia, việc siết chặt cho vay cầm cố sổ tiết kiệm là cần thiết. Điều này không chỉ hạn chế tình trạng tăng dư nợ khống tại một số ngân hàng như đã nêu trên mà còn giảm thiểu các rủi ro như làm giả sổ tiết kiệm để cầm cố vay vốn đã từng xảy ra tại một số ngân hàng thời gian gần đây.

Theo Hà Loan
An ninh thủ đô


Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.


Vì sao lại siết cầm cố sổ tiết kiệm?

Việc kiểm soát mục đích sử dụng vốn vay cầm cố sổ tiết kiệm có thể ảnh hưởng đến huy động vốn trung - dài hạn của các ngân hàng.

Nhiều năm qua, cho vay cầm cố bằng sổ tiết kiệm là một nghiệp vụ khá phổ biến, được nhiều ngân hàng (NH) thương mại triển khai nhằm tạo thuận lợi cho khách hàng.

Xử lý nghiêm nếu cố tình vi phạm

Theo đó, sổ tiết kiệm có thể được dùng làm tài sản bảo đảm để vay tiền cho những nhu cầu kinh doanh, tiêu dùng, bảo lãnh cho người thân vay NH, con cái đi du học... Mức vay thường lên tới 90%, thậm chí 100% giá trị sổ tiết kiệm.

Chị Ngọc Khanh (ngụ quận Tân Bình, TP HCM) cho biết lần nào đi gửi tiết kiệm, chị cũng được nhân viên giao dịch khuyên chọn kỳ hạn dài để được lãi suất cao. "NH nói khi cần tiền gấp, tôi có thể thế chấp sổ tiết kiệm để vay tiền sử dụng rồi hoàn trả NH. Lãi suất vay có cao nhưng thời gian vay ngắn nên tiền lãi cũng không đáng là bao, đổi lại, tôi không phải rút tiền trước hạn. Nhưng vì tính lo xa nên tôi vẫn chọn gửi kỳ hạn ngắn cho yên tâm" - chị Ngọc Khanh kể.

Lãnh đạo các NH thương mại đều thừa nhận cho vay cầm cố bằng sổ tiết kiệm trước nay là nghiệp vụ khá phổ biến. Sổ tiết kiệm cũng như các loại giấy tờ có giá khác sẽ được NH cầm cố rồi cho vay khi khách hàng có nhu cầu. Chẳng hạn, khách hàng mở sổ tiết kiệm tại NH nhưng cần vốn đột xuất khi sổ tiết kiệm chưa đến hạn có thể thế chấp chính sổ này để vay lại với lãi suất ưu đãi. Biện pháp này có lợi hơn nhiều so với rút trước hạn sẽ chỉ được lãi suất không kỳ hạn rất thấp…

Vì sao lại siết cầm cố sổ tiết kiệm? - Ảnh 1.

Một số ngân hàng than phiền việc kiểm soát mục đích sử dụng vốn vay từ việc cầm cố sổ tiết kiệm sẽ gây khó cho khách hàng cũng như việc huy động vốn trung và dài hạn

Tuy nhiên, mới đây NH Nhà nước (NHNN) lại có văn bản gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh NH nước ngoài (không bao gồm quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô) cảnh báo về cho vay cầm cố sổ tiết kiệm không có phương án sử dụng vốn vay.

Văn bản nêu rõ qua công tác thanh tra, giám sát, NHNN nhận thấy có hiện tượng một số tổ chức tín dụng, chi nhánh NH nước ngoài cho khách hàng vay có bảo đảm bằng cầm cố sổ tiết kiệm nhưng không có phương án sử dụng vốn vay; vi phạm quy định về sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt để giải ngân. Do đó, NHNN yêu cầu tổ chức tín dụng không thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh, chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về cho vay, lãi suất huy động bằng ngoại tệ, sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt để giải ngân vốn vay và kiểm soát chặt chẽ khoản vay… "Đặc biệt, NH thương mại phải kiểm soát mục đích sử dụng vốn vay và giải ngân vốn vay khi khách hàng bảo đảm bằng cầm cố sổ tiết kiệm. NHNN sẽ xử lý nghiêm các tổ chức tín dụng cố tình vi phạm" - cơ quan Thanh tra Giám sát NHNN nêu rõ.

Ngoài ra, các tổ chức tín dụng cần tăng cường công tác tự kiểm tra, kiểm soát việc tuân thủ quy định pháp luật và quy định nội bộ liên quan đến hoạt động huy động vốn và cho vay, đặc biệt là các khoản cho vay có bảo đảm cầm cố sổ tiết kiệm.

Kiểm soát là cần thiết

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về yêu cầu siết mục đích vay cầm cố sổ tiết kiệm, giám đốc kinh doanh một NH cổ phần quy mô vừa tại TP HCM cho rằng khách hàng thế chấp sổ để vay tiền chủ yếu cho nhu cầu vốn đột xuất, vay tiêu dùng nên rất khó chứng minh mục đích sử dụng vốn. Nếu NHNN bắt buộc người vay phải chứng minh mục đích mới được giải ngân sẽ gây khó cho khách vừa khó cho cả NH trong việc huy động vốn trung - dài hạn. Bởi nếu gửi tiền kỳ hạn dài, đến khi cần vốn đột xuất lại không được vay cầm cố sẽ không còn ai chọn tiết kiệm trung và dài hạn nữa.

"Chưa kể, một số NH cố tình lách luật tìm cách hợp thức hóa vi phạm, trong khi những NH tuân thủ tốt có thể bị "vạ lây" từ động thái cảnh báo và xử lý của NHNN" - vị này nêu giả thiết và khẳng định hầu hết các khoản cho vay bảo đảm bằng sổ tiết kiệm ở NH ông đều không phát sinh nợ xấu.

Chuyên gia tài chính - TS Cấn Văn Lực cho rằng việc NHNN cảnh báo cho vay cầm cố sổ tiết kiệm phải bảo đảm phương án vay nhằm nhắc nhở tổ chức tín dụng để hoạt động tín dụng có tính thực chất, được phản ánh đúng số liệu trên các báo cáo tín dụng. Dù vậy, hình thức cho vay này chiếm dư nợ không quá lớn và nhiều NH cũng khống chế tỉ lệ cho vay. "Riêng kiểm soát mục đích sử dụng vốn vay là không dễ thực hiện, bởi nhiều khoản vay là để tiêu dùng. Tuy vậy, có thể thấy động thái nhắc nhở của NHNN là cần thiết để dòng chảy tín dụng được kiểm soát tốt hơn" - TS Cấn Văn Lực nói.

Tổng giám đốc một NH cổ phần quy mô nhỏ tại TP HCM nhận xét việc NHNN đưa ra cảnh báo nói trên là cần thiết, tránh trường hợp cầm cố sổ tiết kiệm rồi sử dụng vốn vay sai mục đích. Vị này chia sẻ ở NH ông cho vay cầm cố không chỉ với khách hàng cá nhân gửi tiết kiệm khoản nhỏ, mà nhiều khách hàng gửi 10-20 tỉ đồng muốn vay cầm cố để kinh doanh, đầu tư, sản xuất, mua bán bất động sản… đều phải chứng minh phương án vay vốn.

Theo Thái Phương
Người lao động


Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.




Cầm cố sổ tiết kiệm, chỉ 30 phút vay cả tỷ đồng, biến tướng nguy hiểm

Từ những biến tướng của việc cho vay cầm cố sổ tiết kiệm thời gian qua, việc Ngân hàng Nhà nước phát đi cảnh báo là rất cần thiết và cũng nên mạnh tay với các hành vi cố ý lợi dụng việc cho vay cầm cố để biến tướng.

Từ cách để hỗ trợ khách hàng

Cho vay cầm cố sổ tiết kiệm là một hình thức cấp tín dụng của các ngân hàng. Theo một cán bộ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các ngân hàng thương mại (NHTM) khi cấp tín dụng thường yêu cầu khách hàng phải có tài sản đảm bảo cho khoản vay, trường hợp này, là tiền gửi tiết kiệm của họ. Còn “cầm cố” chỉ là một biện pháp đảm bảo. Theo đó, khách hàng sẽ bàn giao sổ tiết kiệm cho ngân hàng phong toả, quản lý trong suốt thời gian được sử dụng để đảm bảo cho khoản vay.

Theo Giám đốc Quản trị rủi ro của một ngân hàng, loại tài sản là tiền gửi tiết kiệm thường được coi là an toàn nhất, dễ xử lý nhất trong các loại tài sản được đem đảm bảo; và cầm cố cũng là biện pháp mà ngân hàng “nắm đằng chuôi” nên nguồn lực cho việc xử lý các tài sản thường thấp. Chính vì vậy, các ngân hàng thường có xu hướng “thả lỏng” hơn các điều kiện về thẩm định khách hàng, giấy tờ mục đích sử dụng vốn cũng như trình tự, thủ tục cấp tín dụng được đảm bảo bằng tiền gửi cũng rất đơn giản, gọn nhẹ, thậm chí từ lúc yêu cầu, đến lúc giải ngân nhanh nhất chỉ 30 phút đồng hồ.


Cầm cố sổ tiết kiệm, chỉ 30 phút vay cả tỷ đồng, biến tướng nguy hiểm - 1

Cho vay cầm cố sổ tiết kiệm là một hình thức cấp tín dụng của các ngân hàng

Cũng theo vị này, “chúng tôi thường ưu tiên tiền gửi tại ngân hàng mình trước, còn tiền gửi tại các tổ chức khác, chúng tôi quy định danh sách các ngân hàng có uy tín, và thường bắt buộc yêu cầu nhân viên đi xác minh số dư, yêu cầu phong toả”.

Khi được hỏi về vay cầm cố sổ tiết kiệm, chị T., một giao dịch viên nhiều năm ở của ngân hàng, cho biết, ở cấp độ của chị, đây là hoạt động rất bình thường, thường được sử dụng để hỗ trợ khách hàng có nhu cầu rút tiền tiết kiệm trước hạn.

“Nếu khách hàng sắp đến hạn nhưng cần rút trước một vài ngày, chúng tôi thường tư vấn giải pháp là vay cầm cố chính sổ tiết kiệm đó, khi đến hạn sẽ tất toán, thu nợ, đỡ thiệt thòi hơn nhiều”.

Chị Hường (Long Biên, Hà Nội), một khách hàng từng cầm cố sổ tiết kiệm, kể: “Tôi có gửi tiết kiệm 1,2 tỷ, thời hạn 3 tháng, lãi suất 5,1%/năm tại một ngân hàng, tính ra được hơn 15 triệu tiền lãi. Nhưng vì có việc gấp, mà 1 tuần nữa mới đến hạn, nếu rút ra ngay bị tính lãi suất không kỳ hạn lãi chỉ được hơn 1 triệu. Trong khi đó, nếu tôi vay cầm cố sổ tiết kiệm, lãi 10%/năm. Khi tất toán, sau khi trừ đi phần lãi suất vay, tôi vẫn còn lãi hơn chục triệu”.

Biến tướng nguy hiểm

Với những khoản vay “giải nguy” tiền mặt cho khách hàng như trên, hồ sơ cho vay thường rất đơn giản, không kèm theo chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn, thời gian giải ngân rất nhanh. Tuy nhiên, ở các cấp độ cao hơn trong hệ thống ngân hàng, đây lại đang trở thành một công cụ biến tướng.

Đầu tiên, việc cầm cố sổ tiết kiệm trở thành công cụ “chạy chỉ tiêu kinh doanh” cho các chi nhánh của ngân hàng. “Cuối năm thường thiếu chỉ tiêu dư nợ, các giám đốc chi nhánh thường có ‘chiêu’ là đề nghị một số khách hàng thân quen cầm cố tiết kiệm/tiền gửi, để giải ngân. Việc này làm tăng cả hai đầu, dư nợ và dư tiền gửi, lại tương đối an toàn nên thường được áp dụng” - Giám đốc một chi nhánh NHTM cho hay.

Cầm cố sổ tiết kiệm, chỉ 30 phút vay cả tỷ đồng, biến tướng nguy hiểm - 2

NHNN cũng nên mạnh tay với các hành vi cố ý lợi dụng việc cho vay cầm cố để biến tướng (ảnh minh họa)

Dấu hiệu rõ ràng nhất của tình trạng này, là dư nợ thường tăng nhanh vào các thời điểm chốt như 30/6 hay 31/12, nhưng qua mốc đó dư nợ sụt giảm mạnh.

“Chúng tôi biết việc này, và đã từng xử lý kỷ luật cả giám đốc chi nhánh, giám đốc kinh doanh có liên quan”, Giám đốc Quản trị rủi ro một một ngân hàng chia sẻ. Tuy nhiên, đây vẫn là hình thức biến tướng còn nhẹ nhàng, và chưa quá nguy hiểm cho hệ thống ngân hàng”, vị giám đốc trên nhận xét.

Biến tướng nguy hiểm hơn là việc lợi dụng tính an toàn theo lý thuyết của việc đảm bảo tiền vay bằng sổ tiết kiệm/tiền gửi để buông lỏng việc thẩm định cho vay ban đầu, thiếu thu thập các chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn, hồ sơ yêu cầu đơn giản, quá trình thẩm định khoản vay ngắn.

Đây chính là một trong những cách làm biến tướng việc cho vay cầm cố bằng tiền gửi. Trong đại án Phạm Công Danh tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB), ông này đã cầm cố một số dư tiền tiền gửi lớn của VNCB tại các ngân hàng khác, bảo lãnh cho các khoản vay của các công ty nằm trong liên minh của Phạm Công Danh. Khi đến hạn, các công ty con này không có tiền trả, ngân hàng thì thu nợ bằng số tiền cầm cố, dẫn đến thiệt hại cho chính VNCB.

Cáo trạng thể hiện rõ việc thẩm định các khoản vay trên của các ngân hàng đều thiếu trách nhiệm, được phê duyệt thần tốc, quản lý sau vay lỏng lẻo, để Phạm Công Danh sử dụng vốn sai mục đích. Cho đến tận phiên xét xử phúc thẩm, tính hợp pháp của khoản vay và số phận của khoản tiền được cầm cố vẫn là sự tranh cãi kịch liệt giữa các bên.

Một loại hình tội phạm cũng đang nổi lên, là cán bộ ngân hàng lợi dụng việc vay cầm cố để chiếm đoạt tài sản của khách hàng. Với lòng tin, khách hàng đã đưa sổ tiết kiệm cho cán bộ, thường là lãnh đạo của chi nhánh/phòng giao dịch ngân hàng. Chính những người này lại quay ra làm giả hồ sơ để vay vốn, hình thức đảm bảo bằng cầm cố các sổ tiết kiệm.

Từ những biến tướng của việc cho vay cầm cố sổ tiết kiệm thời gian qua, việc NHNN ra văn bản cảnh báo là rất cần thiết. Có lẽ, NHNN cũng nên mạnh tay với các hành vi cố ý lợi dụng việc cho vay cầm cố để biến tướng, làm sai lệch các chỉ số.

Đồng thời, bản thân các ngân hàng cũng định vị lại rủi ro, và có tiêu chí để kiểm soát được loại hình cho vay này, vừa hỗ trợ được khách hàng với mục đích tốt đẹp, giảm thiệt thòi khi gửi tiết kiệm nhưng cũng cần kiểm soát chặt chẽ rủi ro, tránh biến tướng, lợi dụng.

Theo Nguyễn Thanh NgọcVietnamnet

Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc








Comments

Popular posts from this blog

Xin hỏi định nghĩa về thoái thu và thoái chi??

Dề Thi Vietinbank - 10 dề (cập nhật 2020)

Học việc, thử việc tại ngân hàng: Cuộc sống muôn màu