Bức tranh toàn cảnh nợ xấu ngân hàng 2018: ACB 'vụt sáng'

Cuối năm 2018, quá trình xử lí nợ xấu của ngành ngân hàng được đánh giá cao nhờ kết quả khả quan với tỉ lệ nợ xấu toàn ngành tiếp tục giảm. ACB vượt qua Ngân hàng Bắc Á dẫn đầu Top 10 ngân hàng có tỉ lệ nợ xấu thấp nhất.

Nợ xấu nội bảng tại 20 ngân hàng tăng hơn 6.200 tỉ đồng trong năm 2018

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 12/2018, toàn hệ thống đã xử lý được 149,2 nghìn tỉ đồng nợ xấu. Tỉ lệ nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng (TCTD) là 1,89% giảm so với mức 1,99% của năm 2017 và 2,46% của năm 2016.

Số liệu của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho biết nợ xấu của các TCTD cuối năm 2018 ước khoảng 163 nghìn tỉ đồng, tỉ lệ nợ xấu toàn hệ thống khoảng 2,4%, giảm nhẹ so với con số 2,5% của năm trước.

Theo thống kê từ báo cáo tài chính của 20 ngân hàng của người viết, tổng số dư nợ xấu của các ngân hàng (nợ từ nhóm 3 đến nhóm 5) vào cuối năm 2018 là 70.297 tỉ đồng, tăng 9,8% so với năm trước. Hay tương đương với tăng hơn 6.200 tỉ đồng nợ xấu. Tuy nhiên, mức tăng của nợ xấu vẫn kém tăng trưởng cho vay khách hàng các ngân hàng (13,8%).


Nợ xấu các ngân hàng (Nguồn: Diệp Bình tổng hợp).
Trong số 20 ngân hàng có tới 15 ngân hàng tăng về nợ xấu với mức tăng từ 0,1% (Vietcombank) đến 81,8% (MSB). Những ngân hàng có mức tăng trưởng nợ xấu cao nhất phải kể đến ngoài MSB như LienVietPostBank (56,5%); VietinBank (50%); Bac A Bank (38,8%).

Ngược lại, có 5/20 ngân hàng có số dư nợ xấu giảm và giảm khá mạnh gồm: Sacombank (giảm 47,8%); Saigonbank (giảm 28,4%); ABBank (giảm 25,8%) và Eximbank (giảm 16,4%).

Xét về con số tuyệt đối, BIDV là ngân hàng dẫn đầu về nợ xấu với gần 16.700 tỉ đồng, cao hơn con số ước tính của Agribank khoảng 16.610 tỉ đồng (dựa trên tỉ lệ nợ xấu 1,51% và tổng dư nợ xấp xỉ 1,1 triệu tỉ đồng).

Qua bảng số liệu có thể nhận thấy, việc tăng hay giảm nợ xấu tại các ngân hàng không quá phụ thuộc vào tăng trưởng cho vay khách hàng tại ngân hàng đó. Tuy nhiên, tăng trưởng cho vay cao sẽ ảnh hưởng kéo theo nợ xấu cũng sẽ tăng.

Cụ thể, MSB có tăng trưởng tín dụng cao nhất với mức 34,7% thì nợ xấu cũng tăng ở mức cao nhất. Ở các ngân hàng có mức tăng cho vay khách hàng cao như VPBank (21,2%); VIB (20,4%); TPBank (21,7%); VietBank (23,6%) thì tăng trưởng nợ xấu cũng không ở mức thấp.

ACB đứng đầu trong TOP các ngân hàng có tỉ lệ nợ xấu thấp nhất

Cùng với sự thay đổi về con số nợ xấu, tỉ lệ nợ xấu tại các ngân hàng cũng có những thay đổi lớn. Top 3 ngân hàng có tỉ lệ nợ xấu thấp nhất (trong số 20 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính) là sự có mặt của ACB, Bac A Bank và Kienlongbank. ACB với tỉ lệ nợ xấu 0,73% mặc dù có tăng nhưng đã vượt qua Bac A Bank đang đẫn đầu các ngân hàng.

Trong số các ngân hàng khảo sát, tỉ lệ nợ xấu tại 8 ngân hàng sụt giảm (Sacombank, ABBank, Saigonbank, Eximbank, Vietcombank, PG Bank, VIB) và tăng tại 12 ngân hàng còn lại.

Tỉ lệ nợ xấu các ngân hàng (Nguồn: Diệp Bình tổng hợp).
Nợ xấu có quay trở lại trong năm 2019?

Trong năm 2019, Chính phủ đề ra nhiệm vụ quyết liệt xử lí nợ xấu cho hệ thống các ngân hàng, đưa tỉ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 2% và tỉ lệ nợ xấu và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu xuống dưới 5%.

Theo nhận định của CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), chất lượng tài sản tốt sẽ khiến cho khả năng tăng số dư nợ xấu trong năm 2019 là không lớn. Điều này thể hiện ở hai điểm gồm tỉ lệ nợ nhóm 2 chưa có dấu hiệu tăng và tỉ lệ bao phủ nợ xấu hiện tốt hơn nhiều so với giai đoạn trước. Đồng thời, các ngân hàng có nguồn lực tốt hơn từ lợi nhuận cao năm 2018 để xử lí nợ xấu.

Agribank, một ngân hàng được mệnh danh "ông vua" nợ xấu, đã xử lý được hơn 38% trái phiếu VAMC trong 6 tháng đầu năm, thu hồi được gần 12 nghìn tỉ đồng nợ đã bán và đã xử lý rủi ro, chiếm tỷ lệ 14% tổng dư nợ đã xử lí trong cả năm.

Lãnh đạo ngân hàng cho biết với tổng nguồn dự phòng xử lí rủi ro gần 20.000 tỉ đồng, Agribank có đủ khả năng mua trước hạn toàn bộ nợ đã bán cho VAMC, xử lý kịp thời các khoản nợ xấu phát sinh nếu có trong năm 2019.

Trong buổi làm việc đầu đầu xuân Kỷ Hợi 2019 với Agribank, Phó Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cho ngân hàng phải làm sạch nợ tại VAMC trong năm nay và cố gắng IPO chậm nhất vào đầu năm 2020.

BVSC nhận định rủi ro nợ xấu đã bán cho VAMC quay trở lại nội bảng là không lớn. Đã có nhiều ngân hàng xử lí hết hoặc gần hết nợ xấu tại VAMC như: Vietcombank, ACB, MBBank, Techcombank, VietinBank, VIB, Nam A Bank.

Công ty chứng khoán này cũng cho rằng đối với các ngân hàng có công ty tài chính, tỉ lệ nợ xấu cũng như nợ nhóm 2 đang đang tiếp tục giữ xu hướng tăng.

Comments

Popular posts from this blog

Học việc, thử việc tại ngân hàng: Cuộc sống muôn màu

Xin hỏi định nghĩa về thoái thu và thoái chi??