Cổ phiếu ngân hàng: cơ hội từ những cú sốc

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) vừa công bố kết quả kinh doanh quí IV/2018 lỗ 853 tỷ đồng trước thuế. Thực ra thông tin này đã được dự đoán từ đầu tháng 12/2018 khi VietinBank thay đổi các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2018.

vietinbank 6.JPG

Mặc dù vậy, kết quả lỗ của một trong “tứ trụ” ngành ngân hàng vẫn đem đến bất ngờ cho nhiều nhà đầu tư. Điều gì đã xảy ra với một ngân hàng nhiều năm liền nằm trong nhóm dẫn đầu hệ thống về lợi nhuận?

Bất ngờ lỗ, tín dụng tăng thấp
Theo số liệu trên báo cáo tài chính, lý do khiến cho lợi nhuận của VietinBank sụt mạnh trong quí 4-2018 chủ yếu là “chi phí hoạt động tín dụng khác” tăng đột biến. Còn theo giải thích của ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) VietinBank với Vneconomy tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 8/12/2018, nguyên nhân lợi nhuận sụt giảm là do việc triển khai đề án tái cơ cấu vừa được phê duyệt vào ngày 27/11/2018.

Cụ thể, ngân hàng này cho biết đang khẩn trương áp dụng các chuẩn mực Basel 2, các tiêu chuẩn phân loại nợ được nâng cao hơn, đẩy một bộ phận nợ chuyển nhóm, mà đối ứng là chi phí trích lập dự phòng tăng lên, lãi dự thu giảm đi và lợi nhuận bị ảnh hưởng. Thực tế, tổng nợ quá hạn của VietinBank tăng gần 50% trong năm 2018, tỷ lệ nợ quá hạn tăng lên mức 2,2% so với mức 1,61% cuối năm 2017, tỷ lệ nợ xấu cũng tăng lên mức 1,56% thay vì 1,13% vào cuối năm trước.

Như vậy, nguyên nhân lợi nhuận VietinBank sụt giảm đột ngột đã khá rõ: ngân hàng chuyển nhóm nợ quá hạn, đồng thời thoái thu lãi và tăng cường trích lập dự phòng cụ thể. Điểm đáng chú ý là các khoản nợ này chỉ được chuyển nhóm sau khi đề án tái cơ cấu được duyệt và các khoản lãi dự thu được thoái rất lớn (7.504 tỷ đồng), cho thấy nhiều khả năng đây là các khoản nợ đã phát sinh nhiều năm trước.

Nguyên nhân lợi nhuận VietinBank sụt giảm đột ngột đã khá rõ: ngân hàng chuyển nhóm nợ quá hạn, đồng thời thoái thu lãi và tăng cường trích lập dự phòng cụ thể.
Điểm đáng chú ý là các khoản nợ này chỉ được chuyển nhóm sau khi đề án tái cơ cấu được duyệt và các khoản lãi dự thu được thoái rất lớn (7.504 tỷ đồng), cho thấy nhiều khả năng đây là các khoản nợ đã phát sinh nhiều năm trước.

Ngoài vấn đề lợi nhuận, câu chuyện của VietinBank trong quí 4-2018 còn là tốc độ tăng trưởng tín dụng. Cụ thể, cho vay khách hàng năm 2018 chỉ tăng 9,4%, thấp hơn kế hoạch đặt ra đầu năm là 14%. Năm 2019, ngân hàng cũng chỉ đặt kế hoạch tăng trưởng tín dụng khiêm tốn ở mức 6-8%. Dường như VietinBank vẫn đang tính đến trường hợp chưa thể tăng vốn nhanh chóng trong năm 2019.

Trong số ba ngân hàng có vốn nhà nước đã cổ phần hóa, VietinBank đang là ngân hàng gặp khó khăn hơn cả trong việc tăng vốn để đáp ứng các chuẩn mực Basel 2.
Đối với vốn cấp 1, việc tăng quỹ dự phòng sẽ phần nào hỗ trợ vốn nhưng chưa đủ và việc tăng vốn điều lệ sẽ đóng vai trò chủ chốt. Tỷ lệ sở hữu nhà nước tại VietinBank đã xuống mức 64,46%, trong khi đó, theo Quyết định 58/2016/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ, trong giai đoạn 2016-2020 tỷ lệ sở hữu của Nhà Nước trong các ngân hàng không được giảm dưới 65%. Đồng thời, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại VietinBank cũng gần được lấp đầy (30%).

Hai giới hạn này khiến việc phát hành mới cổ phiếu để tăng vốn trong giai đoạn hiện nay là gần như không thể, nhất là trong điều kiện Chính phủ không có ý định phân bổ thêm ngân sách nhà nước để đầu tư vào các ngân hàng thương mại.

Dư địa tăng vốn cấp 2 cũng không còn nhiều do tỷ lệ vốn cấp 2/vốn cấp 1 của ngân hàng đã gần chạm mức trần 50%. Theo chia sẻ của ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT ngân hàng tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông bất thường nói trên, hiện dư địa vốn cấp 2 của ngân hàng chỉ còn khoảng 600-700 tỷ đồng.

Trong bối cảnh ấy, cách tăng vốn dễ nhất là chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Nhưng quyết định này ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước nên phải được sự đồng thuận của cả Ngân hàng Nhà nước lẫn Bộ Tài chính. Năm 2016, dù Ngân hàng Nhà nước đồng ý nhưng VietinBank vẫn phải chia cổ tức bằng tiền mặt do áp lực từ Bộ Tài chính. Hơn 4.000 tỷ đồng lợi nhuận còn lại của năm 2017 vẫn chưa được chia do VietinBank mong muốn được chia toàn bộ hoặc một phần bằng cổ phiếu nhưng đến nay vẫn chưa được cơ quan có thẩm quyền thông qua.

Khó khăn là cơ hội?
Quay lại câu chuyện lỗ của VietinBank trong quí 4-2018, đã có làn sóng bán cổ phiếu CTG của ngân hàng này nhưng giá cổ phiếu vẫn trụ vững ở mốc 18.000 đồng và bật tăng trở lại vùng 20.000 đồng khi thị trường hồi phục. Còn lực mua tức là thị trường vẫn còn niềm tin. Niềm tin ấy đối với cổ phiếu CTG hiện nay là có cơ sở, thậm chí đây có thể là một cơ hội đầu tư tốt.

Thứ nhất, nếu thực sự VietinBank đã chuyển toàn bộ những khoản nợ “có vấn đề” thành nợ quá hạn trong quí 4-2018 thì đây là tin tốt cho các nhà đầu tư.

Bởi lẽ VietinBank đã chấp nhận lùi lại một bước để đứng trên nền vững chãi và thực chất, còn hơn lợi nhuận cao mà nơm nớp lo sợ lợi nhuận “ảo”. Đến cuối năm 2018, các khoản lãi, phí phải thu đã giảm rất mạnh, chỉ còn chiếm 0,58% tổng tài sản (năm 2017 là 1,33%). Tỷ lệ này là bình thường so với các ngân hàng khác. Cơ cấu thu nhập hoạt động năm 2018 của VietinBank cũng chuyển dịch tích cực với thu thuần dịch vụ tăng 49,3% so với năm 2017.

Những thế mạnh về nhân lực, khách hàng, mạng lưới của VietinBank vẫn đang được cải thiện. Đó là tiền đề để ban lãnh đạo ngân hàng kỳ vọng lợi nhuận sẽ phục hồi mạnh mẽ từ năm 2019 với kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 9.500 tỷ đồng.

Còn đối với các nhà đầu tư, cú sẩy chân của VietinBank trong quí 4-2018 có thể là một cơ hội tốt để mua vào. Còn nhớ năm 2011, do những thất thoát trong hoạt động ủy thác đầu tư, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) báo lỗ 1.372 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu chỉ còn 1.673 tỷ đồng (vốn điều lệ là 3.000 tỷ đồng). Năm 2012, TPBank bắt đầu quá trình tái cơ cấu với việc phát hành thêm 255 triệu cổ phần cho nhóm cổ đông mới (tập đoàn Vàng bạc Đá quý Doji và các cổ đông liên quan). Điểm đáng chú ý là tiền thực góp thêm vốn vào ngân hàng chỉ là 6.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn đến 4.000 đồng so với mệnh giá. Sau cú vấp ngã năm 2011, lợi nhuận trước thuế của TPBank liên tục tăng trưởng và đạt 2.258 tỷ đồng trong năm 2018, ROE đạt 20,8%. Đứng ở góc độ đầu tư, giá trị sổ sách (BV) cuối năm 2018 đạt 12.424 đồng/cổ phiếu và giá giao dịch trên thị trường đạt trên 20.000 đồng/cổ phiếu cho thấy mức lãi khá lớn so với số tiền các nhà đầu tư bỏ ra hồi năm 2012.

Với vấn đề lớn hơn là câu chuyện tăng vốn và tăng trưởng tín dụng, theo chiến lược phát triển, sau năm 2020 một hoặc một số ngân hàng sẽ được lựa chọn để IPO trên thị trường quốc tế, giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước xuống mức 51%.

Theo đó, VietinBank đang đề xuất với Chính phủ để cho ngân hàng thí điểm đi trước trong việc thay đổi cơ chế sở hữu, để cổ đông ngoài nhà nước tham gia nhiều hơn. Tất nhiên, trong hoàn cảnh của VietinBank, khả năng lớn là ngân hàng này sẽ được chọn thí điểm giảm sở hữu nhà nước đầu tiên. Đi kèm với quyết định giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước, có lẽ sẽ cần một quyết định nới room sở hữu nước ngoài. Với tiềm lực của VietinBank, không quá khó để tìm nhà đầu tư nhằm phát hành tăng vốn. Đó sẽ là thời điểm các nhà đầu tư vào cổ phiếu CTG hái quả ngọt.

Theo Nhật Quyên/ Saigontimes

Comments

Popular posts from this blog

Học việc, thử việc tại ngân hàng: Cuộc sống muôn màu

Xin hỏi định nghĩa về thoái thu và thoái chi??