Khi nào có thể công khai xếp hạng ngân hàng?

Không công bố kết quả xếp hạng các tổ chức tín dụng (TCTD) tại Việt Nam có thể là bước đi thận trọng cần thiết, song cần có lộ trình công khai các thông tin này để hạn chế tình trạng bất cân xứng thông tin và góp phần củng cố niềm tin của thị trường.''

[​IMG]
Hệ thống ngân hàng cần chuẩn bị sẵn sàng trong quản trị, ứng phó rủi ro về mặt thông tin. Ảnh: Minh Dũng
Không được cung cấp kết quả cho bên thứ ba
Từ năm 2019, các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ được xếp hạng theo các tiêu chí tương ứng với thông lệ quốc tế. Có 5 mức xếp hạng: A (tốt), B (khá), C (trung bình), D (yếu), E (yếu kém) tương ứng với năng lực tính theo tổng điểm về các nội dung là: vốn (trọng số 20%), chất lượng tài sản (30%), quản trị điều hành (10%), kết quả hoạt động kinh doanh (20%), khả năng thanh khoản (15%), mức độ nhạy cảm đối với rủi ro thị trường (5%).

Quy định rất đáng chú ý tại Thông tư 52/2018/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 1/4/2019 là quản lý kết quả xếp hạng. Theo đó, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cung cấp kết quả xếp hạng cho bên thứ ba (bao gồm cả ngân hàng mẹ của chi nhánh ngân hàng nước ngoài) dưới bất kỳ hình thức nào.

Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị khác thuộc Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức, cơ quan quản lý nhà nước khác thuộc đối tượng được cung cấp kết quả xếp hạng các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định tại Khoản 4 Điều 22 thông tư này phải thực hiện lưu trữ và sử dụng kết quả xếp hạng theo quy định pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước trong ngành ngân hàng.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, kết quả xếp hạng các ngân hàng thương mại được cơ quan quản lý sử dụng trong công tác cảnh báo sớm, ngăn ngừa nguy cơ đổ vỡ của từng TCTD cũng như rủi ro lan truyền toàn hệ thống. Từ đó đưa ra các hành động về chính sách kịp thời nhằm đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, tài chính, bảo vệ tài sản và quyền lợi của người gửi tiền.

Sớm công khai để tăng niềm tin
Thị trường ngân hàng Việt Nam hiện trong giai đoạn tái cơ cấu với sự vào cuộc của cả các TCTD và cơ quan điều hành. Đây được coi là thời điểm đã bước qua giai đoạn phát triển quá nóng, song vẫn chưa đủ “chín” xét từ cả năng lực quản trị của các TCTD và kỹ năng ứng xử trước thông tin bất thường của người tiêu dùng trên thị trường. Do đó, sự e ngại công bố thông tin về xếp hạng của các ngân hàng có thể là cách mà cơ quan điều hành chọn lựa khi chưa chắc chắn về hiệu ứng của thị trường.

Chia sẻ góc nhìn về điều này, một chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng nói: “Nếu thông tin không tích cực về một ngân hàng nào đấy nằm ở cuối bảng xếp hạng được công bố, sẽ rất khó lường về phản ứng của thị trường. Đặc biệt, trong giai đoạn tái cơ cấu hiện nay, “sức khỏe” và năng lực quản trị, ứng phó rủi ro về mặt thông tin của các ngân hàng và cả hệ thống đều chưa hẳn đã vững”.

Với nhiều năm kinh nghiệm trên thị trường tài chính quốc tế, chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành cho biết, xếp hạng các ngân hàng là việc đã được các nước phát triển trên thế giới thực hiện từ nhiều năm trước và công khai thông tin cho người dân và nhà đầu tư. “Tại Mỹ, ngân hàng trung ương nước này thực hiện việc này và cập nhật thông tin cho các nhà đầu tư. Qua đó, thị trường sẽ nắm được thực trạng hoạt động của từng ngân hàng, tăng tính minh bạch trên thị trường. Điều này phù hợp với xu hướng phát triển của lĩnh vực này trong thời gian tới”, ông Thành nói.

Chia sẻ góc nhìn về vấn đề này, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico nêu quan điểm: “Hoạt động của các ngân hàng Việt Nam đã có bước cải thiện đáng kể trong thời gian vừa qua xét cả về việc tăng quy mô, công nghệ và năng lực quản trị. Do đó, dù có thể e ngại về việc công bố thông tin nhưng cũng cần sớm có lộ trình công khai hoặc cảnh báo về các trường hợp có thể rủi ro. Các ngân hàng phải sẵn sàng chấp nhận tham gia cuộc chơi với một bảng “sức khỏe” được xếp hạng rõ ràng”. Có như vậy mới tạo sức ép để các ngân hàng nâng cao tiềm lực tài chính, cải thiện năng lực quản trị, giám sát chặt chất lượng tín dụng để nâng cao định mức tín nhiệm, góp phần lành mạnh hóa hoạt động ngân hàng.

Mặt khác, từ góc độ quyền lợi về thông tin của khách hàng và cổ đông của ngân hàng, bên cạnh thông tin từ báo cáo tài chính, tin công bố trên truyền thông, việc công khai thông tin từ cơ quan chức năng sẽ là nguồn kiểm chứng đáng tin cậy và góp phần hạn chế tình trạng bất cân xứng thông tin trên thị trường.

Comments

Popular posts from this blog

Học việc, thử việc tại ngân hàng: Cuộc sống muôn màu

Xin hỏi định nghĩa về thoái thu và thoái chi??