Những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao nhất hiện nay
Dù tỷ lệ
nợ xấu toàn ngành ngân hàng giảm mạnh nhưng ở một số ngân hàng quy mô
vừa và nhỏ, con số này đã tăng nhẹ trở lại trong năm 2018, cá biệt một
số ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu vượt quy định 3%.
Các ngân hàng ở Việt Nam đang có những năm tháng kinh doanh thành công rực rỡ với liên tiếp những kỷ lục lợi nhuận được tạo ra. Vietcombank bứt phát với hơn 18.000 tỷ đồng lợi nhuận, bỏ các ngân hàng còn lại trong hệ thống. Techcombank trở thành ngân hàng tư nhân đầu tiên cán mốc lợi nhuận 10.000 tỷ đồng.
Những kết quả kinh doanh khả quan trong bối cảnh hạn mức tăng trưởng tín dụng bị giới hạn cho thấy các ngân hàng ngày càng trở nên linh hoạt hơn với các hoạt động kinh doanh của mình. Thay vì chỉ tập trung vào hoạt động cho vay, ngân hàng đang chú trọng hơn vào các khoản thu nhập ngoài lãi như hoạt động dịch vụ, phí bảo hiểm hay nguồn thu từ trái phiếu doanh nghiệp.
Bên cạnh các thông tin tích cực về hoạt động kinh doanh, quá trình xử lý nợ xấu của các ngân hàng cũng có nhiều điểm sáng. Theo Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong năm 2018, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống đã giảm mạnh xuống còn 1,89%, mức thấp nhất kể từ năm 2012 đến nay.
Dù bức tranh chung khởi sắc nhưng không phải tại ngân hàng nào vấn đề nợ xấu cũng được cải thiện. Số liệu thống kê cho thấy, dù tỷ lệ nợ xấu toàn ngành giảm nhưng ở rất nhiều ngân hàng tỷ lệ nợ xấu đã tăng trong năm 2018.
Trong đó, có những ngân hàng tỷ lệ nợ xấu vượt quy định 3% của NHNN như BaoViet Bank (3,97%), VPBank (3,5%), MSB (3,01%) hoặc xấp xỉ ngưỡng an toàn như PGBank (2,96%).
Ngân hàng Bảo Việt (BaoViet Bank) hiện là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao nhất trong số các ngân hàng thương mại công bố chi tiết số liệu tài chính, vượt khá xa so với ngưỡng an toàn 3%. Tính tới thời điểm cuối năm 2018, tổng nợ xấu của ngân hàng đạt 1.022 tỷ đồng, riêng nợ có khả năng mất vốn là 721 tỷ đồng.
Trong khi đó, VPBank là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu nội bảng cao nhất trong số các ngân hàng ở nhóm có cùng quy mô tài sản trên 300 nghìn tỷ đồng dù xét riêng tại ngân hàng mẹ (2,7%) hay hợp nhất thêm nợ xấu của công ty tài chính tiêu dùng FE Credit (3,5%).
Nợ xấu của VPBank tăng nhanh sau giai đoạn ngân hàng này đẩy mạnh hoạt động cho vay tiêu dùng dưới thương hiệu FE Credit. Trên thực tế, nợ xấu của VPB đã đạt đỉnh điểm vào quý 3/2018, lên tới mức 4,7%. Ngân hàng đã phải xử lý gần 2.000 tỷ đồng nợ xấu trong quý cuối năm để giảm tỷ lệ nợ xấu. Một nguồn tin cho biết, nợ xấu tăng cao là một trong những lý do VPBank không được NHNN nới hạn mức tăng trưởng tín dụng trong năm qua.
Với MSB (tên mới của Martitime Bank), ngân hàng cũng có tỷ lệ nợ xấu hơn 2% ổn định trong vài năm trước nhưng đã bất ngờ tăng lên mức 3% trong năm 2018 với quy mô nợ có khả năng mất vốn tăng gấp đôi từ 640 tỷ đồng lên 1.242 tỷ đồng.
Với tỷ lệ nợ xấu 2,96%, PGBank sắp được sáp nhập vào HDBank, một ngân hàng đang vươn lên mạnh mẽ với tỷ lệ nợ xấu chỉ 1,53%. Thực tế, nợ xấu của ngân hàng mẹ HDBank chỉ là 0,97%, phần còn lại là kết quả hợp nhất từ công ty cho vay tiêu dùng HD Saison.
Ngoài nhóm ngân hàng trên, báo cáo kết quả kinh doanh năm 2018 của ngành cũng chỉ ra nhóm các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu trên 2% đáng chú ý như SHB (2,4%), VIB (2,52%), OCB (2,29%) hay Saigonbank (2,19%).
Trong các diễn biến tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo của các ngân hàng trong các năm qua, Sacombank là trường hợp đáng chú ý nhất với việc đưa tỷ lệ nợ xấu từ 6,9% năm 2016 về 2,11% năm 2018. Quá trình giảm tỷ lệ nợ xấu của Sacombank đến từ cả hai xu hướng, giảm giá trị nợ xấu và tăng quy mô tín dụng. Cụ thể quy mô nợ xấu của Sacombank đã giảm từ mức gần 20.000 tỷ đồng năm 2016 xuống mức hơn 5.000 tỷ đồng vào cuối năm 2018, trong khi dư nợ cho vay tăng thêm 28% từ 199.000 tỷ đồng lên hơn 256.000 tỷ đồng cuối năm ngoái.
Comments
Post a Comment