Big4 và giấc mơ lớn ngành ngân hàng Việt

Mục tiêu có 2-3 ngân hàng Việt lọt top 100 nhà băng lớn nhất châu Á về tổng tài sản được cho là bất khả thi nếu các ngân hàng không thể tăng vốn.

Phấn đấu đến 2025 có ít nhất có 2-3 ngân hàng thương mại nằm trong top 100 ngân hàng lớn nhất châu Á về tổng tài sản. Nội dung này nằm trong Quyết định Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến 2025, định hướng 2030 và được Ngân hàng Nhà nước nhắc tại tại hội nghị triển khai "Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến 2025, định hướng 2030 và chương trình hành động của ngân hàng" tổ chức ngày 11/4.

Theo thống kê của trang The Asian Banks, cuối năm 2018 tổng tài sản của ngân hàng đứng cuối cùng trong top 100 là 83 tỷ USD, thuộc về Bank Rakyat Indonesia. Nhóm gần cuối có ngân hàng của Nhật Bản, Đài Loan, Thái Lan...


Đồ hoạ: Liên Hương.

"Ngôi vương" trong top 100 thuộc về Industrial and Commercial Bank of China có tổng tài sản 4.009 tỷ USD. Các vị trí tiếp theo trong nhóm những ngân hàng lớn nhất về tổng tài sản thuộc về nhà băng Trung Quốc, Nhật Bản.

Nhìn về thị trường Việt Nam, thống kê tới cuối 2018 cho thấy BIDV là ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất với hơn 1,3 triệu tỷ đồng, tương đương 57 tỷ USD. Xếp thứ hai là Agribank với gần 54 tỷ USD tổng tài sản, theo số liệu vừa công bố. Hai vị trí tiếp theo thuộc về VietinBank với tổng tài sản hơn 50 tỷ USD và Vietcombank với 43 tỷ USD.

Trong nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, Sacombank, MBBank, ACB... là những cái tên đứng đầu về tổng tài sản song con số của mỗi đơn vị chưa đến 500.000 tỷ đồng. Một số ngân hàng cổ phần đang chốt room ngoại để tăng vốn nhưng câu chuyện cũng không phải dễ dàng.

Chia sẻ vớiNgười Đồng Hành, ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam, cho hay câu chuyện room ngoại của các ngân hàng cổ phần so với hiện nay là giải pháp tốt. Điều này tạo kênh huy động vốn mới, giúp tăng tỷ lệ an toàn của ngân hàng. Tuy nhiên, theo ông, sự hồ hởi của các ngân hàng nước ngoài tham gia mua cổ phần ngân hàng trong nước cũng không hào hứng như trước đây vì thông thường, họ phải tự tin có thể tham gia và tạo được sự thay đổi, họ mới đầu tư.


Các ngân hàng cuối bảng xếp hạng 100 nhà băng lớn nhất châu Á. Đồ hoạ: Liên Hương.

Nhìn cục diện hiện tại, nhiều khả năng mục tiêu 2-3 ngân hàng lọt top 100 nhà băng lớn nhất châu Á sẽ do các ngân hàng nhóm Big4 đảm nhiệm. Tuy nhiên, con đường phía trước còn rất dài trong khi thời gian không còn nhiều, nhất là trong bối cảnh hệ thống ngân hàng Việt Nam đang tiến hành siết các quy chuẩn tín dụng và nâng cao chất lượng tài sản.

Chìa khóa tăng vốn

BIDV, VietinBank - 2 ngân hàng niêm yết có tổng tài sản lớn nhất Việt Nam hiện nay đang “nỗ lực” tăng vốn để đạt chuẩn Basel II, tuy nhiên 2 năm gần đây vẫn bế tắc. Các phương án nâng vốn điều lệ phố biến có thể điểm tới là phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, phát hành riêng lẻ cho cổ đông chiến lược, phát hành cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận tích lũy…

Với phương án phát hành cho cổ đông hiện hữu, không riêng BIDV và VietinBank, những ngân hàng vốn Nhà nước chi phối khác như Vietcombank, Agribank đều khó có thể thực hiện khi cổ đông lớn nhất không tham gia. Việc này đã được ngân hàng kiến nghị liên tục trong thời gian qua, đề xuất NHNN thu xếp vốn góp vào các ngân hàng trước tình trạng hạn chót áp dụng chuẩn Basel II. Tuy nhiên, NHNN vẫn chưa có câu trả lời chắc chắn.

Mặt khác, việc tăng vốn từ nguồn lợi nhuận tích luỹ của BIDV, VietinBank từ 2 năm nay cũng không thực hiện được. Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng mới diễn ra, Chủ tịch HĐQT VietinBank Lê Đức Thọ cho biết tăng vốn là câu chuyện cấp bách của ngân hàng này. Ông đề nghị được chia cổ tức 2017-2020 bằng cổ phiếu và chỉ chia cổ tức bằng tiền mặt khi hệ số CAR được đảm bảo.


Đến cuối 2018, BIDV là ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất Việt Nam với 1,3 triệu tỷ đồng, tương đương 57 tỷ USD. Ảnh: Lê Hải.

Trong khi đó, việc tìm đối tác chiến lược của các ngân hàng để phát hành riêng lẻ không dễ. Mới đây, BIDV đã tìm được KEB Hana - một ngân hàng Hàn Quốc - để phát hành riêng lẻ 15% vốn điều lệ. Đầu năm 2019, Vietcombank cũng vừa hoàn thành phát hành riêng lẻ cho GIC Private Limited và Mizuho Bank, nâng vốn điều lệ lên 1,6 tỷ USD. Tuy nhiên, VietinBank vẫn đang loay hoay tìm hướng đi, trong khi Agribank chưa lên sàn.

Những hệ lụy của việc không thể tăng vốn trong khi các tiêu chuẩn về chất lượng tài sản được thắt chặt theo Basel II và Thông tư 41 đã bắt đầu phản ánh ngay vào hoạt động ngân hàng. Đơn cử như VietinBank, năm 2019 ngân hàng này chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khiêm tốn 6-8%, thấp hơn mức 9% của 2018.

Từ quý IV/2018, ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch VietinBank từng cho biết do chưa được NHNN phê duyệt phương án tăng vốn, dư nợ tín dụng của ngân hàng đã giảm 26.000 tỷ đồng so với quý trước đó. Việc chưa giải được bài toán Basel II khiến ngân hàng này phải thận trọng trong việc tăng trưởng tài sản, kìm hãm chỉ tiêu kinh doanh.

Mặt khác, trong khi lãi suất của nhiều nước tăng lên, lãi suất VND được duy trì ổn định, thậm chí đã có giảm ở các lĩnh vực ưu tiên. Tính đến nay, lãi suất cho vay phổ biến khoảng 6 - 9%/năm ngắn hạn và 9 - 11%/năm đối với trung hạn. Việc tăng vốn của ngân hàng vẫn là một cánh cửa hẹp nếu các ngân hàng không tìm được những giải pháp trong hoạt động kinh doanh, chưa kể mục tiêu toàn bộ ngân hàng đạt chuẩn Basel II vào 2025 cũng là một thách thức.

Comments

Popular posts from this blog

Học việc, thử việc tại ngân hàng: Cuộc sống muôn màu

Xin hỏi định nghĩa về thoái thu và thoái chi??