Toàn cảnh khối nợ xấu hàng trăm nghìn tỷ đồng của các ngân hàng ở VAMC

19 ngân hàng còn hơn 126 nghìn tỷ đồng nợ xấu tại VAMC vào cuối năm 2018. Và mới chỉ có 5 ngân hàng đã tất toán toàn bộ trái phiếu đặc biệt của VAMC.
Toàn cảnh khối nợ xấu hàng trăm nghìn tỷ đồng của các ngân hàng ở VAMC
Còn hơn 126 nghìn tỷ đồng nợ xấu ở VAMC và những gánh nặng…

Thống kê từ 24 ngân hàng đã công bố BCTC Kiểm toán cho thấy, đến cuối năm 2018, tổng lượng trái phiếu đặc biệt của VAMC mà các ngân hàng này đang nắm giữ lên tới 126,7 nghìn tỷ đồng, chỉ giảm nhẹ 0,5% so với cuối năm 2017.

Đây mới chỉ là con số thống kê được từ 24 ngân hàng, trên thực tế, con số này của cả hệ thống sẽ còn lớn hơn nhiều khi chưa kể đến 10 ngân hàng nữa, trong đó có cả những ngân hàng đã đẩy lượng nợ xấu khá lớn sang VAMC như Agribank,…

Đã có 5/24 ngân hàng xóa sạch nợ tại VAMC, bao gồm Vietcombank, MBBank, Techcombank, OCB và VIB. So với thời điểm cuối năm 2017, danh sách này có thêm sự góp mặt của OCB và VIB: cuối năm 2017, VIB còn nắm hơn 1.500 tỷ đồng, OCB nắm 317 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt VAMC.

15/24 ngân hàng có lượng trái phiếu đặc biệt của VAMC giảm so với hồi đầu năm 2018. 5 ngân hàng tiếp tục tăng thêm nợ xấu tại VAMC bao gồm Saigonbank, BaoVietBank, ABBank, VietinBank, SCB.


Tổng hợp từ BCTC Hợp nhất sau soát xét năm 2018​
Sacombank là ngân hàng có nhiều nợ xấu tại VAMC nhất, lên tới 40.233 tỷ đồng, giảm nhẹ 7,5% so với đầu năm 2018. Theo sau là SCB với dư nợ hơn 26.600 tỷ, tăng 10,6%; BIDV với hơn 14.100 tỷ, giảm mạnh 36,8%.

Đứng thứ 4 trong các NHTMCP về số nợ xấu ở VAMC là VietinBank với con số hơn 13.400 tỷ, tăng mạnh 81,6%. Đáng chú ý, ngân hàng này đã từng sạch nợ tại VAMC vào thời điểm cuối quý 2/2018. Điều đó có nghĩa, chỉ trong 6 tháng cuối năm 2018, VietinBank quay trở lại bán thêm hơn 13.400 tỷ nợ xấu sang VAMC.

Bán nợ cho VAMC là một phương thức xử lý nợ chủ yếu của các ngân hàng để được hỗ trợ trong quá trình xử lý nợ xấu, đồng thời cũng là một cách làm đẹp bảng cân đối kế toán. Tuy nhiên, bán nợ cho VAMC cũng không đồng nghĩa các ngân hàng sẽ thoát khỏi gánh nặng từ các khoản nợ xấu này.
Nợ xấu vẫn có khả năng quay lại ngân hàng nếu sau 5 năm (thời hạn của trái phiếu đặc biệt) vẫn chưa được xử lý. Hơn nữa, tuy đã bán nợ cho VAMC, các ngân hàng vẫn phải tiếp tục trích lập dự phòng với chi phí khá cao ở mức 20% đối với mệnh giá trái phiếu trong vòng 5 năm (chỉ trừ vài trường hợp đặc biệt dạng tái cơ cấu được trích lập dự phòng ở mức 10% theo thời hạn trái phiếu 10 năm).

Đua nhau mua lại nợ đã bán cho VAMC
Hiện nay có nhiều số liệu khác nhau về nợ xấu, được các cơ quan, tổ chức khác nhau công bố. Nhìn chung các số liệu công bố cho thấy tỷ lệ nợ xấu của các NHTM đã giảm khá nhiều, đó là kết quả của việc đa dạng hóa các biện pháp giải quyết nợ xấu.

Chẳng hạn, NHNN cho biết, đến cuối năm 2018, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 1,89%, giảm so với mức 2,46% cuối năm 2016 và mức 1,99% cuối năm 2017; bao gồm cả nợ tiềm ẩn thành nợ xấu và nợ bán cho VAMC thì ở mức 6,67%.

Trong một nghiên cứu, TS Trần Thế Sao, trường ĐH Mở TP.HCM cho rằng tỷ lệ nợ xấu nội bảng đang ở mức thấp song nợ xấu ngoại bảng vẫn còn cao. Trong các biện pháp giải quyết nợ xấu của các NHTM thì chủ yếu vẫn là bán nợ cho VAMC, trích lập dự phòng rủi ro đưa ra ngoại bảng,…còn số nợ xấu thu được từ bán tài sản đảm bảo, từ khách hàng chiếm tỷ trọng thấp.

Không thể phủ nhận, kể từ khi VAMC ra đời đã hỗ trợ các TCTD rất nhiều trong quá trình xử lý nợ xấu, tuy nhiên, như nhiều chuyên gia nhận định, VAMC không phải là "cây đũa thần" và các TCTD cần được chủ động hơn trong việc tự xử lý nợ của mình.

Đó cũng chính là lý do mà Nghị Quyết 42 được ban hành vào năm 2017, giúp các ngân hàng có nhiều hướng xử lý nợ xấu hơn. Và thực tế, trong 2 năm trở lại đây, các NHTM đã có xu hướng hạn chế đẩy nợ xấu sang VAMC, thay vào đó tích cực xử lý nợ xấu qua các hình thức như bán nợ, phát mại tài sản bảo đảm, sử dụng dự phòng rủi ro tín dụng,…

Tính riêng trong năm 2018, Agribank đã thu hồi nợ sau xử lý rủi ro và nợ đã bán VAMC lên tới gần 12.000 tỷ đồng, vượt kế hoạch giao tỷ lệ nợ xấu nội bảng của Agribank đã giảm xuống còn 1,51%. Còn kể từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực đến nay, Agribank thu hồi nợ xấu và nợ sau xử lý đạt 89.822 tỷ đồng, riêng trong năm 2018 đạt 66.789 tỷ đồng. Năm 2019 Chính phủ đặt mục tiêu cho Agribank là phải làm sạch nợ tại VAMC.
Đáng nói, trước đó Agribank từng là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cũng như lượng nợ xấu bán lại cho VAMC lớn nhất hệ thống.

Mới công bố kế hoạch hoạt động kinh doanh năm 2019, TPBank cũng cho biết dự kiến mua lại toàn bộ hoặc 1 phần trái phiếu VAMC trong năm nay, tùy theo số vượt kế hoạch lợi nhuận trước thuế. Và tình hình có vẻ đang ủng hộ dự định này của TPBank khi quý 1/2019 ghi nhận lợi nhuận đạt 853 tỷ đồng, tăng 66% so với cùng kỳ và đạt 26,7% kế hoạch năm.

Một lượng nợ xấu đã bán cho VAMC sẽ sớm quay về các ngân hàng trong thời gian tới, khi nhìn lại quá trình mua nợ của VAMC, cao điểm rơi vào năm 2015, theo đó lượng đáo hạn lớn sẽ tập trung vào năm 2020. Điều đáng mừng là ngành ngân hàng đang vào giai đoạn có lợi nhuận cao và tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã giảm thấp, tạo điều kiện để các nhà băng chủ động nhận về một phần hoặc toàn bộ nợ đã bán cho VAMC mà không gây nhiều xáo trộn trong kết quả kinh doanh.

Cơ quan quản lý cũng liên tục đốc thúc các ngân hàng tăng cường xử lý nợ xấu trong thời gian gần đây. Văn bản chỉ đạo mới nhất của Thống đốc NHNN yêu cầu các ngân hàng đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ đã bán cho VAMC và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ xuống dưới 3% từ nay đến năm 2020. Đây sẽ là một thách thức không nhỏ bởi tỷ lệ này hiện lên tới hơn 6%.

Trong đó, NHNN cũng yêu cầu các TCTD phối hợp với VAMC để có các biện pháp tháo gỡ khó khăn trong xử lý các khoản nợ xấu và TSĐB của các khoản nợ đã bán cho VAMC, và tiếp tục đẩy mạnh xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường.

Tin kém vui với cổ đông ngân hàng có nợ xấu bán cho VAMC
NHNN đang dự thảo Thông tư quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC để thay thế cho Thông tư 19/2013/TT-NHNN. Đáng chú ý, dự thảo lần này bổ sung thêm điểm: các TCTD bán nợ nhận trái phiếu đặc biệt không chia cổ tức bằng tiền mặt để nâng cao năng lực tài chính và tạo nguồn xử lý nợ xấu cho đến khi trái phiếu đặc biệt được thanh toán. Theo NHNN, việc bổ sung này là để đảm bảo các TCTD có khoản nợ xấu bán cho VAMC nhận trái phiếu đặc biệt tập trung nguồn lực để xử lý nợ xấu.

Nếu dự thảo này được áp dụng, tất cả các ngân hàng đang còn số dư trái phiếu đặc biệt của VAMC sẽ không được chia cổ tức bằng tiền mặt. Rõ ràng, đây là một tin không vui với các cổ đông dù 2 năm gần đây, ngành ngân hàng có tăng trưởng lợi nhuận khá cao.

Comments

Popular posts from this blog

Học việc, thử việc tại ngân hàng: Cuộc sống muôn màu

Xin hỏi định nghĩa về thoái thu và thoái chi??