Ngành Ngân hàng tăng cường phối hợp triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng, góp phần hạn chế tín dụng đen
Ngành Ngân hàng tăng cường phối hợp triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng, góp phần hạn chế tín dụng đen
09/04/2019
Ngày 9/4/2019, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
(NHNN) tổ chức cuộc họp với các tổ chức chính trị - xã hội nhằm đánh giá kết
quả phối hợp giữa ngành Ngân hàng và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc
triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng, góp phần hạn chế tín dụng đen và
triển khai định hướng phối hợp trong thời gian tới. Cuộc họp do Phó Thống đốc
NHNN Đào Minh Tú chủ trì.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú chủ trì cuộc họp
Tham dự cuộc họp có đại diện các đơn
vị, Vụ, Cục thuộc NHNN, các tổ chức tín dụng (TCTD) và các tổ chức chính trị -
xã hội: Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt
Nam, Trung ương Hội Cựu chiến binh, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản HCM, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam…
Thời gian qua, nhằm nâng cao khả năng
tiếp cận vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người
dân, đặc biệt là người nghèo/người thu nhập thấp ở khu vực nông thôn, NHNN
trong phạm vi, chức năng nhiệm vụ của mình đã ban hành nhiều chính sách, giải
pháp tích cực.
Cụ thể, NHNN đã ban hành hệ thống các
văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng
nước ngoài phù hợp với thực tiễn; ban hành Nghị định 41/2010/NĐ-CP ngày
12/4/2010, sau đó là Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 và gần đây nhất là
Nghị định 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 sửa đổi, bổ sung Nghị định số
55/2015/NĐ-CP về tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn với nhiều cơ
chế ưu đãi đột phá.
Bên cạnh đó, NHNN cũng đã triển khai
nhiều chương trình tín dụng như: Cho vay hỗ trợ lãi suất để tăng cường cơ giới
hóa và giảm tổn thất trong nông nghiệp; Cho vay khuyến khích phát triển nông
nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch; Cho vay hỗ trợ nhà ở; Cho vay
các chương trình tín dụng chính sách tại NHCSXH...
Đồng thời, NHNN cũng đã chỉ đạo các
TCTD đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục vay vốn, niêm
yết công khai và hướng dẫn đầy đủ cho người dân khi vay vốn; đa dạng các sản
phẩm tín dụng phù hợp với hoạt động sản xuất, tiêu dùng của người dân.
Với các giải pháp tích cực nêu trên,
ngành Ngân hàng cơ bản đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh
doanh, các nhu cầu đời sống chính đáng của người dân. Đến ngày 27/3/2019, dư nợ
tín dụng đối với nền kinh tế đạt 7,39 triệu tỷ đồng, tăng 2,5% so với cuối năm
2018; trong đó: dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 1,82 triệu
tỷ đồng, tăng 2% so với cuối năm 2018.
Bên cạnh đó, thời gian qua, các ngân
hàng như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank), Ngân hàng
Chính sách xã hội (NHCSXH) đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã
hội trong việc truyền thông chủ trương, chính sách và các chương trình tín dụng
chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn tại khắp các thôn, bản,
vùng, miền đất nước, trở thành kênh dẫn vốn và quản lý vốn hiệu quả, giúp người
nông dân từng bước xóa đói giảm nghèo, cải thiện cuộc sống.
Thông qua các tổ chức chính trị - xã
hội, Agribank đã cho vay qua 68.871 tổ vay vốn với tổng dư nợ đạt 122.203 tỷ
đồng; NHCSXH đã cho vay thông qua 180.967 tổ tiết kiệm và vay vốn với tổng dư
nợ 193.314 tỷ đồng, trong đó qua hội Nông dân là 56.958 tổ với dư nợ là 60.362
tỷ đồng, hội Phụ nữ là 67.944 tổ với dư nợ là 75.675 tỷ đồng, hội Cựu chiến
binh là 31.292 tổ với dư nợ là 31.466 tỷ đồng, Đoàn Thanh niên cộng sản HCM là
24.773 tổ với dư nợ là 25.811 tỷ đồng.
Việc TCTD thực hiện cho vay thông qua
các tổ vay vốn, tổ tiết kiệm – vay vốn do các tổ chức chính trị - xã hội quản
lý đã giúp tiết kiệm chi phí của TCTD trong quản lý vốn vay, tạo điều kiện để
khách hàng được giảm lãi vay, hỗ trợ TCTD trong công tác thẩm định, đánh giá
khách hàng cũng như trong việc đôn đốc, thu hồi nợ vay, đặc biệt là tại những
địa bàn dân cư phân bố không tập trung, điều kiện giao thông khó khăn, phương
tiện liên lạc còn hạn chế. Đồng thời, tạo điều kiện cho người dân được vay
không có tài sản bảo đảm để sản xuất - kinh doanh, tiêu dùng nhằm nâng cao thu
nhập, cải thiện đời sống.
Ngoài ra, các tổ chức chính trị - xã
hội có thể tập hợp, khuyến khích người dân tham gia sản xuất, tăng cường ý thức
trả nợ ngân hàng, nâng cao chất lượng tín dụng, tạo sự gắn kết giữa ngân hàng,
chính quyền địa phương, Hội Đoàn thể và người vay.
Trong thời gian tới, ngành Ngân hàng
sẽ tiếp tục phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội triển khai quyết liệt
các giải pháp để đẩy mạnh đầu tư tín dụng có hiệu quả phục vụ sản xuất nông
nghiệp của người dân trên địa bàn nông thôn, đẩy mạnh cho vay phục vụ nhu cầu
đời sống, tiêu dùng chính đáng của người dân, góp phần giảm nạn tín dụng đen.
Sử dụng các hình thức truyền thông
phong phú, đa dạng để tuyên truyền cho người dân hiểu rõ về nguy cơ, tác hại
của tín dụng đen, giới thiệu các kênh cung ứng vốn tín dụng chính thức, các sản
phẩm, dịch vụ ngân hàng để người dân tiếp cận với các dịch vụ tài chính lành
mạnh, đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh, tiêu dùng, góp phần
hạn chế và đẩy lùi tín dụng đen.
NH
Ảnh: MT
Comments
Post a Comment