Ngành Ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản phẩm chủ lực của TP. Hồ Chí Minh

Ngành Ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản phẩm chủ lực của TP. Hồ Chí Minh

18/04/2019

Tiếp nối thành công của Hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp vừa tổ chức tại Hà Nội, ngày 18/4/2019, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội nghị kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh do Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cùng đồng chí Lê Thanh Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Chí Minh đồng chủ trì. Hội nghị được tổ chức nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về nguồn vốn, tập trung vốn vào sản xuất - kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của từng địa phương.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại Hội nghị
Hội nghị có sự tham dự của Đại diện Lãnh đạo Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố; Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố; Chi nhánh NHNN TP. Hồ Chí Minh; đại diện Lãnh đạo các đơn vị thuộc NHNN; các Sở, ngành chức năng của Thành phố; Lãnh đạo một số NHTM; Đại diện Lãnh đạo Hiệp Hội DNNVV TP. Hồ Chí Minh, Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố; Hiệp hội doanh nghiệp trẻ Việt Nam và nhiều DN đại diện các ngành nghề.
Sự kiện nằm trong chuỗi Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp do NHNN tổ chức tại Hà Nội, TP. HCM và Đà Nẵng với sự kết hợp của UBND thành phố nơi diễn ra Hội nghị. Nhằm triển khai Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, NHNN đã xây dựng các Chương trình hành động của ngành, triển khai quyết liệt nhiều giải pháp góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia tạo thuận lợi cho phát triển doanh nghiệp. Trong đó, từ năm 2014, NHNN đã phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố triển khai rộng rãi trên toàn quốc Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp. Ngành Ngân hàng đã tổ chức nhiều buổi gặp gỡ doanh nghiệp để lắng nghe phản ánh của các doanh nhân để cùng các Sở, ngành, chính quyền các cấp tháo gỡ cho doanh nghiệp những khó khăn, vướng mắc trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương. Với những nỗ lực của cả hệ thống ngân hàng, dư nợ tín dụng nền kinh tế cuối năm 2018 tăng gần 14%, trong 3 tháng đầu năm 2019 tiếp tục tăng khoảng 2,8% so với cuối năm 2018.
Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương triển khai tích cực các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt đi đầu trong cả nước về triển khai có hiệu quả Chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp. Các hình thức kết nối được tổ chức phong phú, đa dạng như: ký kết cho vay theo chuyên đề (nông nghiệp nông thôn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...) giữa ngân hàng và doanh nghiệp trên địa bàn; tổ chức kết nối do UBND các quận/huyện chủ trì phối hợp với NHNN chi nhánh thành phố, các TCTD và các đơn vị, tổ chức khác trên địa bàn; các TCTD chủ động xây dựng và đăng ký triển khai các Gói tín dụng cho vay đối với khách hàng là cá nhân, tổ chức trên địa bàn với lãi suất ưu đãi.
Kết quả là, trong năm 2018, các TCTD trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã cho vay theo Chương trình được 10.593 khách hàng với số tiền 285.544 tỷ đồng; trong đó giải ngân cho vay theo Gói tín dụng ưu đãi lãi suất là 269.493 tỷ đồng cho 10.092 khách hàng với lãi suất cho vay ngắn hạn không quá 6,5%/năm, trung dài hạn xoay quanh 9%/năm.
Kết quả triển khai Chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp đã góp phần giúp TP. Hồ Chí Minh đạt tốc độ tăng trưởng tín dụng cuối năm 2018 là 14,69%, dư nợ cho vay DNNVV đạt 346.248 tỷ đồng, từ đó góp phần vào tăng trưởng kinh tế của Thành phố đạt 8,3%.
Các kết quả trên đã cho thấy những cố gắng của ngành Ngân hàng, các doanh nghiệp trong thời gian qua, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của kinh tế TP. Hồ Chí Minh, cũng như hiệu quả của Chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp.
image
Quang cảnh Hội nghị
Để nâng cao hiệu quả của các chương trình tín dụng đặc thù nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn và đáp ứng nhu cầu vốn vay cho sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, thời gian tới, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt góp phần kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các DN; tiếp tục triển khai quyết liệt các nhiệm vụ và giải pháp tại Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo Nghị quyết 19, Nghị quyết 35, và Nghị quyết 02 của Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi cho DN tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.
Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ TCTD mở rộng tín dụng có hiệu quả, chú trọng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên; đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; thường xuyên phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp; chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh triển khai các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN; tiếp tục rà soát, cải tiến quy trình cho vay, thủ tục vay vốn, rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ ngân hàng.
Ngoài ra, NHNN còn tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương trong xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách và triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng đối với ngành, lĩnh vực, tín dụng chính sách theo chủ trương của Chính phủ; hoàn thiện và triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ DNNVV, đặc biệt là chính sách về bảo lãnh tín dụng cho DNNVV vay vốn TCTD, hỗ trợ vốn thông qua Quỹ phát triển DNNVV.
Thoa Lê



Ngân hàng không được tăng lãi suất vay từ nay đến cuối năm

Các ngân hàng thương mại phải nỗ lực tiết giảm chi phí, phấn đấu giảm hoặc ổn định chứ không có chuyện tăng lãi suất vay từ nay đến cuối năm. Đây là chủ trương nhất quán của Ngân hàng Nhà nước nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, tăng trưởng kinh tế.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú khẳng định như trên tại Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, do NHNN và UBND TP. Hồ Chí Minh tổ chức ngày 18/4.

Hội nghị kết nối nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) về nguồn vốn, tập trung vốn vào sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của từng địa phương.

Thời gian qua, NHNN xác định DN nhỏ và vừa là một trong 5 lĩnh vực ưu tiên, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung vốn cho vay, quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với lĩnh vực này thấp hơn từ 1% - 1,5%/năm so với các lĩnh vực thông thường khác. NHNN cũng triển khai các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù hỗ trợ DN tiếp cận vốn trong một số ngành, lĩnh vực; hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng theo hướng tăng cường thẩm quyền quyết định và chịu trách nhiệm trong việc cho vay đối với DN, người dân…

Tuy nhiên, một số DN lĩnh vực nông nghiệp phản ánh vẫn khó vay vốn. Ông Từ Minh Thiện, Phó trưởng ban, Ban quản lý Khu nông nghiệp Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh, cho biết dù chính sách hỗ trợ nông nghiệp của trung ương và thành phố đã có nhưng lĩnh vực này vẫn còn một số hạn chế trong tiếp cận vốn. Cụ thể, tiềm lực của các DN nhỏ và vừa mới dừng ở đầu tư từng phần, nhỏ lẻ trong khi để được hưởng ưu đãi về lãi suất thường chỉ áp dụng đối với những dự án đầu tư đổi mới công nghệ cao, quy mô lớn…

"Nhiều DN vướng nợ xấu do lãi suất cao những năm trước, giờ trở thành yếu tố gây cản trở họ tiếp cận các chương trình hỗ trợ bởi chưa có biện pháp tháo gỡ. Một số chủ đầu tư còn e ngại khi vay vốn thực hiện dự án đầu tư vì rủi ro cao và trách nhiệm về áp lực trả nợ vay" - ông Từ Minh Thiện nói.

Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, Chủ nhiệm câu lạc bộ DN Tam nông của TP. Hồ Chí Minh, cho rằng có nhiều khó khăn khi DN nông nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng. Lĩnh vực khác có thể thu hồi vốn nhanh nhưng nông nghiệp bỏ một đồng trong 1-2 năm chưa chắc đã lấy lại được vốn. Tài sản thế chấp thường là đất nông nghiệp được định giá thấp, cho vay khoảng 50% sau khi thẩm định giá… nên mong nhà nước có chính sách hỗ trợ DN trong lĩnh vực này.

"Chúng tôi trữ mật ong cả năm để bán ở thị trường trong nước và xuất khẩu nên cần nguồn vốn ngân hàng để tạm trữ hàng. Nếu không được vay vốn hoặc không được giải ngân đều đặn, DN buộc phải xuất khẩu toàn bộ hàng tạm trữ để có vốn duy trì hoạt động kinh doanh. Do đó, DN cần chính sách cho vay ổn định từ NH" – ông Vũ chia sẻ.

Trả lời ý kiến của DN, Phó thống đốc Đào Minh Tú khẳng định không "bỏ quên, bỏ rơi" lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn mà đây là một trong 5 lĩnh vực ưu tiên cần tập trung vốn. Hiện quy định cho vay ngắn hạn lĩnh vực nông nghiệp nông thôn lãi suất tối đa không quá 6,5%/năm và các ngân hàng thương mại cần áp dụng đúng quy định. Vốn ngân hàng sẽ tập trung vào sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên và NHNN khẳng định không thiếu vốn.

"NHNN sẽ tiếp tục yêu cầu NH thương mại cải cách thủ tục hành chính từ hồ sơ, thủ tục nhanh chóng thuận lợi cho khách hàng, DN và vẫn bảo đảm yêu cầu an toàn, không để mất vốn. Các loại phí, lãi suất, thời gian xét duyệt hồ sơ cần công khai để DN biết và chia sẻ" – ông Tú nói.

Hỗ trợ tối đa để doanh nghiệp tiếp cận vốn
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm cho biết TP tiếp thu và ghi nhận mọi ý kiến đóng góp của DN, đơn vị liên quan. Những khó khăn giải quyết được ngay liên quan đến vay vốn kích cầu, cấp giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp và nông nghiệp chủ lực, Phó chủ tịch Thành phố đã giao cho Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc trực tiếp với DN để hỗ trợ, xử lý.


Comments

Popular posts from this blog

Xin hỏi định nghĩa về thoái thu và thoái chi??

Dề Thi Vietinbank - 10 dề (cập nhật 2020)

Học việc, thử việc tại ngân hàng: Cuộc sống muôn màu